Đại Kỷ Nguyên

Luận bàn về Họa viện cung đình thời cổ đại Trung Hoa

Nghệ thuật hội họa Trung Hoa có lịch sử đã lâu đời và vô cùng được các triều đại coi trọng. Điều này thể hiện qua việc nhiều vị vua Trung Hoa cổ đại đã lập ra Họa viện cung đình để thúc đẩy sự phát triển của hội họa, thông qua đó mà giáo hóa dân chúng, thúc đẩy sự phát triển đạo đức xã hội.

Sự xuất hiện sớm nhất của “họa viện” ở Trung Hoa là khoảng 5 năm cuối thời kì Ngũ Đại Thập Quốc (907 – 960). Sau khi Hoàng đế Mạnh Sưởng nước Hậu Thục lập ra “Họa viện hàn lâm”. Kể từ đó, “họa viện” đã được kế thừa từ thế hệ này sang thế hệ khác. Trong lịch sử họa viện cung đình, đã nuôi dưỡng được rất nhiều họa gia kiệt xuất, cũng lưu ruyền rất nhiều tác phẩm cho đời sau, dẫn dắt hậu nhân từng bước đi trong hội họa.

Dĩ nhiên, trong đó cũng có một số triều đại không quá coi trọng. Ví dụ như thời Nguyên, hội họa đình trệ, thậm chí không có “họa viện”. Tuy nhiên, đến thời nhà Minh và nhà Thanh, các Họa viện cung đình đã nhận lại được sự chú ý, khôi phục lại vinh quang.

“Văn hội đồ” – Tống Huy Tông (Ảnh: epochtimes)

Ngoài các Họa viện trong hoàng thất, ở thời Ngũ Đại cũng từng xuất hiện nhiều các “họa viện” được thiết lập bởi những người cai trị tại địa khu. Ví như bức bích họa trong hang thứ 35, hang Đôn Hoàng. Trong đó có vẽ chân dung một người chủ địa khu, bao gồm cả chân dung của những tiểu quan của họa viện Tào Thị. Cùng với tiêu đề phía dưới “Tất cả đều là những họa gia trong họa viện“. Đây chính là một tài liệu lịch sử cho ta thấy một họa viện địa phương do gia đình Tào Thị thiết lập.

Hầu hết các bức tranh phong cảnh, hoa điểu và nhân vật trong họa viện đều yêu cầu bố cục nghiêm ngặt, màu sắc rực rỡ, bút pháp tỉ mỉ gọn gàng. Đây là đặc điểm cơ bản của những bức tranh nơi đây, còn được gọi là “viện thể” (thể loại, thể vẽ của họa viện). Chủ đề hội họa ở đây chủ yếu phản ánh cuộc sống trong cung và quan lại, giới đế vương quý tộc.

“Hàn hi tái dạ yến đồ” – Cố Hoành Trung, thời Ngũ Đại (Ảnh: epochtimes)

Trong thời Ngũ Đại, họa viện được thiết lập lần đầu tiên, các đế vương của các quốc gia đều khá coi trọng sự phát triển của nghệ thuật hội họa. Từ việc ấy mà kéo theo phong cách hội họa của thời Ngũ Đại rất hưng thịnh. Đặc biệt là tranh hoa điểu và tranh nhân vật, các danh gia lần lượt xuất hiện. Thời ấy có Cố Hoành Trung nổi tiếng là một họa gia giỏi vẽ tranh nhân vật.

Cố Hoành Trung cũng được chiêu mộ vào họa viện thời Nam Đường. Bức “Hàn hi tái dạ yến tiệc đồ” có thể nói là một bức họa nhân vật cực kỳ quan trọng trong lịch sử nghệ thuật Trung Hoa. Các nhân vật trong bức tranh được khắc họa vô cùng chính xác và tinh tế, đường cong tỉ mỉ lưu loát, sắc thái rực rỡ thanh nhã. Ông không chỉ theo đuổi hình dáng, mà còn tập trung vào thay đổi trong thái độ, tính cách và cảm xúc bên trong nhân vật.

Sau đó có họa gia Hoàng Thuyên nước Thục rất giỏi vẽ hoa, trúc, chim muông, Phật, Đạo với phong cách hội họa phong phú, ông trở thành một họa gia khá toàn diện, cũng là đại diện của họa viện cung đình lúc bấy giờ. Ngoài ra còn có danh môn Từ Hy, rất giỏi vẽ tranh thủy mặc hoa trúc.

“Tả sinh trân cầm đồ” – Hoàng Thuyên (Ảnh: epochtimes)
“Ngọc đường phú quý đồ” – Từ Hy (Ảnh: jsl641124.blog.163)

Khi Tống Thái Tổ dựng nước, ngay từ ban đầu đã thành lập Họa viện Hàn Lâm. Trên thực tế, nhiều hoàng đế trong triều đại Bắc Tống, bao gồm Tống Huy Tông và Cao Tông của Nam Tống đều là những vị hoàng đế yêu thích nghệ thuật hội họa. Trong lúc tại vị, họa viện đã được phát triển một cách trọn vẹn. Tống Huy Tông với sở thích vẽ tranh, hoạ viện của ông không chỉ là nơi nuôi dưỡng các họa gia địa phương, mà còn đem hội họa vào tuyển chọn khoa cử.

Theo “Tống sử – tuyển cử chí” ghi lại, Huy Tông lúc ấy đã thiết kế một bộ đầy đủ các kế hoạch chương trình học và kế hoạch giảng dạy, cũng như hệ thống tuyển sinh và kiểm tra. Đây như là một phiên bản cổ đại của Học viện Mỹ thuật hoàng gia. Mục tiêu “tuyển sinh” là những phu sĩ xuất thân dân gian. Một khi “trúng tuyển” liền được trao chức vị.

“Thính cầm đồ” – Tống Huy Tông (Ảnh: epochtimes)

Tống Huy Tông đã đem rất nhiều tâm tư đặt vào họa viện, bắt chước các học giả ra đề kiểm tra. Ông thường sử dụng những bài thơ hay làm câu hỏi ra đề để các ứng cử viên vẽ tranh. Một mặt, thúc họ coi trọng và tăng cường sự tu dưỡng cùng công phu rèn luyện. Mặt khác thúc đẩy sự kết hợp của “thi thư hợp nhất”, khiến các bức tranh được nâng lên một cấp độ cao hơn. Yêu cầu của Tống Huy Tông với các họa gia vô cùng nghiêm khắc. Ông thường tự mình đốc thúc, giám sát việc vẽ tranh của học viên.

Cuộn tranh “Thiên lý giang sơn đồ” của Vương Hy Mạnh là một danh tác truyền đời. Khi ấy Vương Hy Mạnh 18 tuổi thi đỗ vào Họa viện cung đình. Trải qua nửa năm dưới sự hướng dẫn của Tống Huy Tông, ông đã tạo ra được kiệt tác này. Đồng thời, bức họa cũng được làm mô phạm cho những họa gia tại họa viện. Từ đó có thể học hỏi được nhiều hơn về kỹ năng vận bút, có sự quan sát sâu sắc về phác họa.

“Thiên lý giang sơn đồ” – Vương Hy Mạnh (Ảnh: newsancai)

Sự phát triển của họa viện vào thời nhà Tống vô cùng thịnh vượng. Các họa gia của học viện được đãi ngộ rất long trọng bởi các quan văn. Mặc dù mọi thứ đều phải theo ý muốn của hoàng đế, nhưng người họa gia vẫn có thể tạo ra sự khác biệt trong lĩnh vực hội họa bằng cả trái tim và tâm hồn. Để tạo ra một tác phẩm đẹp, người họa gia không chỉ cần kỹ pháp, mà còn phải luôn giữ được tâm hồn và đạo đức trong sạch. 

Theo epochtimes.com

Uyển Vân biên dịch

Exit mobile version