Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài là một truyền thuyết nổi tiếng của Trung Quốc về chuyện tình đẹp nhưng đầy bi kịch của một đôi trai gái có tên là Lương Sơn Bá và Chúc Anh Đài hay còn được viết tắt là Lương Chúc. Truyền thuyết là nguồn cảm hứng cho rất nhiều các tác phẩm nghệ thuật lưu danh kim cổ.
Lương Sơn Bá- Chúc Anh Đài được xếp hạng là một trong tứ đại dân gian truyền thuyết nổi tiếng của Trung Quốc. Xoay quanh câu chuyện được cho là có thật trong lịch sử về tình yêu trong sáng đẹp đẽ và thủy chung của cặp trai tài gái sắc. Tuy gặp trắc trở và không thể được tác hợp nhân duyên thiên định, nhưng tình yêu mà họ dành cho nhau cùng với lòng thủy chung đã khiến ông trời cảm động mà tác hợp cho họ được chôn chung mồ, chết bên nhau.
Truyền thuyết về mối tình trong sáng đẹp đẽ của một tình yêu trong truyền thống là nguồn cảm hứng của rất nhiều tác phẩm nghệ thuật còn lưu truyền tới ngày hôm nay.
Chúc Anh Đài được cho là biểu tượng của người con gái truyền thống nhưng ham học hỏi khao khát được tự do bay nhảy
Anh Đài sinh ra trong một gia đình khá giả. Ngày từ khi còn nhỏ cô được giáo dục về lễ nghi, đạo lí và nhân nghĩa ở đời. Vốn là cô gái thông minh hoạt bát, cô luôn khao khát được học hỏi nhiều hơn và ước được trở thành nam nhân để được thoải mái học hành thi cử.
Cô đã cải trang thành nam nhi để được đi học và đàm luận kiến thức cùng bậc chí nam nhi. Ở thời đó, nữ nhi là trốn khuê phòng chướng rủ màn che. Có được học cũng chỉ là những thứ về cầm- kì- thi- họa. Có khao khát ước vọng lớn hơn cũng chỉ đành ngậm ngùi sau tấm rèm mà e lệ.
Nhưng với Anh Đài điều đó thật sự như bó buộc, cô tìm mọi cách thuyết phục mẹ cha để được đi học. Sự ham học hỏi và trí tuệ của Anh Đài khi đó đã làm nhiều bậc nam nhân mến mộ.
Chàng trai Sơn Bá con người hiền lành thật thà và cuộc gặp gỡ định mệnh gieo duyên cho tình yêu đôi lứa
Sơn Bá đại biểu cho con người với bản tính lương thiện và chất phát. Xuất thân trong gia cảnh nghèo nhưng có chí. Sơn Bá đèn sách học hành chăm chỉ và cũng theo nhập học để chuẩn bị cho kì thi ứng thí.
Nơi học cũng là nơi se duyên cho Sơn Bá gặp gỡ Anh Đài trong thân phận gái giả trai. Sự ngây thơ và vô tư của Sơn Bá khiến chàng trai chẳng biết Anh Đài là phận nữ.
Anh Đài vốn thông minh lại tốt bụng sớm có được cảm tình của anh chàng Sơn Bá thiện lương.
Cuộc gặp gỡ như một nhân duyên định mệnh. Ngày họ chia tay nhau Anh Đài khéo hẹn ước gặp gỡ Sơn Bá. Khi biết thân phận thực sự của Anh Đài, Sơn Bá ấp ôm theo tình cảm của cả hai với niềm tin ngày gặp nên duyên chồng vợ.
Ấy vậy mà sợi dây tơ hồng như chưa được kết bền chặt, khiến lứa đôi trong thương nhớ khôn nguôi. Ngày Sơn Bá có kết quả báo đỗ tú tài là ngày Anh Đài được mẹ cha hứa gả cho nhà họ Mã.
Biết không thể cưỡng lại lương duyên, Sơn Bá như người nắm giữ sợi dây tình duyên của con diều tình bị đứt trong gió đời. Nhớ thương, vấn vương tơ tưởng mà nhiễm trọng bệnh mà qua đời. Ôm theo mối tình còn nguyên vẹn lời hẹn ước.
Nếu như ai đó đã từng đọc Hồng Lâu Mộng thì thấy được Lâm Bảo Ngọc cũng vì nỗi buồn khổ trong tâm vì tình yêu lỡ dở mà sinh bệnh rồi qua đời. Thì trong câu chuyện tình Lương Chúc, chàng trai Sơn Bá cũng vò võ ôm theo mối tình trong sáng đẹp đẽ với sự bất lực không thể đổi dời của định mệnh mang theo xuống tuyền đài.
Phải chăng sợi dây tình ấy cũng đủ làm cho hồn người thêm héo úa. Làm thân người kia thêm tàn tạ. Vĩnh biệt thế nhân mà chôn chặt một mối tình.
Câu chuyện tình với cái kết bỏ ngỏ.
Tương truyền, khi kiệu hoa của Anh Đài đi ngang qua khu mộ của Sơn Bá, thì trời bỗng nổi giông tố như cản trở đoàn rước dâu.
Anh Đài xin phép được ghé thăm ngôi mộ của Sơn Bá. Khi tới đó cô than khóc mà kể về lời hẹn ước khi xưa của hai người. Bỗng ngôi mộ tách ra và Anh Đài đi vào trong đó. Và đột nhiên từ trong ngôi mộ bay ra 2 con bướm tuyệt đẹp dập dìu bay lượn cùng nhau.
Cái kết của câu chuyện là lời nguyện ước về một tình yêu chung thủy nguyện được ở bên nhau. Khi sống chẳng được sớm hôm xum vầy thì khi chết nguyện được chôn chung một mộ. Nguyện thà được làm đôi bướm ngày đêm bên nhau chứ chẳng thể xa rời.
Câu chuyện tình được người đời ghi nhớ tới bởi tính cao đẹp trong tình yêu trong sáng thủy chung của đôi trai gái chẳng màng tới uy danh quyền quý. Tình yêu của họ vượt lên trên sự tham chấp về nhung lụa giàu sang. Vượt lên trên sự ham muốn dục vọng tầm thường. Chuyện tình đó được ví như câu chuyện tình lãng mạn của Romeo và Juliet ở phương trời Tây.
Nhưng cái kết của câu chuyện tình này là một dấu hỏi còn bỏ ngỏ. Tại sao họ không được đầu thai làm thân người mà tiếp tục mối lương duyên mà lại trở thành hồ điệp? Điều suy ngẫm ở đây là gì? Phải chăng cái chết vì tình của họ là sự phung phí của sinh mệnh đời người? Có lẽ đó chính là vòng xoáy nhân tình thế thái mà con người cứ mãi chìm nổi chẳng thể thoát ra.
Câu chuyện tình Lương Chúc là nguồn cảm hứng phong phú của nghệ thuật.
Ngoài tính chất đẹp đẽ trong sáng và lòng chung thủy sắc son trong tình yêu của câu chuyện tình được đánh giá là một trong tứ đại truyền thuyết dân gian Trung Quốc. Lương Sơn Bá- Chúc Anh Đài còn là xây dựng thành rất nhiều các phiên bản hý kịch chẳng hạn Lương Chúc trong hí kịch Thiệu Hưng và Liễu ấm ký trong hí kịch Tứ Xuyên.
Câu chuyện cũng truyền cảm hứng cho sự ra đời của Lương Chúc tiểu đề cầm hiệp tấu khúc (bản côngxectô Lương Chúc dành cho violin), một sáng tác dành cho viôlin và dàn nhạc. Nó được các nhà soạn nhạc Trung Quốc là Hà Chiêm Hào và Trần Cương ư sáng tác năm 1958.
Bản côngxectô này dài gần khoảng 30 phút và là một trong những tác phẩm kinh điển của nền âm nhạc Trung Quốc hiện đại. Trong thập niên 1970, đài truyền hình TVB của Hồng Kông đã cho viết phỏng theo truyền thuyết này các đoạn tiểu khúc âm nhạc, với Đàm Bách Tiến và Susanna Kwan thể hiện các đoạn xướng âm cho các phần nhạc thu do Cố Gia Huy viết.
Bản “Butterfly Lovers” biểu diễn bởi Dàn nhạc trẻ Hsinchu Đài Loan:
Rất nhiều tác phẩm điện ảnh dàn dựng lại thiên tình sử đẹp đẽ này và để lại ấn tượng rất sâu sắc trong lòng công chúng.
Có thể nói rằng, chuyện tình Lương Chúc không dừng lại ở sự tôn vinh vẻ đẹp trong tình yêu đôi lứa dưới góc nhìn truyền thống mà còn có ý nghĩa nhân sinh sâu sắc về sợi dây tình níu kéo, ràng buộc con người trong khổ đau đọa đày. Có lẽ chính vì thế cái kết đau thương đầy nuối tiếc là chẳng được mang thân người mà chỉ làm hồ điệp mà xe tiếp sợi dây duyên tình. Đời người là hữu hạn, kiếp người là đoản trường. Nhân thân nan đắc. Có được thân người rồi sao thoát khỏi được sự nhào nặn của nhân tình thế thái đây?
Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài hòa tấu đàn tranh:
Tịnh Tâm