Nhắc tới Đường thi, là nhắc tới sự sáng tạo và sức mạnh tuyệt vời của ngôn ngữ. Bởi thơ Đường là ý tại ngôn ngoại, là thơ ít lời mà nhiều ý, ý ở ngoài lời. Thưởng thức thơ Đường là cảm về cái hay của nhạc, là lắng cái âm hưởng và hình ảnh, rồi đến ngôn từ và cuối cùng là cảm cái tình của bài thơ. Cảm nhận thơ Đường là cảm nhận sự kết hợp tinh hoa và hài hòa về nhạc, họa, ngôn, tình của con người và thiên nhiên.
Nhớ những ngày còn nhỏ sống cùng ông bà ngoại, quanh năm suốt tháng ngồi trong hầm tránh bom. Những tối mùa đông mưa rả rích, ông ngoại dạy cho cách ngâm ngợi rồi bình thơ Đường. Và thế là, duyên nợ với văn chương, với thơ Đường, bắt đầu từ ngày đó.
Những cảm nhận về thơ Đường từ ngày bé cho đến giờ luôn là những gì lung linh nhất, những tuyệt tác được các vĩ nhân tạo nên. Luôn thấy thơ Đường không phải là ngôn ngữ của con người mà chính là ngôn ngữ của Thần, của bậc Thánh nhân.
Áng thơ Đường nào cũng gọn nhẹ, cô đúc, ngôn ngữ gợi nhiều hơn tả, ý tại ngôn ngoại. Vì hạn chế về số chữ sử dụng trong một bài thơ nên các nhà thơ Đường đã luôn phải kết hợp giữa những điển tích trong lịch sử, những cảm ngộ của cảnh giới tinh thần cao với nét tinh hoa của văn chương.
Một áng thơ nhiều khi chỉ vẻn vẹn có hai mươi chữ nhưng lại có thể thể hiện một cách chân thật và đầy đủ về cuộc sống muôn màu muôn vẻ, với tất cả các nét tinh hoa của nền văn hóa thần truyền. Thơ Đường là vượt lên trên hết cả những lời thuyết lý khô khan. Càng ít chữ thì lại càng phải cân nhắc khi dùng. Vì thế, ngôn ngữ trong thơ Đường thật sâu, thật đắt.
Trong các bài thơ được ngoại dạy, có một bài mà sau này mãi ngâm nga, với ước mong được sống chậm lại với cha ông. Đó là áng thơ Hoài thượng biệt hữu nhân (Trên sông Hoài từ biệt bạn) của Trịnh Cốc. Bài thơ chứa âm nhạc mênh mang, khiến ta quên chiến tranh và những đám ma ai oán của một thời loạn chiến. Cứ như được lọt vào cái thời Trinh Quán của Đường Thái Tông.
淮上別友人
揚子江頭楊柳春,
楊花愁殺渡江人。
數聲風笛離亭晚,
君向瀟湘我向秦。
Hoài thượng biệt hữu nhân
Dương Tử giang đầu dương liễu xuân
Dương hoa sầu sát độ giang nhân
Sổ thanh phong địch ly đình vãn
Quân hướng Tiêu Tương, ngã hướng Tần
Dịch nghĩa: Trên sông Hoài từ biệt bạn
Bên sông Dương Tử, dương liễu đượm sắc xuân,
Hoa dương liễu khiến người qua sông buồn chết người.
Vài tiếng gió vi vút ở đình ly biệt chiều xuân,
Anh đi tới sông Tiêu Tương, tôi đi tới đất Tần.
Dịch thơ (Bản dịch của Cao Tự Thanh)
Dương Tử đầu sông dương liễu xuân,
Hoa dương buồn chết khách qua sông,
Sáo buông mấy tiếng đình phai nắng,
Người hướng Tiêu Tương kẻ hướng Tần.
Trước hết là nói về tác giả của bài thơ. Trịnh Cốc 鄭谷 (849-911) tên chữ là Thủ Ngu 守愚, người Viên Châu, Giang Tây (nay thuộc Nghi Xuân), đỗ Tiến sĩ năm 887, làm quan tới chức Lang Trung (cỡ Vụ trưởng), sau về ẩn ở Bắc Nham. Còn sông Hoài trong bài thơ trên của Trịnh Cốc là sông Tần Hoài ở ngoài thành Nam Kinh, khởi dòng từ tỉnh Giang Tô, qua huyện Giang Minh rồi chảy vào sông Dương Tử…
Bài thơ nói về cảnh chia tay bạn trên sông Hoài, trong một chiều xuân. Ngậm ngùi nhìn dương liễu ra hoa trên sông Dương Tử. Khung cảnh tiễn biệt diễn ra ở nơi ngã ba sông, mà như thấy cảnh chia ly “sầu sát” trải dài mãi tới phía xa kia.
Một người đi xuống phía nam, còn người kia đi lên phía bắc. Hoa dương liễu nở chiều tháng ba, có lẽ cánh hoa trôi đầy mặt nước. Tiễn bạn qua sông, mà “sầu sát”, mà buồn tới mức héo ruột sầu lòng.
Với nỗi buồn biệt ly ấy, người nam kẻ bắc còn thêm rầu vì thứ hoa nhắc xuân sắp hết. Cái chữ “sầu sát” này (nghĩa là buồn chết đi được), nếu dịch ra tiếng Việt mà chỉ dùng chữ “ngậm ngùi” thì chắc chưa đủ để nói đến mức độ đau buồn tới xót lòng của đôi bạn ngồi thẫn thờ bên nhau. Họ ngồi lâu quá, khiến gió cũng sốt ruột mà cất tiếng sáo giục giã “muộn rồi”.
Ta đã ngồi trên bến đá sông La mùa nước đầy. Nhìn những bông hoa Mưng trôi đầy mặt nước, cũng nhơ nhớ một tri âm nào đó. Trải mấy chục năm rồi người quen cứ thành lạ hết. Muốn gặp tri âm như Trịnh Cốc, để rồi có cái phút bên sông Hoài chia tay bạn, như người xưa. Chao ôi, ước sao có một người như thế. Dù là để chia tay cho lòng còn ở lại với tiếng sáo bên sông.
Về sông La
Hoa Lộc Vừng đã hết
Lở bồi
Thao thiết
Cũng ra đi…
Và rồi ngồi ngắm bức Thư Pháp về bài thơ này mà lòng thấy thật bồi hồi. Thơ và chữ. Thiên tài của Thi nhân và Rồng bay phượng múa của bức tranh thơ.
Người xưa coi Thư Pháp là loại hình siêu nghệ thuật. Không biết để cho Vương Hy Chi, Vương Duy, Tô Đông Pha hay Cao Bá Quát viết sẽ thế nào nhưng chỉ ngắm danh này đã tâm phục khẩu phục rồi. Những con chữ như sinh mệnh có những tính cách rất riêng. Chữ thì khiêm nhường, rụt rè, thỏ thẻ những giai điệu sâu lắng. Chữ thì công khai phô diễn nội tâm, tạo nên chủ âm cho bản nhạc lòng nhờ tiếng sáo đưa vút vào không gian. Chữ Thanh to lên bất ngờ ngoắt cái đuôi vòng vèo của một con thuyền chông chênh tay lái muốn xuôi cùng thuyền bạn.
Nhờ nhìn hoa trôi trên sông, dạt vào bến, mà biết có rặng Dương Liễu đầu nguồn. Bức Thư Pháp như đang phổ nhạc bài thơ bằng hội họa. Ngắm chữ mà thấy cảnh, đọc thơ mà thấy như đang ngậm nhạc mà hát. Ôi chao, sao đời lại khéo có cái tài hữu tình trong những sự tưởng như vô tình vậy. Để cho người tri âm, đồng cảm cứ như nương vào, như quấn quít, như bay bổng…
Những bản nhạc Việt hay nói tới Bến giang đầu, phải chăng từ bài thơ này?
Không ngẫu nhiên mà Trên Sông Hoài giã biệt người bạn. Hoài là danh từ riêng, nhưng nó cũng là nỗi nhớ, hoài niệm…
Nhắc tới sông này nhớ ngày xưa Hàn Tín câu cá sông Hoài, ăn nhờ cơm Phiếu Mẫu. Ôi, Đường Thi đâu đâu cũng bàng bạc như là kỷ niệm của chính mình. Phải chăng rất nhiều, rất nhiều người Việt mình kiếp trước chính là người nhà Đường, giờ chuyển sinh? Cho nên mang nặng nỗi hoài niệm…
Cha ông mình có chữ Thánh Hiền. Có sự tinh tế riêng cho sáng tạo và thưởng thức Nghệ thuật.
Mà cứ ngâm nga những vần thơ này đi. Sống chậm với cha ông chút đi. Đâu cần phải hiểu quá rành mạch. Mà rồi cùng hiểu. Hiểu cái bao la, sâu sắc, vĩ đại của một nền văn hóa Thần truyền…
La Vinh