Mạn đà la là một từ có nguồn gốc Phạn ngữ có nghĩa là “vòng tròn, trung tâm, đơn vị, tổng thể”. Họ cho rằng tất cả những gì tồn tại trong vũ trụ này, đều quy về một chốn trung tâm của vũ trụ. Các nhà sư Tây Tạng tạo ra những bức họa mạn đà la cát màu vô cùng tỉ mỉ thấm đẫm ý nghĩa nhân sinh…rồi đưa cát trở về lại với dòng sông… Tại sao như vậy?
Mandalas Tây Tạng vô cùng phức tạp, mỗi vòng tròn mạn đà la đại diện cho một vị thần và nhiều biểu tượng bao quanh chúng đều có một ý nghĩa chính xác, mà chỉ có các nhà sư mới có thể giải mã được.
Nhờ có Chak-Pur, một công cụ để cát pha trộn với thuốc nhuộm tự nhiên, những bức vẽ vô cùng tỉ mỉ được thành hình để sau đó trở thành những tác phẩm nghệ thuật thực sự. Như thấy trong bức ảnh, các nhà sư Tây Tạng phải dùng một dụng cụ đầu nhọn để đưa những hạt cát vào bức tranh…
Tuy nhiên, sau rất nhiều công phu để hoàn thành, các nhà sư Tây Tạng sẽ xóa tan nó để luôn nhắc nhớ bản thân về sự vô thường của vạn sự vạn vật.
Trong truyền thống Phật giáo, vô thường là sự ngộ rằng mọi sự trên đời đều rất phù du, được mất đều nằm trong an bài của định mệnh và quán trọ trần gian chỉ là nơi con người dừng bước nghỉ ngơi, còn sinh mệnh chân chính của con người cần phải trở về nơi thiên giới.
Sự đau khổ chỉ bắt nguồn từ những chấp ngã và dính mắc vào sự vật và con người nơi cõi nhân gian, dứt bỏ những dính mắc đó, lòng sẽ nhẹ tênh.
Làm việc nhiều giờ, làm việc hết mình với Mạn đà la, sau đó xóa tan đi mà không tiếc nuối, để các nhà sư Tây Tạng luôn không quên triết lý rằng:
Đường đi mới là quan trọng, trải nghiệm trong suốt hành trình đời người mới là quan trọng, chứ không phải ở kết quả.
Mời quý độc giả chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật vô cùng tỉ mỉ bằng cát màu sau đây, trước khi chúng bị xóa tan trở về với cát bụi:
Khi mạn đà la được hoàn thành, nghi lễ phá hủy được diễn ra trong im lặng và rất tinh tế. Cát sẽ được đưa trở về với một dòng sông để về được nguồn cội của nó, về với thiên nhiên. Đó là điều luôn nhắc nhớ các nhà sư Tây Tạng rằng, chúng ta ai cũng cần trở về cội nguồn, không nên dính mắc vào những huyễn ảo của cõi thế gian…
Có lẽ bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể tự thực hiện một bức tranh mạn đà la, để phát huy năng lực tưởng tượng và sức sáng tạo, để trải nghiệm quá trình “tìm thấy hạnh phúc trên con đường đi“, là những giờ phút để tâm trống không không lo không nghĩ, chỉ tập trung vào tác phẩm nghệ thuật của mình…. Làm hết mình mà không chấp vào kết quả. Đó chính là một phương thức thiền định…
Hà Phương Linh