Đại Kỷ Nguyên

Luận đàm về thi họa Vương Duy (P.1): Tín tâm tròn đầy nơi đất Phật

Vương Duy được biết đến với biệt danh Thi Phật. Ông là một nhà thơ nổi tiếng, nhà thư pháp, họa sĩ với nét họa tài hoa. Có cái tài xuất chúng cùng với tín tâm tròn đầy nơi đất Phật, ông là nhà thơ duy nhất phác họa được cảnh giới tư tưởng Phật gia trong họa, và thổi hồn thiện trong từng ý thơ.

Tiểu sử

Vương Duy, tự là Ma Khiết, người Bồ Châu, Hà Đông (nay là Vận Thành, Sơn Đông, Trung Quốc). Ông từng giữ chức Thượng Thư Hữu Thừa, nên thế nhân gọi là “Vương Hữu Thừa”, đa tài đa nghệ, từ thơ ca cho đến thư pháp, hội họa, âm luật đều tinh thông. Cả đời tầm đạo, 15 tuổi đã làm thơ “Tự hữu sơn tuyền nhập, phi nhân thải họa lai“, phản ánh thời kỳ niên thiếu của ông đam mê và yêu thích thiên nhiên. Thi họa của ông vì thế luôn gắn liền với cảnh sắc thiên nhiên trong một cảnh giới tư tưởng cao thượng.

Vương Duy thiên tính tình hiếu thảo, hết mực chăm sóc mẹ. Thôi Thị, mẹ ông, là một người rất tín Phật, vì thế Vương Duy chịu ảnh hưởng rất lớn từ bà trên phương diện này. Những thiện niệm của ông dần khiến ông đi theo con đường tu Phật, luôn giữ tâm thanh tĩnh, gần giống như một ẩn sĩ nơi thế tục. Mỗi ngày khi trở về sau buổi bãi triều, ông đều dâng hương tĩnh tọa, tụng đọc kinh Phật, lấy tu tâm hướng thiện, yên tĩnh điềm đạm, cảm nhận được “chân ý” của sinh mệnh và sự thần diệu của thế gian. Bởi thế nên trong các phương diện ông đều có thành tựu khá cao, được Tô Thức khen là “Thơ của Ma Khiết, trong thơ có họa; học hỏi tranh của Ma Khiết, trong họa có thơ”.

“Trường giang tích tuyết đồ” – Vương Duy (Ảnh: epochtimes)

Vương Duy đã để lại rất nhiều thiên cổ danh thơ cùng với những bức danh họa truyền đời. Ông đem thơ ca và hội họa hòa làm một thể, đưa “thi cảnh” vào cảnh vẽ, khiến cho ý họa thêm phong phú, sâu sắc; cũng đem “họa cảnh” dung nhập vào lời thơ, khiến cho thi ý sống động như có hình ảnh, tuyệt diệu vô song. Bất luận là cảnh tượng nguy nga hùng vĩ của đại hoang mạc hay núi lớn sông dài, đến những chi tiết tỉ mỉ tinh tế như bóng tùng dưới ánh trăng, suối nhỏ chảy qua khe đá, Vương Duy đều có thể tạo ý cùng với hình cảnh giao hòa một cách kỳ ảo, tươi đẹp tuyệt trần. Biểu hiện đáng chú ý nhất trong các tác phẩm của ông là chữ  “cảnh”, được ca ngợi là “Ý thú u huyền, diệu tại văn tự chi ngoại” (ý nghĩa thú vị sâu sắc, diệu kỳ từ con chữ tỏa ra ngoài).

Về sau, ông lui về ẩn cư, tu thân dưỡng tính chốn bồng lai sơn thủy; điều khiến ông còn vui thích hơn chính là ở trong núi có không ít những bằng hữu cùng chí hướng, ví như Bùi Địch, Thôi Hưng Tông, Trữ Quang Hi, Lô Tượng, Trương Yên v.v.. Trong những bài thơ “Sơn trung dữ Bùi tú tài thư”, “Yến tử ham thiện sư” và “Du ngộ chân tự” của ông đã miêu tả những cảnh tượng khác nhau mà ông cùng thưởng ngoạn với các bằng hữu: khi thì ngâm thơ, phụ xướng, khi thì vẽ tranh, gảy đàn, khi thì lên thuyền thưởng gió mát, trăng sáng, hay có khi trèo lên đỉnh núi nghe gió lạ, ngắm mây mù, nghe suối chảy róc rách, cùng bằng hữu đánh cờ, cùng tiều phu trò chuyện, cùng chim chóc ngân nga; mùa xuân thì thưởng thức hoa núi hồn nhiên, xuống suối trong uống nước cam lồ, ngắm bầu trời mênh mông đầy nhạn bay; mùa đông ở trong tuyết mà xem ngắm trúc. Ông tìm đạo rồi viết ra đạo, ông viết “Dữ ngã đồng tâm nhân, nhạc đạo an bần giả” (Người đồng tâm cùng với ta, là người vui vẻ khi rơi cảnh bần hàn) trong bài “Quá lý ấp trạch”.

Chân dung Vương Duy. (Ảnh: jfdaily)

“Thi trung hữu họa”

Mọi người đều nói tác phẩm của ông là “thi trung hữu họa” (trong thơ có tranh), hơn nữa còn “hữu thanh họa“, tức trong bức tranh còn có âm thanh, đọc bài thơ tựa như đang chiêm ngưỡng một bức phú trước mặt. Thơ ông trong trẻo và độc đáo, ví như ông viết trong bài “Thanh khê: “Ngôn nhập hoàng hoa xuyên, mỗi trục thanh khê thủy… Ngã tâm tố dĩ nhàn, thanh xuyên đạm như thử“. Thi nhân hạ bút viết về thanh khê (khe suối), vừa hoạt bát, vừa sâu thẳm, mang màu sắc mộc mạc, nhưng lại có cảm giác lưu động của dòng nước, tại sao lại có thể thể hiện dòng suối thật đến như vậy? Chính là bởi thi nhân đặt tâm trí mình vào cảnh thanh khê mà viết thơ, tâm trí ông trong trẻo cũng khiến cho dòng nước trong thi họa của ông trong trẻo bình yên, tâm cảnh và vật cảnh tại đây dung hợp với nhau làm một.

“Tuyết khê đồ” – Vương Duy, thời Đường (Ảnh: zhlzw)

Những bài thơ điền viên sơn thủy của Vương Duy là một loại thơ mang vẻ đẹp “không”, “tĩnh”. Tuy nhiên cái “không” trong thơ của ông không phải là sự trống rỗng, vô ích, mà là chỉ khoảng không gian khoáng đạt của sinh mệnh, khiến người ta trong yên tĩnh mà cảm thấy được lấp đầy bởi sức sống của sơn thủy, cảm nhận được tạo vật sinh sôi nảy nở không ngừng. Thi nhân trên phương diện thẩm mỹ lấy hư tĩnh, tâm tịnh mà biểu đạt thấu giáo lý Phật pháp và ý nghĩa thiết yếu của cuộc đời, trong lòng tràn đầy ánh sáng quang minh, bao hàm vạn vật, lấy tâm cảnh mà quan sát vật cảnh, vì thế mà cảnh vật được ông nhìn thấy phơi bày sự “hư tĩnh”, “không minh”, như Vương Duy đã viết trong bài “Tích vũ võng xuyên trang tác”:

Mạc mạc thủy điền phi bạch lộ, âm âm hạ mộc chuyển hoàng ly.
Sơn trung tập tĩnh quan triêu cận, tùng hạ thanh trai chiết lộ quỳ.

Dịch nghĩa:

Ruộng nước tĩnh mịch cò trắng bay, trong bóng râm mùa hạ chim hoàng anh hót
Trong núi tĩnh quan sát cây dâm bụt, dưới bóng tùng thanh mát nở rộ hoa thục quỳ.

Thi nhân đã đặt mình vào thế giới bên ngoài, sau đó xuyên thấu vào sơn trang nơi ông ẩn cư tu hành, cảm thấy vô cùng vui thú trước những quang cảnh mình bắt gặp, ví như trong bài thơ “Điểu minh giản”:

Nhân nhàn quế hoa lạc, dạ tĩnh xuân sơn không.
Nguyệt xuất kinh sơn điểu, thì minh xuân giản trung.

Dịch nghĩa:

Người nhàn rỗi ngắm hoa quế rơi, đêm xuân tĩnh lặng trong núi
Trăng lộ làm kinh động chú chim, tiếng hót mùa xuân vọng bên khe.

Đọc những câu thơ trên khiến ta như lạc vào một cảnh giới kỳ lạ, tựa như nghe được cái “tĩnh”, ngửi được hương thơm hoa quế, bởi vì không gian quá yên lặng nên đến ánh trăng lộ ra cũng có thể làm chim chóc giật mình.

Thơ của Vương Duy có khi giống như một bức tranh thủy mặc dùng mực rất nhạt để vẽ, như trong bài “Hán Giang lâm phiếm”:

Giang lưu thiên địa ngoại, sơn sắc hữu vô trung.
Quận ấp phù tiền phổ, ba lan động viễn không.

Dịch nghĩa:

Bên ngoài dòng sông chảy qua bao chốn, sắc núi tình cờ hiện lên ở giữa
Quận ấp nổi lên trước cửa biển, gợn sóng động xa xa.

“Giang Can tuyết ý” – Vương Duy, thời Đường (Ảnh: old888)

Dòng sông chảy dài, tựa như dòng sông chảy ra thiên địa, núi xa mưa lất phất, lúc ẩn lúc hiện, quận ấp chìm nổi trong thế nước mênh mông, những gợn sóng lớn, mênh mông phong mạo. Có lúc thơ ông lại giống như một bức tranh với lối vẽ tỉ mỉ, đậm sắc:

Đào hồng phục hàm túc vũ, liễu lục canh đái triêu yên.
Hoa lạc gia đồng vị tảo, oanh đề sơn khách do miên.

Dịch nghĩa:

Hoa đào nén mình trong đêm mưa, liễu xanh bị bao phủ một lớp sương khói
Hoa rơi khiến người nhà phải quét, chim oanh hót gọi núi còn ngủ đông.

Cảnh tượng sau cơn mưa, hoa đào tỏa mùi thơm, cành liễu bị một lớp sương bao phủ như bọc trong những hạt nước, hoa rụng rơi nhiều khiến người trong nhà phải quét dọn, ngửi mùi hoa thơm, nghe chim hót, còn cảm nhận được sự chất phác và cần cù lao động của con người, làm đậm đà thêm vẻ đẹp của cuộc sống.

Theo epochtimes.com

Uyển Vân biên dịch

Exit mobile version