Đại Kỷ Nguyên

Tản văn: Mái tóc dài của mẹ

mái tóc của mẹ

Bao nhiêu lần bạn bè đã giục nó cắt tóc ngắn cho trẻ trung hơn, cho năng động hơn mà nó chỉ cười rồi lảng qua chuyện khác. Vì nó muốn tặng cho mẹ nó một niềm vui mỗi khi vuốt ve mái tóc dài mà nó đã cất công nuôi dưỡng. Nó có phải là một cô gái cổ hủ không? 

Ngày nó còn nhỏ, mái tóc của mẹ đẹp lắm, đen, dày và mượt. Thỉnh thoảng nó vẫn ngồi ngắm bố kết tóc cho mẹ. Bố kết chặt tay nên khi mẹ đi làm đồng không sợ tóc bị tuột ra. Mẹ đã bảo với nó như vậy. Những lúc ấy nó thấy gia đình mình thật hạnh phúc.

Ngày ấy, bố đi làm xa, nhà nó còn nghèo, chưa được khấm khá như bây giờ. Cũng đã hơn mười năm rồi. Cuộc sống đổi thay thật kì diệu và nhanh chóng.

Ngày ấy, nó nhớ mẹ đã phải đạp xe rất xa đến chợ huyện để bán dọc khoai. Buổi sáng hôm ấy trời mưa tầm tã, mẹ đi từ sớm. Nó ở nhà chờ và rất háo hức. Bác hàng xóm nói ở chợ huyện dọc khoai bán rất được giá. Mẹ đã chở đi một đống dọc khoai rất to. Nó tự cho phép mình hi vọng sẽ được mẹ mua cho một món đồ gì đó.

Trời vẫn mưa tầm tã. Mẹ về! Sớm hơn sự mong chờ của nó. Mẹ kể mẹ bán rất nhanh hết hàng. Nó chẳng kịp để ý đến bộ quần áo ướt nước mưa của mẹ, tíu tít hỏi mẹ đã bán được tất cả bao nhiêu tiền. Mẹ bảo tất cả được hai nghìn đồng. Chỉ hai nghìn đồng thôi sao? Đống dọc khoai to như vậy mà! Nó băn khoăn hỏi đi hỏi lại: “Tất cả chỉ được hai nghìn thôi hả mẹ?”. Nó tưởng mẹ đang nói đùa, hai nghìn đồng chỉ mua được bốn tấm đậu. Ngày ấy nó đã biết làm phép tính nhân. Mẹ cười: “Có tất cả hai mươi bó dọc khoai, mỗi bó một trăm đồng”. Nó hình dung lại đống dọc khoai và không hỏi mẹ thêm điều gì nữa.

(Ảnh minh họa: youtube.com)

Một lần, nó và mẹ đi khám bệnh. Chân nó hay bị đau buốt vào ban đêm, triệu chứng của bệnh thấp khớp. Từ phòng khám ra, nó được mẹ dẫn đi ăn sáng rồi mẹ dẫn nó vào một cửa hiệu cắt tóc. Sao lại vào cửa hiệu cắt tóc? Tóc nó chưa đến lúc phải cắt mà! Nhưng khi mẹ bỏ nón và khăn ra, nó mới để ý thấy tóc mẹ đã cắt ngắn từ bao giờ. Rõ ràng sáng sớm nay, lúc còn ở nhà, tóc mẹ vẫn dài, vẫn kết.

Vậy mẹ cắt tóc từ khi nào? Sao mẹ lại cắt tóc?

Nó đứng yên suy nghĩ và im lặng nhìn người ta sửa lại tóc cho mẹ. Ở quê nó, những người cắt tóc ngắn phía trên vai như kiểu mẹ nó đang cắt thường bị gọi là cô tấc, nghĩa là trông ngô ngố, nghĩa là bị trêu chọc, nghĩa là bị chê bai. Sao mẹ lại cắt tóc? Nó vẫn thích mẹ để tóc dài hơn.

Nó đã im lặng suốt quãng đường về nhà, mặc dù mẹ tỏ ra khá vui vẻ với kiểu tóc mới. Mẹ còn bảo nó: “Ngày trước mẹ cũng đã từng để tóc ngắn. Bây giờ cắt tóc như thế này mẹ thấy mình trẻ lại”. Nó vẫn không nói gì. Nhưng khi sắp về đến làng, nó thấy mẹ dừng xe lại, đội khăn và nón cẩn thận hơn. Dường như mẹ không muốn ai nhìn thấy mái tóc ngắn của mình. Nó càng không hiểu tại sao mẹ cắt tóc.

Cho đến một hôm, nó vô tình nghe được câu chuyện mẹ kể với bác hàng xóm. Thì ra, trong lúc nó vào khám bệnh, mẹ ngồi chờ bên ngoài đã gặp một cô buôn tóc. Thấy tóc mẹ dài và đẹp, cô ấy đã gạ mẹ cắt tóc bán. Lúc ấy vì chỉ lo không đủ tiền mua thuốc cho nó nên mẹ đã đồng ý và chỉ định cắt đến ngang vai. Nhưng cô buôn tóc lại cố tình cắt lên phía trên để được một đuôi tóc thật dài khiến mẹ đành phải vào hiệu để sửa lại tóc.

Nó đã hiểu tất cả. Nó im lặng đến bên và vuốt mái tóc ngắn của mẹ. Nó không còn thấy mái tóc ấy lạ lẫm nữa, nó không còn thấy mái tóc ấy cụt cẫng nữa, nó không còn thấy mái tóc ấy không phù hợp với mẹ nữa.

“Con đừng lo! Tóc mẹ sẽ dài lại nhanh thôi!” Dường như mẹ nó cũng hiểu tâm tư của nó…

Nhưng từ ngày đó cho tới bây giờ, khi nó đã lớn lên và đi học xa nhà, tóc của mẹ không dài lại được như xưa nữa. Mỗi lần nhìn mái tóc của mẹ, nó lại thấy se lòng. Ngày trước, tóc của mẹ dày mượt là thế mà bây giờ mỏng, quăn, xơ xác và không thể nào dài được qua lưng. Nó nhớ tới cảnh bố ngồi kết tóc cho mẹ. Có cách nào để tóc mẹ trở lại được như xưa?

(Ảnh minh họa: youtube.com)

Mái tóc của mẹ trở thành một ám ảnh trong nó. Bao nhiêu lần bạn bè đã giục nó cắt tóc ngắn cho trẻ trung hơn, cho năng động hơn mà nó chỉ cười rồi lảng qua chuyện khác. Phải, nó đã nghĩ ra cách để trả về cho mẹ mái tóc ngày xưa mẹ cắt đi vì nó. Mặc dù tóc nó không đẹp như tóc mẹ ngày trước nhưng nó muốn làm một điều gì đó để tỏ lòng biết ơn trước tình yêu thương mà mẹ dành cho nó, để bù đắp phần nào đối với những gì mẹ đã hi sinh vì nó…Mẹ nó chắc sẽ rất sung sướng mỗi khi được vuốt ve mái tóc dài mà nó đã cất công nuôi dưỡng.

“Mái tóc của con xin dành tặng mẹ
Xin nuôi dài như tóc mẹ ngày xưa”…

Phải, nó đã tự nhủ như thế!

Vậy nên nó nói:“Thôi, tao sẽ không cắt ngắn mà chỉ tỉa bớt phần chẻ ngọn mày ạ!”.

Cô bạn cùng phòng cười cười như đã biết trước câu trả lời của nó nhất định sẽ là như vậy.

Đại Kỷ Nguyên bàn: Những người tốt, họ thường âm thầm làm việc tốt cho người khác mà không cầu báo đáp. Thậm chí họ có thể bị hiểu lầm mà cũng chẳng thanh minh. Tình yêu của cha me đối với con cái bằng trời bằng bể, nhưng đôi khi con cái không nhận ra điều đó. Nhưng đây đó cũng không thiếu những người con sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân để báo đáp công ơn cha mẹ. Văn hóa truyền thống có câu: “Bách thiện hiếu vi tiên” (trong 100 điều thiện thì có hiếu với cha mẹ là đứng đầu). Thiết nghĩ, trong một xã hội tốt đẹp thì con cái không thể không quan tâm chăm sóc tới cha mẹ mình. 

Clip ý nghĩa:

Exit mobile version