Đại Kỷ Nguyên

Nhà thơ “làm nhà” trên lưng cá voi và luôn “cuồn cuộn như làn sóng lũ’’, cô là ai?

Thông tin về tác giả: Nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến sinh năm 1953, quê Hưng Yên, là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội; Phó Chủ tịch Hiệp hội Tác giả Phi hư cấu Việt Nam. Bà sớm được biết đến từ thập niên 80, 90 với tập thơ đầu tay mang tên “Lỡ một thì con gái” với chất thơ đầy tình yêu và nữ tính, cũng như tác giả của bài hát cùng tên “Khát Vọng” nổi tiếng do nhạc sĩ Thuận Yến phổ nhạc. 

***

Ta trao cả cho anh. Một con tim dào dạt. Và anh trả cho ta. Nỗi buồn đau tan nát! Ta muốn ôm cả đất. Ta muốn ôm cả trời. Mà không sao ôm trọn. Trái tim một con người. Ai cũng biết những lời thơ có nhạc này đã được nhạc sĩ Thuận Yến phổ nhạc thành bài hát rất nổi tiếng: Khát vọng…

Thuở nhỏ, Đoàn Thị Lam Luyến có được giải thưởng thơ thiếu nhi, nhưng mãi đến năm 1983, tôi mới được quen biết. Hồi đó, tôi có viết trường ca Cánh buồn mở hướng trên 1800 câu thơ về Ngô Gia Tự, được in ở Nhà xuất bản Thanh Niên, và biên tập viên Đặng Quang Vinh chấp nhận in. Đoàn Thị Lam Luyến lúc ấy là họa sĩ của NXB, vẽ bìa và tổ chức thực hiện. Đoàn Thị Lam Luyến dành nhiều tâm huyết cho bìa sách và tập trường ca ấy.

Sau khi Cánh buồm mở hướng ra, Hội VHNT Hà Bắc có giao cho tôi tổ chức, tuyển chọn biên soạn cuốn Một trăm bài thơ tình – Việt Nam và thế giới, tiếp theo là cuốn Giai thoại văn học xứ Bắc.

Hồi đó, về cuộc đời riêng nhà thơ họ Đoàn đã có nhiều trục trặc. Sống với một cậu con trai yêu quý, nhưng vì sinh kế, nàng phải làm nhiều việc, có khi phải nhận hợp đồng in thuê cho cánh xổ số, có khi mua thuốc lá cuốn từ những gia đình bên cạnh Nhà máy thuốc lá Thăng Long, gửi lên tận Sơn La, để bà mẹ trên đó bán. Đoàn Lam rất thương người, đôn hậu, dịu dàng, tâm lý. Ngồi vui là đọc thơ, có thể đọc thơ suốt đêm.

Vui đấy mà buồn đấy. Cười đấy mà khóc đấy. Lúc đó còn gian nan, Đoàn chưa học trường viết văn Nguyễn Du, và cũng chưa xuất bản được tập thơ nào. Tôi động viên và cũng giúp nàng tổ chức, cho đánh máy một số bản thảo thơ thiếu nhi. Nàng dự thi, được giải thưởng.

Giai đoạn này, Đoàn viết ít, nhưng trong óc nàng đã có đến năm bảy chục bài thơ. Không thiếu bài hay, câu chữ của nàng khôn ngoan, tinh tế, như thể có trời giúp:

Thôi đừng nhìn em lâu
Mà làm em chóng mặt
Đừng đứng trước em lâu
Mà làm em choáng mắt.

Đừng đứng trước em lâu. Mà làm em choáng mắt. (Ảnh: Flickr.com)

Anh dịu dàng như đất
Thân yêu tự bao đời
Em – hạt mầm chất chứa
Khao khát được sinh sôi

(Mong anh)

Đoàn Thị Lam Luyến có một tình yêu kỳ lạ, luôn “cuồn cuộn như làn sóng lũ ’’, “rừng rực như đám cháy lớn’’:

Em như vạt cháy rừng quanh năm đòi cứu hỏa
Như ngọn lũ sông Hồng chỉ chực vỡ đê.

(Gọi Thúy Kiều)

Ta trao cả cho anh
Một con tim dào dạt
Và anh trả cho ta
Nỗi buồn đau tan nát!

Ta muốn ôm cả đất
Ta muốn ôm cả trời
Mà không sao ôm trọn
Trái tim một con người

(Khát vọng)

Sau này, Đoàn có lấy chồng, có bài “Chồng chị chồng em’’ – chua chát, bài thơ được giải thưởng cao của cuộc thi thơ báo Văn nghệ:

Đã từ hai mảnh tay không
Kể chi mẹ ghẻ con chung chồng người?
Dở dang suốt nửa cuộc đời
Bỗng dưng hiện một mặt trời trong nhau

Chị thản nhiên mối tình đầu
Thản nhiên em nhận bã trầu về têm.

(Chồng chị chồng em)

Bài thơ này được nhiều người khen và cũng không ít người chê. Người chê câu này, kẻ chê ý khác. Có người không đồng tình bởi: Chẳng có ai đem “Bã trầu về têm’’ cả. Một sự phi lý!

Chẳng nên coi những bài thơ được giải là những bài thơ toàn bích, còn sự phi lý ư? Chợt nhớ đến bài Sự phi lý trong thơ, nhà thơ Nguyễn Quang Hà dẫn ca dao:

Cổ tay em trắng lại tròn
Để cho ai gối mà mòn một bên.
Thuyền anh mắc cạn đến đây
Mượn đôi dải yếm làm dây kéo thuyền.

Xưa, thơ Đường cũng nhiều yếu tố phi lý:

Hai câu cuối trong bài Tuyệt cú của Chí An:

…Triêm y dục thấp hạnh hoa vũ
Xuy biện bất hàn dương liễu phong.

Nghĩa:

Trận mưa hoa hạnh như làm đẫm ướt áo
Gió qua cành liễu thổi vào mặt không thấy lạnh.

Cao Biền có bài Ký huynh, hai câu cuối:

Già thanh vi đoạn hồn tiên đoạn
Vạn lý Hồ thiên điểu bất phi

Nghĩa: (Người ở biên ải) tiếng kêu (xung trận) chưa dứt mà hồn đã dứt. Vạn dặm trời Hồ (Hung Nô, phương bắc Trung Quốc) không một cánh chim bay.

Trong Ẩm tửu khán mẫu đơn của Lưu Vũ Tích có câu:

Đàn sầu hoa hữu ngữ
Bất vị lão nhân khai

Đàn sầu hoa hữu ngữ. Bất vị lão nhân khai. (Ảnh: Pixabay.com)

Nghĩa:

Nhưng buồn vì hoa nói
Tôi đâu có nở cho người già.

Toàn những bài thơ hay cả nhưng:

Hoa hạnh như mưa sắc, khi có gió bấc thổi vào mặt thì vẫn rét chứ, sao lại bảo bất bàn – không rét?

Chiến tranh thời xưa toàn cung tên dáo mác, có bao nhiêu bom đạn? Rừng xưa, đồng cỏ xưa thiếu gì chim chóc, mà viết “Vạn dặm trời Hồ không một cánh chim bay’’, có phải là thi nhân nói lấy được, thiếu thực tế?

Còn hoa, vật vô tri vô giác sao có ngôn ngữ như người mà viết “Đàn sầu hoa hữu ngữ”.

Thì ra trong thơ không hiếm những điều phi lý, không thiếu những ý thơ trong đời thực là không thể, nhưng trong tâm thức là có thể.

Đôi khi đưa sự không thể vào thơ, thành sự có thể, ý thơ thêm rộng, ấn tượng:

Chị thản nhiên mối tình đầu,
Thản nhiên em nhận bã trầu về têm

Sự thản nhiên này, những vần thơ gai dằm này, chẳng đáng cho thần sầu quỷ khóc sao?

Đoàn Thị Lam Luyến rất tài hoa, nhưng cũng nhiều phen gian nan lỡ dở. Nàng tự cho là số phận nó vậy. Tình yêu của nàng là một chuỗi ngày tháng làm – nhà – trên – lưng – cá – voi.

Thời gian yên ổn chẳng được là bao thì cá lại vẫy vùng, lặn biến:

Cá vùng xuống đáy đại dương
Bỏ tôi không ván không buồm trên tay

(Làm nhà trên lưng cá voi)

Bao khao khát lứa đôi tri kỷ tri âm không toại nguyện, Đoàn Thị Lam Luyến cô đơn với nỗi buồn thăm thẳm:

Em như con thuyền lạc bến
Có đi mà chẳng có bờ
Em như cây cầu bắc trượt
Một mình bên đá trơ vơ

(Chuyện về anh)

Có những phút long đong, mệt mỏi, chán nản, cô gái họ Đoàn đã phải “nói’’ với hương hồn người cha về người đời nhiều giả trá:

Đàn bà lừa nẻo bạc
Đàn ông dối nẻo tình
Phận con như sấu đá
Làm sao cất nổi mình

(Dại của dại yêu)

Không hoang cây, chỉ hoang đồi
Em hoang con bởi có người đi hoang
Số cầm tinh con dã tràng
Có viên ngọc cát biển mang đi rồi…

(Họa bố đánh rơi)

Nhiều buồn đau, nhưng Đoàn chưa bao giờ tuyệt vọng, bởi trí tuệ và bản lĩnh. Ngay cả những lúc đau buồn nhất, thì nàng vẫn tự nhắc nhủ mình, nhắc nhủ bạn hãy sống cao thượng:

Lại một lần răng cắn vào môi
Đau đớn đấy máu ta trào ra đấy
Máu của ta, ta nuốt vào tim vậy
Có lẽ nào ngậm lại để phun nhau?

(Bạn mình ơi)

Thơ của nàng luôn bộc lộ một tấm lòng nhân hậu, “thủy chung như nhất”.

Người yêu ta hẹn với người
Chung lòng nhân hậu chung lời đắm say
Ví bằng tuột mất trong tay
Thì nâng niu lấy chuỗi ngày đánh rơi

(Hát ru)

Ví bằng tuột mất trong tay. Thì nâng niu lấy chuỗi ngày đánh rơi. (Ảnh: Thienvanhanoi.org)

Có một lần, bỗng nhận được tin “Bạn về hưu”, Đoàn khuyên người bạn – đấng mày râu, ngọn ngành rành rọt:

Làm lính trọn đời trai
Chưa bao giờ bạn khóc
Đời còn nhiều cú sốc
Nào nín đi, bạn ơi!

Khi vui nên cúi mặt
Khi đau xin ngẩng cười!

Không hiểu đến nay, Đoàn đã làm được bao nhiêu bài thơ, có đến mấy trăm?

Quý II năm 2003, cùng với Gửi tình yêu – tập thơ tình yêu chọn lọc 81 bài, Đoàn Thị Lam Luyến còn xuất bản tập thơ Sao dẫn lối 72 bài, cùng NXB Hội Nhà văn, in trang trọng. Mấy năm gần đây, Đoàn có cuộc đi nói chuyện thơ, đọc thơ. Đoàn Thị Lam Luyến rất thuộc thơ, đọc rành rọt, lôi cuốn. Có những câu thơ hồn nhiên vui vẻ, có những câu thơ có ma lực khiến cho cả hội trường dăm ba trăm người, vài ba tiếng đồng hồ nhiều khi cùng cười, cùng rơi lệ.

Với nàng, sống là vượt lên nỗi đau định phận và không ngừng sáng tạo:

Bên biển ta muốn khóc
Bên biển ta muốn cười
Ta muốn làm lại hết
Dẫu tóc ta bạc rồi!…

Phủ Lạng Thương 5 – 2004

Duy Phi

Exit mobile version