Không chỉ tiếng nhạc du dương, mà ca từ của nhạc khúc “Both Sides, Now” cũng rất giản dị. Tuy đơn sơ mà đẹp đẽ, mang nét thi ca. Lời ca tuy mộc mạc nhưng đọng lại là những triết lý sâu sắc về sự được – mất, hư ảo và hai mặt của mọi khía cạnh trên đời.
Trong một lần trả lời phỏng vấn, nữ nhạc sĩ Joni Mitchell hồi tưởng: “…Lúc ấy tôi đang ngồi trên máy bay và đọc cuốn ‘Henderson the Rain King’ của Saul Bellow. Trong một đoạn tôi đã đọc, có cảnh nhân vật Henderson the Rain King cũng đang nhìn qua cửa sổ máy bay và nhìn xuống những đám mây. Tôi bỏ cuốn sách xuống, nhìn qua cửa sổ và cũng nhìn những đám mây, cảm hứng chợt đến, lập tức tôi đặt bút viết ca khúc ‘Both Sides, Now”. Tôi không hề nghĩ có ngày nó sẽ phổ biến đến như thế”.
Trong giải âm nhạc Grammy năm 2001, album cùng tên “Both Sides, Now” đã đoạt Grammy cho album nhạc pop truyền thống hay nhất, và bản Both Sides, Now đoạt giải Grammy phối khí cho ca khúc. Ngày 12 tháng 2 năm 2010, “Both Sides, Now” đã được trình diễn tại Thế vận hội Mùa đông 2010 khai mạc tại Vancouver.
Hiện nay, “Both Sides, Now” đang đứng hạng 171 trong danh sách “500 ca khúc hay nhất của mọi thời đại” do tạp chí ca nhạc Rolling Stone bình chọn.
Rows and flows of angel hair
And ice cream castles in the air
And feather canyons everywhere
I’ve looked at clouds that way
Dịch:
Suối tóc bềnh bồng của thiên thần
Và tòa lâu đài kem trong không trung
Với hẻm núi lông vũ ở mọi nơi
Tôi đã nhìn thấy đám mây như thế đó
Mở đầu Both side, nows là những đám mây trắng như tóc thiên thần, những lâu đài kem … đã tạo ra bao cảnh đẹp trên khung trời xanh. Những ca từ mở đầu khiến người nghe cứ ngỡ đây là trí tưởng tượng của một đứa trẻ với một tâm hồn thuần khiết, trong sáng. Nhưng thật ra, đây là những gì mà một nhạc sĩ luôn tự nhận mình là “người của hội họa” nhìn thấy.
But now they only block the sun
They rain and snow on everyone
Dịch:
Nhưng giờ đây chúng che khuất mặt trời
Mây đổ mưa và cả tuyết lên mọi người
Thế rồi khi mây che khuất mặt trời, mây biến thành mưa, mây đổ tuyết buốt giá xuống khắp miền. Quá nhiều điều cô muốn làm, nhưng kèm theo những điều muốn làm lại là những “trở lực” dường như khó khăn.
So many things I would have done
Clouds got in my way
Dịch:
Quá nhiều điều tôi đã muốn làm
Nhưng đám mây cản đường tôi
Thật tiếc nuối khi những việc lẽ ra định làm nhưng lại không làm được bởi sự ngăn trở vô hình và hữu hình vây quanh.
I’ve looked at clouds from both sides now
From up and down, and still somehow
Dịch:
Giờ đây tôi nhìn mây theo hai hướng
Từ phía trên và phía dưới, bằng cách này cách khác
Tại sao lại nhìn mây theo “hai hướng”? Huyễn tưởng đẹp đẽ trước kia về những đám mây, giờ đây chúng lại rải mưa và tuyết khắp nơi. Nếu cứ nhìn theo một hướng, liệu chăng là đang tự dối mình? Mây đen, mưa, lạnh lẽo… liệu có đẹp chăng?
It’s cloud illusions I recall
I really don’t know clouds at all
Dịch:
Tôi nhớ lại, đó là ảo tưởng của những đám mây
Tôi thực sự chẳng hiểu mây gì cả
Những viễn cảnh đẹp đẽ mà ai cũng hằng tơ tưởng kia nó cũng chỉ là “ảo tưởng của những đám mây” mà thôi. Điểm kết của những ảo ảnh tốt đẹp kia cũng chỉ vỏn vẹn: “Tôi thực sự chẳng hiểu mây gì cả”.
Những khúc kế tiếp viết về tình yêu, tình đời, tất cả cũng đều có hai mặt cho nên, như điệp khúc đã lặp đi lặp lại, dường như để nói rằng việc gì cũng có 2 mặt tương phản…
Moons and Junes and Ferris wheels
The dizzy dancing way that you feel
As every fairy tale comes real
I’ve looked at love that way
Dịch:
Ánh trăng, tháng Sáu và Bánh xe Ferris (đu quay)
Điệu nhảy chóng mặt mà bạn cảm nhận
Như câu chuyện thần tiên biến thành sự thật
Tôi đã nhìn tình yêu theo cách đó
Ánh trăng là sự lãng mạn của đôi lứa, tháng Sáu và Bánh xe Ferris là những buổi hẹn hò vui chơi vào những ngày nghỉ của tiết hè tháng Sáu. Khung cảnh lung linh sắc màu kia dường như khiến những ai đã từng trải qua tình yêu của tuổi trẻ đều cảm thấy bồi hồi không ngớt.
Thế nhưng tình yêu tốt đẹp kia cũng chỉ là mộng ảo nhất thời cũng như “câu chuyện thần tiên biến thành sự thật”, đến khi vỡ mộng thì mọi người đều sẽ cảm thấy “chóng mặt”.
But now it’s just another show
And you leave ’em laughing when you go
And if you care, don’t let them know
Don’t give yourself away
Dịch:
Nhưng bây giờ chỉ là một buổi biểu diễn khác
Và bạn cứ mặc họ cười nhạo khi ra đi
Nếu bạn có bận tâm, đừng để họ biết
Đừng đánh mất chính mình
Từ “những đám mây” trong trí tưởng tượng thuần khiết như một đứa trẻ, rồi đến tình yêu của tuổi mới lớn, dường như cũng giống như sự chuyển màn giữa các tiết mục: “một buổi biểu diễn khác”.
Cô coi những diễn biến trong cuộc đời như “một buổi biểu diễn”, và “những buổi biểu diễn” đó có thể sẽ khiến một số “khán giả” nào đó “cười nhạo”.
Trong tình yêu có khi ta là trò đùa của ai đó, tuy vậy dù có bất bình đến mấy, đau khổ đến mấy thì cũng đừng nên mất bình tĩnh mà “đánh mất chính mình”. Càng mất “bình tĩnh”, càng “đánh mất chính mình” thì những người kia lại càng hả hê mà “cười nhạo” hơn.
I’ve looked at love from both sides now
From give and take, and still somehow
It’s love’s illusions I recall
I really don’t know love
Really don’t know love at all
Dịch:
Tôi đã nhìn nhận tình yêu theo hai phương diện
Cho đi và nhận lấy, và bằng cách nào đó
Tôi nhắc nhở mình đó chỉ là ảo ảnh tình yêu
Tôi thực sự chẳng hiểu nổi tình yêu
Chẳng hiểu chút gì về tình yêu
Cô đúc kết lại rằng tình yêu cần nhìn theo hai phương diện, thời gian đủ để cô hiểu được rằng thế nào là “cho đi và nhận lấy”; và tình yêu chỉ là hư ảo mà thôi. Say đắm trong ảo ảnh để rồi “chẳng hiểu nổi tình yêu”, “chẳng hiểu chút gì về tình yêu”.
Tears and fears and feeling proud
To say “I love you” right out loud
Dreams and schemes and circus crowds
I’ve looked at life that way
Oh but now old friends they’re acting strange
And they shake their heads
And they tell me that I’ve changed
Well something’s lost but something’s gained
In living every day
Dịch:
Nước mắt và sợ hãi, và cảm thấy tự hào
Để thốt lên được “Em yêu anh”
Mộng ước, kế hoạch và đám đông huyên náo
Tôi đã nhìn cuộc sống như thế đó
Nhưng những người bạn cũ đang hành xử kì lạ
Và họ lắc đầu
Rồi họ nói rằng tôi đã thay đổi
Có cái mất thì cũng có cái được
Trong cuộc sống mỗi ngày
Sống theo ý của người khác thật không dễ dàng chút nào, khi họ lắc đầu bảo cô rằng cô đã thay đổi. Và họ lại không nhận ra rằng chính họ mới đang thay đổi khi “đang hành xử kì lạ”.
I’ve looked at life from both sides now
From win and lose and still somehow
It’s life’s illusions I recall
I really don’t know life at all
It’s life’s illusions I recall
I really don’t know life
I really don’t know life at all
Dịch:
Tôi đã nhìn cuộc sống từ hai phương diện
Thắng và thua, bằng cách nào đó
Tôi nhắc nhở mình đó chỉ là ảo ảnh cuộc sống
Tôi chẳng biết gì về cuộc sống này
Tôi nhắc nhở mình đó chỉ là ảo ảnh cuộc sống
Tôi chẳng biết gì về cuộc sống này
Tôi thực sự chẳng biết gì hết
Dù bản thân có cố thay đổi thế nào thì: “nước mắt”, “sợ hãi”, “tự hào”, “mộng ước và kế hoạch”, “thắng và thua” đều tuân theo quy luật tất yếu “có cái được thì cũng có cái mất”. Có mấy ai hiểu được “ảo ảnh” kia mà tự nhắc nhở bản thân rằng “đừng đánh mất chính mình”.
Judy Collins, người đầu tiên phát hành bài này năm 1967, đạt được giải Grammy vào năm 1968 về trình diễn nhạc dân ca.
Năm 2005, Both Sides, Now được thu vào album Odyssey của ca sĩ giọng soprano và cũng là đại sứ của UNICEF: Hayley Westenra.
Bản tiếng Pháp
Both Sides Now có phiên bản tiếng Pháp của Eddy Marnay: Je N’ai Rien Appris mà Marie Laforêt thu âm năm 1968. Je N’ai Rien Appris được ca bởi Nana Mouskouri, nữ ca sĩ người Hy Lạp có khả năng hát bằng 13 ngôn ngữ khác nhau.
Bản tiếng Việt
Tại Việt Nam, Both Sides, Now được nhạc sĩ Phạm Duy đặt lời Việt vào đầu thập niên 1970 với tựa Hai khía cạnh cuộc đời. Trước năm 1975, Hai khía cạnh cuộc đời đã được Julie trình bày trong băng nhạc Nhạc Trẻ 3.
Đôi nét về tác giả
Joni Mitchell tên thật là Roberta Joan Anderson, sinh năm 1943 tại tỉnh Saskatchewan, một vùng thảo nguyên bát ngát ở miền nam Canada.
Joni Mitchell mau chóng tạo được tên tuổi với các sáng tác thuộc ở thể loại dân ca và du ca. Phần ca từ của bà gây chú ý qua tính thi ca, liên kết những ý tưởng xã hội và môi trường thông qua cảm xúc cá nhân như những khao khát với sự lãng mạn, sự hoang mang, ảo mộng và niềm hân hoan. Ca từ của bà đậm chất thi ca.
Các sáng tác của Joni Mitchell rất được các ca sĩ hát dân ca của Mỹ ưa chộng, trong đó có bản Both Sides, Now, viết năm 1967. Tạp chí Rolling Stone viết về bà như là “một trong những nhạc sĩ xuất sắc nhất”.
Năm 2007, sau khi thu album thứ 17, cũng là album cuối cùng, Joni Mitchell giải nghệ trình diễn vào tuổi 64, và tuyên bố: “họa sĩ đi nhầm đường vì hoàn cảnh”.
Thế nhưng, dù Joni Mitchell tự nhận mình là người của hội họa, dù vậy tạp chí mạng về nhạc Allmusic cũng đã viết một cách trân trọng: “Sau khi những đám bụi đã lắng xuống, hiện rõ một Joni Mitchell – nữ ca nhạc sĩ tạo ảnh hưởng mạnh nhất trong những năm cuối thế kỷ thứ 20.”
Hoàng Lâm