Tranh phong cảnh Phương Tây trải qua 4 thế kỷ phát triển mạnh mẽ, đạt độ chín muồi vào thế kỷ 19. Từ chỗ chỉ làm nền cho những câu chuyện cổ, tranh phong cảnh đã có một chỗ đứng riêng được trân trọng trong dòng chảy nghệ thuật.

Tranh phong cảnh đặt cảnh vật thiên nhiên trong bối cảnh nghệ thuật. Các bức tranh phong cảnh thường mô tả các ngọn núi, thung lũng, vùng nước, cánh đồng, rừng và bờ biển, cũng có thể bao gồm các cấu trúc nhân tạo và con người. Mặc dù các bức tranh từ thời cổ đại và cổ điển sớm nhất đã bao gồm các yếu tố phong cảnh thiên nhiên, tranh phong cảnh như một thể loại hội họa độc lập của phương Tây chỉ xuất hiện từ thời kỳ Phục hưng vào thế kỷ 16. Trải qua 3 thế kỷ phát triển, tới thế kỷ 19 tranh phong cảnh đã đạt tới đỉnh cao.

“Phong cảnh Lærdalsøren trên Vịnh Sogne”. Họa sĩ: Themistokles von Eckenbrecher (1842-1921)

Thế kỷ 19 – thời kỳ đỉnh cao và phát triển rực rỡ của tranh phong cảnh hiện thực

Trong nửa đầu thế kỷ 19, các nghệ sĩ phong cảnh đã tiếp nhận phong trào Lãng mạn rộng khắp để truyền tải niềm đam mê và kịch tính qua các tác phẩm của họ. Phong trào Lãng mạn tăng cường sự quan tâm vốn có đối với nghệ thuật cảnh quan, vươn tới những phong cảnh hoang dã xa xôi, khiến chúng trở nên nổi bật hơn. Thế kỷ 19 chứng kiến tranh phong cảnh đã đến giai đoạn chín muồi, nổi lên như một thể loại nghệ thuật được kính trọng trong các học viện nghệ thuật của châu Âu, rồi theo đó phát triển mạnh mẽ ở Hoa Kỳ. Trong thế kỷ 19, khi các nước cố gắng phát triển các trường phái hội họa quốc gia đặc trưng, nỗ lực thể hiện bản sắc riêng biệt của phong cảnh quê hương đã trở thành một xu hướng chung. Ở Nga cũng như ở Mỹ, kích thước khổng lồ của các bức tranh thiên nhiên tự nó là một tuyên bố mạnh mẽ về dân tộc họ.

“The Lock”. Họa sĩ: Jonhn Constable (ảnh: BBC)

Ở Anh quốc, hai trong số những họa sĩ phong cảnh hàng đầu là John Constable và J.M.W. Turner. Cả hai nghệ sĩ này đều sáng tác những bức tranh lớn để thể hiện sức mạnh của thiên nhiên và đều là bậc thầy trong việc tái hiện những hiện tượng khí quyển và thời tiết. Tuy nhiên, Constable sáng tác theo phương thức hiện thực với độ chính xác cao khi mô các cảnh quan vùng nông thôn nước Anh. Còn Turner, đặc biệt là trong sự nghiệp sau này, đã vẽ những cảnh biển đầy biểu cảm và các đặc trưng khí quyển tiến đến gần với sự trừu tượng.

“Giudecca la Donna della Salute and San Georgio”. Họa sĩ: J. M. W. Turner (ảnh: Fine Art America).

Tại nước Đức, tranh phong cảnh lãng mạn có thể được tóm tắt trong tác phẩm của Caspar David Friedrich, người có những bức tranh được cho là mang tính biểu tượng về cảm xúc và tôn giáo, có thể được diễn giải theo một cách bóng bẩy. Bức tranh “Chữ thập trên núi” (khoảng năm 1808) của Friedrich vẽ cây thánh giá được chiếu sáng bởi các tia mặt trời trên đỉnh núi, thể hiện một tình cảm tinh thần thông qua các yếu tố tự nhiên. Friedrich có một phong cách đặc biệt, chịu ảnh hưởng từ chương trình đào tạo tại Đan Mạch, nơi đã phát triển một phong cách quốc gia riêng biệt dựa trên tranh thế kỷ 17 của Hà Lan. Tuy nhiên, ông đã thêm vào đó một chủ nghĩa lãng mạn gần như huyền bí.

“Lang thang trên biển sương mù” (1818). Họa sĩ: Caspar David Friedrich (ảnh: Wikipedia).

Các họa sĩ Pháp chậm chân hơn trong phát triển tranh phong cảnh, nhưng từ khoảng những năm 1830, Jean Baptiste Camille Corot và các họa sĩ khác trong trường Barbizon đã thiết lập một truyền thống phong cảnh Pháp mà sau đó trở thành có ảnh hưởng nhất ở châu Âu trong một thế kỷ. Các nghệ sĩ người Pháp như Jean François Millet, Charles François Daubigny, Théodore Rousseau, chuyên vẽ trong và xung quanh khu rừng Fontainebleau. Mặc dù họ chỉ gắn bó với nhau về mặt xã hội một cách lỏng lẻo, nhưng giống nhau khi nắm bắt thiên nhiên thông qua việc quan sát cẩn thận. Họ tránh các vẽ các tác phẩm tuân thủ sự cân bằng quy củ như của các họa sĩ tiền bối, mà lựa chọn miêu tả môi trường xung quanh một cách chân thực, dù có thể ít hài hòa hơn.

“Cliffs of Gréville”. Họa sĩ: Jean François Millet (ảnh: Wikimedia Commons)

Tây Ban Nha, người quảng bá chính cho thể loại này là họa sĩ Carlos de Haes. Đây là một trong những giáo sư vẽ phong cảnh năng động nhất tại Học viện Mỹ thuật San Fernando ở Madrid từ năm 1857. Sau khi học từ các bậc thầy phong cảnh Flemish vĩ đại, ông đã phát triển kỹ thuật vẽ ngoài trời cho riêng mình. Trở lại Tây Ban Nha, Haes đưa học trò của mình đi vẽ ở nông thôn. Dưới sự dạy dỗ của ông, “các họa sĩ trẻ tự do phát triển tài năng và tận dụng hệ thống đường sắt mới để khám phá những góc xa xôi nhất của địa hình quốc gia“.

Tranh phong cảnh. Họa sĩ: Carlos de Haes (1829-1898) (ảnh: Decorar con Arte).

Hoa Kỳ, các họa sĩ trường phái “Sông Hudson” (1825 -1870) tập trung ở thung lũng sông Hudson tại New York. Trong các bức tranh về dãy núi Catskill, sông Hudson và vùng hoang dã của New England và xa hơn nữa, các nghệ sĩ đã ghi lại những hiệu ứng ấn tượng của ánh sáng và bóng râm, những chi tiết đẹp nhất về chủ đề của họ và tôn vinh vẻ đẹp độc đáo của những khu vực còn hoang sơ của phong cảnh nước Mỹ. 

“Quang cảnh vùng núi hai hồ”, Catskill Mountain. Họa sĩ: Thomas Cole (1844).

Các thành viên đầu tiên của trường phái này là Thomas Cole, Asher B. Durand và Thomas Doughty, đã truyền cảm hứng cho nhiều họa sĩ trẻ bao gồm Frederic Edwin Church, Fitz Henry Lane, Jasper Cropsey, Albert Bierstadt và Martin Johnson Heade. Việc phát minh ra ống thiếc đựng màu vẽ (1841) và phát minh ra giá vẽ di động (cũng vào giữa thế kỷ 19) đã cách mạng hóa thể loại phong cảnh bằng cách cho phép các nghệ sĩ vượt ra khỏi studio để nghiên cứu và vẽ các đối tượng của họ trong thực tế. Vẽ tranh ngoài trời thậm chí trở thành tập quán chủ yếu của các họa sĩ thuộc trường phái Ấn tượng cuối thế kỷ 19.

“Trái tim vùng núi Andes”. Họa sĩ: Frederic Edwin Church (ảnh: Wikipedia).

Trường phái “Sông Hudson” có lẽ là sự phát triển nổi tiếng nhất của Hoa Kỳ trong nghệ thuật cảnh quan. Họ đã tạo ra các tác phẩm có quy mô khổng lồ, cố gắng nắm bắt tính chất anh hùng ca của các phong cảnh rộng lớn truyền cảm hứng cho họ. Tác phẩm của Thomas Cole, người được coi là sáng lập viên của trường phái này, có nhiều điểm tương đồng với lý tưởng triết học trong tranh phong cảnh châu Âu – một loại niềm tin thế tục về lợi ích tinh thần thu được từ chiêm ngưỡng vẻ đẹp của tự nhiên. Một số nghệ sĩ sau này của Trường phái Hudson River, chẳng hạn như Albert Bierstadt, đã tạo ra những tác phẩm ít thoải mái hơn cho người xem, do ông đã sử dụng thủ pháp cường điệu mang tính lãng mạn, đặt trọng tâm vào sức mạnh thô mộc, thậm chí đáng sợ của thiên nhiên.

“Cơn bão trên núi Rocky”. Họa sĩ: Albert Bierstadt.

Lịch sử phát triển tranh phong cảnh qua các thế kỷ 16, 17 và 18

Vào cuối thế kỷ 15, mặc dù tranh phong cảnh vẫn chưa phải là một thể loại nghệ thuật riêng theo đúng nghĩa của nó và không được coi trọng, nhưng có thể thấy các cảnh nền ngày càng trở nên chi tiết trong các tác phẩm xuất hiện ở Venice, ví dụ “The Agony in the Garden”, khoảng năm 1465; hay “Saint Jerome Reading in a Landscape”, khoảng năm 1480 -1485 của Giovanni Bellini.

“Agony in the Garden”. Họa sĩ: Giovanni Bellini (ảnh: Wikipedia)

Vào giữa thế kỷ 16, các nghệ sĩ ở Bắc Âu, đặc biệt là những người thuộc trường phái Danube, như Joachim Patinir và Albrecht Altdorfer, đã vẽ những bức tranh dù mô tả các nhân vật trong Kinh thánh, nhưng thực sự tôn vinh vẻ đẹp của thiên nhiên. Sau đó, họa sĩ người Flemish, Pieter Bruegel the Elder, trở thành họa sĩ vẽ phong cảnh bậc thầy, chuyên về phong cảnh phong cảnh đầy màu sắc, rất chi tiết, ví dụ “Hunters in the Snow”, 1565; và “The Harvesters”, 1565.

“Hunters in the Snow”. Họa sĩ: Pieter Bruegel the Elder (ảnh: Wikipedia).

Thế kỷ 17 đánh dấu sự khởi đầu trong vẽ phong cảnh cổ điển mang tính lý tưởng, tức là lấy bối cảnh từ vùng Arcadia huyền thoại và bình dị của Hy Lạp cổ đại. Các họa sĩ hàng đầu của tranh phong cảnh cổ điển là các nghệ sĩ người Ý gốc Pháp Nicolas Muffsin và Claude Lorrain. Với những cảnh bình dị và những bố cục cổ điển, hài hòa, Muffsin và Claude đã cố gắng nâng cao danh tiếng của thể loại phong cảnh bằng nhiều cách khác nhau, chẳng hạn gắn liền ý nghĩa ẩn dụ với các yếu tố tự nhiên, hoặc miêu tả những câu chuyện thần thoại hoặc kinh thánh được dựng lên một cách công phu trong bối cảnh tự nhiên, hoặc nhấn mạnh sức mạnh vĩ đại của thiên nhiên đối với nhân loại.

“Ascanius Shooting the Stag of Sylvia” 1682. Họa sĩ: Claude Lorrain (ảnh: Wikipedia).

Một truyền thống vẽ phong cảnh nổi bật khác của thế kỷ 17 đã xuất hiện từ Hà Lan qua tác phẩm của các nghệ sĩ Jacob van Ruonomael, Aelbert Cuyp và Meindert Hobbema. Bầu trời trong tranh của họ thường có nhiều mây và chiếm một nửa bức tranh hoặc thậm chí nhiều hơn, đóng vai trò trung tâm trong việc thiết lập tông màu của một phong cảnh. Các nghệ sĩ Hà Lan thời kỳ đó đã truyền tải các yếu tố sáng tác của họ với ý nghĩa ẩn dụ và sử dụng tác động trực quan của việc đặt các nhân vật bé nhỏ trong một khung cảnh rộng lớn nhằm thể hiện ý tưởng về vị trí và mối quan hệ của của nhân loại với thiên nhiên toàn năng.

“Phong cảnh với người chăn gia súc”. Họa sĩ: Aelbert Cuyp (ảnh:: britannica).

Sang đến thế kỷ 18, trung tâm của vẽ tranh phong cảnh đã chuyển từ Ý và Hà Lan sang Anh và Pháp. Các họa sĩ người Pháp Antoine Watteau, Jean-Honoré Fragonard và François Boucher đã vẽ những cảnh ngoài trời trữ tình và lãng mạn, với chi tiết chính xác và màu sắc tinh tế, tôn vinh vẻ đẹp của thiên nhiên. Những phong cảnh vui vẻ, được họ gọi là “fête galantes”, là những họa tiết trang trí với nhiều đàn ông và phụ nữ ăn mặc đẹp, tận hưởng những trò giải trí và thời gian ngoài trời.

Nghỉ ngơi giữa cuộc đi săn khoảng. 1712-1717). Họa sĩ: Antoine Watteau (ảnh: TopofArt).

Truyền thống tranh phong cảnh mang tên Rococo ở nước Anh thế kỷ 18 được dẫn dắt bởi Richard Wilson. Bức tranh nổi tiếng nhất của ông, “Snowdon từ Llyn Nantlle” (khoảng năm 1765), mô tả một nhóm ba người đang câu cá tại một hồ nước được đóng khung bởi những ngọn núi, thể hiện phong cách vẽ tự nhiên thanh thản của ông. Các họa sĩ phong cảnh người Anh đáng chú ý khác trong thời kỳ này có thể kể tới Thomas Girtin, John Robert Coundred và Thomas Gainsborough.

“Snowdon from Llyn Nantlle”. Họa sĩ: Richard Wilson (ảnh: ArttUK).
“Cây bên bờ sông”. Họa sĩ: Thomas Girtin (ảnh: WahooArt).

Đầu thế kỷ 20, tranh phong cảnh hiện thực bị lấn át bởi các dòng tranh thuộc phái ấn tượng và trừu tượng nên đã chấm dứt thời kỳ hoàng kim của dòng tranh này. 

TH theo Wikipedia và Britannica

Clip hay:

videoinfo__video3.dkn.tv||17125c9fa__