Đại Kỷ Nguyên

Mối quan hệ nghề nghiệp xoay quanh những họa sĩ trụ cột của Trường phái hội họa Venice

Các họa sĩ trụ cột của trường phái hội họa Venice xuất phát từ một truyền thống nghệ thuật gia đình trong thời kỳ Phục hưng, rồi lan tỏa và lớn mạnh cho đến thế kỷ 18.

Trường phái Venice, khởi đầu từ nghệ thuật Phục hưng của các nghệ sĩ, đặc biệt là các họa sĩ, của thành phố Venice. Giống như các đối thủ ở Florence và Rome, trường phái Venice trải qua những thời kỳ quan trọng và ảnh hưởng tới sự liên tục của nền nghệ thuật Tây Âu, nhưng trong mỗi thời kỳ, đặc trưng của hội họa trường phái Venice nổi bật vẫn không đổi, đó chính một tình yêu đối với ánh sáng và màu sắc.

Madona cùng với em bé, và hai vị Thánh; Họa sĩ: Jacopo Bellini (ảnh: Hampel Auctions).
Điều kỳ diệu của cây Thánh giá tại Cầu S. Lorenzo; Họa sĩ Gentile Bellini (ảnh: Britannica).

Người sáng lập vương triều của các họa sĩ quan trọng nhất ở Venice trong thời kỳ Phục hưng đầu tiên là Jacopo Bellini (khoảng 1400-1470). Hai trong số nhiều quyển phác thảo của ông được bảo tồn tốt, và có ý kiến cho rằng nhiều tác phẩm được tạo ra về sau bởi những người con trai của ông là Gentile (khoảng 1429 -1507) và Giovanni (khoảng 1430 -1516) và cả con rể của ông là Andrea Mantegna (1431 -1506) đều được bắt nguồn từ những bản phác thảo của Jacopo.

Madonna cùng em bé và các vị Thánh; Họa sĩ Giovanni Bellini (ảnh: Metropolitan Museum of Art).
Sự thống khổ trong khu vườn; Họa sĩ Andrea Mantegna (ảnh: Ocean’s Bridge).

Gentile Bellini có đặc ân là đã có một thời gian (1479-1481) là họa sĩ triều đình dưới thời Mehmed II ở Constantinople, và ông cũng đã từng đến thăm Rome, ở đó ông đã vẽ đầy một cuốn album mà sau đó bị mất một cách đáng tiếc. Giovanni Bellini là người thầy lớn nhất nhất trong thế hệ của ông, với các học trò nổi danh là Giorgione (1477 -1510), Titian (1488/90 -1576), Jacopo Vecchio (khoảng 1480 -1528) và Sebastiano del Piombo (khoảng 1485 -1547). Nói một cách ngắn gọn, ông chính là người hướng dẫn cho các họa sĩ của thời Phục hưng đỉnh cao ở Venice.

Sự tôn kính hết mức của các linh mục; Họa sĩ Giorgione (ảnh: Britannica).
Bacchus và Ariadne; Họa sĩ Titian (ảnh: The culture trip).

Giovanni Bellini, cũng là một họa sĩ hàng đầu ở nền Cộng hòa, là một trong những người có óc sáng tạo và nguyên bản nhất. Ông cảm thấy hứng thú với phong cảnh – vốn là một phần không thể thiếu của các tác phẩm Flemish đương đại sau đó lan đến Venice, và trong nhiều bức tranh vẽ hình tượng Madonna, ông đã sử dụng các mảnh ghép và thế giới tự nhiên để thay đổi và thêu dệt cho chủ đề của mình. Phong cách muộn của Bellini là tinh khiết của nghệ thuật Phục hưng đỉnh cao. Ông đã cố gắng thực hiện được một quá trình chuyển đổi mà ít có bậc thầy nào trong thế hệ của ông đạt được. Tuy vậy, mặc dù vòng tròn các họa sĩ xung quanh Bellini là thành công và tiến nhanh nhất, vẫn có những họa sĩ khác như Vittore Carpaccio (1460 -1525/26), và các gia đình họa sĩ như Vivarini và sau đó là, Bassano không có quan hệ chặt chẽ với Bellini cũng là một phần không thể thiếu của trường phái Venice.

Ông già Palma; Họa sĩ Jacopo Vecchio (ảnh: Art UK).
Sự nổi dậy của Lazarus; Họa sĩ Sebastiano del Piombo (ảnh: sebastianodelpiombo).

Cái chết sớm của họa sĩ Giorgione bí ẩn đã tước đi khỏi phái Venice của một bậc thầy nhiều triển vọng nhất của trường phái này. Có một vài bức tranh của ông, và thậm chí nhiều hơn được cho là đã được hoàn thành bởi Titian hoặc Sebastiano del Piombo. Các tác phẩm còn lại đến nay của ông chứa đầy thứ ánh sáng màu nâu mờ, làm tăng sự lãng mạn trong sắc thái của chúng.

Madonna và em bé trong cảnh quan; Họa sĩ: Giovanni Bellini (ảnh: Paintng and Frame).
Cuộc chiến tiến vào Ai Cập năm 1500; Họa sĩ Vittore Carpaccio (ảnh: artcyclopedia).

Sau khi Giovanni Bellini chết, Titian đã trở thành họa sĩ phục vụ cho nền Cộng hòa và là sức mạnh thống trị trong hội họa trường phái Venice trong nửa thế kỷ tiếp theo. Màu sắc phong phú và kỹ thuật hội họa của ông thậm chí đã được các họa sĩ khác bắt chước rộng rãi. Mặc dù quan tâm đến cả hai chủ đề tôn giáo và cổ điển, tranh của Titian được tìm kiếm nhiều nhất nhờ những bức chân dung xuyên thấu tâm can. Năm 1533, ông được phong tước hiệp sĩ và làm họa sĩ triều đình cho hoàng đế Charles V.

Mary và em bé cùng các Thánh Mary Magdalene và Catherine Alvise; Họa sĩ Vivarini (ảnh: Art Painting Artist).
Sự chuyển đổi của Mary Magdalene; Họa sĩ Jacopo Tintoretto (ảnh: Fine Art America).

Những bậc thầy cuối cùng của giai đoạn này của trường phái Venice như Jacopo Tintoretto (khoảng 1518 -1594) và Paolo Veronese (1528 -1588) chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ Titian. Họa sĩ Tintoretto quan tâm nhất đến việc Titian sử dụng ánh sáng ấn tượng và miêu tả cảm xúc dâng trào. Ông đã sử dụng các đường chéo hớt nhanh ra phía sau và vẽ rút gọn lại theo luật xa gần đầy kịch tính, phổ biến trong các họa sĩ của trường phái Mannerist (cầu kỳ), nhưng đã mang đến cho các yếu tố này tình yêu ánh sáng của họa sĩ phái Venice, như một phương tiện để xác định hình thức và nâng cao ý nghĩa của màn kịch đó. Họa sĩ Veronese lại nổi tiếng với màu sắc phong phú và các bố cục theo kiểu đan xen mà ông đã học được từ Titian và thường được sử dụng trong những bức tranh lớn có rất nhiều nhân vật.

Chúa Jesus truyền máu cho người phụ nữ; Họa sĩ Paolo Veronese (ảnh: Pixels).
Phong cảnh Venice; Họa sĩ Canaletto (ảnh: Totally Dublin).

Thời kỳ cuối cùng có ý nghĩa quan trọng đối với trường phái hội họa Venice là vào thế kỷ 18. Khi đó, nhiều họa sĩ giỏi đã nổi tiếng trên phạm vi quốc tế, như Canaletto (1697 -1768), Giovanni Battista Tiepolo (1696–1770), and Francesco Guardi (1712–1793). Tiepolo là họa sĩ vẽ nhân vật quan trọng cuối cùng của trường phái Venice, ông đồng thời là một trong những nghệ sĩ trang trí vĩ đại nhất của trường phái Rococo. Các họa sĩ Canaletto và Guardi đều đã phát triển một truyền thống vẽ tranh phong cảnh dựa trên các quan điểm của trường phái Venice.

Nữ hoàng Zenobia và những người lính của bà; Họa sĩ Giovanni Battista Tiepolo (ảnh: PaintingStar).
Cảnh quan Nhà thờ San Giorgio Maggiore nhìn từ Giudecca; Họa sĩ Francesco Guardi (ảnh: AllPainter).

Theo Kathleen Kuiper / Encyclopedia Britannica

Clip hay: Giải mã bí ẩn phong thủy đang kìm hãm Hồng Kông

Exit mobile version