Kinh Thi là tập thơ đầu tiên của Trung Hoa, sáng tác trong khoảng thời  gian hơn 500 năm, cách đây khoảng 2500 năm. Kinh Thi được đánh giá là một trong 5 tác phẩm kinh điển của Nho giáo. Mặc dù tập thơ này do nhiều tác giả sáng tác, nhưng sau đó được chính Khổng Tử sưu tập và chỉnh lý. Kinh Thi được dùng làm sách giáo khoa, trong bộ ngũ kinh. Tại sao Kinh Thi lại là một tác phẩm nghệ thuật kinh điển và có sức ảnh hưởng lớn tới thơ ca Việt nam cổ xưa?

Trung Hoa 5000 năm là đất nước của thơ ca, những áng thơ cổ của Trung Hoa là một kho tàng mênh mông rộng lớn. Khi dùng từ ‘’Cổ’’ nghĩa là nó từ thời nguyên thủy tới phong trào ngũ tứ năm 1919. Thơ cổ viết văn ngôn là thứ sách vở của dân tộc Trung Hoa, lấy Hán tự cổ làm chủ yếu. Thơ cổ Trung Hoa, đặc biệt là thơ dưới thời nhà Đường, chẳng những là di sản văn hóa vô giá của nhân dân Trung Hoa mà còn là cống hiến quý báu của Trung Quốc cho nhân loại.

Về lịch sử của Kinh Thi – tập thơ đầu tiên của Trung Quốc ra đời từ thế kỉ thứ 6, cách đây 2500 năm. Bề dày lịch sử về sự ra đời này được cho rằng sớm hơn cả Sử thi Homer nổi tiếng của Hy Lạp cổ đại. Ðến thế kỷ 6 trước CN  từ đầu thời Tây Chu đến giữa thời Xuân Thu, đã gồm 305 bài thơ. Nó bao gồm 3 phần: Phong, Nhã, Tụng.

Kinh Thi (Ảnh: wikipedia.org)

Kinh Thi chứa đựng rất nhiều những áng thơ châm biếm, kể chuyện, những trang sử thi hào nhoáng, những chuyện tình yêu ngọt ngào lãng mạn, hay những cuộc chiến tranh tàn khốc bi thương… Nó là một bức tranh của xã hội Trung Hoa thời bấy giờ, qua các thời kì lịch sự khác nhau.

Kinh Thi, một trong năm ngũ kinh và câu chuyện về sự coi trọng của Nho giáo.

Trong thời Xuân-thu chiến quốc, Kinh Thi được coi là sách giáo khoa cho toàn xã hội, được các học giả truyền tụng, học tập. Khổng Tử có câu: bất học Thi, vi dĩ ngôn tức: Không học Thi, thì không biết nói.

Tại sao Khổng Tử lại nói như vậy, bởi ông cho rằng, học thơ là nền tảng xây dựng đáng coi trọng, nó có tác dụng giáo huấn và đặt nền móng cho tình cảm đạo đức và tạo cho lời nói thêm đẹp đẽ, nghĩa cử hào phóng. Thơ có thể làm cho mọi người phấn chấn, đoàn kết với nhau, kết giao thâm tình, bộc lộ được tâm tư sâu kín…Người ta nói, các bậc giác giả thần tiên, mỗi lời họ nói ra đều như những áng thơ…

Bản Kinh Thi do hai thầy trò Mao Hanh, Mao Trường biên soạn là bản thông dụng nhất cho đến ngày nay. Cũng trong thời Hán, Kinh Thi trở thành một trong Ngũ kinh của Nho giáo và luôn được nhiều thế hệ nhà Nho như Trịnh Khang Thành đời Đông Hán, Khổng Dĩnh Đạt đời Đường nghiên cứu, bình giải cả về mặt kinh học và văn học.

Khổng Tử có câu: bất học Thi, vi dĩ ngôn tức: Không học Thi, thì không biết nói. (Ảnh: dkn.tv)

Đến đời Tống, Chu Hy chú giải lại toàn bộ Kinh Thi với chủ trương “kinh học hóa”, “huyền thoại hóa” Kinh Thi nhằm phù hợp với yêu cầu huấn hỗ, giáo huấn để rồi khi Tống Nho chiếm địa vị bá chủ học thuật thì lý giải của Chu Hy về Kinh Thi cũng trở thành bất khả xâm phạm.

Tuy nhiên, đến đời Thanh, Thi kinh tập truyện của Chu Hy bị phản đối mạnh mẽ bởi nhiều học giả muốn nghiên cứu Kinh Thi trên tư cách một tuyển tập văn học chứ không phải một tác phẩm kinh học. Và đó cũng là ý kiến chính thống của giới Thi học hiện nay.

Kinh Thi được ví như một bức tranh miêu tả toàn cảnh về xã hội đương thời

Từ lịch sử, phong tục tập quán, tình trạng xã hội và chế độ chính trị của Trung Quốc thời Chu cho đến sông núi, cây cỏ, chim thú…đều có trong Kinh Thi. Do đó, Kinh Thi được coi là nền tảng cho khuynh hướng hiện thực của văn học Trung Quốc. Nghệ thuật của Kinh Thi cũng rất đặc sắc, nhất là phương pháp “phú”, “tỉ”, “hứng’’  và lối trùng chương điệp ngữ rất có ảnh hưởng đến đời sau.

Kinh Thi được ví như một bức tranh miêu tả toàn cảnh về xã hội đương thời. (Ảnh: dichtienghoa.com)

Những biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong Kinh Thi, đã biến nó trở thành những áng thơ văn bất hủ.

Nói đến Kinh Thi không thể không nói đến phương pháp “phú”, “tỉ”, “hứng”. Đây là một trong những biện pháp nghệ thuật tuyệt kĩ trong lối hành văn mà sức ảnh hưởng lớn mạnh của nó tới hậu nhân là trường tồn.

Trong Kinh Thi, Có 5 biện pháp nghệ thuật thường được dùng đó là:

Phú: là phô bày, nói thẳng sự việc ra, nghĩ thế nào nói thế ấy. Phản ánh chân thực tâm tư của mình, chân thực cảm xúc và chân thực với sự việc.

Tỷ: là so sánh, ví von, chẳng hạn “nhánh cỏ non” ví với bàn tay đẹp, “ngọc” ví với người hiền tài .v.v…”Tỷ” cũng gần giống biện pháp  tượng trưng, nghệ thuật đòn bẩy, miêu tả một sự vật tuyệt đẹp để rồi khắc họa tôn lên vẻ đẹp chủ thể. Như bài Thạc thử (đánh chuột) kể chuyện  bọn chuột tham lam tàn nhẫn cần phải diệt chúng nhưng  ta hiểu rằng chuột lại là hình ảnh ẩn dụ ví von của bọn ác chúa, quan lại tham nhũng.

Hứng:  nói sự việc này để dẫn đến sự việc khác mình muốn nói, mượn việc này để phản ánh việc kia. Ví dụ tả cảnh “chim  gù nhau” để nói chuyện  trai gái tìm lứa đôi, nói “quả mơ  rụng”  để chỉ  việc năm  tháng trôi qua, tuổi xuân sắp hết, nói “thuyền trôi nổi giữa dòng sông” để dẫn đến chuyện mối tình dang dở.

Tuổi xuân sắp hết, nói “thuyền trôi nổi giữa dòng sông” để dẫn đến chuyện mối tình dang dở. (Ảnh: pinterest.com)

Kết cấu trùng điệp trong Kinh Thi thường theo cách “trùng chương, điệp cú” (lặp đoạn, lặp câu, lặp hình ảnh,lặp từ ngữ, âm điệu…). Trùng điệp làm tăng cường độ diễn đạt.

Trùng chương có lúc để tỏ rõ trình độ và thứ tự tiến triển của sự việc, như bài Thái cát (Vương phong), chương đầu rằng

Dây sắn kia nàng hái đâu xa
Một ngày chẳng thấy bằng ba tháng ròng

Rồi chương hai, chương ba, hái sắn đổi là hái cỏ thơm, hái rau ngải; ba tháng đổi thành ba mùa, ba năm, mức độ phóng đại càng to dần, tỏ mức độ thương nhớ ngày càng sâu sắc, dần dẫn từng bước, rất tự nhiên. Cũng có lúc trùng điệp để mà trùng điệp, chứ không thể hiện mực độ và thứ tự, như bài Tang Trung (Dung phong), chương đầu kể chuyện chàng trai hái rau đường rồi nhớ đến nàng Mạnh Khương, các chương sau đổi thành hái lúa mạch, hái rau phong, tên người con gái cũng thay đổi nhưng cốt chỉ đổi vần để tiện hát đi hát lại, làm phần trữ tình tăng thêm.

Kiểu trùng điệp như vậy trong Kinh Thi rất nhiều, nhưng không phải bài nào cũng hoàn chỉnh như nêu trên mà có bài chỉ trùng điệp một vài đoạn trong nhiều đoạn, có bài chỉ trùng điệp mấy câu trong một đoạn, có bài thì vừa trùng chương và điệp cú.

Hái sắn đổi là hái cỏ thơm, hái rau ngải; ba tháng đổi thành ba mùa, ba năm, mức độ phóng đại càng to dần, tỏ mức độ thương nhớ ngày càng sâu sắc. (Ảnh: pinterest.com)

Ngoài trùng điệp, trong Kinh Thi còn có cách “xướng họa”, như hai chương trong bài Thập mẫu chi gian (Ngụy phong) có thể là một chương xướng, một chương họa, như lời đối đáp của các cô gái hái dâu. Kết cấu “hòa thanh” (người ngoài hát hòa theo) như bốn chương bài Đông sơn (Bân phong), mỗi chương đều có bốn câu mở đầu như nhau

Từ ngày ta trẩy núi Đông
Năm qua tháng lại vẫn không được về
Hôm nay ta bước ra về
Trời mờ mịt, khắp tứ bề mưa bay

hay bốn câu cuối mỗi chương trong bài Hán quảng (Chu Nam), là một hình thức kết cấu đặc biệt của ca dao.

Kinh Thi không chỉ là áng văn học bất hủ, tuyệt kĩ nghệ thuật mà còn mang đậm âm hưởng nhạc lý

Khi đọc Kinh Thi, có rất nhiều bài thơ, dân ca có thể phổ nhạc. Xưa kia Khổng Tử thế gia trong Sử ký của Tư-mã Thiên có chép: “Tam bách ngũ thiên, Khổng tử giai huyền ca chi, dĩ cầu hợp Thiều, Vũ, Nhã, Tụng chi âm” nghĩa là: Khổng tử đã đem ba trăm lẻ năm thiên trong Kinh Thi ra mà đàn ca để cho hợp với âm thanh của Thiều, Vũ, Nhã, Tụng.

Khi đọc Kinh Thi, có rất nhiều bài thơ, dân ca có thể phổ nhạc. (Ảnh: pinterest.com)

Ngày nay, phần âm nhạc đã mất đi, chỉ còn lời với tiết tấu vần điệu của ngôn ngữ nghe vẫn  êm tai, dễ nghe. Lời trong bài được chọn lọc, tinh xảo. Khi sưu tầm, lời thơ có thể được chỉnh sửa cho hay hơn, dễ nhớ hơn. Do đó, về sau trong ngôn ngữ giao tiếp người ta hay thêm một câu Kinh Thi như là một  dạng tục ngữ, thành ngữ. Trong sáng tác văn học, người ta sử dụng Kinh Thi như là  điển tích điển cố.

Kinh Thi xưa nay được xem là một tác phẩm văn học cổ điển vĩ đại có ảnh hưởng rất lớn đối với nền văn học Trung Quốc. Kinh Thi còn có giá trị hiện thực cao, được coi là tác phẩm mở  đầu cho văn học hiện thực Trung Quốc.

Kinh Thi có ảnh hưởng rất lớn tới nghệ thuật thơ ca Việt Nam

Kinh điển Trung Hoa, trong đó có Kinh Thi, thâm nhập vào Việt Nam có thể kể từ khi bắt đầu thời Bắc thuộc khoảng đầu Công nguyên thông qua con đường giáo dục, mở trường học, truyền bá giáo lý Nho gia. Cho dù sự cai trị của người Hán không còn áp đặt lên Việt Nam từ sau năm 938, nhưng Nho giáo vẫn được coi trọng và truyền bá mạnh mẽ, dần dần trở thành ý thức hệ chính thống của các triều đại phong kiến Việt Nam. Kinh Thi bởi vậy cũng có ảnh hưởng to lớn văn học Việt Nam .

Nho giáo vẫn được coi trọng và truyền bá mạnh mẽ, dần dần trở thành ý thức hệ chính thống của các triều đại phong kiến Việt Nam. (Ảnh: Wikipedia)

Ban đầu do Khổng Tử đề cao  Kinh Thi khiến một số học giả Việt Nam chú ý hơn đến ca dao, dân ca Việt Nam, có ý thức học tập ca dao, dân  ca nước mình để  làm cho lời nói thêm hay.

Nguyễn Trãi mở  đường, Nguyễn  Bỉnh  Khiêm  bước  tiếp. Rồi đến Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến, Tú  Xương, Tản Ðà, Nguyễn Bính, đều là những nhà thơ đã học tập và vận dụng thành thạo “Kinh Thi Việt Nam” mà trở nên nhà thơ dân tộc.

Ông cha ta đã sưu tầm và biên soạn những cuốn ca dao dân ca Việt Nam như Nam thi quốc phong của Nguyễn Ðăng Tuyển, Việt Nam phong sử của Nguyễn Văn Mai, Thanh Hoa quan phong của Vương Duy Trinh. Ca dao Việt Nam của Ðào Duy Anh, Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam của Vũ Ngọc Phan, Ca dao dân ca Nam Bộ của Lê Giang và Lư Nhất Vũ .v.v…

Bậc trí như vách đá
Gió cuồng nộ chẳng lay
Lời tán dương phỉ báng
Không xao gợn đôi mày.

(Khuyết danh)

Chỉ một đôi áng thơ, nhưng có thể mang cả trời mây nước, cả chí nghĩa kiên trung…Đó chính là vì sao thơ có vị trí đặc biệt như vậy trong giáo dưỡng của người xưa.

Tịnh Tâm – Hà Phương