Đại Kỷ Nguyên

Nghệ thuật làng gốm Sejnane, lưu giữ những bí quyết đã được truyền qua nghìn năm

Năm 2018, nghệ thuật làm gốm của những người phụ nữ làng Sejnane được Unesco công nhận là di sản văn hóa phi vật thể. Sabiha Ayari – một thợ gốm 50 tuổi, làm việc và sinh sống tại làng Sejnane, tỉnh Bizerte, Tunisia sẽ chia sẻ với chúng ta nghệ thuật làm gốm độc đáo này.

Ở phía sau trang trại, Sabiha đang đào và đổ đất sét vào xô. Cô làm ra những vật dụng như bình, bát đĩa, hay thậm chí búp bê,… với những kỹ thuật đặc biệt được truyền lại từ tổ tiên, cùng với những nguyên liệu tự nhiên khác và cách làm gốm từ thời kỳ xa xưa.

Nghệ thuật cổ xưa

Ở đây, các sản phẩm được biết đến với đặc trưng riêng, đặc biệt là trang trí với họa tiết hai màu đen và đỏ. Sabiha Ayari chia sẻ: “Đó là những họa tiết đặc trưng của vùng Béc-be (châu Phi), chúng ta thường gặp nó trên trang phục, hay là trên những hình xăm.”

Sabiha thường dành phần lớn thời gian của mình để làm nên những đồ dùng, dụng cụ. Ngoài ra cô cũng đắp nặn ra hình những hình thù động vật như rùa, ngựa v.v.

(Ảnh: Tunisie )

Tại làng Sejnane, các nghệ nhân thường trộn đất sét với gạch đã được ép vụn ra. Gạch có thể coi như là một trong những nguyên liệu “hiện đại” hiếm hoi, mà ngày xưa họ phải dùng những mảnh vỡ của bình để thay thế và làm đông đặc hơn cho đất sét.

Sau một vài ngày phơi khô, Sabiha cùng chị dâu của mình sẽ quét một lớp mỏng đất sét trắng lên, rồi sau đó nó sẽ được trang trí với đất đỏ. Đôi khi, mẹ của Sabiha cũng đến giúp các cô mài nhẵn bình, bà dùng 1 chiếc vỏ sò để thực hiện thao tác này, cần phải mài đi mài lại thật nhiều lần, cho đến khi chiếc bình được nhẵn bóng.

(Ảnh: TunisiaTourism)

Không dụng cụ “hiện đại”, cũng không có lò nung, những nghệ nhân ở đây chỉ dùng độc một vài dụng cụ hết sức đơn giản, như: đế đỡ được dùng để cho bước đắp nặn và cây cọ dùng để vẽ trang trí.

Ở thao tác nung gốm, các nghệ nhân không dùng lò nung chuyên dụng, mà là dùng lò nướng bình thường, được đốt bằng phân khô và vỏ cây. Nhờ thế mới cho ra được những sản phẩm đặc trưng. Những loại đất sét này được họ lấy từ những ngọn đồi nằm ở phía Tây của Tunis.

Cách trang trí cho tác phẩm gốm

Ở thao tác trang trí, các nghệ nhân thường hái lá cây nhũ hương, rồi sau đó giã lấy nước, những thợ làm gốm sẽ dùng gậy để vẽ sau lần nung đầu tiên. Và điểm đặc biệt, những hình vẽ màu xanh nhạt này, sau khi tiếp xúc với lửa sẽ chuyển sang màu đen. Sabiha nói: “Đó là cách mọi người tạo ra những đồ dùng ngay từ khi tôi vẫn còn nhỏ.”.

Loại phương pháp này đã xuất hiện từ 3500 năm trước Công Nguyên, theo ông Naceur Baklouti, chuyên viên nghiên cứu về lĩnh vực di sản văn hóa chia sẻ: “Hoàn toàn không có những thay đổi quá lớn gì về mặt kỹ thuật, cũng như mặt thẩm mỹ, những món đồ này dường như mang vẻ đẹp trường tồn với thời gian vậy.”

(Ảnh: Escapades et découvertes )

Sabiha không biết đọc hay viết chữ, chỉ ngoài tên cô, bởi cô phải tự tay mình khắc nó lên mỗi sản phẩm mà cô làm ra. Sự tinh tế của mỗi món đồ do cô làm ra rất được hoan nghênh, điều đó giúp cho Sabiha thường xuyên nhận được các đơn đặt hàng. Cô chia sẻ, đó là công việc giúp cô nuôi cả gia đình, cô nói một cách hồ hởi, bày tỏ niềm vinh dự mỗi lần được khoác lên người bộ trang phục cùng với chiếc khăn lụa hoa  truyền thống mỗi khi đi bán hàng.

Tuy vậy, không phải ai cũng có thể sống được với nghề như Sabiha, bởi thu nhập không đủ. Theo Sabiha, việc học cách làm ra một sản phẩm rồi mới đến tự tay làm ra yêu cầu rất nhiều thời gian. Nhưng giới trẻ bây giờ thì lại chỉ “muốn chạy thật nhanh”. Chính vì thế, khi các mặt hàng tiêu dùng xuất hiện ở các vùng nông thôn của Tunisie vào những năm cuối thập niên 70, việc tự sản xuất các món đồ dùng này cũng dần dần biến mất.

Sabiha cũng cho biết, cô vô cùng tiếc khi thấy những người hàng xóm của mình, họ sử dụng mực đen hoặc là tráng men hóa học thay vì giã lá cây nhũ hương, vì muốn rút ngắn thời gian. “Điều đó gây ảnh hưởng vô cùng lớn đến tập thể những người làm gốm chúng tôi” – cô buồn bã nói.

Tuy vậy Sabiha cũng được an ủi phần nào khi nghề gốm thủ công của làng cô đã được chính phủ quan tâm. Để ngăn chặn việc nghệ thuật gốm Sajnane không bị thất truyền, một khu phức hợp rộng hàng hecta đang được lên kế hoạch xây dựng, bao gồm một bản tàng và một trung tâm đào tạo để bảo vệ nghệ thuật làm gốm Sejnane.

Chúng ta cùng chiêm ngưỡng một vài hình ảnh về nghệ thuật làng gốm Sejnane.

(Ảnh: hdmag )
(Ảnh: Pinterest )
(Ảnh: cultpatr )

Trâm Anh biên dịch

Theo epochtimes.com

Exit mobile version