Đại Kỷ Nguyên

Làm thế nào để chụp những bức ảnh Bokeh đẹp trong thiên nhiên

Bokeh là cách chụp làm cho phông nền mềm mịn và mờ ảo, làm nổi bật vật thể cần chụp. Chụp ảnh Bokeh với những chủ đề trong thiên nhiên biến nó thành một môn nghệ thuật nhỏ trong nhiếp ảnh, khiến cho vẻ đẹp của tạo hóa được thêm lung linh.

Khi hoa cỏ các bang miền nam nước Mỹ đang nở rộ và các bang miền bắc đang tan băng ở Bắc bán cầu, nhiếp ảnh ngoài trời mùa xuân bắt đầu nở rộ. Hoa, lá, chim di cư bùng nổ với bao màu sắc đẹp. Những đối tượng này và bối cảnh của chúng mang lại cơ hội sử dụng hiệu ứng đầy màu sắc và sáng tạo của kỹ thuật Bokeh. Từ những hình ảnh tiêu chuẩn đến mềm mại, bản thân chụp ảnh Bokeh cũng trở thành một môn nghệ thuật.

Bokeh là vùng không nét trong mỗi bức ảnh. Bokeh thường được cho là “tốt” hay “gây nhiễu” là tùy vào cách sử dụng hiệu ứng này trong một hình ảnh. Nó có thể là mượt mà, mềm mại, thậm chí gợi lên hiệu ứng đồ họa. Bokeh có thể tạo các hình dạng và màu sắc khác nhau, tùy thuộc vào cài đặt.

Mềm mại, hầu như không nhận thấy trong hậu cảnh. (Ảnh: Sheen’s Nature Photography)

Các ống kính khác nhau sẽ tạo ra hiệu ứng Bokeh khác nhau. Bokeh cũng thay đổi theo các thiết lập của bạn. Hiệu ứng Bokeh ở f/4 so với f/9 hoặc f/14 sẽ chỉ khiến cho diện mạo bức ảnh hơi thay đổi một chút, nhưng có thể có tác động lớn đến cảm xúc cho hình ảnh của bạn.

Nổi bật, rất rõ ràng. (Ảnh: Susanne Nilsson / CC BY-SA 2.0)

Cả ống kính macro và ống kính tele đều có độ sâu trường ảnh rất nông và có thể tạo ra hiệu ứng Bokeh dễ dàng tôn lên vẻ đẹp của hoa, chim và các hình ảnh khác của thiên nhiên. Trong chụp ảnh chân dung, các ống kính tầm trung tạo ra hiệu ứng Bokeh tốt sẽ tăng cường chủ đề để nó thực sự nổi bật so với hậu cảnh.

Chúng ta sẽ khám phá sâu hơn một chút về hiệu ứng Bokeh trong những bức ảnh hoa và thiên nhiên, theo các phân hạng: 1) tốt 2) gây nhiễu 3) mượt mà (đồ họa) 4) bokeh chính là chủ đề.

1. Bokeh tốt

Bokeh tốt là gì? Hiệu quả tạo ra là một hậu cảnh mờ mềm mượt, mịn màng. Màu sắc có thể hòa trộn với nhau chứ không tạo một hình dạng cụ thể trong nền.

Hình ảnh con bướm dưới đây được chụp bằng ống kính macro 105mm, đặt độ sâu trường rất nông là f/5. ISO ở mức 250 và tốc độ màn trập là 1/640. Con bướm này rất năng động nhưng sẽ dừng lại vài giây ở mỗi bông hoa. Độ sâu trường ảnh để nông đã hòa trộn màu sắc rực rỡ trong hậu cảnh. Những màu xanh lá cây và màu vàng tươi này sẽ lấn át màu sắc của con bướm nếu đặt máy ở các khẩu độ nhỏ hơn hoặc độ sâu trường lớn hơn.

(Ảnh: Sheen’s Nature Photography)

Khi hình tròn (hoặc các hình dạng khác) được tạo ra, chúng thường là hình dạng mịn mượt của ánh sáng với các cạnh mềm mại. Nó làm cho mắt được thư giãn trong khi vẫn nhấn mạnh chủ đề.

(Ảnh: Sheen’s Nature Photography)

2. Bokeh gây nhiễu

Không phải tất cả hiệu ứng Bokeh, ngay cả với ống kính chất lượng cao và các vòng tròn mềm mại, đều làm cho chủ đề đẹp lên. Điều đầu tiên và quan trọng nhất là, bạn là người chụp ảnh phải xác định xem bạn có thích hình ảnh đó không (có muốn dùng hiệu ứng Bokeh hay không). Như trong 2 tấm ảnh dưới đây, một bức được chụp với ý định tạo ra hiệu ứng bokeh và đã khá thành công.

(Ảnh: Sheen’s Nature Photography)

Trong bức ảnh kia, vẫn lấy bông hoa đó, nhưng sử dụng đèn flash để làm tối hậu cảnh. Với màu sắc của bông hoa này, việc sử dụng đèn flash lại tạo ra hình ảnh đẹp hơn, với hậu cảnh ổn định hơn so với bông hoa trong hiệu ứng Bokeh. Hiệu ứng Bokeh màu trắng có vẻ đã lấy bớt đi màu vàng và màu hồng rực rỡ của bông hoa.

(Ảnh: Sheen’s Nature Photography)

3. Bokeh mềm mượt, mịn màng

Một sự pha trộn của màu sắc và ánh sáng dịu nhẹ tan chảy vào một bức tranh hậu cảnh nhẹ nhàng, độ sâu của trường ảnh để nông.

(Ảnh: LadyDragonflyCC / CC BY 2.0)

4. Bokeh chính là chủ đề

Bokeh là chủ đề sẽ tạo ra những hình ảnh mang dáng vẻ trừu tượng, thú vị, và cũng mang đến những cơ hội thực hành tuyệt vời. Bức ảnh dưới đây được chụp mà không lấy nét, để hiển thị hiệu ứng ánh sáng Bokeh xuyên qua các tán cây.

(Ảnh: ‘A Guy Taking Pictures’ / CC BY 2.0)

Làm thế nào để tạo Bokeh?

1. Nghiên cứu khu vực chụp để xem ánh sáng phát ra từ đâu, nó được lọc thế nào trong môi trường. Ánh sáng sẽ đến từ phía sau hay từ bên cạnh chủ đề?

2. Dùng khẩu độ lớn (số f/stop thấp) để có độ sâu trường ảnh nông

3. Di chuyển đến gần đối tượng chụp của bạn để tách tiền cảnh khỏi hậu cảnh

4. Sử dụng một vài ống kính nếu có thể để xem các hiệu ứng khác nhau

Cần phải thực hành, duyệt trước và thực hành nhiều hơn để tạo ra hiệu ứng Bokeh mịn màng và có hoa văn. Hãy chụp với cả ánh sáng từ mặt sau và mặt bên, thiết lập các khẩu độ kết hợp với các khoảng cách khác nhau giữa tiền cảnh và hậu cảnh. Hãy thử sử dụng các ống kính và f/stop khác nhau để thử xem chúng tạo ra hiệu quả thế nào trong nhiều cài đặt khác nhau.

(Ảnh: Anne Worner / CC BY-SA 2.0)

Còn một trò vui nho nhỏ nữa, bạn phát âm từ “Bokeh’ thế nào? Một số người nói Bokeh được phát âm là Boh-ke (nhấn mạnh vào chữ e) hoặc Boh-kay. Mặc dù có nhiều quan điểm khác nhau về cách phát âm từ này, nhưng tất cả người chụp ảnh chúng ta đều đồng ý rằng, hiệu ứng Bokeh đã bổ sung thêm một chút hứng thú cho bộ môn nhiếp ảnh.

Theo Sheen Watkins (loadedlandscapes.com)

Clip hay:

Exit mobile version