Chỉ đến những năm 70, bằng các phương pháp khoa học, các nhà nghiên cứu cuối cùng đã hiểu được việc đốt lửa của người bản địa không chỉ đơn thuần là nghi lễ “nguyên thủy” mà cũng là nhu cầu cần thiết cho hệ sinh thái nơi đây.
Để tìm lại khung cảnh của châu Mỹ hàng nghìn năm trước, nơi cảnh vật hoang sơ được giữ từ hàng trăm, hàng nghìn năm, thì chúng ta cần rời khỏi San Francisco theo đường 101 đi hướng tới bờ biển phía Bắc. Băng qua thung lũng Sonoma, nổi tiếng với những vườn nho và những lâu đài đẹp như được bước ra từ những bộ phim của Walt Disney là sẽ tới được những cánh rừng sequoia, nơi mà có thể cảm nhận được trái tim đang đập của trái đất, trước khi “người da trắng” xuất hiện nơi đây.
Trong số những kho báu lớn của Bắc Mỹ có một loại cây cao nhất thế giới. Khi tới vườn quốc gia về cây sequoia, bạn sẽ ngạc nhiên về loài cây đã tồn tại từ thời của khủng long.
Trong thời tiền sử, loại cây này bao trùm bán cầu Bắc của hành tinh. Ngày nay, nó trải dài dọc theo bờ biển Thái Bình Dương từ giữa California đến miền Nam Oregon.
Làm thế nào cây sequoia tồn tại qua hàng thế kỷ
Có ba loại sequoia, nhưng chúng đều thuộc cùng một họ, là sequoia ở bờ biển Thái Bình Dương (Sequoia tán lá xanh), Sequoia khổng lồ (Sequoiadendron giganteum) là loài được biết tới nhiều nhất, tập trung ở vùng núi của Sierra Nevada, và cuối cùng là metasequoia (Metasequoia glyptostroboides) nhỏ nhất trong ba loại và chỉ có thể sinh tồn ở bờ bên kia của Thái Bình Dương – ở Trung Quốc.
Sequoia là một cây vỏ đỏ như tên tiếng Anh của nó (Redwood, gỗ đỏ), có chứa Tanin – một chất bảo vệ cây khỏi côn trùng, nấm và làm cho cây không thể cháy.
Một hệ thống “tưới nước tự động” cho phép cây sequoia bù đắp lại kích thước nhỏ của rễ cây bởi rễ của cây chỉ ăn sâu xuống đất 4 mét so với chiều cao 120 mét của cây. Các cành và lá của cây sẽ tích nước từ sương mù rồi sau đó nhỏ giọt xuống gốc rễ.
Một thế giới rất phong phú trên ngọn của những loại cây khổng lồ này: kỳ nhông, dơi, sóc, chồn Canada và chồn mactet Mỹ (những loài này đang có nguy cơ tuyệt chủng, do bị săn bắt để lấy lông). Nhưng những “con dân” tuyệt vời nhất của loại cây khổng lồ này vẫn là các loài thực vật quý hiếm như hoa lan.
Sự xuất hiện của người da trắng
Năm 1850, với cơn sốt Vàng, “người da trắng” đã tràn đến bờ phía Tây của nước Mỹ. Vào thời điểm đó, những khu rừng sequoia che phủ 8.100 km2.
Những người thợ đào vàng đã không tìm vàng, do họ đã phát hiện được tiềm năng của cây sequoia, họ quyết định khai thác cây với quy mô lớn để đáp ứng việc xây dựng ồ ạt ở miền Tây.
Trong vòng chưa đầy 100 năm, người da trắng đã phá hủy 90% những gì người da đỏ đã gìn giữ trong nhiều thế hệ. Năm 1890, “cơn sốt sequoia” lên tới đỉnh điểm và tất cả các khu rừng sequoia đều thuộc sở hữu tư nhân.
Trong bối cảnh đó, những yêu cầu bảo tồn cây sequoia đã bị làm ngơ. Năm 1910, nguy cơ những cây cuối cùng sẽ sớm bị chặt phá nếu không hành động. Nhờ những nhà khoa học và các giới khảo cổ học mà cuối cùng cây sequoia đã được bảo tồn cho đến ngày nay.
Nhờ những phát hiện liên quan đến mối liên hệ giữa loài cây này với những hóa thạch có niên đại hàng triệu năm mà chúng được bảo tồn và được coi là di sản quốc gia.
Trong năm 1918, các nhà khảo cổ học Henri Ferfield Osborn và John C. Merriam đã thành lập hội liên minh để cứu cây sequoia. Trong năm 1920, các công viên quốc gia đầu tiên đã xuất hiện để khôi phục và bảo tồn cây sequoia.
Sau đó, tuy có những ý định tốt để khôi phục lại rừng sequoia, nhưng ngược lại điều ho làm đã gây tổn hại đến những cây sequoia do thiếu hiểu biết, họ không nghĩ đến việc tham khảo ý kiến của những người đã biết bảo tồn và gìn giữ loại cây này hàng thiên niên kỷ.
Thổ dân châu Mỹ và sequoia
Những khai quật khảo cổ cho thấy các dấu vết của thổ dân châu Mỹ từ thời đầu của thiên niên kỷ trước và trước nữa, họ đã ở đây từ hàng ngàn năm.
Các bộ lạc người Mỹ bản địa đã biết cách sử dụng khéo léo nguồn tài nguyên thiên nhiên cũng như tôn trọng môi trường nơi đây.
Những người Anh Điêng của Mỹ đánh giá cao tiềm năng của cây sequoia và tôn kính nó. Họ chỉ sử dụng các cây bị đổ một cách tự nhiên để xây dựng nhà cửa và chế tạo tàu thuyền.
Là những người tin vào tâm linh, người Anh Điêng coi nhà của họ như một vật thể sống và coi sequoia như một cơ thể hữu hình có một linh hồn. Đối với họ, những linh hồn của cây là những vị thần linh thiêng đã định cư ở các vùng sequoia rất lâu trước con người. Những thần linh thiêng này đã truyền đạt cho con người cách để “sống hài hòa” với sequoia.
Những đám cháy định kỳ sẽ thúc hạt giống nảy mầm
Trong năm 1904, Tổng thống Theodore Roosevelt đưa ra một kế hoạch thành lập một công viên quốc gia ở California. Kế hoạch này chỉ được thực hiện 15 năm sau đó. Tuy nhiên Roosevelt đã cấm việc đốt lửa với mục đích nghi lễ của người Anh Điêng trong các khu rừng. Nhưng họ không biết rằng, ngọn lửa chính là nhân tố quan trọng để thúc đẩy hạt sequoia nảy mầm.
Thật vậy, những đám cháy định kỳ là một cách thông minh để duy trì hệ sinh thái và cho phép việc chung sống hài hòa giữa hệ động vật hoang dã và thực vật trong khu vực.
Những đám cháy này làm tăng lượng thức ăn cho hươu và các loài khác bằng cách cải thiện môi trường của chúng. Ngoài ra nó còn làm sạch tận gốc các bệnh nấm của cây, hỏa hoạn cũng cho phép cây sequoia được hưởng ánh sáng nhiều hơn. Trong khi ngày nay, mật độ cây quá dày đe dọa các cây sequoia, chúng phải cạnh tranh “khốc liệt” với nhau để hưởng ánh sáng.
Người Anh Điêng biết rằng để hạt sequoia phát triển trong đất, đầu tiên cần phải làm sạch hệ thực vật chết, nếu không chúng làm ngạt đất. Giải pháp cho vấn đề này chính là những đám cháy định kỳ. Họ cũng biết ngọn lửa sẽ khử trùng các loại bệnh và sâu bệnh của cây. Làm thế nào họ biết được điều này? Có lẽ thần linh chỉ tiết lộ cho những ai biết lắng nghe…
Ngày nay, ở một số nơi, việc tiến hành đốt lửa đã được khôi phục trở lại. Việc đốt lửa có thể dễ dàng đem đến những lợi ích lâu dài cho việc duy trì và phục hồi rừng sequoia.
Quay trở lại với nền “văn minh”, chúng ta tạm chia tay những cây sequoia với tâm trạng nặng nề, giống như khi rời khỏi bạn bè thủa xưa…
Xuân Hà – Hà Phương