Tôi mong được trở lại Hà Nội vào dịp này, để tận mắt ngắm nhìn những gánh hoa, rổ hoa Loa kèn trắng ngợp tràn trên phố phường, hay được lạc vào những thửa vườn, mảnh ruộng, bãi đê lung linh sắc hoa Loa kèn trắng, đang nở hết mình, để cố níu kéo mùa Xuân ở lại chốn này…
Tôi yêu hoa loa kèn từ lần đầu tiên thấy nó, ở nhà một người bạn. Ấy là lúc tôi khoảng 17 – 18 tuổi, cái tuổi đầy mộng mơ. Cái vẻ đẹp vừa kiêu sa, vừa dịu dàng, vừa mạnh mẽ, vừa mỏng manh làm tôi ngây ngất. Cô bạn bảo: đây là hoa loa kèn, chị gái của mình đã mua nó từ Hà Nội và nâng niu nó suốt chặng đường hơn 100 km để mang nó về quê một cách vẹn toàn.
Kể từ đó, những bông hoa loa kèn trắng tinh khôi, thuần khiết mà sang trọng của Hà Nội cứ theo tôi đi suốt những năm tháng của cuộc đời. Mọi người nói với tôi rằng cứ vào dịp cuối tháng Ba đầu tháng Tư, nếu qua Hà Nội sẽ được ngắm cảnh Hà thành rợp trời một màu trắng tinh khôi khi Loa kèn xuống phố. Trong ánh nắng ban mai, sắc hoa trắng tinh, bình dị ấy cứ ngời ngời rạng rỡ từng con phố nhỏ yên bình, mang lại vẻ đẹp rất riêng cho mùa xuân của Hà Nội. Và ấy cũng là lúc Xuân sắp sửa rời đi, nhường chỗ cho nồng nàn mùa hạ. Tôi mong được trở lại Hà Nội vào dịp này, để tận mắt ngắm nhìn những gánh hoa, rổ hoa Loa kèn trắng ngợp tràn trên phố phường, hay được lạc vào những thửa vườn, mảnh ruộng, bãi đê lung linh sắc hoa Loa kèn trắng, đang nở hết mình, để cố níu kéo mùa Xuân ở lại chốn này.
Tôi sinh ở Bắc nhưng giờ đang sống và làm việc ở Nam. Ở Nam, hoa loa kèn có quanh năm, đa phần nó được đem từ Đà Lạt về thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Người Nam bộ gọi nó là hoa Ly. Cũng không hiểu tại sao nó được gọi là Ly. Có người bảo là tên ngoại nhập thôi. Cũng có người gán cho nó với cái tên nghĩa là ly biệt. Tôi cũng không biết thực sự ý nghĩa của cái tên này, nhưng người dân Nam Bộ thích chưng nó vào dịp Tết. Gần như nhà nào cũng có một bình Ly cùng khoe sắc với Mai, với Cúc… Và tôi cũng luôn có một bình hoa Ly cho những ngày đặc biệt.
Bây giờ, không chỉ có Loa kèn trắng mà còn có hoa Loa kèn hồng, vàng, cam… dù màu nào thì loài hoa này cũng đẹp thanh cao và dung dị. Tuy nhiên cũng có người kiêng kỵ chữ Ly. Ấy là một vị quan chức cấp tỉnh, trong buổi chia tay một cán bộ cấp dưới nghỉ hưu, đã nhất định không trao bó hoa có những bông Loa kèn lẫn trong hoa hồng, hoa lan.
Nhưng bác hàng xóm nhà tôi thì nói rằng: hoa Ly (hoa Loa kèn) chính là hoa Bách hợp, đó là loài hoa vô cùng tinh khiết. À, có lẽ vì cái tên Bách hợp mà người dân Nam bộ luôn thích nó và chưng nó trong những ngày đặc biệt nhất.
Kim Hạnh