Nghệ thuật vũ đạo cũng có thể đong đầy chất thơ. Ở đây nhà thơ trẻ dùng ngôn ngữ hình thể và biểu cảm thay cho câu từ. Cho dù là sự hòa quyện của tài năng múa, thơ và nhạc, con thuyền nghệ thuật của cô cũng phải vượt quá bao nhiêu thác ghềnh, có khi là sự đau đớn bầm dập, để đưa khán giả tới một miền cao viễn, nơi hạnh phúc và hi vọng luôn sẵn sàng chào đón họ.
Vũ đạo uyển chuyển và đầy chất thơ
Nếu phải nói một cách bóng bẩy, các vũ điệu mà Miranda Zhou-Galati thể hiện có thể làm cho các bài thơ sống dậy. Với vai trò là một vũ công chính của Shen Yun, nghệ thuật múa của cô thường tỏa ra ánh sáng của một bài thơ trữ tình, phản chiếu tâm hồn cô, chân thực, trong sáng, cao quý và tươi vui. Tựa như một nhà thơ bất tử có sáng tác vượt thời gian, nghệ thuật tinh tế của Zhou-Galati đã nâng hiện thực lên một tầm cao mới. Ở một khoảng khắc của thời gian, cô chợt sáng bừng, trong hoàn hảo, như có như không, dẫn dắt khán giả trong một chuyến du hành của miền tâm tưởng, tới một chốn xa vời nhưng vẫn gần gũi và rõ rệt như ngay trước mắt.
Zhou-Galati, từng vô địch các cuộc thi quốc tế về múa cổ điển Trung Hoa do Truyền hình NTD tổ chức, dành cho người trưởng thành vào năm 2014 và dành cho các vũ công trẻ vào năm 2010, nói:
“Khiêm tốn là một đức tính vô cùng quan trọng của người nghệ sĩ. Khiêm tốn mới có thể học hỏi. Có rất nhiều điều có thể học được từ văn hoá Trung Hoa cổ đại và các nền văn hoá truyền thống khác, ví dụ như cách đi đứng và nói năng của các nhà thơ sẽ phản ánh nhân cách của họ”.
Một nghệ sĩ múa cổ điển cần chú trọng vào bản chất bên trong, được gọi là ‘nội hàm’, hay là chữ ‘Yun’ trong Shen Yun; đó cũng là đặc điểm cốt lõi để phân biệt giữa vũ đạo Trung Hoa cổ điển với các hình thức múa khác.
Với ‘Yun’, ta sẽ có một điểm khởi đầu khác biệt – đó là một hành trình đi từ bên trong ra bên ngoài. Sự kết nối giữa diện mạo bên ngoài của Zhou-Galati với tinh thần bên trong của cô trong khi múa là rất dễ thấy, chân thực, và không thể nhầm lẫn; do đó tôi đã rất ngạc nhiên khi nghe cô kể về một sự bắt đầu khác hẳn.
Sinh ra ở Toronto, Canada, có cha là người Ý và mẹ là người Trung Quốc, ‘yun’ là một khái niệm mới lạ đối với Zhou-Galati, với sở học khi còn trẻ của cô là múa ba lê.
Cô nhớ lại trải nghiệm khi lần đầu tiên xem Shen Yun: “Ồ, mình rất thích!”, cô ấy nói. “Nó thật đẹp và có rất nhiều ý nghĩa, bên trong một hình thức nghệ thuật thể chất – dường như có một năng lượng chân chính xuất ra từ trong đó”.
Kể từ trải nghiệm đầu tiên như thế, Zhou-Galati đã học được nguồn cội sâu xa của Shen Yun và sứ mệnh của Shen Yun. “Ngày nay, nền văn hoá truyền thống 5000 năm tuổi ở Trung Quốc đã bị chính quyền Trung cộng phá hủy hoàn toàn, nên một sứ mệnh cực kì quan trọng của Shen Yun là khôi phục nền văn hoá lâu đời này, không chỉ cho các thế hệ hiện tại mà còn cho con người tương lai”.
Dù cho các hình thức nghệ thuật múa của phương Tây và châu Á mà cô đã học có sự cách biệt đáng kể, nhưng cô vẫn thấy được một sự gần gũi giữa các di sản đó về bản chất gốc rễ. Cô đã giải thích:
“Nội hàm bên trong của nghệ sĩ biểu diễn thực sự rất tuyệt vời. Múa cổ điển Trung Hoa có thể được sử dụng để miêu tả hầu hết mọi thứ, bất kỳ nhân vật nào, thậm chí những cảm xúc khác nhau với những biểu hiện trên khuôn mặt khác nhau, mà tôi nghĩ là rất, rất khác với múa ba lê. Tôi nghĩ rằng hai hình thức nghệ thuật này thực sự rất khác nhau”.
Tuy nhiên, khi đắm mình trong không gian của nhà nguyện Sistine và nhà thờ Basilica, cô có cảm nhận: “Tôi cảm thấy như thời kì Phục hưng ở Ý cũng tương tự như thời kì cổ điển ở Trung Quốc, khi đó mọi người đều có mối liên hệ tâm linh mật thiết với thiên đường. Tôi nhận thấy điều đó qua các bức tranh cổ – khi họ hướng mặt lên trên hoặc khi có một vầng hào quang sau đầu. Tín ngưỡng, niềm tin và sự kết nối linh thiêng với thần thánh đã rất phổ biến trong thời cổ đại, nhưng không còn quá nhiều trong thời đại hiện nay”.
Với lòng mê say vũ đạo cổ điển Trung Quốc và trân trọng sứ mênh của đoàn nghệ thuật Shen Yun, cô đã nộp đơn vào Học viện Nghệ thuật Phi Thiên ở New York, nơi nhiều vũ công Shen Yun đã tập những bước lướt đầu tiên – là cách thức di chuyển huyền diệu mà các vũ công Trung Quốc cổ điển sử dụng để lướt trên sân khấu.
Cha cô, một luật sư thành đạt tại Canada, lúc đầu đã không vui khi con gái ông – một sinh viên loại A cứng – theo đuổi nghề ca múa. Nhưng Zhou-Galati không thể làm trái với tiếng lòng của bản thân, và được sự ủng hộ của mẹ, cô đã rời nhà để đi theo nghiệp múa. (Tất nhiên, sau đó khi ông Galati xem con gái mình biểu diễn trên sân khấu lớn, ông đã trở thành fan hâm mộ lớn nhất của cô – kiêm nhà tiếp thị – khi ông đã mời nhiều bạn bè tới xem chương trình của cô hàng năm).
Tìm tòi nội hàm của nhân vật
Zhou-Galati chia sẻ: “Ban đầu, tôi gặp một chút khó khăn; vì tôi là một trong số ít các vũ công không hoàn toàn là người Trung Quốc, nên tôi đã phải cố gắng nhiều để tìm kiếm nội hàm trong đó. Đó cũng là một trong những thách thức lớn nhất của tôi”.
Cho dù việc dung luyện ‘Yun’ là một phép thử đối với người vũ công trẻ, nhưng đồng thời nó cũng là phần của một điệu múa cổ điển Trung Quốc mà cô quan tâm nhất.
“Tôi cố gắng kết nối với khán giả trong khi đang biểu diễn trên sân khấu. Nếu họ xúc động, tôi sẽ nhìn thấy họ khóc, hoặc nếu họ đang hạnh phúc, tôi có thể nhìn thấy nụ cười rất tươi trên khuôn mặt của họ. Đối với khán giả, đó là một điều gì đó rất lớn lao – dường như họ đã nhìn thấy được một niềm hi vọng cho nhân loại”.
Dưỡng thành nội tố ‘Yun’ thường bắt đầu từ đọc sách. Zhou-Galati nói: “Tôi đã cố gắng tìm hiểu thêm thật nhiều về văn hoá Trung Hoa, các điệu múa cổ điển Trung Hoa và lịch sử đằng sau nó. Khi miêu tả một nhân vật nào đó, tôi sẽ học được cái gì làm cho nhân vật đó trở nên độc đáo, cách nhân vật giữ vững bản thân, cũng như cảm xúc của cô ấy vào lúc đó”.
Qua việc học những truyền thuyết này, cô đã hiểu ra rằng, “người thời xưa thực sự coi trọng các giá trị đạo đức và luân lý – đó cũng là một nền tảng rất quan trọng của múa cổ điển Trung Hoa”.
Khi đã hiểu được nhân vật, cô sẽ tìm cách tích hợp tâm trí của nhân vật vào với động tác. “Tôi sẽ thử các động tác khác nhau và tìm kiếm ý nghĩa đằng sau chúng” Cô sẽ tự hỏi: “Động tác này đang cố gắng để phản ánh điều gì, hoặc kiểu diễn đạt nào cần được phản ánh vào lúc đó?”
Zhou-Galati sau đó sẽ kết hợp các yếu tố trí tuệ và thể chất, và luôn ghi nhớ rằng cô không chỉ đơn giản là đại diện cho nhân vật – mà bản thân cô phải chính là nhân vật, vì bất kỳ sự giả bộ nào đều là không trung thực với khán giả.
Với vẻ ngoài dịu dàng, duyên dáng của Zhou-Galati, khá dễ dàng nhận thấy vì sao “các thiên thần trong truyện cổ tích” lại được hóa thân một cách tự nhiên như vậy trong nữ vũ công có nét sáng ngời này. Nhưng đối với một nhân vật huyền thoại từ thời Trung Quốc cổ đại, sự việc lại không hẳn là như vậy.
Vào vai nữ tướng Mộc Lan: Tâm mạnh, thân sẽ mạnh
Zhou-Galati đã dành vô số giờ đồng hồ trong thư viện và trước gương, để tập diễn nhân vật nữ anh hùng kiên cường này. Cô chia sẻ: “Mộc Lan rất mạnh mẽ, can đảm và bản lĩnh giống như một chiến binh nam. Điều đó thách thức tôi rất nhiều; không chỉ về nội hàm và cảm xúc bên trong, mà cả về thể hiện hình tượng nghệ thuật. Các động tác của Mộc Lan phải thể hiện được sức mạnh tuyệt vời, cũng như tính cách sắc sảo và nhanh nhẹn của nhân vật này; là điều mà tôi còn chưa quen thuộc”.
Khi cuộc thi tài lớn đã sắp cận kề, Zhou-Galati phải đối mặt với một thử thách rất lớn, mà chỉ có với trái tim của nữ dũng sĩ Mộc Lan mới có thể giúp cô vượt qua. “Tôi đã liên tục tập nhào lộn trong suốt buổi diễn tập; và trong một lần tiếp đất, tôi đã bị trật mắt cá chân”, cô kể.
“Tôi đã phải vừa nằm trên sàn, vừa nghĩ rằng đó là một phần cơ thể của chính mình – nên mình phải kiểm soát được nó; rằng nếu tôi nghĩ rằng tôi ổn, thì tôi chắc sẽ ổn thôi. Tôi bèn đứng dậy, và mặc dù lúc đó chân tôi cảm thấy rất nhũn và xương tôi cảm thấy như thạch rau câu, tôi vẫn tiếp tục hoàn thành điệu múa…
Trong văn hoá Trung Quốc truyền thống, chúng ta nói rằng tâm và thân người là một thể thống nhất, vì vậy nếu tâm của bạn mạnh mẽ thì cơ thể của bạn sẽ theo đó mà ổn định”.
Không đầu hàng trước chấn thương đó, Zhou-Galati vẫn tham gia cuộc thi với vai Mộc Lan. “Tôi có thể cảm thấy xương và cơ của mình vẫn còn khá căng thẳng. Nhưng tôi lại nghĩ tôi nên vô tư hơn nữa, thôi không bận tâm về nỗi đau của bản thân mình, mà cần chịu đựng và kiên nhẫn để vượt qua, bởi vì những gì chúng tôi đang làm là rất có ý nghĩa “, cô muốn nói tới sứ mệnh của Shen Yun để khôi phục vũ đạo Trung Quốc cổ điển .
Cô đã bước lên sân khấu, và nỗi đau thể chất đã giảm đi khi cô trình diễn với một suy nghĩ duy nhất: “Mình cần phải đem lại cho khán giả một màn trình diễn tốt nhất mà mình có thể”. Cô đã làm được điều đó và mang về chiếc huy chương vàng thấm đẫm mồ hôi và nước mắt, của một ý chí kiên cường.
Qua nhiều năm vượt trên đau đớn, mệt mỏi và những khó khăn muôn vàn, không gì có thể ngăn cản nổi sự gắn bó của Zhou-Galati với khán giả. Cô khẳng định:
“Tôi chắc chắn sẽ luôn cố gắng kết nối với khán giả khi tôi ở trên sân khấu. Khi họ xúc động, tôi sẽ nhìn thấy họ khóc; khi họ hạnh phúc, tôi có thể nhìn thấy nụ cười rất tươi trên khuôn mặt của họ. Tôi nhận thấy, đối với khán giả, đó là một điều gì đó rất lớn lao – dường như họ đã nhìn thấy được một niềm hi vọng cho nhân loại”.
Thời báo Đại Kỷ Nguyên xem nghệ thuật Shen Yun là sự kiện văn hoá quan trọng của thời đại bởi tính đột phá trong việc khôi phục những giá trị nghệ thuật truyền thống chân chính của lịch sử văn hóa Đông phương và Tây phương huy hoàng. Đại Kỷ Nguyên chọn đăng các câu chuyện đời và nghề thú vị của các nghệ sĩ thành viên của đoàn Nghệ thuật Shen Yun, để độc giả hiểu thêm về các phương diện như niềm tin, quá trình tu rèn nhân cách và nỗ lực nghề nghiệp đáng kinh ngạc của họ, trên con đường đi tới thành công rực rỡ của ngày hôm nay – một quá trình mài giũa đá quý thành ngọc báu thực thụ.
Theo J.H. White / Taste of Life
Hạo Nhiên biên dịch