Đôi lời về tác giả bài viết: Tác giả bài viết chuyên đề dưới đây là anh Nguyễn Trọng Bằng, Thạc sĩ – Giảng viên Khoa Kèn Gõ, chuyên ngành biểu diễn sáo Flute, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam (HVANQGVN). Năm 1997, anh đã tốt nghiệp HVANQGVN với tấm bằng xuất sắc. Anh cũng là giám khảo cuộc thi sáo flute trẻ quốc tế tại Nanning, có học sinh đoạt giải nhất quốc tế năm 2013.
Âm thanh của Flute dịu dàng, trong suốt, mềm mại, nhiều chất thơ, khi thì xa xăm, huyền bí, thần tiên, khi lại nhẹ nhàng trong sáng, dễ gợi một cảm giác khoan khoái, khoáng đạt của thiên nhiên.
Không phải ngẫu nhiên mà rất nhiều người mê tiếng sáo. Có lẽ bởi âm vực của sáo rất gần với giọng nữ cao, chính vì vậy, sự bay bổng hòa cùng âm sắc rất được các tác giả ưu ái cho cây sáo thể hiện trong các các tác phẩm của mình.
Âm vực hơn 4 quãng tám là không gian vô cùng rộng mở để các tác giả phiêu lãng thể hiện trăm nghìn cung bậc cảm xúc mà không phải nhạc cụ nào cũng có thể thể hiện được. Đây là ưu thế lớn của sáo. Hơn nữa, với sự phụ trợ của kỹ thuật chế tác nhạc cụ đến mức hoàn hảo, cộng thêm việc tiếp hoàn thiện không ngừng, sáo đem đến sự thể hiện không giới hạn cho cả người sáng tác lẫn người thể hiện.
Trong dàn nhạc nhỏ cũng như lớn, âm thanh của cây sáo Flute là không thể thiếu. Sáo thường có 2 bè nhưng có lúc cũng cần tới 3,4 bè riêng biệt. Dù hòa tấu hay độc tấu, sáo cũng tạo nên một không gian âm nhạc vô cùng độc đáo với âm chất thuần khiết, không pha trộn với bất cứ loại nhạc khí nào. Sáo luôn tạo một cảm giác bao la hơn.
Đối với nhũng người chơi sáo nói riêng cũng như những người chơi nhạc cũng như thưởng thức âm nhạc nói chung, việc hiểu về quá trình hình thành và phát triển của cây sáo Flute là nhân tố rất quan trọng trong việc nắm bắt hoàn thiện kĩ năng kĩ thuật và hiểu ngôn ngữ của cây sáo flute. Tất cả những điều đó giúp nâng cao kiến thức thưởng thức âm nhạc, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Sáo tây hiện tại thường được chế tạo bằng kim loại, tuy nhiên do tổ tiên của nó vốn là sáo gỗ nên vẫn được xếp vào bộ kèn gỗ. Chúng ta cùng điểm lại những chặng đường kỳ diệu của sáo tây, từ thời xa xưa mộc mạc thô sơ đến vô cùng tinh mỹ như ngày nay.
Những cây sáo đầu tiên ra đời như thế nào?
Một cây sáo bằng xương được tiến sĩ Ivan Turk thuộc viện quốc gia Slovenia phát hiện năm 1998, có lẽ là nhạc cụ sáo cổ nhất được làm từ ống xương đùi loài gấu hang động. Cây sáo này có hai lỗ hoàn chỉnh và hai lỗ còn chưa hoàn chỉnh.
Những bức tranh thời kỳ La Mã, ngay từ những năm đầu thế kỷ thứ 10, đã họa những cây sáo thường được chơi về phía bên tay trái thay vì chơi bên phải như ngày nay. Những bức tượng đồng và những bức tranh tường ở thời kỳ này cũng cho thấy dấu vết, bằng chứng tồn tại của cây sáo ngang. Những cây sáo thời kỳ này mang dáng dấp sáo tiêu hơn là những cây sáo Flute chuyên nghiệp ngày nay.
Thời kỳ Trung cổ và Phục Hưng (400-1100 SCN)
Vào giữa năm 1320, cây sáo gỗ một khúc với chiều dài khoảng 60cm đã ra đời, có giọng “Rê”, vào năm 1511 Zwerchpfeiff đã cho ra đời cây sáo với 6 lỗ, và tới năm 1529, kiểu sáo giọng cao, trung thấp và trầm ra đời.
Thời kỳ Ba Rốc đã xuất hiện sáo âm vực rộng 2 quãng 8
Vào năm 1619-1620, bản nhạc Syntagma Musicum của nhạc sĩ Praetorius ra đời đòi hỏi âm vực rộng nên xuất hiện loại sáo 2 quãng 8. Tới năm 1636, Sáo kiểu Đức xuất hiện với giọng Rê và sol. Sáo hình trụ mới được làm bằng gỗ. Tới năm 1670, tại dàn nhạc nổi tiếng của nhạc sĩ Jean Baptiste Lully ở Pháp, đã xuất hiện cây sáo giọng “Rê” với kiểu sáo 3 đoạn 1 phím bấm. Các sự thay đổi tiếp tục xuất hiện: Thân sáo hình nón (bóp nhỏ dần đến giữa, đưa các lỗ bấm gần nhau hơn nữa) và cuối cùng là tạo các lỗ bấm nhỏ hơn.
Tới năm 1720, thân giữa được chia làm đôi, hai phím bấm đã được thêm vào.
Năm 1722, Quantz, nhạc sĩ sáng tác và chơi sáo nổi tiếng đã thêm vào nút bấc điều chỉnh cao độ ở phần đầu sáo và thêm phím bấm “Đô” thăng ở đuôi sáo. Năm 1726, nhạc sĩ Quantz thêm 2 phím bấm và Mi giáng và Rê thăng trong lúc ông đang ở Paris.
Thời kỳ cổ điển dần tiến đến cây sáo tinh mỹ
Năm 1760, những nhà làm sáo ở London là Florio, Gedney và Potter thêm vào cây sáo phím bấm Sol thăng, Si giáng và Fa .
Năm 1782, nhà làm sáo J.H.Ribock thêm phím Đô
Khoảng năm 1790, những cây sáo 4 phím bấm đã xuất hiện trong âm nhạc giao hưởng của Mozart và Haydn.
Năm 1800, “Si” giáng dùng đòn bẩy được thêm vào ngón thứ nhất của bàn tay phải.
Giữa năm 1800, bắt đầu xuất hiện sáo trong các giao hưởng của Beethoven.
Năm 1806-1848, Claude Laurent đã làm ra các cây sáo bằng thủy tinh với 3, 4 và 7 phím bấm.
Năm 1808, Rev Frederic Nolan phát minh ra những chiếc lỗ có thể mở được. (Lỗ được che hoàn toàn, được bọc một lớp đệm êm). Ông còn đưa ra hệ thống phím bấm có thể mở ra được hoặc bằng một đòn bẩy riêng, hoặc là bằng hai đòn bẩy nối với nhau.
Năm 1810, George Miller ở London, sáng tạo ra kiểu thân sáo bằng kim loại.
Năm 1812, Telbaldo Monzani thêm vào lỗ thổi miệng sáo bằng một gò nhỏ.
Năm 1814, James Wood ở London tạo ra 3 lớp chỉnh âm.
Năm 1821, Rudall & Rose bắt đầu chế tác các cây sáo với 8 phím bấm. Loại sáo rất phổ biến ở Anh lúc bấy giờ.
Năm 1822, hãng Nicholsons (cha và con) chỉnh sửa vị trí các phím bấm và làm cây sáo có thân nhỏ hơn.
Năm 1824, nhà làm sáo Pottgiessen phát minh ra kiểu phím bấm hở lỗ và phím bấm hình khuyết.
Kỷ Nguyên Boehm đầy khát vọng
Theobald Boehm (1794-1881) được sinh ra tại Munich. Ông là một nghệ nhân kim hoàn tài năng và giỏi trong lĩnh vực nghệ thuật cơ khí. Ông cũng là một nghệ sĩ chơi sáo đầy khát vọng. Ông chơi nhạc trong cung đình Bavaria với chức danh nghệ sĩ hoàng gia. Xưởng chế tác của ông được đặt tại nhà riêng và ông thường xuyên làm việc với người cộng sự Greve để thiết kế và chế tác những cây sáo. Ngày nay, những cây sáo kiểu Boehm vẫn được chấp nhận và phát kiến tìm tòi của Boehm thực sự là cuộc cách mạng. Hệ thống phím bấm của ông còn được áp dụng cho các nhạc cụ kèn gỗ khác.
Khoảng năm 1810, Boehm chế tác kiểu sáo đầu tiên của ông được hàn với phím bấm, nhíp (để kiểm soát áp lực phím bấm) và các dạ êm.
Giữa năm 1829, lỗ ngón tay vẫn còn quá xa nhau, chính vì vậy mà Boehm bắt đầu phát triển một hệ thống ngón tay hoàn toàn mới. Thậm chí ông còn chế tạo những chiếc máy riêng để tạo lỗ thân sáo, cột đỡ, cột trụ và các nhíp nhún, dẹt bằng vàng. Hệ thống mới này dùng những cái cần, hoặc que kim loại để giữ các phím bấm lại với nhau.
Vào năm 1831, Boehm giới thiệu sáo kiểu mới của ông ở các cuộc biểu diễn ở Paris và London.
Năm 1832, Boehm được truyền cảm hứng sau khi nghe nghệ sĩ bậc thầy về sáo Charles Nicholson, ông đã thay đổi những phím bấm được che hoàn toàn những phím bấm có lỗ, còn gọi là những “lỗ mở”, tạo ra âm thanh sáng hơn và có cao độ chuẩn hơn. Ông cũng trợ giúp những chuyển động ngón tay bằng cách thêm chỗ dựa cho ngón tay cái của tay trái.
Năm 1833, sáo nguyên âm thử nghiệm của Gordon đưa ra những phím bấm hình khuyết
Năm 1834, sáo kiểu Boehm giành được sự sử dụng rộng rãi của các nghệ sĩ sáo chuyên nghiệp ở Pháp và Đức.
Năm 1837, August Buffet, nhà chế tạo nhạc cụ của Paris đã cải tiến sáo của Boehm thay đổi vị trí của lỗ và trục, giá treo, tay đòn và các ống chốt (trục giữa và tay đòn với nhau)
Năm 1838, Hãng Buffet và xưởng chế tác Coche thêm phím láy “Rê” thăng và phím “Sol” thăng Dorus
Năm 1839, Hãng sản xuất Ward đã sản xuất sáo Boehm ở London
Khoảng năm 1840, Rudall & Rose cũng bắt đầu sản xuất sáo Boehm ở London và nhà Clair & Godfroy sản xuất tại Paris.
Từ năm 1846-47, Boehm thử nghiệm với loại sáo thân hình trụ dựa theo kiểu đường cong parabolic curve (17mm, đường kính ở đầu sáo nở dần đến 19mm ở giữa thân sáo). Thêm nữa ông cũng cho mở rộng miệng sáo thành hình tứ giác, tạo nên âm thanh đầy hơn và sáng hơn. Ông cũng biên soạn giản đồ của riêng ông cho các vị trí ngón tay. Phần đệm êm cũng được cải tiến bằng cách bọc ở trong những phím bấm kín với chất liệu nỉ và vành phím bấm những lỗ hở bằng da. Những bộ phận này được giữ với nhau bằng ốc vít, gioăng đệm. vv..
Năm 1846, Boehm thử nghiệm chế tác sáo với kim loại khác. Ông quyết định làm sáo bằng bạc, chất liệu có thể đưa đến chất lượng âm thanh tốt nhất và ít bị mất sức nhất khi chơi.
Năm 1847, Boehm bán bản quyền sản xuất cho Rudall & Rose và Clair Godfroy/Louis Lot ở Paris. Tập sách nổi tiếng của ông “Chơi sáo và phương pháp chơi sáo, những khía cạnh âm nhạc, kỹ thuật, âm thanh” được nhà xuất bản B. Schott’s Sohne ở Mainz ấn hành.
Tới năm 1847, thì sáo Boehm được xuất sang New York.
Năm 1849, nhà soạn nhạc Briccialdi thêm phím “Si” giáng ở ngón tay cái.
Năm 1855, sáo Boehm giành huy chương vàng tại triển lãm Paris với sự hoan nghênh rộng rãi. Nhờ có sự đột phá về cơ học của Boehm mà những người mới chơi có thể đạt được sự tiến bộ về kỹ thuật tuyệt vời.
Năm 1860, sáo Boehm được công nhận là nhạc cụ chính thức của Nhạc viện Paris.
Năm 1877 là dấu mốc lịch sử khi Boehm hoàn thiện “cây sáo bạc hiện đại”. Cây sáo Macauley được làm bằng bạc với lỗ thổi bằng vàng. Cây sáo cũng có nhíp nhún bằng vàng và thêm nốt “Si” ở cuối sáo.
Cuối thế kỷ 19, cây sáo xuất hiện trong các bản nhạc và dàn nhạc của Brahms, Strauss và Tchaikovsky, với những khả năng kỹ thuật mở rộng. Rất nhiều các nhạc sĩ sáng tác những tác phẩm độc tấu văn hoa bóng bẩy cùng những tác phẩm biểu diễn điêu luyện trở thành mốt thời thượng. Cây sáo giờ đây đã có thể chơi được âm nhạc mà những nhạc cụ trước thời Boehm coi là những đòi hỏi kỹ thuật quá khó. Phạm vi rộng mà các nhạc sĩ sáng tác thời kỳ lãng mạn đòi hỏi cây sáo là có thể chơi được 3 quãng 8.
Hậu Boehm – Thế kỷ 20 đã thành gia đình Sáo đầy đủ
Năm 1948, Alexander Murray, một giáo viên dạy sáo và một nghệ sĩ chơi sáo nổi tiếng đã hợp tác với nhà sản xuất Albert Cooper và Elmer Cole để chế tạo cây sáo Murray, dựa trên những thử nghiệm của Cooper, gam và với phím bấm đô thăng (đúng)
1961-1962, Thế hệ sáo Murray tiếp theo xuất hiện với cái tên Mark I.
1967, Murray hợp tác với Jack Moore, nhà sản xuất nổi tiếng với công ty Armstrong.
1972, Murray và Moore đưa ra các sản phẩm sản xuất hàng loạt flute và piccolo.
Những tiến bộ hữu ích khác: Lẫy đôi “Sol” thăng phím “gizmo”, phím trượt “Mi”.
Ngày nay, phần lớn các loại sáo chuyên nghiệp được làm ra dựa trên những đặc điểm kỹ thuật của gam Cooper với sự mở rộng của sáo điệu “Si”. Gia đình sáo hiện nay bao gồm: Flute biểu diễn, Piccolo, Flute alto giọng “Sol”, Flute bass và Flute contrabass.
Mời quý độc giả thưởng thức ba tác phẩm sáo độc tấu cổ điển nổi tiếng:
Tác giả bài viết, giảng viên HVANQG Nguyễn Trọng Bằng biểu diễn Flute Concerto movement 3 của nhạc sĩ Jaques Ibert:
Johann Joachim Quantz: Concerto dành cho 2 sáo giọng Sol trưởng:
Sonata cho sáo giọng Đô trưởng của Handel:
Ngày nay, bên cạnh những cải tiến, cây sáo flute đã đạt đến mức hoàn thiện nhưng dường như vẫn còn chưa đủ. Cùng với sự phát triển của xã hội nói chung, âm nhạc luôn song hành và luôn có nhu cầu mong muốn thể hiện dòng chảy cuộc sống, cây sáo flute cũng là bộ phận không tách rời.
Với xu thế hiện đại hóa ngày nay, dòng nhạc cổ điển luôn phải cạnh tranh khốc liệt với dòng nhạc của giới trẻ như Pop, rock vv. Nhu cầu về thể hiện bản ngã con người luôn hình thành, định hình và đổi mới trong âm nhạc. Chính vì vậy mà ngày nay vẫn tiếp tục phát triển dòng âm nhạc mới mang tên Contemporary (tạm dịch là nhạc đương đại). Tuy nhiên, giá trị của nhạc cổ điển vẫn mãi là giá trị vĩnh hằng không thể thay đổi.
Và để thể hiện dòng nhạc đương đại, những kĩ thuật biểu hiện của sáo flute cũng có những thay đổi nhỏ. Đã xuất hiện nhiều kĩ thuật diễn tấu mới trên cây sáo Flute và có thể nói: Sự thể hiện âm nhạc của cây sáo Flute là không giới hạn.
Nguyễn Trọng Bằng
Thạc sỹ – Giảng viên Flute – Khoa Kèn Gõ – HVANQGVN