Trong thế giới âm nhạc, giao hưởng là âm nhạc đỉnh cao, thường bị coi là quá hàn lâm, tuy nhiên bạn sẽ dễ bị say mê bởi vẻ đẹp mang tính từng trải, chuẩn mực, tinh tế, khi thì dịu dàng lúc lại dữ dội đến huyền hoặc của giao hưởng. Diễn tả được toàn bộ chiều sâu tâm hồn của một con người cũng như vạn sự vạn vật, làm được điều đó, có thể nói chỉ có giao hưởng!

Theo dòng thời gian tìm hiểu sự ra đời, hình thành và phát triển cho đến đỉnh cao của dòng nhạc đỉnh cao.

Khi hiểu khởi nguồn và cấu trúc của dàn giao hưởng, hiểu được các giá trị riêng góp dồn trong một giá trị chung, bạn sẽ dễ dàng cảm thụ được nó, và từ đó, say mê nó.

Giao hưởng là một thể loại tác phẩm quy mô dành cho dàn nhạc (hoặc dàn nhạc với giọng hát) và thường có nhiều hơn một chương. Thuật ngữ “giao hưởng” bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp, có nghĩa là “cùng nhau phát ra âm thanh.”

Ý nghĩa này của thuật ngữ “giao hưởng” đã trải qua nhiều thay đổi trong lịch sử âm nhạc. Ý nghĩa của nó theo cách hiểu của chúng ta ngày nay đã được định hình từ nền âm nhạc Đức và Áo trong suốt đầu thế kỷ 18.

Thế kỷ 14, 15 xuất hiện các dàn nhạc quy mô nhỏ

Ban nhạc nhỏ biểu diễn phục vụ lễ tân long trọng (Ảnh: pinterest.com)

Các gia đình quý tộc của Ý từ thế kỷ 14, 15 cũng đã có các nhạc công phục vụ cho những buổi tiệc tùng, khiêu vũ. Ban đầu nó chỉ là những dàn nhạc nhỏ và điều đáng nói là nó chưa phải là phương tiện để biểu diễn một tác phẩm độc lập, nó thường có mặt để phục vụ cho các nghi lễ tôn giáo, lễ tân long trọng hoặc những buổi biểu diễn nhạc kịch.

Sự ra đời của nền khí nhạc thế tục kéo theo sự ra đời của dàn nhạc xuất hiện cùng và trong sự rút lui của các đàn violon kiểu cũ. Những dàn nhạc của thể loại nhạc kịch (opéra) và kịch múa (ballet) đầu tiên thường có biên chế nhỏ và không đồng nhất, thường gồm các nhạc cụ như đàn luth, viole, flute, hautbois, trombone, harpe và các loại trống. Khi các khúc nhạc dạo đầu và trong các tình tiết của các vở nhạc kịch và kịch múa ngày càng phát triển và mang tính độc lập, từ đó, giao hưởng như một thể loại âm nhạc độc lập đã ra đời.

Ban nhạc nhỏ thường có mặt để phục vụ cho các nghi lễ tôn giáo, lễ tân long trọng hoặc những buổi biểu diễn nhạc kịch (Ảnh: pixabay.com)
Ban nhạc nhỏ thường có mặt để phục vụ cho các nghi lễ tôn giáo, lễ tân long trọng hoặc những buổi biểu diễn nhạc kịch (Ảnh: pixabay.com)

Thế kỷ 17 dàn nhạc giao hưởng hình thành

Năm 1607, Adriano Banchieri cho ra mắt một bản Giao hưởng nhạc cụ mà không có giọng hát, đã vạch ra một xu hướng mới quan trọng trong lịch sử giao hưởng. Năm 1619, nhà soạn nhạc và lý thuyết âm nhạc người Đức Michael Praetorius đã viết trong tập tiểu luận của ông về các hình thức âm nhạc đương thời (Syntagma musicum, Vol. III) rằng, một bản giao hưởng là “một tác phẩm hòa tấu chỉ của các nhạc cụ mà không có bè giọng hát – loại tác phẩm này được những người Ý khởi xướng.”

Dàn nhạc đệm cho những buổi biểu diễn kịch múa thế kỷ 17 (Ảnh: pixabay.com)

Năm 1672 được xem là cột mốc quan trọng trong lịch sử phát triển của dàn nhạc giao hưởng, khi ở Luân Đôn (Anh) những người yêu nhạc đến để xem một buổi biểu diễn (có bán vé) những tác phẩm viết cho dàn nhạc.

Các nhạc cụ trong dàn nhạc phong phú hơn lên, dần dần vai trò quan trọng của bộ dây kéo được xác lập, cây đàn violon với âm thanh thánh thót, đầy đặn đã thay thế vị trí của viole.

Từ giữa thế kỷ 17, các thể loại giao hưởng và các concerto độc lập cho dàn nhạc bắt đầu phát triển và dàn nhạc cổ điển cũng dần hình thành. Claudio Monteverdi đã đem tư duy bốn bè vào dàn nhạc.

Trước đó các nhạc sĩ viết rất tự nhiên cho 3 hoặc 5 bè và có thể kéo như thế từ đầu đến cuối tác phẩm. Monteverdi cũng là người đầu tiên sử dụng kỹ thuật cá nhân và biết vận dụng các tính năng riêng biệt của từng nhạc cụ nhằm mục đích tăng cường tính kịch.

Do đặc điểm của âm nhạc thời kỳ này là âm nhạc phức điệu nên các nhạc sĩ đi sâu vào việc tìm tòi những âm sắc phong phú để phân biệt rõ từng bè của dàn nhạc.

Không chỉ là một tập hợp các nhạc cụ, dàn nhạc dần được tổ chức lại. Đồng thời chức năng của nhiều nhạc cụ cũng thay đổi, clavecin (đàn piano cổ) với âm thanh yếu ớt, đã được các nhạc sĩ dùng bộ dây và bộ hơi để bổ sung nhiệm vụ của nó.

Nhạc cụ dây được cải tiến, sáo ngang thay thế sáo dọc, kèn cornet gỗ biến mất… đưa kèn cor vào dàn nhạc. Thủ pháp biểu diễn mới của dàn nhạc cũng xuất hiện, đáng lưu ý nhất là thủ pháp lớn dần (crescendo), chúng đã gây hiệu quả sửng sốt cho người nghe thời bấy giờ.

Dàn nhạc New York (Ảnh: pinterest.com)

Thế kỷ 18, nhạc cụ dây chiếm ưu thế trong các dàn nhạc giao hưởng lớn

Vị trí sắp xếp các bè nhạc cụ trong một dàn nhạc giao hưởng (nhấp vào ảnh để phóng to và xem hình)
Khi dàn nhạc giao hưởng đầy đủ phong phú hơn (nhấp vào ảnh để phóng to và xem hình)

Đến thế kỷ 18, violon chiếm ưu thế tuyệt đối trong dàn nhạc và những nhạc cụ dây trở thành nền tảng. Các nhạc cụ flute, hautbois, basson hợp lại thành một nhóm, trompette và timbales của dàn nhạc nhà thờ được bổ sung thêm và phần hòa âm được sự hỗ trợ tích cực của đàn clavecin.

Có thể thấy biên chế dàn nhạc này trong các tác phẩm của Bach, Händel, Vivaldi… Các dàn nhạc giao hưởng nổi tiếng thời kỳ này có thể kể đến Gewandhaus ở Leipzig và dàn nhạc của thành phố Mannheim.

Dàn nhạc Mannheim gồm: 30 đàn dây, 2 flute (sáo tây), 2 hautbois, 2 basson, 2 trompette, 4 cor và các timbales (trống). Sau đó, clarinette được bổ sung vào bộ hơi. Đây cũng là thành phần của dàn nhạc giao hưởng thời kỳ cổ điển mà Haydn, Mozart và Beethoven thời kỳ đầu thường dùng.

Dàn nhạc giao hưởng lớn xuất hiện cùng các bản giao hưởng cuối của Beethoven. Qua các tác phẩm của Richard Wagner, Johannes Brahms, Tchaikovsky… dàn nhạc mang thêm những màu sắc mới. Các nhạc cụ hơi và gõ được tăng thêm, cũng dẫn đến việc tăng cường nhạc cụ dây.

Thế kỷ 19, 20 nhạc giao hưởng đạt đỉnh cao về cấu trúc và nghệ thuật biểu diễn

Giữa thế kỷ 19, nhạc giao hưởng đã phát triển đến đỉnh cao. Các nhạc cụ cũng được thử nghiệm, cải tiến theo nhu cầu diễn đạt nội dung tác phẩm với những tương phản về cường độ, sắc thái.

Việc sáng chế bộ phận piston làm thay đổi bô mặt của kèn đồng trong dàn nhạc. Các nhạc sĩ cũng đưa vào dàn nhạc các nhạc cụ mới cùng các thủ pháp biểu diễn.

Hector Berlioz đã đưa thêm vào tổng phổ mình những nhạc cụ như piccolo, cor anglais, clarinette basse, cornet, harpe và nhiều nhạc cụ gõ. Thành phần dàn nhạc của Berlioz rất đồ sộ, được xem như một tổ chức của dàn nhạc giao hưởng hiện đại.

Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam với bộ dây chiếm ưu thế

Tác phẩm “Đường đời” (My Way – André Rieu), đã khiến khán giả rung động. Âm nhạc siêu xuất đã thật sự chạm đến tâm của người nghe:

Đầu thế kỷ 20, hai nhạc sĩ người Pháp Maurice Ravel và Claude Debussy lại mở ra một trang mới trong lịch sử phát triển của dàn nhạc giao hưởng.

Tổng phổ của Ravel và Debussy đã làm mọi người ngạc nhiên về nghệ thuật phối màu, về sự kết hợp sáng tạo âm sắc và sự tận dụng những kỹ thuật, kỹ xảo của các nhạc cụ.

Thế kỷ 20 là thế kỷ đánh dấu thời kỳ phát triển rực rỡ của âm nhạc viết cho dàn nhạc và cũng là thời kỳ mà dàn nhạc giao hưởng đạt đến những đỉnh cao mới về cấu trúc cũng như về nghệ thuật biểu diễn.

Một điều mới mẻ gây ấn tượng với khán giả khắp mọi nơi đó là sự kết hợp tinh hoa của Đông và Tây.

Dàn nhạc cổ điển phương Tây đầy đủ nhạc khí mang đến năng lượng và sự huy hoàng, trong khi đó các nhạc cụ Trung Quốc làm nổi bật mối liên hệ khác biệt của nền văn hóa nghìn năm tuổi của Trung Quốc.

Cây đàn nhị phương Đông lần đầu tiên đưa vào dàn nhạc giao hưởng một cách vô cùng xuất sắc. Điều độc đáo đó được ghi dấu bởi dàn nhạc giao hưởng Shen Yun: 

Với quá trình phát triển và hoàn thiện của những nhạc cụ cùng với những kỹ năng biểu hiện phong phú và sự đa dạng về chủng loại, một dàn nhạc giao hưởng ngày nay có thể diễn tả tất cả các hình thái và cung bậc cảm xúc. Từ những sắc thái tình cảm tinh tế, những cường độ cực êm hoặc cực mạnh, đột biến… và sự kết hợp các nhạc cụ trong dàn nhạc có thể tạo nên những bức tranh âm thanh phong phú đầy màu sắc.

Hết phần 1. Mời đón xem tiếp phần 2.

Kỳ Văn