Đại Kỷ Nguyên

10 hướng dẫn ngắn gọn để chụp ảnh đẹp các trận bóng đá

Chụp ảnh một trận đấu bóng đá luôn là một thử thách. Bởi vì hành động của các cầu thủ thường rất nhanh và ở một khoảng cách khá xa với người chụp. Trong điều kiện đó, lưu ý một số yếu tố quan trọng có thể giúp cải thiện vấn đề.

Nếu bạn là một nhiếp ảnh gia đam mê bóng đá, bạn có thể đã phải cố gắng rất vất vả khi chụp một số trận đấu. Dưới đây là 10 lời khuyên đơn giản để đảm bảo bạn ra về với những bức ảnh ưng ý.

1. Cố gắng giữ nguyên vị trí

Luôn có một sự cám dỗ để theo đuổi tất cả các hành động quanh sân. Nếu làm như vậy có nghĩa là bạn cũng phải chạy nhiều như người chơi. Tốt hơn là bạn chọn một vị trí phù hợp, và chờ đợi ở đó tới khi hành động trên sân đến với bạn. Vị trí đắc địa là ở gần với khung thành ở một đầu của sân. Vị trí đó sẽ cung cấp cho bạn cơ hội để có được những pha hành động tuyệt vời khi người chơi tranh bóng và có thể ghi lại những khoảnh khắc quan trọng khi người chơi ghi bàn.

‘Thất thủ’ (ảnh: Marten Landcree).

2. Để chân máy ở nhà

Điều bạn không muốn nhất là bị trói buộc với một bộ chân máy cồng kềnh, vậy nên hãy để chân máy ba chạc ở nhà. Nếu cần, bạn có thể mang theo một chiếc chân máy đơn dễ mang. Nhưng tốt nhất là dùng đôi cánh tay và chân của chính bạn, đặc biệt là vì bạn sẽ chụp các hành động trong sân với tốc độ màn trập nhanh nên ảnh sẽ không bị rung.

‘Cú bay’ (ảnh: Melis82), Thông số kỹ thuật: Canon EOS 400D, 200mm, 1/640sec at f/4, ISO 800

3. Chụp với ống kính tele

Vì cầu thủ luôn ở một khoảng cách nào đó với bạn, bạn cần chụp bằng ống kính tele. Các nhiếp ảnh gia thể thao có xu hướng dùng ống kính 70-200mm và có thể lên tới khoảng 400mm. Những cỡ tele đó sẽ cho bạn phạm vi chụp lý tưởng. Bạn có thể sẽ thấy rằng ống kính thấp hơn 70mm sẽ có góc chụp quá rộng và ống kính dài hơn 400mm sẽ kéo cầu thủ tới quá gần. Một ống kính zoom sẽ giúp bạn có thể điều chỉnh độ dài tiêu cự theo ý mình một cách nhanh chóng và không phiền phức.

‘Malta vs Italy’ (ảnh Martin Agius),  Thông số kỹ thuật: AMIPP ASIFGP, Canon EOS 7D, 70-200mm, 1/800sec at f/2.8, ISO 3200.

4. Mạnh dạn cắt bớt hình ảnh của bạn khi cần thiết

Không phải ai cũng có sẵn ống kính tele (mặc dù bạn có thể thuê hoặc mượn một chiếc), vì vậy bạn có thể miễn cưỡng phải chụp với một ống kính có độ dài tiêu cự rộng hơn. Điều này cũng không quá tệ. Phần lớn các máy ảnh DSLR hoặc loại không có gương có độ phân giải cao hiện nay rất dễ cho phép cắt bớt hình ảnh để tiến sát hơn đến hành động.

‘Kick Off’ (ảnh: Elle Wallace).

5. Phải chụp với tốc độ màn trập nhanh

Khi bạn làm việc dưới ánh sáng ban ngày và ISO cao (xem phần bên dưới), bạn sẽ có thể nên đặt máy ảnh của mình ở tốc độ màn trập nhanh – khoảng 1/800 giây, đây sẽ là tốc độ lý tưởng để chụp cầu thủ chạy trên sân.

‘Xoạc bóng’ (ảnh: John Broadley), Thông số kỹ thuật: Nikon D810, 200-500mm, 1/1000sec at f/5.6, ISO 800.

6. Chụp với tốc độ màn trập chậm để làm mờ ảnh

Đừng sợ thử nghiệm điều này. Chụp với tốc độ màn trập chậm hơn một chút sẽ giúp hình ảnh của bạn có một chút mờ và do đó lại nhấn mạnh tốc độ và hành động trong cảnh.

‘Tấn công’ (ảnh: Martin Duffy), Thông số kỹ thuật: Sony A35, 55-200mm, 1/250sec at f/4, ISO 200

7. Đặt mức độ phơi sáng ở độ sâu trường ảnh nông

Lý tưởng nhất là bạn sử dụng khẩu độ f/2.8 hoặc f/4 để giữ nét cho cầu thủ ở tiền cảnh và khu vực phía sau họ tuy không nét nhưng vẫn là hậu cảnh đẹp. Làm thế sẽ giúp tập trung sự chú ý của người xem vào hành động của cầu thủ.

‘Give Us a Kiss’ (ảnh:  Alan), Thông số kỹ thuật: Canon EOS 1D Mark IV, 300mm, 1/1250sec at f/3.2, ISO 320.

8. Đừng ngại điều chỉnh ISO

Nếu bạn phải đối mặt với thời tiết không lý tưởng, chẳng hạn như trời nhiều mây, thì hãy tăng ISO của bạn. Ngày nay, các máy ảnh kỹ thuật số có khả năng xử lý ISO cao mà không sợ giảm sút chất lượng hình ảnh. Kết hợp với khẩu độ rộng, bạn sẽ có thể đạt được độ phơi sáng mong muốn.

‘Ăn mừng bàn thắng’ (ảnh: Sophie Merlo), Thông số kỹ thuật: Nikon D7000, 18-1055mm, 1/250sec at f/11, ISO 2500.

9. Hãy chụp thật nét

Mặc dù chức năng lấy nét tự động cơ bản của máy ảnh có thể làm thay việc này cho bạn, nhưng còn có một lựa chọn tiện dụng có thể giúp mọi việc trở nên dễ dàng hơn: đó là “AI-Servo” trên các máy Canon và “AF-C” trên các máy Nikon. Bạn cần phải xem hướng dẫn sử dụng máy ảnh về cách cài đặt chức năng này. Khi sử dụng chức năng này, khi ngón tay của bạn đang nhấn nút màn trập tới giữa chừng, ống kính sẽ dõi theo và giữ chủ đề của bạn được nét cho dù nó ở đâu trong khung hình. Chỉ cần đảm bảo rằng bạn đặt “điểm AF” của mình ở nơi đầu tiên bạn muốn. Sau đó, khi chủ đề của bạn vừa chạm tới điểm đó, hãy nhấn nút chụp để khóa nét vào đó.

‘Thủ thành’ (ảnh Claudio Pimazzoni).

10. Chế độ chụp liên tục

Một chức năng vô cùng quý khi chụp ảnh thể thao là chế độ chụp liên tục. Chức năng này cho phép chụp một loạt hình ảnh liên tiếp khi màn trập đã được kích hoạt, có nghĩa là bạn sẽ có được một loạt tùy chọn cho mỗi phần của hành động trên sân. Tuy nhiên, hãy cố gắng không chụp quá nhiều hình ảnh trong một lần chụp, vì điều đó có thể có nghĩa là máy ảnh của bạn vẫn đang trong chế độ đệm để lưu các hình ảnh vào thẻ nhớ và vì thế bạn sẽ có thể bỏ lỡ một bức ảnh tuyệt vời khác.

‘RC Celta Vigo – Sevilla’ (ảnh: Siro), Thông số kỹ thuật: Canon EOS 7D, 200mm, 1/640sec at f/4.5, ISO 1250.

Cuối cùng, với những kỹ năng trên, chúc bạn thành công trong mọi trận đấu bóng.

Theo PhotoCrowd

Exit mobile version