Đại Kỷ Nguyên

Mẹo chụp ảnh phong cảnh có sự xuất hiện của động vật hoang dã

mẹo chụp ảnh phong cảnh có động vật hoang dã

Hình ảnh động vật hoang dã và phong cảnh khi kết hợp lại có thể mang lại những bức ảnh tuyệt vời. Tuy nhiên, quá trình suy nghĩ của chúng ta về bố cục và kỹ thuật cần phải thay đổi so với việc chỉ đơn thuần chụp phong cảnh. Vì vậy, hãy xem xét một số yếu tố sau đây để giúp bạn tận dụng tối đa cảnh quan có động vật hoang dã trong đó.

Làm thế nào có thể tìm thấy động vật hoang dã để chụp cùng ảnh phong cảnh?

Những không gian rộng mở là cái đích tốt nhất để đảm bảo các hình ảnh phong cảnh tuyệt vời của bạn sẽ bao gồm cả động vật hoang dã. Nhưng ví dụ làm thế nào để chắc chắn rằng bò rừng hoặc sư tử sẽ băng qua đường ngắm của bạn? Đầu tiên, nó phụ thuộc vào loại động vật hoang dã mà bạn đang tìm kiếm. Những con chim như diều hâu và đại bàng có thể trở thành một phần của hình ảnh phong cảnh của bạn ngay cả trong các thành phố lớn, miễn là gần đó có những khu bảo tồn loài đủ lớn để chúng săn mồi và làm tổ.

Để bắt đầu thì tốt nhất là bạn hãy liên hệ với Cục Bảo tồn Môi trường địa phương để biết các hướng dẫn về địa điểm và thời gian chụp phù hợp. Các sự kiện nằm trong danh mục của các kiểm lâm viên như mùa di cư của chim, thói quen làm tổ của chim săn mồi và các sự kiện khác sẽ giúp bạn tạo ra các khung hình cảnh quan tập trung vào khía cạnh động vật của thiên nhiên hoang dã.

Cá voi lưng gù. Ảnh: Skeeze / CC0.

Nhưng những hướng dẫn này sẽ cần thay đổi nếu bạn muốn chụp những con thú lớn như bò rừng, sư tử hoặc cá voi. Hầu hết các loài thú lớn không chỉ cực kỳ nhút nhát mà còn có rất ít, nên rất khó gặp. Các công viên quốc gia và khu bảo tồn các loài động vật là lựa chọn tốt nhất của bạn nếu bạn muốn có một tấm ảnh tinh tế, chẳng hạn bức ảnh về chú nai sừng tấm trong một buổi sáng se lạnh.

Nai sừng tấm (Ảnh: Up Free / CC0)

Các loài động vật trong các khu bảo tồn thường khá quen thuộc với việc nhìn thấy người tới gần chúng, khiến cho việc chụp ảnh trở nên dễ dàng hơn nhiều. Và tất nhiên, các công viên quốc gia nổi tiếng như YellowstoneSerengeti của nước Mỹ đều có khung cảnh tuyệt đẹp để tạo nền cho các mục tiêu chụp của bạn.

Bố cục ảnh sẽ thay đổi thế nào khi chụp một cảnh quan với động vật hoang dã?

Điều này phụ thuộc hoàn toàn vào chủ đề và phong cảnh trong trường hợp cụ thể. Ví dụ nếu chụp một cảnh hoàng hôn, tác giả sử dụng trường nhìn góc rộng 12-16mm. Nếu có một đàn ngỗng di cư đang bay qua khung hình bức ảnh đó thì thực sự không cần phải thay đổi gì mà vẫn đạt hiệu quả mong muốn. Nhưng nếu có một con bò rừng mẹ và con bê cách xa khoảng 100 mét, thì nhấn mạnh hơn vào chúng, vì khi đó hai mẹ con bò rừng đã trở thành một điểm gây chú ý ở tiền cảnh.

Bò bison. Ảnh: Skeeze / CC0

Đối với những sinh vật đặc biệt nhút nhát, sẽ cần có một ống kính tele có tầm với xa hơn để chụp được tốt. Bất cứ vật gì nằm trong tiêu cự 150-200mm+ đều là tốt, nhưng cũng có thể làm rối bố cục trong bức ảnh giữa phong cảnh ở hậu cảnh với động vật được chụp. Do đó, trong trường hợp này ống kính tele zoom sẽ hoạt động tốt hơn so với ống kính một tiêu cự, vì sự linh hoạt trong bố cục.

Với ống kính một tiêu cự 200mm, bạn sẽ buộc phải di chuyển hoặc dựa vào di chuyển của đối tượng chụp để đảm bảo sẽ có hậu cảnh và các điểm quan tâm thuộc tiền cảnh ở đúng vị trí. Và nếu chi phí là một yếu tố cần xem xét, thì ngay cả một chiếc tele zoom có khẩu độ có thể thay đổi tương đối chậm, như 50-150mm, f /3.5-5.6+ sẽ cho phép bạn tiết kiệm một số tiền, vì độ sâu của trường ảnh là yêu cầu đặt ra khi chụp ảnh kiểu này. Tất nhiên, nếu bạn có thể đủ khả năng sắm tele zoom khẩu độ f/2.8 hoặc nhỏ hơn thì càng tốt.

Đàn bò bison. Ảnh: 12019 / CC0

Người chụp còn cần xem xét hướng và mục tiêu của động vật. Nếu con bò rừng nhìn về phía bên trái của người chụp thì cần bao gồm trong ảnh nhiều không gian hơn theo hướng đó. Nếu con vật tình cờ nhìn vào thứ gì đó cụ thể, chẳng hạn một dòng suối hoặc đám cỏ, hãy đưa nó vào hình ảnh. Và việc đưa hình ảnh một con vật đang nhìn thẳng vào bạn vào trung tâm bức ảnh thường tạo ấn tượng đáng kinh ngạc.

Thay đổi các thiết lập cho máy ảnh thế nào khi chụp một cảnh quan với động vật hoang dã?

Một điều cần xem xét chính là tốc độ màn trập. Các phong cảnh không di chuyển nhiều nhưng động vật lại thường xuyên di chuyển. Chẳng hạn, sử dụng khẩu độ f/11 để tạo độ sâu trường ảnh lớn cho một phong cảnh, và để tốc độ màn trập tương đối chậm, chẳng hạn 1/60 giây, để đảm bảo hình ảnh được phơi sáng tốt vào một ngày nhiều mây. Nếu khi đó nhiếp ảnh gia chụp một con diều hâu bay nhanh đang bất ngờ sà xuống để bắt một con thỏ, chuyển động của con chim trong hình ảnh sẽ biến thành mờ. Nếu anh ta sử dụng tốc độ màn trập tới gần 1/500 giây thì hình con chim bay sẽ rõ nét nhưng sẽ làm cho mức phơi sáng tổng thể của bức ảnh tối đến mức không thể chấp nhận được. Do đó, anh ta cần đồng thời điều chỉnh ISO và khẩu độ để bù lại sự thiếu sáng đó.

Ảnh: Handbenn / CC0.

Hoặc có thể không cần điều chỉnh nếu mọi chi tiết đều được chiếu sáng đầy đủ. Các thiết lập này thay đổi tùy theo từng cảnh quan, nhưng khi đã quen điều chỉnh thì chắc chắn bạn sẽ có kinh nghiệm. Nếu bạn có ý định săn tìm mục tiêu di động thì đừng nên quá lạm dụng những điều chỉnh bằng tay mà bạn đã quen thuộc khi chụp những cảnh quan mà không có bất kỳ chuyển động nào trong ảnh.

Kết luận

Hình ảnh động vật hoang dã và phong cảnh đều gây ấn tượng đáng kinh ngạc khi chụp các đối tượng phù hợp. Và kết hợp hai loại hình chụp này có thể mang lại những bức ảnh mang tính kể chuyện rất mạnh mẽ. Ở đây còn liên quan tới một yếu tố may mắn nhỏ, bởi vì động vật hoang dã sẽ không phải lúc nào cũng làm những điều mà chúng ta muốn và đến những nơi mà chúng ta chờ đợi. Bộ ba yếu tố đầy đủ gồm địa điểm, đối tượng và thời gian, đó là vấn đề của cả sự may mắn và kỹ năng. Chẳng hạn, con nai sừng tấm kia sẽ quay đầu về phía bạn khi cuối cùng bạn đã lấy nét được nó, hay nó sẽ quay đi chỗ khác?

Biển gọi. Ảnh: Bilder_meines_Lebens / CC0

Đây thực sự là một thể loại chụp ảnh có độ may rủi cao và nếu thành công thì ảnh của bạn có thể đứng ngang hàng với những tấm ảnh tuyệt đẹp ở phòng trưng bày. Vậy nên chúc bạn gặp may mắn khi cầm máy đi ra thiên nhiên hoang dã và săn ảnh các loài động vật nhé!

Theo Earl Goodson (Loaded Landscapes)

Bạn đang đọc bài viết: “Mẹo chụp ảnh phong cảnh có sự xuất hiện của động vật hoang dã” tại chuyên mục Nghệ thuật của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: daikynguyen.nghethuat@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn!

Clip hay:

Exit mobile version