Đại Kỷ Nguyên

Nhà sưu tầm tranh cổ điển Frederick Ross với giấc mơ phục hưng các tác phẩm nghệ thuật từng bị chối bỏ

Frederick Ross có một trong những bộ sưu tập nghệ thuật tư nhân thế kỷ 19 lớn nhất  ở Hoa Kỳ. Mỗi bức tường trong mỗi căn phòng, hành lang và cầu thang trong nhà Ross đều treo đầy những bức tranh tuyệt đẹp. Ông có một giấc mơ không hoang đường – Phục hưng các tác phẩm nghệ thuật từng bị chối bỏ.

Ông là nhà sáng lập Trung tâm Đổi mới Nghệ thuật (viết tắt là ARC), một tổ chức giáo dục nghệ thuật tư nhân và phi lợi nhuận từ năm 2000. Bộ sưu tập nghệ thuật của ông, sau 23 năm, xuất phát từ một tài sản nhỏ, bao gồm các tác phẩm của cả các bậc thầy đang còn sống, đã tăng trưởng đều đặn, chủ yếu thông qua giao dịch, khiến ông rất ít tốn kém.

Trước khi mua một tác phẩm nghệ thuật, điều đầu tiên Ross xem xét là cách ông tự cảm nhận về nó. Ông cười nói: “Nếu tôi thích nó, thì tôi mới thực hiện bước tiếp theo”.

Bức ‘The fortune teller’. bởi Jehan Georges Vibert (1840-1902)

Ngay cả khi một tác phẩm nào đó có ý nghĩa lịch sử, hay những người khác có thể coi đó là một khoản đầu tư tốt, nhờ vào uy tín xã hội hiện tại của nó, ông có thể vẫn không quan tâm. Ông chia sẻ: “Tôi chỉ mang về những tác phẩm nghệ thuật mà tôi yêu thích và tôi muốn giới thiệu chúng cho bất kỳ nhà sưu tập nào muốn làm điều tương tự. Sưu tập kiểu này mang lại rất nhiều sinh khí và sự hứng thú, cũng như giá trị và tầm quan trọng đối với cá nhân nhà sưu tập”.

Một sự so sánh thú vị về giá trị

Khi Ross bắt đầu mua các tác phẩm của William-Adolphe Bouguereau nhiều năm trước đây với giá khoảng 4.000 đô la, tranh của Willem de Kooning đã được bán với giá khoảng 300.000 đô la.

Tới ngày nay những tác phẩm nghệ thuật của thế kỷ 19 vẫn bị đánh giá thấp và có thể được mua với giá trải rộng từ 5.000 đến 1 triệu đô la; so với các tác phẩm trừu tượng đương đại, như tranh của de Kooning được bán với giá khoảng 10 triệu đô la; hoặc bức tranh ‘Black Fire’ của Barnett Newman được bán với giá 84 triệu đô la một vài năm trước đây.

Đã có những lúc Ross bực tức hoặc bất mãn và đôi khi cả hoang mang về sự khác biệt quá lớn về giá cả: như vậy là có ý nghĩa gì?, song ông vẫn lạc quan. Sự lạc quan này không chỉ bởi vì ông đã tích cực cùng với ARC góp phần thay đổi làn sóng trong thế giới nghệ thuật, mà còn bởi vì ông biết rõ rằng giá của một tác phẩm nghệ thuật không nhất thiết phản ánh giá trị thực sự của nó, đặc biệt là về lâu dài.

Frederick Ross tại nhà riêng năm 2016 (Ảnh: Samira Bouaou / Epoch Times)

Trong nhiều thập kỷ, Ross đã lên tiếng vạch trần và phơi bày từng lớp đạo đức giả trong lịch sử nghệ thuật và phê bình nghệ thuật, cùng ảnh hưởng của các thứ giả đó đến thị trường nghệ thuật. Chuyên luận của ông về giá trị và tầm quan trọng của nghệ thuật hiện thực có tên là ‘Tại sao cần chủ nghĩa hiện thực?’. Quan điểm chính của ông là rõ ràng và đơn giản: mỹ thuật là ngôn ngữ phổ quát, với một bộ tiêu chuẩn dễ nhận biết, có khả năng giao tiếp xuyên suốt tất cả các châu lục và văn hóa. Nếu như một tác phẩm nghệ thuật không thể giao tiếp trực quan với khán giả (không cần sự mô tả bằng lời) thì nó không thành công và do đó về bản chất sẽ không có giá trị.

Tình yêu nghệ thuật chân chính được đánh thức bởi Bouguereau

Bức tranh nổi bật nhất và giá trị nhất trong ngôi nhà của Ross là ‘Jeunes Bohemiennes’ (Những người Gypsy trẻ tuổi) của William Adolphe Bouguereau. Ông đã sống cùng với bức tranh này trong 37 năm và nói rằng chưa bao giờ chán xem nó. Bức tranh này mô tả một phụ nữ trẻ đang ôm một đứa bé trên tay, đứng trên một đỉnh đồi với đường chân trời thấp; cả hai nhìn thẳng vào người xem.

Tôi luôn có cảm giác được chào đón vào trong thế giới của cô ấy và ngược lại, họ cũng luôn được chào đón trong thế giới của tôi. Người Gypsy bọn họ thuộc tầng lớp thấp trong xã hội nhưng được nâng lên bình đẳng với các tầng lớp khác trong xã hội nhờ nghệ thuật”.

Nhà sưu tầm nghệ thuật và chủ tịch của Trung tâm tái tạo nghệ thuật – Frederick Ross – tại nhà riêng năm 2016. (Samira Bouaou / Epoch Times)

Ross trân trọng các nghệ sĩ của thế kỷ 19 vì họ tuân thủ các ý tưởng, khái niệm và nguyên tắc về tự do và bình đẳng bắt nguồn từ Thời đại Khai sáng – tiền đề cho sự thành lập nước Mỹ. Ông đặt vấn đề:

Những người theo chủ nghĩa hiện đại cho rằng những nghệ sĩ này không đáng bàn tới; đó là điều hoàn toàn vô lý. Các nghệ sĩ của thế kỷ 19 không chỉ liên quan đến lịch sử nghệ thuật, xã hội và chính trị thực tế thời đó, mà họ còn truyền đạt những điều tương tự như các nhà văn lớn của thế kỷ 19, như Victor Hugo, Charles Dickens và Mark Twain. Tuy nhiên, trong khi các nhà văn đó luôn được tôn vinh thì những nghệ sĩ này lại bị chê bai; là vì sao?

Bức “Duty” của Edmund Blair Leighton, sơn dầu, 1883.

Trong bộ sưu tập đồ sộ của mình, Ross quý nhất vẫn là tranh của Bouguereau. Ông chia sẻ:

Bouguereau đã nắm bắt được một cảm giác đẹp đến lạ thường, hơn bất kỳ nghệ sĩ nào khác. Người ta nói rằng một bức tranh đáng giá cả ngàn lời nói, những bức tranh của ông ấy còn nhiều hơn những gì tôi có thể nói”. Một nhận xét khiêm tốn cho rằng ông là chuyên gia hàng đầu về Bouguereau, và là người đồng sáng tác tiểu sử và danh mục toàn diện nhất về nghệ sĩ này.

Quay ngược thời gian, lần đầu tiên Ross nhìn thấy tác phẩm của Bouguereau là khi ông lái xe đến Massachusetts vào mùa thu năm 1977 để xem triển lãm Renoir tại bảo tàng ‘The Clark’. Ông nhớ lại:

Ở cuối hành lang của bảo tàng, tôi đã thấy bức tranh kỳ lạ này. Tôi đứng đó như bị mê hoặc bởi sự tráng lệ của nó”, ông nói về bức ‘Nymphes et Satyre’ của Bouguereau. Ông chưa từng cảm thấy những xung động xuất thần về nghệ thuật và tâm linh như vậy kể từ khi đứng trước bức tượng điêu khắc “David” của Michelangelo ở Florence, Ý.

Bức ‘Nymphes et Satyre’, William Adolphe Bouguereau, dầu trên vải, 1873.

Sau khi đứng đó say mê ngắm bức tranh hồi lâu, tâm trí ông bắt đầu quay cuồng với những câu hỏi không có lời giải đáp. Ông nhớ lại mình đã nghĩ rằng, đó phải là tranh của một bậc thầy cổ điển, nhưng không thể nghĩ ra bất kỳ bậc thầy cổ điển nào mang lại những cảm giác này. Nó cũng không giống tranh của Hà Lan thế kỷ 17. Nó cũng không tạo chút cảm giác nào giống nghệ thuật Phục hưng tầm cao. Khi ông nhìn vào năm mà bức tranh được vẽ, đó là năm 1873. Ông cười và nói:

Tôi từng nghĩ rằng không có tác phẩm tốt nào được thực hiện vào năm 1873; tôi nghĩ rằng lúc đó những nghệ sĩ vĩ đại, những bậc thầy cổ điển đã mất từ ​​lâu, và lý do tranh ấn tượng được coi là tuyệt vời vào cuối thế kỷ 19 là vì đó là điều tốt nhất mà bất cứ ai có thể sáng tác vào thời điểm đó”.

Mặc dù Ross đã có bằng thạc sĩ về giáo dục nghệ thuật tại Đại học Columbia, nhưng ông chưa bao giờ nghe nói về Bouguereau trước cái ngày định mệnh đó của tháng 10 năm 1977. Ông nói: “Điều kỳ lạ là Bouguereau có thể đã bị loại khỏi môi trường giáo dục nghệ thuật; nhưng đó lại đúng là cách mà chủ nghĩa hiện đại nắm chặt thế giới nghệ thuật trong bàn tay sắt của nó”.

Bức ‘Au Bord du Ruisseau’ của William-Adolphe Bouguereau, sơn dầu, năm 1875. (Trung tâm đổi mới nghệ thuật)

Khi nghệ thuật phái hiện đại chỉ trích Bouguereau, họ đã căn cứ vào các đặc điểm rất giống với những đặc điểm được các nhà sử học nghệ thuật dùng để ca ngợi Rembrandt hoặc Michelangelo – những nghệ sĩ vĩ đại. Sự vô lý chính là ở chỗ này. Tại sao một tác phẩm nghệ thuật được thực hiện vào thế kỷ 15 hoặc 16 được coi là đẹp, nhưng một tác phẩm được thực hiện vào thế kỷ 19 với chất lượng tương tự, hoặc thậm chí chất lượng tốt hơn, lại bị chê bai với lý do rằng nó không được thực hiện đúng ‘thời điểm lịch sử?”

Trên thực tế, toàn bộ sự phát triển của kỹ thuật và giáo dục nghệ thuật đã phát triển và truyền thụ từ bậc thầy sang học sinh, làm tăng dần kiến ​​thức, từ thế hệ này qua thế hệ khác qua hàng trăm năm và đạt đến đỉnh cao vào cuối thế kỷ 19. Ross bổ sung:

Tranh của Bouguereau thậm chí còn có những phẩm chất mà các nghệ sĩ của thế kỷ 16 hoặc 17 chưa thể đạt được tại thời điểm đó”.

Bức “Une Vocation” bởi William-Adolphe Bouguereau, sơn dầu, 1890. (Trung tâm đổi mới nghệ thuật)

Tình yêu mỹ thuật đối lập với tôn thờ tiền bạc

Ross cho rằng sự phát triển rầm rộ của chủ nghĩa hiện đại, sự hùng biện của nó chống lại chủ nghĩa hiện thực và sự teo tóp chung của giới am hiểu nghệ thuật, chính là do sự tham lam. Tại một số thời điểm, tình yêu dành cho mỹ thuật đã bị bỏ qua bởi sự tôn thờ tiền bạc. Ông giải thích:

Bây giờ có những người rất thông minh, biết ăn nói, những người có thể đưa ra những ý tưởng và thuật ngữ khó tin, chẳng hạn như ‘Nghệ thuật biết nói (artspeak)’, để khiến mọi người tin rằng ‘màu đen’ có nghĩa là ‘màu trắng’ và ‘đi lên’ có nghĩa là ‘đi xuống’, nhằm biện minh cho giá cao ngất ngưởng của các tác phẩm nghệ thuật trừu tượng mà thực sự không gì hơn là những vệt rê bóng và những mảng sơn vô nghĩa”.

Ross cho rằng, trong nhiều thập kỷ, một số nhà sưu tầm nghệ thuật trừu tượng đương đại đã bị đánh lừa bởi cái mà ông gọi là “sự gợi ý của người có uy tín. Nói cách khác, tất cả đều là ảo ảnh”. Ông đã viết trong ‘Why Realism?’:

Bất cứ khi nào một tác phẩm được bao bọc trong một biểu tượng về chất lượng, giá trị hoặc được thẩm định bởi chuyên gia, thì mọi người có xu hướng đương nhiên coi nó là có chất lượng, giá trị hoặc tầm quan trọng”.

Bức “The Communicants” bởi Jules Breton, sơn dầu, 1884. (Ảnh; miền công cộng)

Những người có bằng tiến sĩ và thạc sĩ, là người phụ trách và giám đốc bảo tàng của các học viện quan trọng, những người được cho là biết điều này, điều nọ và điều gì là quan trọng và có giá trị, có thể dễ dàng đánh lừa những người cảm thấy rằng họ không có hiểu biết về nghệ thuật”.

Nhưng khi Ross nhìn vào một bức tranh của de Kooning, ông thấy nó không có giá trị gì: “Không có gì ở đó, hoàn toàn không có gì”.

Ông thấy có một khe hở khổng lồ giữa giá trị thực sự của một tác phẩm mỹ thuật và cách nó được định giá. Ông nhận định: “Xu hướng này sẽ không sớm dừng lại, nhưng tôi dự đoán rằng khi nó dừng lại, nó sẽ rơi xuống rất nhanh và dữ dội, đến mức một tác phẩm của Jackson Pollock hiện có giá 50 triệu đô la sẽ không còn tới 5.000 đô la. Giá trị duy nhất mà chúng có thể còn giữ được là kể một câu chuyện về những gì kỳ lạ đã xảy ra tại một thời điểm trong lịch sử”.

Frederick Ross tại nhà riêng năm 2016, chia sẻ về cuộc sống và công việc của bản thân. (Samira Bouaou / Epoch Times)

Ông tự tin rằng làn sóng trong thị trường nghệ thuật cuối cùng sẽ chuyển hướng, nhưng không thể dự đoán khi nào thì điều đó sẽ diễn ra.

Theo MILENE FERNANDEZ (theepochtimes.com)

Hòa Bình biên dịch

Clip hay:

Exit mobile version