Nghệ thuật là tấm gương phản chiếu thời đại, có tác dụng phản ánh các giá trị và thẩm mỹ của người đương thời. Đồng thời, ở chiều ngược lại nghệ thuật cũng ảnh hưởng đến xã hội con người. Tuy nhiên cả hai đều nằm trong quy luật lịch sử phổ quát “thành, trụ, hoại, diệt”.

Tiếp theo (P.1)

Châu Âu thời Trung cổ bị thống trị bởi người German, là những người đã thừa nhận Cơ Đốc giáo, vì vậy các nghệ sĩ thời trung cổ hầu hết là những người vô danh, tự nguyện dâng hiến cùng với đức tin vào Thiên Chúa. Tuy nhiên, do nền văn minh trước đó đã bị hủy diệt, nghệ thuật thời Trung cổ về cơ bản thuộc về giai đoạn khám phá mới, chỉ đến thời kỳ Phục hưng thì nghệ thuật mới bước vào giai đoạn trưởng thành.

Quá trình phát triển này đi qua nghệ thuật Cơ Đốc giáo sơ khai, nghệ thuật Byzantine, nghệ thuật La Mã và nghệ thuật Gothic, từ phong cách phẳng dùng để trang trí, dần dần tiến đến gần với hiện thực tự nhiên, từ mô tả biểu tượng tôn giáo bị đàn áp nghiêm trọng đến biểu hiện các giá trị nhân văn một cách nhẹ nhàng, cuối cùng là sự xuất hiện của văn nghệ Phục hưng. Quá trình phát triển này chính là giai đoạn “Thành” trong tiến trình nghệ thuật của nhân loại.

Thời kỳ “Thành” – từ thời trung cổ đến thời Phục hưng

Vào thế kỷ 14 và 16 sau Công nguyên, Châu Âu đã trải qua một bước nhảy vọt chưa từng thấy về văn hóa và nghệ thuật, tạo ra một thời kỳ sáng tạo và hoạt động trí tuệ tuyệt vời, được gọi là “văn nghệ Phục hưng”. Trong vòng chưa đầy 200 năm, nghệ thuật của con người từ chưa thành thục đã đạt tới đỉnh cao.

Kiến trúc, điêu khắc, hội họa và các mặt hàng thủ công khác nhau của thời Phục hưng đều đạt những thành tựu đáng kể. Đặc biệt là trong hội họa, lần đầu tiên kỹ thuật của con người đã đạt được sự tả thực giống y như thật: việc áp dụng phối cảnh đã tạo ra hiệu ứng không gian và nghiên cứu về giải phẫu người đã cải thiện độ chính xác của cấu trúc cơ thể người trong các tác phẩm nghệ thuật. Sự hoàn mỹ còn liên quan bố cục và độ trong suốt của ánh sáng, sự làm chủ kỹ thuật sáng tối làm cho hình khối của vật thể trở nên tự nhiên và chân thực hơn.

Khi con người của thời Phục Hưng khám phá lại một lần nữa vẻ đẹp của nghệ thuật Hy Lạp và La Mã cổ đại thông qua các cổ vật, họ hăng hái nghiên cứu các nguyên tắc thẩm mỹ cổ điển, để đạt được các kỹ thuật biểu hiện hợp lý, hài hòa, chính xác và thực tế. Ngoài giữ vững tinh thần nhân đạo là trung tâm của chủ nghĩa nhân văn, các nghệ sĩ còn học cách trình bày hiện thực từ việc quan sát thiên nhiên để mô tả câu chuyện về Thiên Chúa và tôn giáo, nên cũng có ý nghĩa rút ngắn khoảng cách giữa Thiên Chúa và con người.

Kỹ thuật sơn dầu làm cho hình ảnh con người và đồ vật được vẽ giống như thật (Ảnh: epochtimes)
Các ghi chú của Da Vinci về giải phẫu người (Ảnh: epochtimes)

Do đó, nhờ theo đuổi ý nghĩa của sáng tạo, tìm về nguồn gốc và khơi gợi lại niềm tin vào Thiên Chúa trong mỹ học cổ điển của Hy Lạp và La Mã, duy trì giá trị tích cực của việc theo đuổi các sáng tạo tốt đẹp trong nghệ thuật, một lần nữa thời kỳ Phục Hưng đã thiết lập lại tinh thần cổ điển theo phong cách Apollo và tạo nên sự hoàn hảo cho nền văn minh thời cận đại. Đồng thời, nó là một tấm gương tốt cho các thế hệ tương lai và đặt định một tiêu chuẩn vĩnh cửu để đo lường giá trị nghệ thuật của tác phẩm.

Họa sĩ thời Phục hưng đã sử dụng phương pháp vẽ phối cảnh để thể hiện chiều sâu của không gian (Ảnh: epochtimes)

Thành tựu của ba bậc thầy Da Vinci, Michelangelo và Raphael thường được gắn liền với sự hồi sinh của nghệ thuật thời Phục Hưng. Nhiều tác phẩm của họ vẫn được coi là những tác phẩm kinh điển bậc nhất. Trời đã ban cho những nghệ sĩ này những tài năng  thiên phú, đồng thời giao phó sứ mệnh lịch sử cho họ dẫn dắt nghệ thuật của con người đến sự trưởng thành, cho mọi người biết tới vẻ đẹp thực sự, nghệ thuật thực sự và phương pháp để hoàn thành tác phẩm.

Da Vinci tin rằng chỉ có “chân thực” mới là chỉ ý của thần linh. Để mô tả chân thực các nhân vật, Da Vinci coi hội họa là một môn khoa học, không chỉ nghiên cứu tỷ lệ toán học và giải phẫu học về cơ thể con người, mà còn thường xuyên quan sát các biểu hiện, chuyển động và ngôn ngữ cơ thể của con người. Ông cũng tin rằng điều quan trọng nhất đối với nghệ thuật là mô tả “xu hướng tâm hồn” của nhân vật; đó là tâm lý, cảm xúc, khí chất và ý định bên trong của nhân vật. Da Vinci sử dụng các kỹ thuật vẽ tranh sơn dầu, đặc biệt là phương pháp sfumato – vẽ sắc thái mờ hòa vào nhau – cho phép ông tạo ra hiệu ứng đường nét hư ảo, tạo ấn tượng về độ sâu và bóng tối cho bức tranh, để miêu tả vẻ mặt của các nhân vật một cách tỉ mỉ và không thể đoán trước.

Một phần trong bức “Phán xét cuối cùng” của Michelangelo, các thiên thần đang tống kẻ ác xuống địa ngục (Ảnh: epochtimes)

Michelangelo gây sốc cho khán giả với các bức tranh thể hiện vẻ đẹp khỏe mạnh của cơ thể con người. Ông tin rằng thân thể người là hình tượng tối cao do thần linh ban tặng, nhưng cũng là xiềng xích của linh hồn tại thế gian. Do đó, ông sử dụng cơ thể con người như một nguồn tài liệu duy nhất để tạo ra một kiệt tác tuyệt vời. Mặc dù Michelangelo vẽ ít tranh sơn dầu, nhưng cấu trúc cơ thể người mà ông vẽ được thể hiện rất rõ ràng và rắn chắc, động tĩnh thiên biến vạn hóa, có thể nói là đạt tới đỉnh cao, có ảnh hưởng sâu sắc đến các thế hệ tương lai.

Các bức tranh tường như “Genesis” hay “Phán quyết cuối cùng” tại Nhà nguyện Sistine cho thấy những thiên thơ vĩ đại của vũ trụ và lịch sử loài người, từ việc tạo ra thiên đàng và trái đất, những lời dự ngôn của nhà tiên tri đến sự phán xét sắp tới và cuối cùng của thần linh. Trong bố cục hoành tráng của bức vẽ, mọi người nhìn thấy sự trang nghiêm và vĩ đại của Thiên Chúa, thiện và ác, thiên lý của trời đất làm rung động lòng người. Thành tựu của Michelangelo xác định rõ hơn vị trí quan trọng không thể thay thế của hội họa trong việc biểu hiện ý nghĩa tinh thần và đạo đức cao quý.

Những bức vẽ Thánh mẫu và Thánh Anh của Raphael thì luôn điềm tĩnh và đẹp đẽ, cho thấy sự rạng rỡ thánh thiện của nhân vật. Sau khi dần trưởng thành, Raphael đã tiếp thu trí tuệ và kinh nghiệm của những người đi trước: ngoài việc kế thừa các bản phác thảo và bố cục của các họa sĩ bậc thầy tại Florence, ông còn nắm vững kết cấu tinh tế của các bức tranh sơn dầu Bắc Âu; từ Da Vinci, ông đã học được nhịp điệu và tính trật tự; học được khí chất mạnh mẽ và rắn rỏi trong cấu trúc cơ thể người từ Michelangelo. Những bức tranh của ông có một nền tảng thẩm mỹ cổ điển hài hòa và trang trọng, nhưng chúng có thể kết hợp với tinh thần của thời đại để tạo ra những hình ảnh sống động giàu tính nhân văn.

Kiệt tác bất hủ của Raphael: “Học viện Athens” (Ảnh: epochtimes)

Tất nhiên, đóng góp to lớn cho thời kỳ Phục hưng còn bao gồm các nghệ sĩ phương Bắc với sự nghiêm ngặt tinh tế cùng với các họa sĩ người Venice với màu sắc phong phú. Họ như là những công thần làm cho nghệ thuật Phục hưng phong phú và hoàn thiện hơn.

Thời kỳ “Trụ” – từ thời kỳ Phục Hưng đến giữa thế kỷ 19

Nghệ thuật thời Phục Hưng một khi đạt đến đỉnh cao, liền trở thành bộ những tác phẩm kinh điển, gần như được dùng để định hình nghệ thuật cho các thế hệ tiếp theo. Trình độ nghệ thuật được duy trì trong hai hoặc ba trăm năm có thể nói là đạt đến một “độ chín” nhất định sau khi trưởng thành.

Nếu lấy những tác phẩm có sự lý tính trong tinh thần cổ điển, có hình thức hoàn mỹ, nghiêm ngặt và chính xác trong lối vẽ làm tiêu chuẩn, thì bởi sự bất đồng về thời gian, địa khu và bối cảnh xã hội sẽ theo đó mà tạo ra những sự khác biệt đôi chút. Ví dụ như thời kỳ Baroque theo đuổi sự khoa trương hoa lệ, bút pháp mạnh mẽ cùng sự tín ngưỡng tôn giáo. Sau đó là sự phát triển của chủ nghĩa tân cổ điển xuất hiện vào cuối thế kỷ 18 một lần nữa được cổ vũ, theo chủ nghĩa duy lý và bầu không khí hoài cổ, đã cho ra đời nhiều tác phẩm đại diện cho chủ đề Hy Lạp và La Mã cổ đại.

Trái: Chủ nghĩa tân cổ điển “Lời thề của anh em nhà Horace”. Phải: Chủ nghĩa lãng mạn “Cái chết của Sadana Pelas” (Ảnh: epochtimes)
Trái: trích phần các chân nhân vật trong bức “Lời thề của anh em nhà Horace”. Phải: trích phần chân nhân vật trong bức “Cái chết của Sadana Pelas” (Ảnh: epochtimes)

Tuy nhiên, với sự hỗn loạn trên thế giới do đại cách mạng và chủ trương tự do cá nhân gây ra, chủ nghĩa lãng mạn đã nhanh chóng thay thế: có bố cục hỗn loạn, sử dụng màu sắc mạnh mẽ và nét vẽ thô bạo, những hình ảnh thảm họa hay tàn sát tàn khốc được đưa vào tranh vẽ… “Khẩu vị” của quần chúng một lần nữa có xu hướng thiên về cảm xúc mạnh mẽ, cuồng bạo, phóng túng. Trên thực tế, từ các chi tiết của hội họa, sự khác biệt giữa phái cổ điển và lãng mạn không chỉ là phong cách bề mặt, mà còn là sự khắt khe trong việc sử dụng các kỹ năng cơ bản.

Ảnh hưởng của chủ nghĩa lãng mạn tiếp tục kéo dài tới chủ nghĩa hiện thực sau này. Chủ nghĩa hiện thực ở đây không chỉ nói về kỹ thuật vẽ tranh, mà là sự thể hiện của hiện tượng xã hội, mô tả hiện thực về con người, sự vật. Ví dụ, họa sĩ người Pháp, Courbet đã từng nói: “Tôi chỉ vẽ những gì mắt mình nhìn thấy”. Vì thế khi thực tế xã hội thời bấy giờ về đạo đức con người tụt xuống nghiêm trọng cũng khiến cho các họa sĩ lấy đề tài đa phần là nhân tính bệnh hoạn, mà không nhấn mạnh về cái đẹp hoàn mỹ như trước đây nữa. Tuy nhiên, nếu nghệ thuật sa vào việc quá nhấn mạnh mặt trái của xã hội như vậy, sẽ làm mất đi những bản chất tốt đẹp mà con người cần theo đuổi, vì thế không có sức mạnh để nâng cao tâm hồn cho con người, dẫn đến tác động ngược lại lên xã hội cũng sẽ là tiêu cực.

Chủ nghĩa hiện thực thiên về mô tả bệnh tật và sự u ám của con người (Ảnh: epochtimes).

Chủ nghĩa lãng mạn và chủ nghĩa hiện thực cũng mở đường cho sự xuất hiện của những người theo trường phái ấn tượng sau này.

Thời kỳ “Hoại” – từ trường phái ấn tượng tới chủ nghĩa hiện đại

Vào những năm 1970, những người theo trường phái ấn tượng đã nhảy lên võ đài lịch sử nghệ thuật thông qua các cuộc tranh luận, cũng tuyên bố sự xuất hiện của chủ nghĩa hiện đại. Nhiều người tưởng rằng phái ấn tượng mang lại sự tiến bộ về ý tưởng và kỹ thuật cho hội họa. Nhưng trên thực tế, mặc dù trường phái ấn tượng đã mượn các lý thuyết và danh từ khoa học, nó không thực sự “khoa học” và “hợp lý” khi điều phối màu sắc, vì nó được tạo ra bởi cảm xúc chủ quan cá nhân. Hơn nữa, họa sĩ theo trường phái ấn tượng đã thay đổi cấu trúc kết cấu của vật thể, đi vào một loại trải nghiệm hình ảnh mơ hồ, mộng ảo thị giác, cũng là một trải nghiệm phi lý tính.

Kể từ đó, các nghệ sĩ ngày càng nhấn mạnh cảm giác chủ quan của bản thân, cố ý theo đuổi phong cách cá nhân và cố tình thoát khỏi truyền thống. Do đó, khái niệm về không gian, ánh sáng và bóng tối, kết cấu và cấu trúc cơ thể con người đã được các họa sĩ thiết lập từ thời Phục Hưng đã dần tan rã và thậm chí bị bỏ rơi hoàn toàn. Ngoài ra, các họa sĩ đó tin rằng nghệ thuật nên được “độc lập”; họ coi các giá trị đạo đức là xiềng xích của nghệ thuật, kết quả tạo thành một giai đoạn mà hội họa chỉ nhấn mạnh ngoại hình và thiếu đi nội hàm.

Trên thực tế, trường phái ấn tượng và nghệ thuật hiện đại sau này đã từ bỏ nghệ thuật chính thống được tích lũy từ hàng trăm năm kinh nghiệm trí tuệ của con người, là niềm tự hào lớn nhất của phương Tây về cả kỹ năng biểu hiện, vẻ đẹp lý tưởng và ý nghĩa đạo đức cao quý.

Trích tác phẩm “Cô gái cầm bình nước” của họa sĩ trường phái ấn tượng Renoir (Ảnh: epochtimes)
Trích tác phẩm “Điểm tâm” của họa sĩ trường phái Bouguereau (Ảnh: epochtimes)

Thời kỳ “Diệt”

Nghệ thuật là một tấm gương của thời đại, nó thực sự phản ánh các giá trị và thẩm mỹ của con người đương đại. Do đó, trong thời đại suy đồi đạo đức, không phân biệt được đúng sai như hiện nay, có thể cái xấu được ca ngợi, còn điều tốt lại bị coi thường.

Nghệ thuật hiện đại tin rằng sáng tạo là để tìm kiếm những thay đổi mới mẻ, nhầm tưởng cái gọi là “phản truyền thống” và “tiên phong” là tiến bộ của nghệ thuật, theo đuổi sự đổi mới hời hợt, bị ám ảnh bởi biểu hiện của “bản thân”. Trong thực tế, đối với các nghệ sĩ vẽ theo xu hướng vị tư, các tác phẩm của họ chắc chắn không có giá trị nghệ thuật cao. Nghệ thuật chính thống nhấn mạnh việc thực hiện các giá trị phổ quát như vị tha, từ vinh quang của Thiên Chúa và thiên quốc, hành động của những anh hùng và những người vĩ đại cho đến vẻ đẹp của thế giới tự nhiên; từ đó năng lượng thuần khiết cũng được lan tỏa.

Những sáng tạo hiện đại chủ yếu mang tính thử nghiệm, theo đuổi các hiệu ứng tạm thời, tồn tại trong thời gian ngắn, thiếu giá trị vĩnh cửu thực sự. Hiện tượng lập dị của nghệ thuật hiện đại rất khó để liệt kê vì quá đa dạng. Trên thực tế, tính chất suy đồi của nghệ thuật hiện đại vượt qua bất cứ nghệ thuật nào của các nền văn minh trong lịch sử.

Nghệ thuật hiện đại với các tác phẩm mang tính gớm guốc biến dị (Ảnh: epochtimes)

Sự suy tàn của nghệ thuật trong quá khứ chỉ được biểu hiện trong sự sụp đổ của chủ đề, sự hoang dã của phong cách và các yêu cầu cơ bản của kỹ thuật; trong khi đó, nghệ thuật hiện đại không chỉ bị suy thoái về mặt chủ đề, mà còn là từ sự sáng tạo, ý nghĩa biểu hiện cho khái niệm thẩm mỹ từ lâu đã vượt quá khỏi khái niệm thẩm mỹ truyền thống, phơi bày sự phá hủy nghệ thuật, phản nghệ thuật, phi nghệ thuật, theo đuổi sự phi lý, phi logic, hư vô … lấy sự phá hủy cho là tốt, lấy xấu xí là kết quả của vẻ đẹp, mang tính khiêu dâm, bạo lực, đẫm máu, ma quỷ… vô tình chuyển sang nghệ thuật nhân danh nghệ thuật tâm linh, gây ô nhiễm tâm trí con người, gây nhầm lẫn các giá trị của thế giới, con người vì vô thức mà đứng trên bờ vực nguy hiểm. Theo như những hiện tượng trên, những nghệ thuật hiện đại này dường như rất phong phú và đa dạng, nhưng thực tế chúng đã giết chết nghệ thuật chính thống thực sự của con người.

Sứ mệnh của những người làm nghệ thuật ngày nay

Tuy nhiên, như chúng ta đã nói lúc đầu, quy luật của lịch sử luôn được lặp lại. Nếu có hoại, diệt thì cũng sẽ có một cuộc sống mới đang chờ đón. Nếu con người đều có thể nhận thức được sai lầm của chính mình và sửa chữa lại chúng thì nghệ thuật vẫn có cơ hội hồi thăng và bước vào lần phục hưng tiếp theo.

Bài viết này lấy xu hướng lớn của thời hiện đại và mạnh dạn đưa nó ra, đồng thời cũng cung cấp một hướng suy nghĩ khác cho thế giới. Hy vọng rằng có thể qua đây khuyến khích các nghệ sĩ hiện đại có lý tưởng và kỹ năng hiểu được sứ mệnh của họ, tuân thủ các lý tưởng nghệ thuật và tu luyện đạo đức cá nhân, để đưa nhân loại trở lại con đường nghệ thuật chính thống, đây cũng là lối thoát thực sự cho cuộc khủng hoảng nghệ thuật của con người hiện đại.

Theo epochtimes.com

Uyển Vân biên dịch