Đại Kỷ Nguyên

Những cổ vật quý giá tinh xảo nhất của nhân loại (Phần 7): Chạm khắc ngà voi

Tám loại cổ vật tuyệt vời nhất thuộc về nước Yên (Thời Chu, ngày nay thuộc phía Hà Bắc và phía nam Liêu Ninh, Trung Quốc), bao gồm: Hoa khảm, khảm nạm sơn kim, đồ men Cảnh thái lam, ngọc bội, chạm khắc ngà voi, sơn khắc, thảm hoàng cung, và thêu thủ công. Tám tuyệt kỹ nghệ thuật thủ công này đã hấp thu hết thảy tinh hoa của nghề thủ công dân gian; đến thời Thanh triều đã lên đến đỉnh cao, cũng dần dần hình thành một trường phái nghệ thuật đặc sắc trong cung đình gọi là “Kinh tác”. Hết thảy đều thiện mỹ, chỉ có thể chiêm ngưỡng, không thể nói lên lời.

Đôi nét về ngà voi và chạm khắc ngà voi

Chạm khắc ngà voi được bắt đầu từ thời kỳ đồ đá, sau đó được phát triển trong thời Hán Đường, hưng thịnh vào thời nhà Minh và nhà Thanh, lưu truyền mấy ngàn năm. Chạm khắc ngà voi là một công nghệ sản xuất chủ yếu phục vụ cung đình. Từ đầu nhà Thanh, Bắc Kinh đã có mười mấy nhà xưởng chuyên về công nghệ này.

Chạm khắc ngà voi là quá trình điêu khắc một loạt các tác phẩm trên ngà voi, đây là một môn nghê thuật truyền thống cổ xưa, cũng là công nghệ mỹ thuật dân gian. Nghệ thuật chạm khắc ngà voi, với ngà voi có kết cấu chắc chắn và bề mặn mịn màng sáng bóng, kết hợp cũng nghệ thuật chạm khắc tinh tế đã khiến nhiều nhà sưu tập yêu mến và được cất giữ như một bảo vật trong nhà, trở thành một món đồ cổ độc đáo.

Hiện nay công nghệ sản xuất các tác phẩm chạm khắc ngà voi tập trung chính trong bốn khu vực: Bắc Kinh, Quảng Châu, Thượng Hải và Nam Kinh. Ngà voi là bộ phận cứng chắc nhất của con voi, sau khi đánh bóng sẽ sáng bóng như ngọc bích, có thể chịu lực tốt không dễ gãy vỡ, được trân quý sánh ngang bảo ngọc thạch, vì thế ngà voi được coi như một loại đá quý hữu cơ.

Ngà voi, chính là răng cửa của voi, không giống bất kỳ loại răng nào khác; bề ngoài của nó không có men răng bao bọc, rất kị axit, axit mạnh có thể ăn mòn ngà voi, axit yếu cũng có thể khiến nó dần dần ăn mòn. Vì thế mà những người thợ chế tác thường ngâm ngà voi vào giấm chua trước khi gia công, khiến ngà voi trở nên mềm hơn, thuận tiện cho việc dùng dao hay các dụng cụ điêu khắc mà chạm khắc.

(Ảnh: auction.artron)

Với những tính chất và kết cấu đặc biệt như vậy, từ xa xưa ngà voi đã trở thành một nguyên liệu tự nhiên tốt để làm các sản phẩm thủ công cao cấp. Ngà voi được sử dụng bắt đầu từ đầu ngà, nơi thường có một điểm đen nhỏ, một mạch kéo dài đến tận miệng của voi, đến đó là đến tâm của ngà voi. Nếu đem ngà voi cắt ngang ra sẽ thấy được tâm của ngà voi, được phân làm 3 bộ phận chính: tâm thái dương, tâm giữa và tâm tao, trong đó phần làm nguyên liệu tốt nhất là có tâm thái dương, phần có tâm thứ hai khá yếu, còn phần có tâm tao thì tương đối ít gặp. Ngà voi có cấu trúc đường vân tự nhiên, phát triển từ tâm ra xung quanh, trở nên càng dày hơn theo độ tuổi của voi.

Ý nghĩa truyền thừa

Trước đây có lúc những nghệ sĩ chạm khắc ngà voi Trung Quốc đã tập hợp lại dưới hình thức các hợp tác xã chạm khắc ngà voi. Đến năm 1958, các hợp tác xã lại kết hợp lại với nhau và cùng với một công ty tư nhân, thành một tổ hợp sản xuất gồm 3 đơn vị nhà máy lớn tại Bắc Kinh. Các nhà máy này đã vận dụng khí chất cung đình làm chủ đạo cho sản phẩm, thu về một lượng ngoại tệ khổng lồ. Sản phẩm chạm khắc ngà voi cũng được dùng nhiều trong quan hệ đối ngoại của Trung Quốc với các nước, trở thành một vật phẩm đại biểu cho văn hóa nghệ thuật cổ truyền của Trung Hoa.

(Ảnh: new.ifeng)

Tuy nhiên đến năm 1989, thông qua một hiệp ước quốc tế mà việc xuất nhập khẩu ngà voi trên thị trường quốc tế đã bị cấm vì nguy cơ tuyệt chủng của loài voi hoang dã. Trung Quốc là một nước thành viên của hiệp ước này nên đã tuân theo nghị quyết ngừng xuất khẩu ngà voi vào đầu năm 1990. Đây là một đòn đánh mạnh vào những nhà máy sản xuất sản phẩm từ ngà voi tại Bắc Kinh; không ít kỹ sư đã phải đổi nghề, việc truyền thừa bao đời kỹ thuật này đã gặp phải cảnh không có người kế tục, công nghệ chạm khắc ngà voi có nguy cơ bị thất truyền.

Đối với những người kế thừa công nghệ chạm khắc ngà voi này, làm thế nào để tìm ra các nguyên liệu mới để thay cho ngà voi, mà vẫn đáp ứng được tính chất yêu cầu của sản phẩm, là một bài toán còn rất đau đầu.

Kỹ xảo và phương pháp chạm khắc ngà voi

Trong triều đại nhà Thanh, kỹ thuật chạm khắc ngà voi đã trở nên hoàn chỉnh, với các thủ pháp đa dạng như: khắc tròn, khắc nổi, phù điêu trình độ cao và chạm trổ được sử dụng rộng rãi nhất.

(Ảnh: art.ifeng)

Thông thường người ta sử dụng toàn bộ cục ngà voi làm vật liệu điêu khắc, tạo thành một hình khối lập thể. Tạo hình dạng khối yêu cầu người điêu khắc cần rất thông thạo và có những kỹ thuật phong phú cùng khả năng sáng tạo. Kỹ thuật khắc tròn trong thời nhà Thanh có phong cách khá rườm rà, tương đối chú ý đến những nếp gấp của y phục, cho rằng điều này sẽ làm tăng thêm cảm nhận cho người nhìn. Ví như tác phẩm chạm khắc ngà voi “Bồ Tát Quan Âm” mang một nét thanh tịnh, đoan trang, từ bi thuần khiết. Mặc dù tác phẩm khá nhỏ, nhưng những đường nét điêu khắc cực kì chi tiết, hiện lên rõ ràng, nét khắc mịn màng nhưng cứng cáp, khá khác so với phong cách ở triều Minh.

Dịu dàng như ngọc mà không phải ngọc
Tính chất như sứ mà không phải sứ

Là một nghệ thuật truyền thống cổ xưa, chạm khắc ngà voi có một quy trình sản xuất cực kì phức tạp, trải qua đục, san, khai diện, mài, hun xông màu sắc, năm công đoạn. Môn thủ công nghệ thuật này không chỉ nằm ở việc rèn luyện kỹ thuật mà còn phụ thuộc vào tâm thái của người chạm khắc. Khi làm việc phải có sự nhiệt tình, yêu thích, sau đó mới đến bước chế tạo. Công việc này cần sự kiên trì, tĩnh tâm, không ngừng trau dồi học hỏi, một ngày nào đó mới có thể thành nghề.

Chạm khắc ngà voi là di sản văn hóa phi vật thể của Trung Quốc, với quá nhiều nội hàm văn hóa và nghệ thuật sâu sắc ngưng tụ trong các sản phẩm. Tìm ra được vật liệu thay thế, để kế thừa kỹ thuật chạm khắc ngà voi, nhằm lưu giữ lại nét quyến rũ khó bì của loại hình sản phẩm này, là một chủ đề mới của những nghệ nhân trẻ mới vào nghề.

Giám định tác phẩm chạm khắc ngà voi

Tác phẩm chạm khắc ngà voi, do sự quý giá của nó, rất dễ bị làm giả. Các yếu tố sau đây cần được giám định kỹ khi kiểm tra một sản phẩm chạm khắc ngà voi.

Màu sắc

Ngà voi thật có màu trắng rất tự nhiên, các sản phẩm được chế tác từ xương thường được qua tẩy trắng, vì thế mà ngà voi khi nhìn sẽ thấy sự khác biệt rõ nét. Đó là màu sắc sáng bóng chứ không khô khốc, mất tự nhiên như các chế phẩm xương đã qua tẩy trắng.

Tính chất

Ngà voi thật có tính chất nhẵn nhụi, có đường vân như những gợn sóng nhỏ, không có lỗ thủng.

Trọng lượng

Về sức nặng, nó sẽ tùy thuộc độ lớn nhỏ của như sản phẩm đã hoàn thành. Ngà voi có trọng lượng khá nặng, vì thế nó nặng hơn rất nhiều so với các sản phẩm cùng kích thước làm từ nhựa và xương.

Chế tạo

Tác phẩm ngà voi đều được chế tác rất tinh xảo, các sản phẩm chủ yếu là dạng thân tròn vì ngà voi là thể đặc. Các chế phẩm từ nhựa hay xương khác chủ yếu nhỏ và có hình dạng elip hay chữ nhật, thường để lại vết tích của khuôn ép hay các phần cắt ghép.

Dưới đây là một số tác phẩm chạm khắc ngà voi vô cùng tinh xảo tuyệt mỹ, mời quý độc giả cùng chiêm ngưỡng:

Theo sohu.com
Ảnh trong bài: sohu.com

Uyển Vân biên dịch

Exit mobile version