Tọa lạc ở quận 5, quận có tuổi đời lâu nhất Paris, Val de Grâce là một trong những nhà thờ nổi tiếng và có phong cách kiến trúc Baroque đẹp nhất Paris với những đường cong tuyệt đẹp, thiết kế bên trong tráng lệ, tinh mỹ. Kiến trúc mái vòm của nhà thờ được coi là một trong những biểu tượng của thành phố hoa lệ Paris.

Nhà thờ Val de Grâce được khởi công xây dựng vào năm 1621 bởi kiến trúc sư tài năng François Mansart (1598-1666) theo mong muốn của Hoàng Hậu Anne, vợ của vua Louis XIII, như một lời cảm tạ gửi đến Chúa khi con trai bà là hoàng tử Louis XIV chào đời. Nhà thờ được hoàn thành vào năm 1667 và được coi là chuẩn mực của phong cách kiến trúc đậm chất tôn giáo hàng đầu vào thế kỷ XVII.

Kiến trúc bên trong nhà thờ (Ảnh: Wikipedia)

Đến thời kỳ Cách mạng Pháp, theo pháp lệnh ngày 31/07/1793, nhà thờ Val de Grâce được giữ lại và chuyển thành Trường thực hành Quân y Val-de-Grâce (EASSA) và Bệnh viện Quân y Val de Grâce. Sau này chuyển thành Bảo tàng Quân y và Thư viên quân đội.

Sân trong nhà thờ Val de Grâce (Ảnh: ecole val de Grâce)

Lịch sử quá trình xây dựng đầy thăng trầm 

Khởi nguồn từ cải cách tôn giáo của Martin Luther đã làm thay đổi hình thức tôn giáo lúc bấy giờ ở châu Âu, chia thành đạo Thiên Chúa và đạo Tin Lành. Nhưng sau này, càng ngày xung đột đột giữa hai bên càng trở nên trầm trọng, cuối cùng đã đẩy toàn châu Âu vào cuộc chiến tranh tôn giáo, kéo dài từ 1618 đến 1648, gọi là “Chiến tranh Ba mươi năm”.

Cổng sau nhà thờ ( Ảnh: Wikipedia)

Là con chiên hết lòng tôn sùng đạo Thiên Chúa, hoàng hậu Anne phản đối các cải cách về đạo Tin Lành thời kỳ này. Bà thường xuyên đến thăm các tu viện dành cho các sơ ở Paris và các vùng lân cận. Năm 1621, bà bắt đầu kế hoạch xây dựng tu viện Val de Grâce.

Những thiên thần trên mái vòm, biểu tượng của nhà thờ (Ảnh: Wikipedia)

Đến ngày 7 tháng 3 năm 1624, tu viện chính thức được xây dựng, và tọa lạc tại vùng đất do hoàng tộc quyên, khu đất của gia tộc Bourbon. Điểm nổi bật của tu viện này, chính là giới luật hết sức nghiêm khắc, cùng với kiến trúc mang phong cách cổ điển.

Trong “Cuộc chiến tranh Ba mươi năm”, gia tộc Habsburg đã dành thắng lợi, đẩy nước Pháp vào hoàn cảnh rất khó khăn, Pháp cũng bắt đầu quay sang ủng hộ đạo Tin lành, điều đó cũng khiến tình cảnh của hoàng hậu càng trở nên khốn đốn, bởi bà vừa là con chiên đạo Thiên Chúa cũng và là thành viên gia tộc Habsburg.

Do đó, bà thường xuyên đến tu viện đang được xây dựng để cầu khẩn Đức Mẹ ban cho bà một đứa con. Ở đó, bà cũng thường xuyên thư từ qua lại với những người bạn đã bị vua Louis XIII và triều đình trục xuất. Sau khi bị vua Louis XIII phát hiện, đã cấm bà được phép đến tu viện Val de Grâce nữa.

Nhưng chỉ vài tháng sau, hoàng hậu Anne khi đã 37 tuổi đã hoài thai, vào ngày 5 tháng 9 năm 1638, bà đã hạ sinh người kế vị, thái tử Louis Dieudonné, cũng chính là vua Louis XIV sau này.

Nhà thờ Val de Grâce hung vĩ tráng lệ (Ảnh: Wikipedia)

Sau đó đã phát sinh 2 sự kiện làm thay đổi cuộc đời hoàng hậu cũng như tòa tu viện dang dở của bà. Đầu tiên, vào ngày 4 tháng 12 năm 1642, Đức Hồng y Richelieu qua đời, Mazarin (1602-1661, người Ý) được chỉ định lên thay thành Thủ tướng và Hồng y giáo chủ mới. Sau đó, vào ngày 14 tháng 5 năm 1643, vua Louis XIII băng hà, thời điểm đó, hoàng tử Louis Dieudonné mới chỉ 5 tuổi, hoàng hậu Anne đã buộc phải buông rèm nhiếp chính cùng con trai.

Bởi vậy, mãi đến tận lúc này, hoàng hậu Anne mới có đủ điều kiện để tiếp tục lời hứa đang dang dở của mình, xây nốt tu viện Val de Grâce để “dâng lên Chúa”.

Kiến trúc nhà thờ Val de Grâce mang phong cách cổ điển

Mái vòm nhà thờ Val de Grâce (Ảnh: Read01)

Nhà thờ có kết cấu giống như một nơi trưng binh (kêu gọi thanh niên đi lính), mái vòm được thiết kế theo phong cách Baroque với đỉnh cao chót vót, mà người ta có thể quan sát thấy rõ từ quảng trường trước nhà thờ.

Tòa nhà chính cao 2 tầng, bên ngoài cửa thiết kế thêm 4 cặp cột chống với hoa văn uốn ngược mang đậm phong cách Baroque, thể hiện rõ sự đổi mới kiến trúc nhà thờ hồi thế kỷ XVII.

Phía trên 2 cặp cột ngoài hiên đang chống đỡ mái ô văng, được khắc dòng chữ “IESU NASCENTI VIRGINIQ MATRI”, mang ý nghĩa “Tòa nhà này xin hiến dâng lên cho Chúa và Đức Mẹ”, thể hiện lời cảm tạ của hoàng hậu Anne lên trời cao vì đã ban cho bà một đứa con.

Bên trong nhà thờ thiết kế đầy tinh xảo, hào nhoáng (Ảnh: Wikipedia)

Phía trên đàn thờ có 18 bức điêu khắc rất tinh xảo do Michel Anguier (1612-1686) hoàn thành từ 1665-1667, đặc biệt là 3 bức điêu trước đàn thờ, hình Chúa Giê-su vừa giang sinh cùng với thái độ thành kính của Đức Mẹ Maria và Thánh Joseph ở bên cạnh do anh trai François Anguier (1604-1669) thiết kế.

3 bức điêu khắc ngày Chúa giáng sinh, bên cạnh Đức Mẹ và Thánh Joseph (Ảnh: Wikipedia)

Bên trong nhà thờ, mái vòm được trang trí bằng bức tranh khổng lồ của Pierre Mignard vào năm 1663, mang tên “Vinh quang của những người phúc đức” cùng với đàn thờ thiết kế vô cùng hoa lệ được lấy cảm hứng từ Nhà thờ St.Peter ở Roma.

Bức tranh mái vòm bên trong nhà thờ (Ảnh: Wikipedia)

Trong bức tranh, họa sĩ đã khắc họa chi tiết hình ảnh 200 nhân vật trong kinh Cựu Ước và kinh Tân Ước, tất cả đang vây quanh Chúa Giê-su và các thiên thần, thể hiện chính tín vào Chúa, vào sự chiến thắng của cái tốt trước trước cái ác.

Cuộc tàn phá quy mô lớn thời kỳ Cách mạng Pháp

Vào thời kỳ đại cách mạng nước Pháp, hết thảy những công trình, tác phẩm biểu tượng cho quyền lực, ảnh hưởng của chế độ quân chủ, đều bị phá hủy. Năm 1790, tu viện Val de Grâce cùng với những tu viện khác ở Paris đều bị bắt đóng cửa, đàn thờ bị gỡ bỏ.

Đặc biệt là Thánh đường St.Denis, là nơi đặt thi hài của các thành viên hoàng gia Pháp qua các thế kỷ, vua và hoàng hậu Pháp hầu hết đều được đặt thi hài ở đây. Tháng 8 năm 1793, nhiều hài cốt của những thống lĩnh cổ đại bị đem ra khỏi mộ của họ nhằm chúc mừng thành công của cách mạng.

Một khu mộ lưu giữ trái tim các vị vua, hoàng hậu tại nhà thờ St.Denis. (Ảnh: dulichvietnam)

Dàn nhạc giao hưởng với cây đàn organ cổ điển

Sau Cách mạng Pháp, hệ thống đàn organ ở các nhà thờ bị phá hủy một cách nghiêm trọng, và nhà thờ Val de Grâce cũng không phải trường hợp ngoại lệ.

Năm 1834, Aristide Cavaillé-Coll (1811-1899), một trong những nhà chế tác đàn tiêu biểu thế kỷ XIX, đã bắt đầu kế hoạch phục hồi lại hệ thống đàn organ ở Pháp, Bỉ, Hà Lan, Anh Quốc.

Đàn organ trong nhà thờ (Ảnh: Wikipedia)

Năm 1891, Aristide bắt đầu công cuộc phục hồi lại đàn ở nhà thờ Val de Grâce, ông đã có những cải thiện đáng kể chất lượng âm thanh của đàn. Với âm lượng to rõ,  khi thì hào hùng dội vang như tiếng lôi đình bên tai, khi thì tấu lên những âm thanh dịu nhẹ, tràn đầy âm sắc.

Ngày nay, các buổi biểu diễn hòa nhạc cổ điển vẫn được tổ chức ở đây thường xuyên.

Chúng ta cùng nhau chiêm ngưỡng những kiến trúc tuyệt đẹp và vô cùng tinh tế của Nhà thờ Val de Grâce:

(Ảnh: Wikipedia)
Tên của Hoàng Hậu Anne và con trai Louis XIV được viết tắt lồng vào nhau. (Ảnh: Wikipedia)
Tượng Thánh Benoit, bên ngoài nhà thờ (Ảnh: Wikipedia)
Tượng Thánh Thérèse-d’Avila, bên ngoài nhà thờ (Ảnh: Wikipedia)
Bảo tàng quân y Val de Grâce (Ảnh: Wikipedia)

Theo Epoch Times

Trâm Anh biên dịch

Clip hay:

videoinfo__video3.dkn.tv||934c91518__