Tôi chưa đến chùa Hàn San ngoài thành Cô Tô (Trung Quốc). Nghe nói đây là điểm du lịch thu hút khách thập phương trên khắp thế giới. Sự nổi tiếng của địa danh này từ trên ngàn năm nay chính là nhờ Bốn (4) câu Đường thi của Trương Kế, một tên tuổi không có gì nổi bật trong hơn 2000 nhà thơ và 5 vạn bài thơ Đường thời nhà Thanh sưu tập được.
Nhiều lần vào một quán cà phê ở quận 5, thấy bài thơ Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu được viết bằng Thư Pháp với bức tranh thủy mạc treo như bảo vật trong nhà, tôi cứ một mình lẩm nhẩm, cố làm một bản dịch mới. Vì “Hoàng Hạc lâu” là địa danh mà ai đến Trung Quốc không thể bỏ qua. Sự nổi tiếng của ngôi lầu qua bao lần vật đổi sao dời này không thể không nói tới kiệt tác của Thôi Hiệu. Nhà phê bình văn chương nổi tiếng Kim Thánh Thán thời nhà Thanh đã nhận định. Đại ý: Nếu chọn 10 nhà thơ Đường không có Thôi Hiệu. Nếu chọn 10 bài thơ Đường không thể thiếu “Hoàng Hạc lâu”. Theo như một công trình sưu tập thời nhà Thanh thế kỷ 18 thì có tới 2000 nhà thơ và 5 vạn bài thơ Đường. Quả là kho báu vật đồ sộ. Và “Hoàng Hạc lâu” phát ánh quang huy thật lạ, thật diệu kỳ…:
Hoàng Hạc Lâu (Thôi Hiệu)
Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ,
Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu.
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản,
Bạch vân thiên tải không du du.
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ,
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu.
Nhật mộ hương quan hà xứ thị?
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.
Bài thơ được Tản Đà chuyển ngữ như sau:
Lầu Hạc Vàng
Hạc vàng ai cưỡi đi đâu?
Mà nay Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ.
Hạc vàng đi mất từ xưa,
Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay.
Hán Dương sông tạnh cây bày,
Bãi xưa Anh Vũ xanh dày cỏ non.
Quê hương khuất bóng hoàng hôn.
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai.
Khó có thể lấy tài năng này so với tài năng kia; kiệt tác này so với kiệt tác kia. Nhưng “Hoàng Hạc Lâu” của Thôi Hiệu có một địa vị khác. Nó như một đỉnh Thái Sơn ngạo nghễ muôn đời. Lý Bạch đã đề thơ với nội dung là không dám làm thơ về đề tài này. Bởi đã có thơ Thôi Hiệu. Thực tế, thì họ Lý, cũng như nhiều thi nhân lớn đời Đường đều có thơ về Lầu Hoàng Hạc. Và đó là những kiệt tác. Nhưng so với Siêu Kiệt Tác của Thôi thì có khoảng cách xa. Gõ vào mạng Google, riêng tiếng Việt, đọc những gì liên quan đến Hoàng Hạc Lâu, quả là có quá nhiều. Nhưng chủ yếu là các bài văn mẫu giành cho học sinh lớp 10. Tôi nghĩ, nếu đọc ở mạng tiếng Trung nữa thôi thì chúng ta sẽ tiếp xúc với cả một thư viện bình luận bài thơ 56 chữ này. Thực lòng, tôi đã đọc, đến mỏi cả mắt nhưng na ná giống nhau. Một số khác thì muốn chứng minh bản sự đã nói những ý như: Họ Thôi đập nát Lầu Hoàng Hạc; họ Thôi khinh bỉ những cảnh ở Hán Dương, Anh Vũ….
Tôi là người tu luyện theo Đại Pháp. Từ cõi chết dường như chắc chắn, Pháp đã mở ra cho tôi một cuộc đời kỳ diệu. Tôi thực chứng được những gì uyên áo của Phật Gia và Đạo Gia. Chứng thực không phải bằng lý thuyết mà bằng việc kiểm nghiệm trên sinh mệnh của chính mình. Vì thế, cái Ngộ của tôi, cảnh giới mà tôi thực chứng rất gần với người xưa. Nếu không tin Thần Phật, không tin các Đạo Sỹ ngày xưa triển hiện thần thông, thì theo thể ngộ của tôi, thưởng thức thơ Đường cũng như đẽo chân cho vừa giày mà thôi.
Giả định rằng, Thôi Hiệu đã đến ngắm cảnh nơi địa danh Thần Tiên này. Những người theo trường phái Đạo Gia thời Đường đến những tích xưa như Hoàng Hạc Lâu cũng giống như ngày nay người Mã Lai, In đô châu Á bỏ bao nhiêu tiền của công sức để hành hương sang chốn Thánh Địa thiêng liêng Meca của Đạo Hồi mãi ở Ả Rập Sau-di vùng Trung Đông vậy. Ngắm những danh lam thắng cảnh thì đời nào cũng có người say mê. Nhưng cái cách mà các thi nhân thời Đường đến nơi này không giống như con người vô Thần chúng ta hôm nay mua vé du lịch đến chỉ để thỏa mãn những nhu cầu của người Thường. Bằng chứng rất rõ là Lý Bạch làm có 28 chữ để tiễn bạn. Nhưng cái tựa đề 11 chữ. Ta không thể không tìm hiểu, nếu ta muốn thấu đáo những tư tưởng bên trong: TẠI HOÀNG HẠC LÂU, TỐNG MẠNH HẠO NHIÊN CHI QUẢNG LĂNG .
Như vậy, hành hương đến nơi dấu tích của Tiên từng hiện hữu, Thôi Hiệu đã có những suy ngẫm xưa và nay; cái đã có và cái không có. Ngồi trên lầu Hoàng Hạc nhớ về một vị Tiên đã Bạch Nhật Phi Thăng. Dấu tích còn lại duy nhất trên mặt đất này là cái Lầu Hoàng Hạc. Nhà thơ bàng hoàng đến thảng thốt: chuyến đi vào Tiên Giới ấy đã từng xảy ra nhưng dường như không có lần thứ Hai! Nhìn hiện thực thấy mây trắng vẫn lững lờ. Le lói chút hi vọng. Chẳng phải thời khắc người xưa tung cánh vàng có mây trắng nâng thân hạc? Mây ấy vẫn còn đây. Ngàn năm rồi nó vẫn là đám mây thiên cổ đó. Vậy thì, biết đâu…
Bốn câu đầu là hoài niệm thời gian. Bốn câu sau chủ yếu là những bức tranh thiên nhiên. Là những mảnh không gian được ngắm từ trên lầu. Không gian lồng vào nhau như Tiên Giới. Đó là những hàng cây rực rỡ trong ánh sáng in rõ mồn một thân cao, lá rậm xuống mặt sông yên tĩnh tựa mặt hồ. Đó là giữa dòng Trường Giang, giữa cái mặt hồ huyền diệu ấy có một cù lao cỏ xanh mươn mướt, dường như đang dậy hương thơm thần dược. Hai câu kết chuyển cảm xúc một cách quá bất ngờ: Trời chiều rồi, quê nhà ở chốn nào nhỉ? Cứ cho là nhà thơ đã đến đây từ lúc trời còn sớm cho đến lúc sâm sẩm tối thì quê hương của ông ở đâu, ở hướng nào ông lại chẳng biết, chẳng hay?
Trên dòng sông, những lớp sóng bỗng gợn lên. Hơi nước lan trắng trên đầu sóng khiến cho người ngắm cảnh SẦU. Vâng, đây là nỗi buồn thấm thía. Nó không phải xuất hiện bất ngờ thoáng chốc. Mà nỗi Sầu này từ vạn cổ, từ bao nhiêu kiếp trên con đường tìm kiếm những giá trị thực cho sinh mệnh của mình. Cái đáng nói là, để diễn tả cái tâm trạng Sầu kết tủa lại ở chữ cuối của tác phẩm, nhà thơ đã gây cho chúng ta quá nhiều ngạc nhiên. Nội riêng cái chữ SẦU cuối tác phẩm cũng khiến ta phải phân vân. Với việc hoài cổ trôi theo thời gian xưa và nay có vẻ rất mông lung; với việc ngắm những cảnh tràn trề nhựa sống, đầy những không gian linh hoạt như vậy, tại sao lại Sầu. Buồn là đủ lắm rồi, cớ sao lại buồn quá hóa Sầu?
Thử tìm hiểu thêm về những tín hiệu nghệ thuật của tác phẩm. Có nhiều người gọi bài thơ này là THÔI LUẬT, THÔI THỂ chứ không chỉ Đường Luật. Bởi họ Thôi đã phá cách những quy định rất nghiêm ngặt của thể thơ này! Thơ xưa chỉ có bấy nhiêu câu chữ thôi nên người ta rất kỵ lặp chữ. Vậy mà, ba câu liên tiếp mở đầu đã lặp đến 6 chữ. Lần đầu là “hoàng hạc khứ”cùng với người xưa cưỡi gió, cưỡi mây về cõi Tiên. Lần hai là “Hoàng Hạc lâu” một địa danh chỉ còn di lưu dấu vết về một sự kiện kỳ diệu đã xảy ra. Cả 2 lần này, “Hoàng Hạc” đều nằm cuối câu thơ, trong một liên đối rất chỉnh: “Tích nhân dĩ thừa / Thử địa không dư/ Hoàng Hạc khứ / Hoàng Hạc lâu”. Một động, một tĩnh; một sự kiện, một dấu tích. Nhưng nó đứng đúng vị trí 5 và 6 của câu thơ. Nó mài vào một vệt nữa cho tâm trạng nuối tiếc không nguôi.
Lần thứ 3 “Hoàng hạc nhất khứ” không những đứng đầu gây ấn tượng mạnh mà lặp thêm chữ KHỨ để cho thấy sự kiện ấy không chỉ xảy ra mà nó không còn cơ hội tái hồi. Câu thơ thứ ba này làm cho những ai trung thành với niêm luật của Đường thi phải bối rối. [Hoàng (bằng) hạc (trắc) nhất (trắc) khứ (trắc) bất (trắc) phục (trắc) phản (trắc)]. Bảy (7) tiếng thì đã có 6 tiếng mang thanh trắc. Nó biểu hiện những nhức nhối đau đớn của tâm trạng. Thơ Đường rất ít khi người ta bộc lộ nhận xét, bình luận của cá nhân. Ở đây Thôi Hiệu không chỉ bình luận một lần. Chỉ cần nói: “Hoàng hạc một lần đi” là đủ. Nhà thơ bồi thấn thêm “không quay trở lại”. Ta nhớ tới Kinh Kha thích Tần cũng hát câu khí khái: “Tráng sỹ một đi không trở lại”. Chuyển đi rời cõi trần lên cõi Tiên là chuyến đi không có khứ hồi.
Sang câu thứ 4, nhà thơ lại dùng một loạt những thanh bằng như là tiếng thở dài: [” Bạch (trắc) vân (bằng) thiên (bằng) tải (trắc) không (bằng) du (bằng) du (bằng)]. Hãy lưu ý ba chữ Không Du Du đều là thanh Phù Bình, nó gợi cảm giác hụt hẫng, tiếc nuối. Ở đây, ta lại thấy chữ KHÔNG được lặp lại. Có một cảm giác trống rỗng chơi vơi. Nhưng cũng chính câu thơ nhiều thanh bằng này lại cho ta cảm giác tự tại ung dung, vô vi của đám mây trắng. Phật gia và Đạo gia thường giảng chữ KHÔNG và chữ VÔ để đưa người ta vào nhập Định. Dường như lầu Hoàng Hạc cùng đám mây kia đứng ngoài những biến cải, khen chê. Chúng đang đưa cái Tâm của mình tiến nhập vào chữ Không đầy sức mạnh huyền bí, chúng nhập được vào Không Môn . Chúng khách thể, vô ưu không giống những nắc nỏm vốn là động tâm con người.
Tôi cho Tản Đà dịch thật hay dù ông không nói được hai tiếng Du Du nghĩa là “chơi vơi”: “Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay”. Vậy là đám mây trắng đã nâng cánh hạc vàng thửa ấy đến hôm nay chưa tan, chưa tán. Nó vẫn còn tồn tại để chờ một người Tiên nữa PHẢN BỔN QUY CHÂN. Nghe có vẻ rất huyền hoặc. Nếu Đỗ Phủ, nhà thơ hiện thực, nhìn đám mây phút chốc đã khác nhau để thấy sự đổi thay khôn lường của cuộc đời: “Thiên hương phù vân như bạch y/ Tú tự hốt biến vi thương cẩu”. (Trên trời mây bồng bềnh như chiếc áo trắng, phút chốc lại biến thành con chó xanh (Đỗ Phủ).
Nguyễn Gia Thiều nhìn cuộc đời vô thường: “Lò cừ nung nấu sự đời / Bức tranh Vân cẩu vẽ người tang thương.” (Cung oán ngâm khúc). Thì ở đây, câu thơ nhiều thanh bằng có buồn nhưng tâm trạng thư giãn hơn. Mây ấy vẫn đợi hạc vàng và một cuộc hành trình lên Tiên xứ nữa có thể xảy ra, chưa hẳn đã là “bất phục phản”. Vũ Hoàng Chương đã phóng bút và dịch câu 3, 4 thật tài hoa, nghệ sỹ: “Vàng tung cánh hạc, bay bay mãi / Trắng một mầu mây, vạn vạn đời”.
Có lẽ đây là cái bàn lề để mở ra một tâm trạng đầy lạc quan. Mây trắng ấy, Hoàng Hạc lâu này, cảnh vật xung quanh đây đều sắp xếp tuyệt hảo. Chúng viên dung cùng nhau tạo nên một bức tranh Tiên thật cụ thể mà cũng thật kỳ ảo. Cảnh thật. Thật nhất là các địa danh có thể nhìn từ lầu Hoàng Hạc: “Hán Dương sông tạnh cây bày/ Bãi xa Anh Vũ xanh dày cỏ non” (Tản Đà dịch) . Những từ như “bày “/”xa”/”dày”/”non” đã mang tính chất bình luận. Thôi Hộ chỉ để cho cảnh vật dựng Tiên Cảnh quanh lầu Hoàng Hạc. Bản dịch của Khương Hữu Dụng có những nét có thể bổ sung cho cụ Tản Đà: “Sông tạnh Hán Dương cây sáng ửng/ Cỏ thơm Anh Vũ bãi xanh ngời”. Cái độc đáo của câu thơ thứ 5, 6 này là Thôi Hiệu đã dùng miêu tả cảnh để làm 2 câu LUẬN.
Đây chắc chắn không phải là hoàng hôn. Nhưng để nói đây là một thời khắc cụ thể nào thì thật khó. Hình như sáng Xuân mà hình như không thế. Hình như có một thế giới không bị khống chế của thời gian, không gian. Nó không ở chốn Tam Giới lầm lụi với nhiều nghiệp chướng. Nó đích thực là cõi Tiên! Hiện nay, trên thế giới đã xác nhận có 6 loại công năng nhờ tu luyện mà con người xuất lai. Những Thiên Mục, Dao Thị,Túc Mệnh Thông …. của những người đặc biệt khiến khoa học thực chứng chống chế: Đó là những thứ chưa hiểu được, chứ không phải là không hiểu. Theo Đạo Gia và Phật Gia tuyên giảng thì công năng là bản năng tiên thiên của con người. Nó có trên vạn thứ. Nội Dao Thị, nó có thể cho ta thấy những không gian cách vời ngàn vạn dặm.Nội Túc Mệnh Thông nó có thể cho ta đọc được quá khứ, tương lai của một sinh mệnh, của một cộng đồng với sự chính xác phi thường; hơn cả những nhà tiên tri nổi danh…
Tu luyện cho người ta những khả năng tách biệt, khống chế Thời gian và Không gian. Trong môi trường thời Đường những trí thức như Thôi Hiệu không nằm ngoài văn hóa tu luyện. Có thể họ có công năng, một phần công năng hoặc ít nhất, họ cũng nắm, hiểu và rất tin vào những thế giới kỳ diệu nhờ trí huệ, nhờ đắc Chính Giác mà có được. Đây là lý do tại sao các bài thơ Đường đều hay sử dụng những từ ngữ hoặc cấu trúc chữ có liên thông tới thuật ngữ tu luyện.
Hai chữ PHỤC, PHẢN vốn sử dụng rất nhiều trong Đạo Gia. Mục đích làm Tiên, làm Chân Nhân nên Đạo khuyên con người: “PHẢN bổn quy Chân”. Chữ KHỨ(去) khiến người ta nghĩ tới chữ PHÁP (法 ). Đó là chân lý của những tầng thứ trong Tam Giới cũng như trong vũ trụ… Chuyển ngữ từ Hán ngữ sang Việt ngữ thật là khó. Nhất là thơ Đường. Chúng ta thử tìm hiểu một số từ quanh 2 câu LUẬN 5, 6 này qua “Hán Việt từ điển”: (i) LỊCH: Rõ ràng, rõ rệt, rành mạch; (ii) THÊ: (Tính) Tốt tươi, um tùm; (iii) PHƯƠNG: Cỏ thơm, cỏ hoa.
Ngay cả danh từ riêng ở trong tiếng Hán nó cũng không đơn giản chỉ là định danh một địa điểm địa lý một cách khách quan như cách người phương Tây nhìn nhận lạnh lùng trong đặc trưng ngôn ngữ của họ. Anh Vũ là địa danh, là cù lao xanh giữa dòng Trường Giang nhưng nó nối kết với chúng ta nhiều ý nghĩa. Chẳng hạn, chúng ta liên tưởng tới một bài thơ rất được yêu thích của Lý Bạch. Lúc năm 56 tuổi, họ Lý bị lưu đày đi huyện Dạ Lang tỉnh Quý Châu. Khi chờ đò ngang để qua sông Trường Giang, ông đã làm bài thơ “Anh Vũ Châu. Đã từng để thơ lại khi đi qua Anh Vũ Châu, hẵn họ Lý không khỏi ngậm ngùi, không thôi mơ ước được bay cùng hạc vàng thoát khỏi cuộc đi đày trong thực tế và cuộc lưu đày của một vị Trích Tiên. Chắc ông và Thôi Hiệu cùng chung những ước mơ, cùng cảm nhận quán trọ trần gian quá nhiều tục lụy, cùng muốn làm các Chân Nhân theo lý tưởng Đạo Gia để đến những cảnh giới khác. Họ Lý và họ Thôi ảnh hưởng nhau như thế nào thì khó biết nhưng độc giả có quyền liên tưởng, đồng sáng tạo với hai thi nhân. Ta nhìn thấy cả hai đang cùng “tương ánh hồng” như hoa đào và mặt giai nhân phản chiếu năng lượng cho nhau trong câu thơ Thôi Hộ. Vì thế, tôi muốn tách 2 câu thơ Luận này riêng ra để chúng ta nhìn nó bằng trực giác.
Dày đặc các yếu tố lặp. Nếu coi tất cả các bộ chữ trong một chữ Hán là sinh mệnh vừa độc lập, vừa kết thành chỉnh thể lại vừa kết hợp với các chữ lân cận để có chỉnh thể lớn hơn và thống nhất thì ta rất dễ nhận thấy bức tranh nơi cõi Tiên này tạo ra sự tương tác, tương đồng, tương giao rất lý thú. Ngoài từ láy LỊCH LỊCH, THÊ THÊ ra thì ta rất ấn tượng với những chữ có NHẬT (mặt trời); có MỘC (cây cối); có THỦY (nước) ở các từ Xuyên, Hán, Châu. Đặc biệt 4 chữ PHƯƠNG THẢO THÊ THÊ liền nhau đều có bộ THẢO (cỏ hoa).
Ngay cả danh từ riêng Hán Dương và Anh Vũ cũng gợi cho ta cái âm nhạc vô thanh của bầy chim Anh Vũ hót vang lừng trong hàng cây rợp mát có ánh Dương rọi chiếu Hán Giang! Hệ thống lặp ý này là biện pháp tu từ về ý, chỉ có thế xảy ra với chữ Thánh Hiền. Nó cho các nhà thơ Đường phát huy nội hàm rất sâu sắc của hình tượng văn chương! Nhìn sông Trường Giang là Tình Xuyên (nghĩa là sông lặng, tĩnh như một mặt gương không vướng bụi); nhìn bãi cỏ giữa sông Trường giang mà ngửi mùi thơm của cỏ Phương, cỏ Chi, vốn Thần dược cải lão hoàn đồng thì quả là người tu luyện đã Định và gặp được các cảnh giới khác trần gian!
Tất cả 6 câu đang vận động theo một cái mạch lo-gic khá nhất quán. Nhưng hai câu sau thì như là thơ của ai, cảm xúc của ai chứ không phải của trích Tiên Thôi Hiệu nữa. Đây có lẽ là tín hiệu “bất thường” nhất của bài thơ. Đáng tiếc là chúng ta không đứng trong cảnh giới của người tu luyện để nhìn nó mà Thường Nhân hóa hình tượng theo cái Tình vốn chi phối nhân loại, cho nhân loại sống với chữ Mê ngàn đời. Đúng như thế. Nếu 6 câu đầu nói về người Tiên xưa cưỡi Hạc Vàng với khí thế bay bổng siêu nhiên, tung hoành ngang dọc, tiêu dao tự tại thì hai câu kết lại có vẻ tầm thường, lẩn thẩn. Nếu nói: “Nhìn khói sóng trên sông, bỗng dưng nhớ nhà, nhớ sông quê …” thì đã là vụng về. Ở đây nhà thơ biết quê mình, biết nơi chôn nhau cắt rốn của mình ở đâu rồi mà cũng hỏi.
Thơ Đường có rất nhiều bài nhớ quê. Nhưng bối cảnh thường là một đêm mưa, côn trùng rả rích ; một buổi chiều chim bay về tổ; một cánh buồm xa đang khuất dần buổi hoàng hôn… Đặc biệt là đêm trăng, trong ly cách người ta muốn sum vầy hạnh phúc. Hãy thưởng thức bài NGUYỆT DẠ của Đỗ Phủ qua bản dịch tuyệt vời của Thế Lữ:
“Ngắm trăng này ở Phu Châu,
Riêng ai phòng vắng đêm thâu sững sờ.
Tình Tràng An, dạ trẻ thơ,
Thương thay nào biết chi là nhớ mong?
Tóc mây sương đẫm hương nồng,
Tay ngà ngời ánh lạnh lùng canh khuya.
Bao giờ chung bóng song the,
Cho đôi dòng lệ đầm đìa ngừng tuôn. “
Hiện tượng “điếu cổ” (thương xót thời xưa) để dẫn tới chạnh lòng nhớ quê dường như không thấy trong thơ Đường. Đường thi muốn biểu đạt mọi trạng thái tình cảm và tư tưởng của mình thường thông qua miêu tả cảnh vật. Ở đây Thôi Hiệu lại nói nỗi niềm nhớ quê với chữ Sầu đặt ở cuối, kết đóng một tác phẩm! Càng khó cắt nghĩa là trong hai câu Luận, nhà thơ đã bước vào cõi Tiên. Thần trí và tâm thái dường như nhập Định vào một thế giới khác. Vậy mà những cảnh tuyệt vời ấy lại bất ngờ đưa nhà thơ về với xóm cũ tiêu sơ, khói lam chiều lơ thơ mấy sợi vốn là thế giới hiện thực mà dù theo Đạo hay theo Phật người ta đều cho là huyễn tượng, là cần phải từ bỏ để quay về Thượng Giới!
Theo nhà nghiên cứu Lưu Nguyên Phong (Trung Quốc) thì ông phủ nhận cách hiểu xưa nay về đề tài của tác phẩm này là ĐIẾU CỔ – HOÀI HƯƠNG. Ông đã tra cuốn Từ điển đồ sộ và nổi tiếng là TỪ HẢI nhưng không hề tìm thấy từ HƯƠNG QUAN. Chỉ có những từ như “hương thổ, hương tỉnh, hương ly, hương quốc” để nói về quê hương mà thôi. Tôi cũng tra khắp các cuốn Từ điển Hán Việt, Từ điển Trung Việt và sục sạo mọi kiểu trên ông Google nhưng quả là bóng chim tăm cá mù khơi không thấy từ này.
Họ Thôi đã sáng tạo ra từ mới cho mình. Trên kia chúng ta đã bám theo mạch tình cảm của nhà thơ. Bốn dòng đầu là suy tưởng, là hâm mộ, tiếc nuối một vị Tiên mà mình không gặp. Hai câu 5 và 6 lại là cảnh Tiên được tái hiện thật tinh khiết, sáng tươi. Không có lý do gì cho mạch tình cảm đi về điểm cuối là nhớ quê trần thế. Quả là quá khiên cưỡng! Hầu hết chúng ta hiện nay coi nhà cửa, bạc vàng, đất đai, vinh hoa phú quý là những giá trị rất thật. Chỉ những gì sờ nắm được mới là thực chất. Người xưa quan niệm sống lại phải Buông, thậm chí phải vứt bỏ những giá trị mà thường nhân tranh giành mà có. Hiển nhiên, họ tin rằng sinh mệnh trong 100 năm quá ngắn ngủi so với con đường lầm lụi chúng ta lăn lóc luân hồi.
Đừng vội chê trách người xưa là Mê tín. Câu chuyện con gà mái và quả trứng vẫn làm điên đảo những kẻ tích góp được các tư tưởng hậu thiên. Để tranh luận mãi. Với Thôi Hiệu và người xưa, họ dùng Trí Huệ thông qua chính giác mà thấy mọi vấn đề. “Vạn vật hữu linh” là một cái nhìn khách quan và không chia rẽ. Tại sao không nghĩ rằng vật chất và tinh thần là nhất tính; sinh mệnh và năng lượng cũng là một. Đúng hơn cả 4 tên gọi trên là một sự vật . Chúng chính là chân tướng mà các chính Pháp ngày xưa thừa nhận. Chỉ có chúng ta hôm nay đang đuổi theo những dục vọng do khoa học khuyến khích để tự chôn mình mới thấy những giá trị trên mặt đất là hiện hữu, là duy nhất. Thiên Chúa giáo, Đạo giáo và Phật giáo đều ghê sợ cái cõi người này. Ngay cả Nho giáo nhập thế tích cực nhất cũng yêu cầu chúng ta bắt đầu bằng Tu Thân, bằng Khắc Kỷ Phục Lễ. Vì thế, chúng ta đang nhìn các câu thơ của họ Thôi theo khoa học thực chứng với những định nghĩa đã đóng khuôn mà chúng ta đã nghiên cứu về Đường thi. Chúng ta đang dùng trí thức để phân tích mổ xẻ chứ không dùng trí huệ để lắng nghe bằng sự tri âm đồng điệu.
Trở lại với hai chữ Hương Quan. Tôi không bàn về cái nghĩa thông thường mà chúng ta đã mặc định cho tác phẩm. Người ta cho rằng đó là Cổng Làng, là quê hương sinh quán của nhà thơ. Tôi lọc ra một số nghĩa của chữ Hương này trong Từ điển. Hương là chỉ: phiếm chỉ khu vực, xứ sở; cảnh giới, trạng thái; Hướng về, ngoảnh về. (động) theo, quy phụ. (phó) xưa, trước đây. Như thế, Hương có thể là một không gian nào đó, một cảnh giới nào đó khác với hiện thực mình đang nhìn thấy. Nó cũng là phương hướng mà ta đau đáu ngoảnh về, ta đi theo vào chốn xưa quá khứ. Đâu cứ phải quê hương mới là Hương?
Chữ QUAN nó khác với chữ MÔN. Vì thế mà có từ Quan Môn. Tôi cũng lược ra một số nghĩa sau của QUAN: (Động) Đóng (cửa); Liên quan, liên hệ, dính líu; cửa ải, cửa biên giới; bộ phận, giai đoạn trọng yếu; trở ngại, cản trở. Rõ ràng, đó là cái nơi cửa đóng then cài cách ly mình với những không gian khác. Mình phải nổ lực cố gắng, thậm chí rất kiên nhẫn mới mở được. Nơi không gian ấy rất trọng yếu rất cần thiết đối với mình. Nó là một thứ Quan Ngại mà muốn lọt vào cảnh giới khác mình phải nổ lực. Ra thế, mạch lạc của bài thơ vẫn được khai thông. Vòng chu thiên vẫn cung cấp cho mọi con cháu câu chữ trong này những năng lượng thống nhất.
Cũng theo hoc giả Lưu Nguyên Phong thì HƯƠNG ở đây không hoàn toàn chỉ mang nghĩa quê hương mà cái nghĩa quan trọng nhất chính là nơi trở về của sinh mệnh. Từ tầng cao,chúng ta xấu xa không hợp chuẩn mà rơi xuống đống bùn này. Những ai tu luyện đều thấy trần gian là quán trọ. Họ muốn tu luyện, muốn Phản Bổn Quy Chân để trở về Cảnh Giới mà họ luôn Hướng tới không nguôi. Ta hãy đọc hai câu thơ trong “Quy khứ lai từ” nổi tiếng của Đào Uyên Minh:
“Phú quý phi ngô nguyện,
Đế Hương bất khả kỳ “
(Phú quý chẳng phải nguyện ước của ta,
Mà đế hương cũng không thể trông đợi)
Đế Hương ở đây là thế giới thần tiên. Nó đối với thế giới của Phú Quý mà con người luôn tranh giành, chấp trước. Cũng vậy, đọc “Tĩnh dạ tư” của Lý Bạch, theo tôi phải lưu ý cái chữ Hương rất đặc trưng này của trường phái Đạo Gia. Chỉ cần cái tâm thái của Chân Nhân, họ Thôi nhìn thế giới cỏ cây ở Hán Dương, Anh Vũ đã là Tiên cảnh rồi. Khát vọng của nhà thơ đâu muốn dừng ở đó. Ông muốn lên Tiên như người xưa đã đạt được. Ông chấp nhận những Quan Ải để đến với quê hương đích thực, giải quyết vấn đề rốt ráo của sinh mệnh vô thủy vô chung của mình. Cũng cần lưu ý, chữ Quan được dùng rất nhiều cho những người tu luyện Đạo Gia. Người ta thường nói SẤM QUAN nghĩa là VƯỢT QUAN, vượt những thử thách của Danh, Lợi, Tình trong cuộc đời đầy cám dỗ.
Còn hai chữ NHẬT MỘ?. Mộ có nghĩa là: muộn, cuối; (tính) suy đồi, tàn. Ngoài nghĩa thông thường là buổi chiều thì nó còn nói về giai đoạn kết thúc; nói về sự suy tàn hết sức sống. Đời người có SINH, LÃO, BỆNH, TỬ. Vũ trụ có THÀNH, TRỤ, HOẠI, DIỆT. Bốn mùa có XUÂN, HẠ,THU, ĐÔNG. Một ngày có SÁNG, TRƯA, CHIỀU, TỐI. Chúng đều có thế giao hoán ý nghĩa cho nhau. Các bạn hãy nghe hoặc đọc ca từ bài hát “Tôi Ru Em Ngủ”. Ngay cả thời hiện đại, nghe nhạc Trịnh, chúng ta vẫn cần tiến nhập vào trạng thái thi nhân xưa. Thực ra, 2 chữ NHẬT MỘ vốn là có sẵn trong hệ thống quy phạm của Đường thi.
Trong “Biểu trần tình” nổi tiếng của nhân vật rất nổi tiếng là Lý Mật đã dùng “nhật mộ tây sơn” (mặt trời sát núi phía tây) để nói về bà ngoại của ông vãn chiều xế bóng, do đó chỉ sống chút sức tàn, không còn trên dương thế được bao nhiêu. Một cảm khái nhói đau của tác giả: già rồi, ở bên kia dốc cuộc đời rồi mà không thấy quê hương đích thực của mình như thế nào? Và liệu có nhìn thấy được cõi giải thoát luân hồi ấy không? Vì thế, nhìn “khói sóng” nhìn những giá trị quá mong manh bám víu nhời nhợt trên những con sóng vô thường, có như không, không như có mà buồn đến Sầu. Lý Bạch tiễn bạn ở lầu Hoàng Hạc thì thấy “yên hoa” (hoa khói): “Bạn từ lầu Hạc lên đường/ Giữa mùa HOA KHÓI châu Dương xuôi dòng ” (Ngô Tất Tố dịch).
Cuộc đời trần thế quả là phù du, quả là vẩn vơ như khói sóng. Nó khác xa, khác rất xa với đám mây “thiên tải không du du”. Ngàn năm vẫn đợi người làm cuộc viễn du. Hình như Tản Đà hiểu Thôi Hiệu. Ông cũng từng nói mình là Trích Tiên vì chọc ghẹo Hằng Nga mà lưu đày hạ giới: “Quê hương khuất bóng hoàng hôn/ Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai?”. Còn Huy Cận trong Tràng Giang thì không hiểu Thôi Hiệu: “Lòng quê dợn dợn vời con nước/ Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”. Hãy xem lời bình tôi lấy ngẫu nhiên trên Google: “Ở câu thơ cuối Huy Cận chịu ảnh hưởng của thơ đường (Đường), tiêu biểu là Thôi Hiệu: Nhật mộ hương quan hà xứ nhị (thị)/ Yên ba giang thượng sử nhân sầu. Với Thôi Hiệu, mỗi lần thấy khói sóng là ông nhớ nhà da diết nhưng sao da diết bằng Huy Cận khi không có cái gì để gợi nhớ, cho thấy nổi nhớ nhà của Huy cận luôn sôi sục và rạo rực. Từ đó thấy được tấm lòng yêu quê hương đất (nước) của ông.”
Kim Thánh Thán, khi bình “Hoàng Hạc Lâu”, có cho là Thôi Hiệu đã lấy ý nghĩa của một đoạn trong sách Trang Tử: “Cái tôn quý chẳng thể truyền lại được của cổ nhân, thì đã mất rồi, còn những điều mà ngài đang đọc đây, chỉ là những cặn bã của cổ nhân đấy thôi !” (Thiên Đạo, lời Luân Biện nói với Tề Hoàn Công).
Điều này cảnh tỉnh chúng ta hôm nay khi dùng những quan điểm những suy nghĩ khác cảnh giới, khác hệ quy chiếu để tìm chân tướng của sự vật.
Hoàng Hạc Lâu và tên tuổi của Thôi Hiệu sẽ gắn vào nhau mãi mãi.
Tìm một hướng đi cho con người đạt tới viên mãn vĩnh hằng là ước mơ tự bao đời.
Hoàng Hạc Lâu và tâm sự, và triết lý uyên áo của người xưa có lẽ sẽ gọi mời những trái tim Thiện căn chúng ta về với ngôi nhà vốn đích thực của mình, tìm những giá trị vốn đích thực của cõi nhân sinh này để không chỉ là đuổi hình bắt bóng với những dục vọng, với những vật chất tiền tài và những khổ đau giày vò bởi chữ Tình, bởi tranh tranh đấu đấu. Chúng là vật ngoại thân khi sinh không mang đến, khi tử chẳng mang theo.
Đám mây trắng nhẹ nhõm trên bầu trời kia biết quê nhà của chúng ta. Bạn có sẵn sàng khi những cánh hạc vàng óng ánh dương đậu xuống cạnh mình?
La Vinh
Tiểu mục Văn thơ là bức ký họa thơ ca, tản văn, âm nhạc mà chuyên mục Văn hóa Thời báo Đại Kỷ Nguyên muốn dành tặng cho độc giả, để tìm về với nơi thuần khiết sâu thẳm nhất của chính mình, như một nốt lặng trầm quý giá trong bản nhạc cuộc sống thường nhật ồn ào, sôi động.
Xem thêm: