Trung Hoa trong thời kỳ “Tịnh Khang chi nạn” (thời khó khăn của vua Khâm Tông), Lý Đường bị áp giải tới phương Bắc, nghe nói Cao Tông ở Lâm An (nay là Hàng Châu) lên ngôi, ông nghĩ cách trốn về phương Nam, chịu đựng đủ loại thống khổ. Có lẽ vì ông đã từng vượt qua giai đoạn khó khăn này, nên hết sức thấu hiểu nỗi thống khổ thấu xương thấu thịt, thế nên Lý Đường mới chọn câu chuyện cổ của Bá Di, Thúc Tề để vẽ tranh, hy vọng người dân Bắc Tống lúc bấy giờ có thể lấy đó để làm gương.
Từ bài thơ “Thải vi ca” – tác phẩm của Bá Di, Thúc Tề trước khi qua đời:
Đăng bỉ Tây sơn hề, thải kỳ vi hĩ!
Dĩ bạo dịch bạo hề, bất tri kỳ phi hĩ!
Thần Nông Ngu Hạ hốt yên một hề, ngã an thích quy hĩ?
Vu ta tồ hề, mệnh chi suy hĩ!
Dịch nghĩa:
Leo núi Tây Sơn kia nào, hái rau vi, rau dại ăn vậy!
Lấy bạo lực thay thế bạo lực, không biết thế là sai ư!
Thần Nông đến Ngu Thuấn đến nhà Hạ bỗng nay mất rồi, ta đi đâu về đâu đây?
Than ôi, đi thôi, mệnh đã suy rồi!
Tới tranh “Thải vi đồ” – kiệt tác thời Nam Tống
Một vài người khi nhìn vào bức họa “Thải vi đồ” có thể sẽ cho rằng đây là một tác phẩm lãng mạn trữ tình, thực ra không phải. Tác phẩm này dựa trên câu chuyện “Bất thực Chu Túc” (không ăn thóc nhà Chu) của Bá Di, Thúc Tề vào cuối triều đại nhà Thương, do họa gia Lý Đường, thời Nam Tống thực hiện. Bức họa này là một tác phẩm nổi bật nhất của họa gia Lý Đường, cũng là một trong những bức tranh nổi tiếng của triều đại Nam Tống.
Đôi nét về họa gia Lý Đường
Lý Đường (1085 – 1165), tự là Hi Cổ, là người Hà Dương, Tam Thành (nay là Mạnh Huyền, Hà Nam). Lý Đường từng cùng với Lưu Tùng Niên, Mã Viễn, Hạ Khuê Vi hợp thành “Nam Tống tứ đại họa đàm”(4 đại dạnh hội họa của Nam Tống). Ông từ nhỏ đã là người thông minh, hiếu học, thơ văn, thư pháp, hội họa không gì không tinh thông. Trong thời kỳ Tống Huy Tông (1114), ông được tuyển chọn vào Họa viện cung đình nhờ giành được giải nhất trong kỳ thi vào Học viện cung đình với một bức họa sơn thủy trong suốt tuyệt đẹp.
Trong thời kỳ “Tĩnh Khang chi nạn” (thời kì nước mất, diệt quốc của vua Khâm Tông), Lý Đường bị áp giải tới phương Bắc, nghe nói Cao Tông ở Lâm An (nay là Hàng Châu) lên ngôi, ông trốn về phương Nam, chịu đựng đủ những thống khổ. Có lẽ vì Lý Đường đã từng vượt qua giai đoạn khó khăn này, nên hết sức thấu hiểu thế nào là nỗi thống khổ thấu xương thấu thịt của cuộc sống lưu rừng lạc núi, thế nên ông mới lựa chọn câu chuyện cổ của Bá Di, Thúc Tề để vẽ nên một bức tranh, hy vọng người dân Bắc Tống thời bấy giờ có thể lấy đó để làm gương.
Sau khi Lý Đường tới Lâm An, ông lấy việc vẽ tranh để kiếm sống qua ngày, trong thời khắc “cùng đồ mạt lộ” (không còn lối thoát nào, đã đến bước đường cùng), ông đã làm một bài thơ mà than rằng:
“Vân lý yên thôn vũ lý than,
khán chi như dịch tác chi nan.
Tảo tri bất nhập thì nhân nhãn,
đa mãi yên chi họa mẫu đan.“
Dịch nghĩa:
Mây khói vấn vương ngoài thôn trang cùng bãi sông sau cơn mưa lớn, sơn thôn lúc ẩn lúc hiện, thác nước chảy xiết
Thưởng thức cảnh đẹp trong tranh thật dễ dàng, ai biết lúc vẽ có bao nhiêu khó khăn
Sớm biết người lúc ấy coi thường cảnh đẹp như vậy,
Thì đã mua thêm phấn vẽ mẫu đơn diễm lệ.
Năm Thiệu Hưng thứ 12 (1142), ông được đề cử bởi Vi Uyên – cậu của Tống Cao Tông vào cung đảm nhiệm chức Thanh Trung Lang, còn ban cho vòng vàng. Tống Cao Tông đặc biệt yêu thích hội họa của Lý Đường, sau khi xem cuộn “Trường hạ giang tự đồ”, Cao Tông nói rằng có thể đem cuộn tranh này tới so sánh với những bức họa của danh gia Lý Tư Huấn. Có lẽ tinh thần mạnh mẽ trong tranh của ông đã khiến nó trở thành cột trụ vững vàng không bị mưa gió lay động trong hoàng thất thời Thiệu Hưng – Tống Cao Tông.
Sự tích Bá Di, Thúc Tề
Trong “Sử ký – Bá Di liệt truyện” có ghi lại sự tích về Bá Di và Thúc Tề. Bá Di và Thúc Tề hai anh em con vua nước Cô Trúc – chư hầu nhà Thương, quân vương Cô Trúc muốn lập người con thứ ba của mình là Thúc Tề lên thừa kế. Sau khi quân vương chết, Thúc Tề không chịu kế vị mà muốn đem ngôi nhường cho Bá Di; Bá Di cũng không chấp nhận. Bá Di nói: “Lệnh cha không thể làm trái“, cuối cùng Bá Di lui về ở ẩn. Thúc Tề bấy giờ vẫn quyết không nguyện ý kế vị; ông cũng rời bỏ hoàng cung mà ra đi. Vì thế mà người trong nước đã lập Á Bằng (người con thứ hai) lên ngôi vua.
Bá Di, Thúc Tề nghe nói Tây Bá Cơ Xương (Chu Văn Chương) là người kính trọng hiền sĩ, hai anh em liền tới nhờ cậy Chu Văn Chương.
Sau đó Chu Văn Chương qua đời, con trai ông là Cơ Phát (tức Chu Vũ Vương) ra binh chinh phạt Trụ vương. Bá Di và Thúc Tề nghe tin, vội vã tới ngăn chặn binh mã của Chu Vũ Vương, can rằng: “Thần tử chinh phạt quân vương liệu xứng sao?” người hầu của Vũ Vương liền ra bắt họ; May mà có Khương Thái Công kịp thời ra can, nói: “Hai người này là nghĩa sĩ!“; ông ra đỡ họ ra cửa và để họ rời đi.
Sau khi Chu Vũ Vương chinh phạt thành công, Bá Di và Thúc Tề cảm thấy nhục nhã, nên quyết không ăn bất kỳ lương thực nào trên đất nhà Chu nữa. Hai người đến ẩn cư trong núi Thủ Dương. Ngày ngày họ chỉ hái cây tử vi ăn lót dạ, cuối cùng hai người cùng chết ở trong núi. Trước khi chết, họ có làm bài thơ “Thải vi ca”. Sau này Tư Mã Thiên đem “Bá Di liệt truyện” liệt vào câu chuyện đứng đầu của sử ký.
Chí tiết khanh thương, hữu thanh xuất quyên tố (Chí nguyện vang xa, có âm thanh xuất ra như lụa trắng)
“Thải vì đồ” của Lý Đường chủ yếu muốn khắc họa hai nhân vật thà chết cũng không chịu mất khí tiết. Bức họa mô tả Bá Di, Thúc Tề ngồi đối diện nhau trên một tảng đá lớn cạnh mép một vách đá cao. Bá Di dựa lưng vào cây tùng, hai tay ôm đầu gối, ánh mắt lấp lánh nhưng lại mang cảm giác tâm tư xa vời vợi, ôn hòa, kiên định; Thúc Tề có tư thế nghiêng về phía trước, tay phải chống đất, tay trái giơ lên, điệu bộ như đang cùng Bá Di nói điều gì, thần khí thanh đạm, nhã nhặn.
Trong bức họa, khuôn mặt của Bá Di và Thúc Tề tương đối gầy gò, bởi cả ngày chỉ ở ngoài trời, lại chỉ lót dạ bằng rau củ cỏ dại, thể xác họ chắc hẳn phải trải qua sự hành hạ khốn khổ, nhưng tinh thần thì luôn kiên trinh vững chắc như tùng như đá. Họa gia mô tả thần thái của Bá Di cùng Thúc Tề rất phù hợp với hoàn cảnh và cũng rất truyền thần.
Bên cạnh hai người là một giỏ tử vi nhỏ cùng với công cụ để thu hái, đã chỉ ra được tình huống chủ đề của bức họa này. Hai người vừa hái tử vi, bỏ giỏ xuống và để công cụ sang một phía, ngồi xuống đất với tư thế đối diện nhau, thần thái tự nhiên, nhàn tản không hề giả bộ. Họ ở giữa đá và cây tùng, tùy hứng mà tán gẫu, ung dung mà lại có chút nghiêm túc, có lẽ trong lòng còn mang nặng nỗi đau “mất nước”. Giọng nói của hai người lúc đó chắc hẳn rất có khí phách, lời nói ra hẳn phải tựa như lụa là gấm vóc.
Kỹ xảo bút mực bất phàm
Vốn Bá Di và Thúc Tề là trung tâm của bức tranh, vì thế mà tiêu điểm hội họa một cách tự nhiên sẽ được tập trung trên thân của hai nhân vật. Trong đó, điều đáng giá nhất để xem xét chính là những đường nét cong trên y phục của họ, Lý Đường tại đây đã hết sức tận dụng biểu hiện đó để làm nổi bật lên tâm trạng của hai người.
Có một vài đường cong khi bắt đầu chấm bút, chỗ thu bút cũng làm hẹp dài, tương tự cách vẽ lá liễu. Một đầu bút thô, một đầu bút nhỏ, một đầu bút cực nhỏ đều được sử dụng để khắc họa các nếp gấp trên y phục.
Có thể nhìn thấy đường cong dưới ngực của Bá Di, dễ dàng khiến người ta liên tưởng đến một nội tâm mang chí nguyện to lớn. Đặc biệt là động tác ôm đầu gối tinh tế, các nếp nhăn trên áo tựa như búa chặt, dao cắt, mức độ sắc nét như muốn rách vải lụa. Từ điều này, chúng ta có thể nhận ra ở ông một ý chí và lực nhẫn nại không thể khuất phục.
Từ góc độ quan sát của người xem tranh, chúng ta có thể nhìn thấy các đường nét cong trên người Thúc Tề chủ yếu là phần lưng và tay áo bên phải.
Nhân vật trong bức họa vẫn giữ được vẻ bề ngoài thanh nhã tuấn tú, gương mặt và chân tay đều được vẽ tỉ mỉ mượt mà, nhưng không dùng đường nét cong hay màu sắc để miêu tả. Đối với bộ râu và tóc, cũng đã được hoa gia miêu tả tỉ mỉ theo từng tầng, thể hiện khí chất cao quý mặc dù ông đang ở ẩn trong vùng rừng núi hoang vắng.
Lý Đường sử dụng một bút pháp đặc thù để làm nổi bật nhân vật cùng với trạng thái tinh thần và tính cách của họ. Dưới ngòi bút này, Bá Di và Thúc Tề đã thể hiện được cá tính góc cạnh và khí tiết kiên định xuất thần thường ngày của mình.
Bối cảnh tùng thạch thể hiện rõ chí nguyện
Cận kề bên Bá Di và Thúc Tề xuất hiện vài gốc cây, diện mạo của chúng trông có vẻ bướng bỉnh và có tư thế nghiêng, thể hiện một sinh mệnh bất khuất dù đã trải qua vô vàn trận sương tuyết; đặc biệt là hai bụi cây tùng phía sau lưng Bá Di, cùng những dây leo của cây mạn đằng lượn quanh dọc theo thân cây, hướng lên phía cành lá, tạo nên bối cảnh như một bức bình phong tuyệt mỹ. Xa xa là những thân cây đứng thẳng với mặt núi cao chót vót, Lý Đường đã đan xen vật thể xa gần, càng tạo cho bức bình phong thêm ý nghĩa che chở cho hai nhân vật. Cây tùng với tính chất mạnh mẽ, núi đá lớn với tính chất kiên trinh, đều phù hợp với chí nguyện vững chãi của Bá Di và Thúc Tề.
Ta thấy rằng thức ăn của hai nhân vật chính trong bức tranh chỉ là một giỏ tử vi bé nhỏ, đối lập với sự to lớn của cây tùng, tảng thạch; có thể thấy được ẩn ý: thức ăn đối với Bá Di và Thúc Tề chỉ là chuyện nhỏ nhặt không đáng kể. Đồ vật nho nhỏ này trên thực tế đã tạo lên một đối cảnh, so sánh với bức bình phong tự nhiên khổng lồ đằng sau, từ đó khiến người xem cảm nhận được một khí vận xuyên suốt, cùng một cảm giác không gian trải dài tới mênh mông vô tận.
Theo epochtimes.com
Uyển Vân biên dịch