Ngay sau Sự kiện Tìm hiểu Nghệ thuật Biểu diễn Shen Yun tổ chức tại TP Đà Nẵng ngày 23/6, NSND, Biên đạo múa Lê Huân – nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa TP Đà Nẵng – đã có thêm nhiều chia sẻ về vẻ đẹp của nghệ thuật Shen Yun, những giá trị chân chính về con người mà nghệ thuật Shen Yun mang lại. Đồng thời, ông cũng chia sẻ mong mỏi được đón Đoàn Shen Yun về Việt Nam, đặc biệt là về thành phố Đà Nẵng biểu diễn để giới chuyên môn nói riêng và khán giả Việt Nam nói chung được trải nghiệm nghệ thuật và học hỏi. Đặc biệt hơn thế, đó không chỉ là suy nghĩ của riêng ông.
Việt Mỹ: Là một người dành nhiều tâm huyết cho nghệ thuật biểu diễn múa của Việt Nam, ông có suy nghĩ gì sau chương trình tìm hiểu về nghệ thuật biểu diễn Shen Yun?
NSND Lê Huân: Với kinh nghiệm cuộc đời xây dựng múa của mình, tôi thấy rõ ràng là họ đi con đường tuyệt vời, con đường tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Con đường này chính chúng tôi cũng đang suy nghĩ rằng làm thế nào để tạo được và đi được.
Sau sự kiện qua hôm nay, có một cuộc họp Ban Chấp hành Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, anh em hôm qua cùng đi xem có dịp cùng ngồi lại, cũng như tôi, họ cùng nhìn nhận rằng: Nói thật, mở ra đoàn nghệ thuật này, kiểu cách làm của họ làm chúng ta sáng bừng lên cái tinh thần làm theo được cái của họ. Rõ ràng họ rất dân tộc, và tiên tiến ở đây rõ ràng họ không phải du nhập tất cả các thứ hiện đại. Chính cái hiện đại ở chỗ là họ rất thẩm mỹ về nghệ thuật, từ âm nhạc hay, trang phục đẹp, đến ngôn ngữ múa, tác phẩm múa.
Khi xem giới thiệu, tôi nhận thấy từ vũ điệu cho đến cách xây dựng tiết mục của họ, có ba loại ngôn ngữ. Thứ nhất là ngôn ngữ cổ điển, thứ hai là ngôn ngữ múa cổ điển của Trung Quốc, thứ ba là múa dân gian của Trung Quốc 5.000 năm. Tất cả các đường nét đều được họ đưa vào. Tôi cho rằng chính cái hiện đại là ở chỗ đó. Phải nhắc lại một câu này, anh càng đi sâu vào dân tộc, đi vào tận cùng của dân tộc thì anh gặp nhân loại.
Tôi nghe kể rằng đoàn này bắt đầu từ chỗ tập hợp những người Hoa tại New York tâm huyết với nghệ thuật 5.000 năm Trung Hoa để cùng làm. Trong cuộc trò chuyện, chúng tôi cũng đề xuất một chuyện thế này: Làm thế nào để lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo địa phương phải xem được cách mà họ làm thì mới tạo điều kiện đứng phía sau lưng nghệ sĩ chúng tôi, có tâm huyết để khôi phục lại văn hóa truyền thống của dân tộc.
Qua chương trình này, ông Nguyễn Hoàng Long – tôi cho rằng là một trong những Phó chủ tịch của TP Đà Nẵng am hiểu về văn hóa nghệ thuật nhất, đã nói: “Ông Huân ơi, giá như biết sớm tôi đã động viên các lãnh đạo thành phố đi xem chương trình, xem cách giới thiệu để hiểu thêm.” Ngày hôm qua là một tác động rất lớn với ông ấy. Ông ấy nói: “Thôi hôm nào ông sẽ đến [xem] cùng với tôi, để cùng khôi phục lại văn hóa dân tộc. Trước đây tôi tế nhị, không dám nói, cho là mình lớp già dạy khôn lớp trẻ, nhưng qua chương trình Shen Yun này, có lẽ tôi phải thay đổi. Thay đổi ở chỗ phải tác động nhiều. Anh em mình còn sống thì phải tác động nhiều để xây dựng được văn hóa nghệ thuật, trước hết của thành phố này”. Mà xây dựng được ra bản sắc của thành phố tức là đóng góp được vào của đất nước.
Việt Mỹ: Với tư cách là một nhà chuyên môn, ông có thể chia sẻ rõ hơn những điểm độc đáo nổi bật của Shen Yun để những khán giả chưa có cơ hội biết tới Shen Yun được hiểu thêm?
NSND Lê Huân: Nghệ thuật múa của Shen Yun, như tôi đã nói hai chữ “tuyệt vời” ấy, có thể nói là họ đã xây dựng từ những cái hay nhất của thế giới, những sản phẩm tuyệt tác của con người đúc kết lại…, múa cổ điển Trung Quốc cũng là nhất thế giới hiện nay, tất nhiên vì đó là kết tinh của 5.000 năm văn hiến. Chúng ta cần học họ.
Thứ hai là cách họ xây dựng âm nhạc, phải nói họ rất trân trọng về âm nhạc. Hôm qua những nhạc sĩ ngồi cạnh tôi đều nói rằng: Tổ chức một dàn nhạc giao hưởng mà kết hợp với tất cả những tinh hoa của các dân tộc. Trong các chương trình biểu diễn của chúng ta hôm nay, đều là thu âm lại trong phòng thu rồi phát. Ngày xưa từng biểu diễn cùng nhạc sống, lý do vì bấy giờ điều kiện thu thanh rất kém. Đoàn Shen Yun, họ có điều kiện tiên tiến mà họ vẫn rất trân trọng, dùng dàn nhạc để tạo nền nhạc cho biểu diễn múa. Cách phối, cách dẫn phải nói là rất uyên bác. Thế nên đứng nhất thế giới là ở chỗ đó.
Thứ ba là về phục trang, trang trí. Đó là về hội họa mỹ thuật. Tôi có hỏi anh Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP Đà Nẵng Hồ Đình Nam Kha: “Ông có thấy đẹp quá không?”. Tôi cũng hỏi một ông bạn già Phạm Hồng, từng đoạt giải Nhà nước về Mỹ thuật: “Ông xem, ông đánh giá về mỹ thuật của Shen Yun như thế nào?”, ông Hồng phải thốt lên: “Tiên tiến, mà hết sức dân tộc!” Về màu sắc thì đảm bảo hết tất cả màu sắc. Trang phục tôn lên tất cả nhân vật. Và rất trân trọng từng nét hoa văn cho đến chất liệu của mỹ thuật sân khấu. Xem màu sắc thì không chê được. Nó tạo thêm cho nghệ thuật biểu diễn đúng là nghệ thuật biểu diễn.
Việt Mỹ: Nói về nghệ thuật Shen Yun, một số chuyên gia cho hay đó là thứ ngôn ngữ không lời, vượt qua mọi rào cản. Ông suy nghĩ sao về nhận định này?
NSND Lê Huân: Thật ra chúng tôi suy nghĩ thế này, họ còn tiến nữa, còn tiến xa hơn nữa. Tiến xa ở chỗ họ sẽ thu hút được đối với mỹ cảm của người xem. Họ chưa lần nào sang Việt Nam nhưng rồi họ sẽ thu hút khán giả đến xem, dùng một từ dân gian là họ sẽ mở mắt cho chúng ta. Chúng tôi rất mong điều này.
Chúng tôi, những người làm nghệ thuật chuyên môn, thấy con đường nghệ thuật của họ, họ mở mắt cho mình. Tôi muốn rằng cái riêng của họ được quảng bá rộng rãi để chúng ta cùng xem. Đáng tiếc, hôm qua tôi đã mời được một vị Phó Chủ tịch Thành phố đến cùng dự tiệc trà giới thiệu, anh rất thích được xem nhưng đến giờ chót thì Trung ương lại điện khẩn ra họp, anh ấy gọi điện xin lỗi.
Với một đoàn nghệ thuật như thế, tôi rất trân trọng, rất trân trọng.
Việt Mỹ: Ông nghĩ sao nếu Shen Yun về Việt Nam biểu diễn? Điều này sẽ mang lại giá trị nào cho đời sống con người Việt?
NSND Lê Huân: Tôi, trước hết là một người làm chuyên môn, tôi rất mong truyền bá Shen Yun để thay đổi về cách nghĩ đối với thị hiếu của công chúng. Xem Shen Yun để mở mắt cho rất nhiều người hiểu thế nào là nghệ thuật đích thực, chứ hiện nay rất phân tán. Nhưng tình trạng phân tán này cũng đương nhiên vì hiện nay chúng ta mở cửa, những thứ hiện đại nó ùa vào, mà là thứ hiện đại chưa mang lại hiệu quả gì cả. Nhưng đây mới là cái hiện đại! Hiện đại đích thực của dân tộc.
Đoàn về Việt Nam trước hết để giáo dục thẩm mỹ đối với người xem, thông qua xem một cách tự nhiên. Thứ hai, để cho những người hoạt động công tác chuyên môn, các ngành múa, âm nhạc, hội họa, sân khấu đều hiểu rằng phải làm như thế, phấn đấu được như Shen Yun. Tất nhiên là không dễ đâu. Thế nhưng đó là con đường nghệ thuật mà chúng ta phải đi.
Việt Mỹ: Có ý kiến cho hay chứa đựng trong những tiết mục biểu diễn của Shen Yun là các giá trị tinh thần, giá trị về con người… Ông suy nghĩ sao về điều này?
NSND Lê Huân: Hôm qua, Đại tá, nhà thơ Lê Anh Dũng, Phó chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Đà Nẵng có nói: Thông qua chương trình nghệ thuật Shen Yun, tuy rằng mới chỉ được xem giới thiệu, nhưng làm người ta thấy con người hãy đến với nhau. Dưới tác động của nghệ thuật, cái đẹp đưa lại cho con người, cứu rỗi cho con người, gần với nhau hơn, yêu nhau hơn, giá trị đối với sự hòa bình, an bình. Thì chắc chắn những chương trình này, từ cái đẹp, cái hay như thế sẽ thuyết phục căn cốt cái tình người trong thế giới chúng ta.
Tôi nói ví dụ, tại Việt Nam có rất nhiều nhà văn, nghệ sĩ hay nhiều người thích nhạc Trịnh Công Sơn, giản dị thôi nhưng nó đi vào lòng người. Theo từ hay dùng người ta gọi là tính người, tính nhân văn. Thế thì xem chương trình của Shen Yun, phải nói rằng cái đẹp đã vượt lên tất cả, từ trong mọi yếu tố âm nhạc, vũ đạo, phục trang… thì cái đẹp sẽ cứu rỗi. Người ta gọi trong nghệ thuật là tính nhân văn cao cả. Con người, họ sẽ tìm đến với nhau. Tại sao chúng ta không làm đẹp được như thế? Đấy cũng là một vấn đề đối với ngay chúng tôi – những người làm nghệ thuật cả đời cũng phải suy nghĩ, hiệu quả cuối cùng là gì?
Hôm qua nghe khán giả thế giới [sau khi xem Shen Yun chia sẻ] thì họ cảm nhận được những điều đó. Tôi nghĩ dù có gì đi chăng nữa, khi Shen Yun sang Việt Nam biểu diễn, các đối tượng khán giả cũng sẽ cảm nhận được điều đó. Tôi rất tin vào điều đó.
Việt Mỹ: Nhắc đến nhà thơ Lê Anh Dũng, chia sẻ sau buổi tiệc trà, ông cho hay điều cốt lõi để làm nên nghệ thuật chân chính là sự thăng hoa từ nội tâm của người nghệ sĩ Shen Yun, không chỉ nâng cao về kỹ năng mà còn về đạo đức, hướng thiện, hướng đạo. Điều này có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?
NSND Lê Huân: Bây giờ nói rộng ra những vấn đề của nhân loại, thì Shen Yun có thể làm được những điều đó. Họ hay quá, họ đẹp quá, con người sẽ được cảm nhận được đến chỗ này. Một câu chuyện nhỏ này thôi, sau buổi tiệc trà thì một nhóm người hoạt động trong giới văn học nghệ thuật thấy xúc cảm, thấy yêu. Điều mà chúng tôi đọng lại là suy nghĩ: Bây giờ họ làm được như thế, thì mình làm thế nào nhỉ? Nó tác động đến con người. Còn đối với các tầng lớp khán giả khác thì tôi cho rằng họ sẽ có nhiều suy nghĩ, cảm xúc khác nhau. Tại sao đẹp như thế bây giờ chúng ta mới được xem? Lại so sánh trước đây chúng ta xem những cái gì – sau khi xem giới thiệu Shen Yun thì lại có một sự so sánh về nghệ thuật, cái đúng – cái không đúng.
Còn đối với bản thân người nghệ sĩ, anh muốn làm được nên nghệ thuật ấy thì tư cách, đạo đức là rõ ràng rồi. Rèn luyện về kỹ năng, kỹ xảo của họ là tuyệt vời rồi, nhưng tôi cho rằng đoàn nghệ thuật này đi diễn trong đời thường, chắc chắn qua cách giáo dục này họ cũng sẽ mang theo tính nhân văn rất quan trọng thì mới mang được nghệ thuật này đến với quần chúng. Còn những gì là cao ngạo thì… chúng ta cũng cần giáo dục điều này. Hôm qua xem giới thiệu về Shen Yun, với những chi tiết về người nghệ sĩ Shen Yun, tôi cho rằng đấy cũng là một cách giáo dục con người.
Việt Mỹ: Nếu chỉ dùng một vài từ để miêu tả về vẻ đẹp của Shen Yun, theo ông đó là gì?
Nghệ thuật đích thực! Hay, mang lại những xúc cảm giá trị chân chính về nghệ thuật, về cái hay, về cái đẹp cho cuộc sống.
Xin cảm ơn ông!
Đăng lại với sự đồng ý của Công ty Văn hóa Truyền thống Việt Mỹ
Xem lịch biểu diễn Shen Yun năm 2020 tại đây
Shen Yun 2019 Official Trailer: