Đại Kỷ Nguyên

Kiệt tác bất hủ của Chopin và lời tự sự: ‘Cả đời tôi, chưa bao giờ tìm thấy lần nữa một giai điệu đẹp đến thế’

Chính Chopin đã tự sự: “Cả cuộc đời tôi, tôi chưa bao giờ có thể tìm thấy lần nữa một giai điệu đẹp đến thế”. Quả thật, Étude số 3 đã thực sự trở thành một kiệt tác, được Chopin viết ở Pháp năm 1832 trong tâm trạng buồn đau vì nhớ thương quê hương Ba Lan…

Étude số 3 của tập số 10 giọng Mi trưởng của Chopin vốn chỉ là bài tập luyện kỹ thuật chơi đàn. Nhưng khi Chopin sáng tác thì các étude ông soạn không còn là những bài tập luyện ngón khô khan chán ngán nữa, mà là những tác phẩm âm nhạc thực sự. Trong số ấy, Étude số 3 trở thành kiệt tác.

Tác phẩm không quá phức tạp với một chủ đề, một biến tấu và phần tái hiện chủ đề cuối cùng. Đầu tiên tay phải chơi chủ đề gồm một giai điệu chậm cùng âm hình đệm kiểu Alberti (kiểu đệm thường được sử dụng ở thời cổ điển, lấy theo tên nhà soạn nhạc Domenico Alberti).

Tay trái thực hiện những quãng nhảy duyên dáng và tạo nền hòa âm cho chủ đề. Đoạn biến tấu hối hả ở giữa là nơi thử thách kĩ thuật của người chơi. Nhưng rốt cuộc nó cũng nhập vào nhịp điệu êm ả của chủ đề và đoạn coda bắt đầu bằng việc trình bày lại chủ đề ban đầu.

Giai điệu của ca khúc rất đẹp, có thể nói là rất xuất sắc vì nó được viết ở cung trưởng (E) mà vẫn buồn… mênh mang. Người ta kể lại Chopin tin rằng ông đã viết nên giai điệu đẹp nhất của cuộc đời mình.

Kiệt tác bất hủ bay xa, nhưng ý nghĩa nhớ thương cố quốc không còn…

Etude được soạn lời Ý, Anh, Pháp và trở thành một ca khúc đầy ắp nỗi buồn do giai điệu tuyệt đẹp của nó, nhưng ý nghĩa ban đầu của khúc nhạc về tình yêu thương cố quốc thì đã không còn.

Tác phẩm đã nhanh chóng nổi tiếng với những tên gọi khác nhau như: “Tristesse” (Buồn vắng), “Farewell” (Từ biệt), “So deep is the night” (Ôi đêm buồn lắng)… nhưng tên không phải do Chopin đặt.
Cho tới ngày nay, tác phẩm này được rất nhiều ca sĩ lừng danh thể hiện cùng dàn nhạc chứ không chỉ dành riêng cho piano nữa, như Tino Rossi, người đã làm cho bản nhạc này của Chopin bay xa từ những thập niên 1930.

Độc tấu violin với nỗi buồn lãng mạn cao vút tuyệt đẹp:

Piano & Violin do Andre Rieu biểu diễn:

Mời quý độc giả cùng thưởng thức những ngón đàn dương cầm tuyệt mỹ của nữ hoàng Valentina Lisitsa: 

Ca sĩ Lê Dung thể hiện một “Sầu Chopin” lời Việt với những nốt cao thật hoàn mỹ:

Tristesse – Chopin

Lời: Jean Loysel

Dịch lời bài hát:
“Bóng đêm đang phai tàn, tạm biệt nhé hỡi giấc mơ ngọt ngào
Nơi những nụ hôn được ban tặng đẹp xinh như những bông hoa
cho đêm thêm ngắn ngủi
Hỡi ôi! vì sao trái tim ta vội khép trước tiếng gọi của hạnh phúc thiết tha?
Đêm đang tan dần, đôi môi anh do dự để thì thầm
Sau lời thú nhận là lời chia tay
Mặt trời mọc quá nhanh

Chúng ta có nhất định phải chia tay không?
Anh quan tâm điều gì khi thời gian mãi trôi đi
Anh chỉ muốn trì hoãn ánh bình minh để lại được yêu em trở lại
Bóng đêm vẫn dần nhạt phai, tất cả chỉ là giấc mơ thôi
Hỡi em, những ham muốn đôi ta chỉ còn là ký ước xa xôi
Nếu như tình yêu không giả dối với mùi hương làm tiêu tan buồn bã
Nếu sự thật rằng đôi môi em đang lừa dối anh
Hãy biết điều này em nhé
Bây giờ và mãi mãi, anh yêu say đắm! Yêu em đắm say!”

Về tác giả Frédéric Chopin – một trong những nhạc sĩ bậc thầy của thời kỳ lãng mạn

Frédéric Chopin cùng thời với Wagner, R. Schumann, F. Liszt (Đức), Verdi (Ý) ..

Chopin sinh ngày 1/3/1810 có cha là người Pháp và mẹ là người Ba Lan. Tài năng âm nhạc của Chopin phát triển rất sớm, nổi tiếng thần đồng. Mới 7 tuổi đã trình diễn trước công chúng, sáng tác nhạc. Ngay trong thời gian theo học tại trường Chopin đã có những tác phẩm tầm cỡ. Từ 1931 ông qua Paris và sống ở đó cho đến khi mất do bệnh năm 1849 lúc chỉ mới 39 tuổi.

Etude Op. 10, No. 3 là tác phẩm được sáng tác bởi Chopin cho độc tấu piano vào năm 1832 ở giọng Mi trưởng. Tác phẩm được xuất bản lần đầu tại Pháp vào năm 1833, rồi đến Đức và Anh.

***

Chuyên mục Kiệt Tác Thế Giới là chuyên mục Đại Kỷ Nguyên trân trọng giới thiệu tới độc giả những đỉnh cao của nền văn hóa nhân loại, đã được minh chứng qua dòng chảy thời gian, với các tác phẩm hội họa, âm nhạc, văn học, kiến trúc… kiệt xuất. Có thể nói đó là những dấu ấn lịch sử đã đặt định nên chuẩn mực giá trị nghệ thuật và nhân sinh vô cùng quý báu cho toàn thể nhân loại.

Kim Cương – Hà Phương

 

Exit mobile version