Cổ nhân có câu: Phúc đức tại mẫu, với ý coi trọng đức hạnh của một người phụ nữ. Nếu như coi phụ nữ là phong thủy của ngôi nhà, thì phúc đức của một người phụ nữ được người xưa ví như lá bùa hộ mệnh của cả dòng tộc. Do vậy mà truyền thống rất coi trọng vai trò của họ trong giáo dục con cái, nề thói gia đình và sự hưng vượng của gia tộc.
Trong lịch sử có rất nhiều những tác phẩm nghệ thuật miêu tả về vẻ đẹp của người phụ nữ, có hàng ngàn kho tàng thi ca, tiểu thuyết tôn vinh vai trò của họ. Để khắc họa về hình tượng phụ nữ tiêu biểu cho lòng bao dung, cho phúc đức thì một tác phẩm điện ảnh đã ra đời vào năm 2017 đã thu hút rất nhiều khán giả. Tác phẩm có tên gọi “Năm ấy hoa nở trăng vừa tròn”. Đây là một bộ phim dựa trên một câu chuyện có thật về một gia tộc giàu có tại huyện Kính Dương,Thiểm Tây.
Truyền kỳ về cuộc đời thăng trầm của nữ thương nhân giàu có nhất Thiểm Tây vào giai đoạn cuối đời nhà Thanh, tên Châu Doanh. Qua bộ phim này, người xem thêm một chiêm nghiệm nữa về tài năng, đức hạnh tạo nên phúc phận của một người phụ nữ.
Nếu như cuộc đời là sóng lớn vỗ mạnh, thì phúc đức chính là lá chắn che chở, bảo vệ cho con người. Đức dầy gia đình thịnh, phúc mỏng dòng họ tiêu vong.
Từ một cô gái giang hồ mô côi trở thành một thiếu phu nhân, bởi một quyết định chóng vánh vì chỉ để cứu người trả ơn
Mở đầu bộ phim là hình ảnh một cô gái với sự thông minh nhanh nhẹn. Cô theo cha nuôi phiêu bạt giang hồ, mãi võ mưu sinh, để có được bữa cơm manh áo qua ngày. Cuộc sống với cô có lẽ như thế là đủ, được thong dong tự do và không ràng buộc.
Rồi hai cha con bàn tính giả bán thân vào làm a hoàn cho một gia đình giàu có họ Thẩm. Với tình tình ngang bướng bất trị, cậu thiếu gia họ Thẩm lại đem lòng cảm mến cô gái cũng ngang tàng, bất cần và nhiều trò mưu mẹo.
Khi biết được cậu chủ muốn giữ cô bên cạnh, với cô đây là sự giam giữ như con chim ở trong lồng, chấm dứt cuộc sống tự do bay nhảy,. Châu Doanh tuy thích tiền, nhưng lại không hề vì nó mà mê hoặc. Cô nhất định trốn thoát và đã trốn vào trong kiệu của Ngô Sính, trong một lần tới gia tư họ Thẩm để bàn tính chuyện làm ăn.
Nhờ có sự thông minh, lanh lợi, Châu Doanh đã khiến Ngô Sính ra tay cứu giúp và cho lưu lại phủ của mình để làm việc lặt vặt. Tuy làm a hoàn nhưng Châu Doanh lại rất thích học. Thời đó con gái không được lui tới học đường, nên Châu Doanh thường ngồi ngoài nghe lén bài giảng. Vốn thông minh nên cô thuộc bài và hiểu rất thông tỏ lời thầy giảng. Cô thuyết phục Ngô Sính cho cô được dọn dẹp trong phòng học để được nghe gần hơn, học được nhiều hơn.
Khi biết Ngô Sính bị đánh trọng thương và đang hôn mê, tiểu thư Hồ Vịnh Mai đã bị cha ngăn trở không cho kết hôn cùng anh. Bởi vì mưu lợi, thiệt hơn mà người cha của Vịnh Mai vứt bỏ thâm tình và từ hôn.
Thời bấy giờ người ta có tục, nếu như tổ chức hôn lễ vào lúc mà chú rễ vẫn hôn mê không tỉnh, thì sẽ là biện pháp cuối cùng và hi vọng nhỏ nhoi Ngô Sính sẽ tỉnh lại.
Vì nể phục Ngô Sính và cũng để cứu anh, Châu Doanh quyết định lên kiệu hoa, quyết định một cách nhanh chóng không cần suy nghĩ toan tính, thay thế Vịnh Mai, trở thành con dâu nhà họ Ngô. Từ đây, cuộc đời Châu Doanh bước sang một chương mới đầy khó khăn và thử thách.
Khi đau thương ập tới, bể dâu chôn vùi, người phụ nữ biết gạt bỏ tư thù, đưa đôi vai nhỏ mà gánh vác cơ nghiệp nhà chồng
Trong cuộc chiến danh lợi, Ngô Sính bị kẻ gian hạ độc đúng lúc Châu Doanh có thai. Ngày tang chồng, nỗi đau đớn của một góa phụ trẻ không thể thành giọt nước mắt. Cô ngồi đó thẫn thờ như cái xác, không còn nỗi đau nào có thể lớn hơn như thế.
Dậu đổ bìm leo, Ngô Gia Đông Viện lúc ấy càng ngày càng lâm vào cảnh khốn cùng. Sau khi cha chồng Ngô Úy Văn của Châu Doanh mất, để lại cho cô là những món nợ và những khó khăn chẳng thể vãn hồi. Được bố chồng tin tưởng giao con dấu Ngô gia lại cho cô, nhờ cô gây dựng lại đại nghiệp cả đời của mình.
Trong đau đớn tột cùng, gia đình quay ra giằng xé nhau, và cô đã bị chính gia đình nhà chồng tước đi quyền làm mẹ, một sợi dây duy nhất lưu giữ tình cảm giữa cô và chồng giờ vĩnh viễn chẳng còn, đau khổ như không còn vực dậy được.
Cô nhìn mẹ chồng tiều tụy, nhìn gia cảnh tan hoang, nghèo khổ. Vậy mà tới lúc này họ cũng chẳng đối xử tốt với cô. Nhưng trái tim cô bao dung hết thảy, tha thứ mọi chuyện, nén chặt đau thương, quên đi thù hận mà kề đôi vai nhỏ gánh vác giang sơn nhà chồng. Bước ra khỏi định kiến là phụ nữ không được bôn ba ra ngoài làm ăn kinh doanh, lo việc đại sự.
Bằng sự khéo léo và đầu óc nhạy bén trong kinh doanh, Châu Doanh dần dần vực dậy sản nghiệp của Ngô gia, gánh vác trọng trách quan trọng. Đưa dòng tộc thoát khỏi khốn khó nợ nần mà ngày càng giàu mạnh.
Tấm lòng bao dung của người phụ nữ được ví như biển. Nhưng khi biển kia dậy sóng thù hận, nó đủ vùi chôn đi tất cả. Bên trong người phụ nữ là hai hình tượng, ngoan ngoãn hiền lành như con mèo, nhưng cũng hung dữ như một con hổ.
Nhưng một người phụ nữ đức hạnh thì lại hoàn toàn ngược lại. Họ âm thầm lặng lẽ mà hi sinh, họ quên đi nỗi đau của mình mà chữa lành vết thương cho người khác, họ quên đi thù hận mà cứu chính cuộc đời mình.
Họ vì tình nghĩa mà hi sinh không cần bồi hoàn lại, gánh trên vai trọng trách vì mọi người. Đó chính là cái phúc mà họ tích, chính là chịu khổ mà được đức. Phúc đức ấy chính là tài nguyên, là lá chắn cho đời con người. Gặp hung mà thành cát, gặp dữ mà hóa lành. Mọi vinh hoa phú quý đều từ Đức mà ra.
Trong tác phẩm này, một lần nữa minh chứng cho điều ấy. Khi một người phụ nữ biết coi trọng phúc đức, biết bao dung, biết chịu khổ, biết hành thiện và biết vì người khác. Sống vì nhân vì nghĩa, tức là phúc phận đã được bồi đắp vô điều kiện, vì thế mà tai ương ở đời đến mà như giảm nhẹ, trong cái vận lại ló ra cái may. Phải chăng đây chính là sự công bằng của cán cân định mệnh.
Thủ tiết, nén chặt tư tâm, hành thiện và cứu giúp nhiều người tới hết cuộc đời
Châu Doanh là một ví dụ minh chứng cho điều ấy, bà đến cuối đời vẫn chẳng nghĩ tới bản thân mình. Bà đem sự giàu có của mình mà hỉ xả giúp đỡ người nghèo, những người gặp hoàn cảnh có khăn.
Những người làm công cho bà cũng tâm phục khẩu phục tấm lòng và tài năng của một người phụ nữ có khí chất của đấng nam nhi.
Có người nói, do bà xuất thân từ khổ hạnh mà bà hiểu hơn ai hết nỗi đau khổ là gì. Nhưng cũng có người cho rằng bà quá giàu có, bỏ ra một chút ít như thế đâu thấm gì. Nhưng trên thực tế có mấy ai giàu có mà là chỗ mong mỏi nương dựa của mọi người. Hay người ta đã có lại muốn có nhiều hơn, đã giàu lại muốn giàu hơn. Bởi lẽ lòng tham con người là vô đáy.
Chỉ có những con người biết trọng đức, họ mới hiểu rằng, tiền tài danh vọng, phúc lộc giàu sang đều từ đức mà thành, vậy chi bằng nên tích đức thì chính là tạo cho mình một vận mệnh về sau hay sao. Có lẽ đây chính là điều mà những người càng buông xả lại càng được nhiều, càng cho đi lại càng có.
Cái ta có chưa hẳn đã là ngay trước mắt, mà sẽ tích lại ở mai sau. Nên cuộc sống tất phải coi trọng đức. Nó không chỉ là lá bùa hộ mệnh, mà còn là gia cát tiền tài.
Đặc biệt là một người phụ nữ, là người mẹ, người vợ, thì phúc đức lại càng được coi trọng. Bởi một người vợ coi trọng phúc phận đạo lí, sẽ không bao giờ làm điều gì sai trái mà hủy hoại cơ đồ của chồng. Một người mẹ biết coi trọng đức sẽ là một người thầy dạy cho những đứa con của họ về đạo lí, trí tuệ, lòng bao dung, vị tha và trở thành một bậc kì tài.
Tác phẩm điện ảnh “Năm ấy hoa nở trăng vừa tròn” nằm trong danh sách “Những bộ phim truyền hình Hoa Ngữ chất lượng nhất trong năm 2017’’. Đây là tác phẩm được đánh giá là xuất sắc cả về nội dung và nghệ thuật diễn xuất. Thông điệp của bộ phim khiến rất nhiều người phải suy ngẫm. Đặc biệt là giới doanh nhân, là bài học về Thành, Tín, về đạo đức trong kinh doanh. Từ đó mà mở tầm suy ngẫm về chữ Đức ở đời.
Tịnh Tâm