Vương Duy được biết đến với biệt danh Thi Phật. Ông là một nhà thơ nổi tiếng, nhà thư pháp, họa sĩ với nét họa tài hoa. Có cái tài xuất chúng cùng với tín tâm tròn đầy nơi đất Phật, ông là nhà thơ duy nhất phác họa được cảnh giới tư tưởng Phật gia trong họa, và thổi hồn thiện trong từng ý thơ.
>> Luận đàm về thi họa Vương Duy (P.1): Tín tâm tròn đầy nơi đất Phật
Bàn về tranh sơn thủy của Vương Duy
Khi bàn về “họa trung hữu thi” (trong tranh có thơ) của Vương Duy, trước tiên phải nói về những bức tranh sơn thủy của ông. Tranh sơn thủy là loại tranh cần chú trọng việc tạo cảnh, trong lòng Vương Duy luôn muốn chứa đựng thiên địa vạn vật, vì vậy khi ông đặt bút có thể ngay lập tức vẽ lên được những nét mực vô cùng tự nhiên, vẽ tới vẽ lui không có trở ngại, tạo hình nhất sơn nhất thủy tuyệt đẹp. Ông chọn sự quyến rũ nhẹ nhàng để mô tả vẻ đẹp, từ đó thăng hoa tới một cảnh giới, một khí phách, một phong cách mà chỉ mình ông có. Vương Duy nói rằng: “Trong lòng thoải mái, không có chướng ngại, như hồ băng trong suốt…thì khi hạ bút vẽ sẽ mang phong cách khí thế thoát tục”.
Khi bàn về quan niệm nghệ thuật, Vương Duy luôn ủng hộ thể hiện ý cảnh yên tĩnh và độc đáo. Trong “Sơn thủy quyết” ông nói: “Phàm là họa sơn thủy, ý tại bút trước”, hay “vẽ người tìm đạo, thủy mặc là tốt nhất”. Trong tranh của mình, ông thường lấy sự mộc mạc, thô sơ làm hứng thú, lấy thủy mặc, màu mực thanh đạm để viết ý vẽ phong cảnh, được người đời sau xưng là “Văn nhân chi họa, tự Vương Hữu Thừa thủy”; trong “Đường triều danh họa lục” có ghi: “Thư họa đặc trăn kỳ diệu, bút tung thố tư, tham vu tạo hóa” (thư họa đạt tới mức kỳ diệu, bút giấu suy tư, sáng tạo mới mẻ). Ông thường chọn lựa những ý tượng như “Sơn xuyên tú dật” (Trong núi nở hoa), “Hàn sơn cổ tự” (Núi lạnh cổ miếu), “Khê giản phi bộc” (Khe suối thác nước), “Yên hà thâm xử” (Khói ráng mây sâu) để tạo hiệu ứng nghệ thuật riêng của mình.
Vương Duy cũng vẽ tranh thanh lục sơn thủy, với đặc trưng là “Thảo bản phu vinh, bất đãi duyên phấn nhi bạch. Sơn bất đãi không thanh nhi thúy, phong bất đãi ngũ sắc nhi tụy.” (cây cỏ tươi tốt, không cần dùng đến bột chì mà trắng; núi không xanh mà mang màu cánh chim trả, gió không dùng ngũ sắc mà xanh).
Khi tới thăm chùa Thanh Nguyên, núi Võng Xuyên, ông đã vẽ bức “Võng Xuyên đồ”, và tổng cộng vẽ đến 20 khung cảnh tại nơi đây, chủ yếu được bao quanh bởi những ngọn núi, những cây cổ thụ chọc trời, đình đài, thuyền bè, có thể nói là u tĩnh vô cùng, nhưng vẫn thể hiện được sức sống dồi dào. Chu Cảnh Huyền xem tranh bình rằng: “Sơn cốc um tùm, vân thủy bay động, ý xuất trần ngoại“. Khiến người ta có thể liên tưởng tới câu thơ:
Cao quán lâm rừng pha, khoáng nhiên đãng tâm mục.
Đạm đãng động vân thiên, linh lung ánh khư khúc
Dịch nghĩa:
Quán xá cao cao trong rừng ven bờ nước, cảm nhận được khoảng không rộng rãi
Mây mỏng trên trời nhẹ nhàng trôi, lung linh ánh lên nền đất cũ.
Hình ảnh trong bức “Sơn âm đồ” lại khá đơn giản và rõ ràng: trên một dải đất bằng phẳng trên đỉnh núi, có vài bóng cây hòe cổ thụ thưa thớt, có hai người đang ngồi đàm đạo, một người ngồi quay mặt về khe suối, người kia ngồi quay về phía núi, xa xa có vài cây tùng cổ thụ, xanh rộng và cao xa. Cây thạch tùng ở giữa cao vút, dùng màu mực nhạt loãng, coi trọng sự uyển chuyển của nét bút hơn màu mực, núi đá màu xanh lục, xa xa có núi rừng mây khói mờ ảo.
Còn bức “Giang sơn tuyết tế đồ” khắc họa cảnh trời cao xa xôi, như chứa đựng trong đó nghìn vạn khí tượng sâu thẳm lặng yên. Dãy núi tuyết trong tranh kéo dài, trùng trùng điệp điệp, những cây cổ thụ đứng lặng trên sườn núi; ngọn cây, đỉnh núi đều được tuyết phủ trắng xóa, đường mòn có lữ khách đi qua, núi tạo thành một bức tường bao quanh, lộ ra khe suối tinh khiết. Tuyết, nhà cửa, người đi đường, con thuyền cô độc được bố cục như tùy tiện mà lại mang ý cảnh sâu xa, thể hiện quan niệm nghệ thuật độc đáo, phản ánh sự tu dưỡng thâm sâu của họa gia, tạo một không gian mênh mông cho khán giả thưởng thức.
Các văn nhân nhã sĩ thời xưa vô cùng yêu cây trúc. Trúc thể hiện sự kiêu sa trước sương tuyết giá lạnh, chìm trong gió đông mà không bị tàn úa, mang phẩm cách khiếm tốn, chính trực, Vương Duy cũng không phải ngoại lệ, ông cũng vô cùng yêu thích vẽ trúc, trúc của ông mang khí vận dồi dào, hình thần kiêm cổ, Tô Thức từng có lời bình: “Môn tiền lưỡng tùng trúc, tuyết tiết quán sương căn” (trước cửa hai khóm trúc, sương tuyết xuyên qua cây). Vương Duy đem thơ hòa cùng với họa, thành bài “Trúc lí quán” là một sự kết hợp hoàn mỹ, trong đó có câu:
Độc tọa u hoàng lý, đạn cầm phục trường khiếu.
Thâm lâm nhân bất tri, minh nguyệt lai tương chiếu
Dịch nghĩa:
Ngồi giữa rừng sâu núi thẳm, tiếng đàn vang xa
Trong rừng sâu không ai biết, trăng sáng đã tới chiếu rọi.
Rừng sâu, trăng sáng, cùng với tiền cảnh ngồi trong rừng một mình, đưa tiếng đàn vang xa, hồn nhiên giữa một thế giới riêng, thi nhân nghe tiếng lá trúc, cảm nhận âm thanh này mà tùy hứng gảy đàn.
Vương Duy từng viết trong “Sơn thủy quyết”: “Hoặc chỉ xích chi đồ, tả bách thiên lý chi cảnh. Đông tây nam bắc, uyển nhi mục tiền. Xuân hạ thu đông, sinh vu bút hạ” (Bức đồ vài gang tấc, viết cảnh trăm ngàn dặm. Đông tây nam bắc, uốn lượn trước mắt. Xuân hạ thu đông, sinh từ đầu bút).
Ông hiểu rằng, tất cả mọi thứ trên thế gian đều có quan hệ nhân duyên, đạo lý nhân quả báo ứng; ông thường khuyên bằng hữu và người thân cần phải tín phụng Phật pháp, tu dưỡng tâm tính, lấy tâm từ bi đối đãi mọi người, không thể cố chấp vào danh lợi, nếu không có thể tự chiêu mời tai họa. Trong thơ họa ý cảnh, trong cảnh lộ ý thơ, tâm cảnh tự nhiên biểu lộ một sự tường hòa cao thượng, có thể lay động lòng người. Từ trong các tác phẩm của ông có thể thấy tinh thần hướng đạo cùng tâm tính thuần khiết, theo đuổi sự hợp nhất của thiên nhân, sự tốt đẹp và ánh quang minh phía trước.
Theo epochtimes.com
Uyển Vân biên dịch