Đại Kỷ Nguyên

Lời xưa thâm thúy chăng là, hỏi ai khôn khéo được qua luật Trời?

‘Đã mang lấy nghiệp vào thân
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa’…(*)
Lời xưa thâm thúy chăng là
Hỏi ai khôn khéo được qua luật Trời?

Phúc phận ấy nhờ người tích Thiện
Phường gian tham xảo biện nào hay
Cổ nhân vẫn nói câu này:
Đời cha ăn mặn, con xoay khát vòng

Lại ngẫm chuyện đèo bòng ba họ
Rằng cha ông củng cố tử tôn
Hỡi ôi đức hạnh hao mòn
Một cơn gió bụi luống toang cửa nhà!

Ảnh: Pixabay.com.

Chớ có bảo chờ già trọng Nhẫn
Thuở ngựa non háu đấm đòi phen
Xưa nay vinh nhục sang hèn
Dựa trên ứng xử, thói quen thường ngày…

Phúc tránh kẻ mặt dày mày dạn
Lộc kỵ người tay đạn tay roi
Giàu sang khéo cũng thiệt thòi
Giống như vay nợ lần hồi chứ đâu!

Thương cho kẻ đổi đầu tráo giữa
Tủi cho người xoay trở trắng đen
Nước trong đâu bởi đánh phèn
Tu Chân ấy mới làm nên sự đời

Chạnh nhớ lại mấy lời vàng ngọc
Nào dám đâu tâng bốc cao xa:
‘Thiện căn ở tại lòng ta
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài’…(*)

Ghi chú:

(*) Trong danh tác “Truyện Kiều”, đại thi hào Nguyễn Du có viết như sau:

“Đã mang lấy nghiệp vào thân
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa
Thiện căn ở tại lòng ta
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”…

Clip ý nghĩa: Câu chuyện 9 đôi giày của ông Vương

 

Exit mobile version