Đại Kỷ Nguyên

Những họa sĩ lừng danh trong làng tranh nghệ thuật miền Tây hoang dã: Vẻ đẹp của sức sống mãnh liệt

Alfred Bierstadt, "Nhìn xuống Thung lũng Yosemite, California"

Miền Tây hoang dã từng là nhà của các bộ tộc người da đỏ bản địa châu Mỹ (người Anh Điêng), nổi tiếng về tài năng và lòng dũng cảm. Đây cũng là nơi đã sản sinh ra biết bao câu chuyện lịch sử bi tráng trong thời kỳ người da trắng đến chinh phục miền đất mới.

Đề tài miền Tây hoang dã vì vậy đã là nguồn cảm hứng lớn lao cho biết bao tác phẩm nghệ thuật, thuộc các lĩnh vực văn chương, điện ảnh, hội họa, thi ca…

Tính chất anh hùng ca của thiên nhiên và con người nơi miền đất huyền thoại này được thể hiện rất đậm nét trong các tác phẩm hội họa, đi cùng năm tháng.

Chuyên mục Nghệ thuật của Thời báo Đại Kỷ Nguyên xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc một số ngôi sao sáng trong làng hội họa chuyên về đề tài miền Tây hoang dã của nước Mỹ: Họ là ai và tác phẩm nào đã làm nên tên tuổi của họ?

Các nghệ sỹ nổi tiếng vùng biên giới phía Tây Hoa Kỳ

Bài viết này thảo luận về một số họa sĩ tranh miền Tây nổi tiếng nhất trong thế kỷ 19. Những họa sĩ này được vinh danh không chỉ vì những tác phẩm của họ rất đẹp, mà còn vì chúng mang tính tiên phong trong việc ghi lại dấu ấn lịch sử, thần thoại và dân tộc học của miền Tây một thời hoang dã của Hoa Kỳ.

Các họa sĩ của thời kỳ này đến từ muôn nẻo cuộc đời. Một số trong họ sống ở vùng biên giới thuộc miền Tây nước Mỹ và đã vận dụng tài năng nghệ thuật của mình vào các khía cạnh thần thoại của miền đất này. Điều đáng ngạc nhiên là một số họa sĩ khác cũng chọn đề tài này, nhưng lại chưa bao giờ sống ở miền Tây, và một số khác thậm chí còn không phải là người Mỹ.

Phần sau đây sẽ cố gắng để khắc họa một số họa sĩ phương Tây nổi tiếng nhất trong ​​thế kỷ 19 với đề tài miền Tây hoang dã: 

Charles Marion Russell miêu tả một miền Tây nước Mỹ huyền bí trong các bức tranh của ông.
Các bức tranh của Russell được đặc trưng bởi sự vận động và rất sắc sảo. Nội dung thường mô tả các chiến binh trên lưng ngựa.

Charles Marion Russell (1864-1926)

Họa sĩ Charles Marion Russell (1864-1926)

Charles Marion Russell là một họa sĩ miền Tây rất quan trọng và sáng tác rất nhiều. Tác phẩm của ông có thể được tìm thấy trong hơn 50 viện bảo tàng ở Hoa Kỳ, cũng như trên toàn thế giới.

Russell là người giỏi truyền đạt qua nhiều phương tiện biểu đạt. Ông thạo dùng sơn dầu và bột màu, ngoài ra còn ham mê điêu khắc. Nếu ai để ý sẽ có thể thấy nhiều bản sao các tác phẩm điêu khắc bằng đồng đúc của ông ở các địa điểm khác nhau. Hầu hết các bảo tàng nghệ thuật về miền Tây có ít nhất một vài tác phẩm của người họa sĩ rất có ảnh hưởng này.

Các nhân vật ưa thích của Russell bao gồm những chàng cao bồi, những người Mỹ bản địa và những cảnh quan đầy cảm hứng từ các vườn quốc gia ở California, Arizona và Colorado.

Tranh của ông không sặc sỡ, nhưng rất chân thực. Tranh và tác phẩm điêu khắc của ông chủ yếu diễn tả các động tác chuyển động và hành động, trong khung cảnh của một miền Tây Hoa Kỳ huyền thoại.

Trên thực tế, số lượng tranh mà Russell đã vẽ không nhiều bằng số lượng tác phẩm điêu khắc mà ông đã làm, nên những bức tranh đó lại càng có giá trị. Tên tuổi của ông gắn nhiều hơn với nghệ thuật điêu khắc, vì ông sáng tác rất nhiều tác phẩm điêu khắc.

George Catlin (1796-1872)

George Catlin nổi tiếng nhất với các bức chân dung mô tả đặc điểm dân tộc học toàn diện của 48 nhóm bộ tộc người Mỹ bản địa khác biệt.

Ông đã đi lại suốt 8 năm và vẽ được hơn 500 bức chân dung miêu tả người Mỹ bản địa, với đầy đủ y phục; lưu lại cách ăn mặc và kiểu tóc của họ cho hậu thế, trước khi cuộc nội chiến bắt đầu và trước khi người Mormon đến định cư tại Utah.

Tác phẩm của George Catlin miêu tả cuộc sống của các xã hội người Mỹ bản địa.

Vào thời điểm đó, đi lại qua các vùng đất của người Mỹ bản địa là rất nguy hiểm, nhưng Catlin đã đi lại giữa các nhóm bộ tộc với sự an toàn hơn so với hầu hết những người định cư gốc Âu khác. Điều này là do người Mỹ Bản địa đánh giá cao các ghi chép của Catlin về các xã hội bộ tộc của họ.

Catlin đi lại giữa các nhóm bộ tộc, với sự an toàn hơn so với hầu hết những người định cư gốc khác. Điều này là do người Mỹ Bản địa đánh giá cao ghi chép của Catlin về các xã hội bộ tộc của họ.
Bộ sưu tập lớn về chân dung người của các bộ lạc của Catlin đã giúp bảo tồn thông tin về trang phục và kiểu tóc của hàng trăm bộ lạc người Mỹ bản địa.

Giá trị nội dung về lịch sử / dân tộc học của các công trình của Catlin cũng quan trọng không kém so với nghệ thuật miêu tả chân thực sống động của hàng trăm đối tượng mà ông đã vẽ..

Catlin là một hoạ sỹ chuyên dùng màu dầu và màu nước, và ông còn là chuyên gia in ấn. Tác phẩm của ông được bảo tồn tốt và phong phú, một phần nhờ sự tồn tại của những bản in này.

Albert Bierstadt (1830-1902)

Albert Bierstadt là một họa sĩ người Mỹ gốc Đức, nổi tiếng về vẽ các phong cảnh lãng mạn. Ông là một họa sĩ giàu thành tích và cũng rất thành công về mặt tài chính trong suốt cuộc đời mình. Một trong những bức tranh mà ông vẽ theo đặt hàng đã mang lại cho ông 25.000 đô la vào thời điểm cách đây 150 năm. Đó là một khoản tiền khổng lồ cho một họa sĩ của thế kỷ 19.

Alfred Bierstadt, “Thác nước Bridal Veil”

Sự nổi tiếng của Bierstadt không phải là vô cớ. Những cảnh quan đẹp mà ông miêu tả đã tạo ánh sáng bằng cách vận dụng một kỹ thuật được gọi là “tạo độ chói”.

Alfred Bierstadt, Một bộ tộc bản địa

Những bức tranh của ông về những địa điểm đẹp như Yosemite, Yellowstone, các cảnh quan ở California v.v.. thường sử dụng sự tương phản mạnh mẽ của ánh sáng và bóng tối nhờ một kỹ thuật gọi là “chiaroscuro”, là một thuật ngữ của Ý thường được áp dụng trong lịch sử nghệ thuật, để vẽ tranh chân dung.

Bierstadt đã sử dụng hiệu ứng này để tạo ra sự lãng mạn và hùng vĩ trong tranh phong cảnh của mình. Tác phẩm của ông đã thúc đẩy trí tưởng tượng của nhiều người Mỹ định cư ở miền Tây, và những bức tranh của ông đã giúp cho người miền Đông đánh giá cao những vùng đất mà sau này trở thành một phần của hệ thống các Vườn Quốc gia nổi tiếng của Hoa Kỳ.

Bierstadt khi sáng tác đã sử dụng nhiều chất liệu khác nhau, bao gồm màu dầu, phấn màu, màu nước, bột màu, than củi, và cả mực in. Với số lượng tranh phong phú, được nhiều người yêu thích, và đẳng cấp của ông – không chỉ trong thời đại của ông mà còn tới tận ngày nay – đã giải thích cho việc các tác phẩm của ông hiện nay đang được trưng bày trong hơn 100 viện bảo tàng trên khắp nước Mỹ.

Thomas Moran (1837-1926)

Thomas Moran, “Grand Canyon”, 1904
Thomas Moran, “Các vách đá trên thượng nguồn sông Colorado”

Thomas Moran là một hoạ sĩ chuyên về tranh phong cảnh người Anh. Cũng như Albert Bierdstadt, các phong cảnh miền Tây đã được làm thành bất tử trong tranh của ông. Moran đã di cư sang Mỹ cùng với gia đình trong thời kỳ cao điểm của cuộc Cách mạng Công nghiệp.

Phong cách họa điển hình của Moran, với các khoảng tối rất mạnh, trở nên đặc biệt hiệu quả trong việc bắt trọn được sự hùng vĩ và sắc nét tuyệt vời của vùng Grand Canyon và Vườn Quốc gia Yosemite.. Những vùng núi này đã tạo thành xương sống trong các bức tranh cảnh quan của ông.

Thomas Moran, “Ngày mưa ở Grand Canyon”

Phong cảnh mà ông mô tả thường là những ngọn núi dốc đứng, sắc cạnh, các khối đá và các kỳ quan thiên nhiên – thường kết hợp với những đám mây đen.

Thomas Moran, “Các vách đá trên thượng nguồn sông Colorado”

Những bức tranh của ông tạo cảm giác kịch tính cao. Khi so sánh các bức tranh của Moran với các bức tranh của Bierstadt, ta có thể thấy sự khác nhau rõ rệt về phong cách vẽ, trong khi các chủ đề được tả là tương tự.

Thomas Moran, “Grand Canyon”, 1904

Moran đã đạt được danh hiệu ‘Họa sĩ vĩnh viễn của Grand Canyon’, phần lớn nhờ các quảng cáo của công ty đường sắt Burlington và Northern Railroad trong thời gian sau này.

Moran đã sử dụng nhiều chất liệu khác nhau để sáng tác nghệ thuật, bao gồm bột màu, màu nước, màu dầu, bản in, bản khắc, in thạch bản, và màu nước.

Tác phẩm của Moran hiện được trưng bày trong hơn 100 viện bảo tàng ở Hoa Kỳ.

Frederick Remington (1861-1909)

So với một số họa sĩ anh tài khác về đề tài miền Tây, Frederick Remington sinh ra tương đối muộn hơn, nhưng ông luôn mong muốn trở thành một họa sĩ. Theo những người viết tiểu sử về ông, Remington đã chuyển tới miền Tây để chỉ để chứng tỏ mình là một nghệ sĩ trước mắt người cha vợ tương lai.

Ông đã mua hẳn một quán rượu ở Kansas để theo đuổi kinh doanh nhưng lại bị lừa. Cuối cùng số phận cũng đã mỉm cười với ông khi ông đã tạo lập nên một sự nghiệp lẫy lừng với tư cách là một họa sĩ, nhà báo, nhà vẽ tranh minh hoạ, và thậm chí là một phóng viên chiến trường ở nơi miền Tây hoang dã này.

Remington vừa là một họa sĩ vừa là một nhà điêu khắc. Chủ đề của ông thường bao gồm các sĩ quan kỵ binh, người Mỹ bản địa và ngựa. Tác phẩm điêu khắc bằng đồng đúc của ông được tái sản xuất hàng loạt và bán nhiều như các bản in ấn. Tất cả tác phẩm bằng đồng của ông đều được thực hiện trong 10 năm cuối đời, trước khi ông mất ở tuổi 48 do bạo bệnh.

Remington là một họa sĩ say mê đề tài miền Tây hoang dã, nên ông đã dành rất nhiều thời gian của cuộc đời để đi chu du ngang dọc miền đất này và thu thập các tư liệu để sáng tác.

Tuy được coi là một ông vua của nghệ thuật miền Tây, nhưng ông vẫn mang cốt cách của một người miền Đông thứ thiệt, đóng vai một người chuyên quan sát miền Tây chứ không hòa nhập vào đó. Trên thực tế ông vẫn thích làm hầu hết các công việc của mình ở thành phố New York quê hương ông.

Các tác phẩm nghệ thuật của Frederick Remington đang được trưng bày trong hơn 80 viện bảo tàng trên khắp Hoa Kỳ.

Trong 135 năm lịch sử nghệ thuật miền viễn Tây Hoa Kỳ, các nghệ sĩ Frederic Remington và Charles M. Russell đã được coi là những người tạo nền tảng và mẫu hình cho các nghệ sĩ các thế hệ tiếp sau, cho dù giữa hai ông có phong cách sáng tác khác biệt.

Điều thú vị là cả Remington lẫn Russell đều là người miền Đông. Điều khác biệt là Russell đã rời New Jersey từ khi ông 16 tuổi và không quay lại miền Đông, trong khi Remington vẫn duy trì đi lại giữa hai miền trong cả cuộc đời.

Sự nghiệp rực rỡ của hai ông đã được ươm trồng trong bối cảnh miền viễn Tây đang có những thay đổi lớn lao, sau các cuộc chiến tranh với người da đỏ, làn sóng di cư của người da trắng, và từ kỉ nguyên mới huy hoàng của ngành xuất bản sách báo và tạp chí.

Các nhà sản xuất phim của ngành điện ảnh mới manh nha cũng tìm được những cảm hứng tuyệt vời từ các tác phẩm có hồn với độ chân thực cao của hai nghệ sĩ này.

Frederic Remington, “Người chiến binh.” Remington đã có một sự nghiệp rực rỡ khi vẽ tranh minh hoạ các câu chuyện về mền Tây hoang dã cho các tạp chí.
Frederic Remington, “Kẻ du côn”. Bức tranh này cho thấy sự nổi bật của Remington đối với các chủ đề kịch tính. Tranh của ông thường là kể về một câu chuyện nào đó.

Dưới đây là một số tác phẩm khác của các họa sĩ nói trên, hy vọng sẽ mang lại cho các độc giả một chút cảm hứng, để gợi nhớ về một miền viễn Tây nước Mỹ chân thực, hùng tráng, hoang sơ, mãnh liệt và xa xôi mà vĩnh viễn đã lùi về quá khứ.

Albert Bierstadt, Bức “Cảnh quan với người Anh Điêng’ 1859. Bản quyền: Trung tâm quốc gia Autry, Los Angeles, CA, 88.108.13
Charles Russell Bức “Trái tim cô ở trên mặt đất”, màu dầu Bản quyền: Gilcrease, Tulsa, OK, 0137.907
Charles Russell Bức “Ở trong lãnh địa của quân địch”, 1921, màu dầu Bản quyền: Denver Art Museum, Denver, CO, 1991.751
Charles Russell Bức “Đàn gia súc đang trở về”, 1894-95, màu nước. Bản quyền: Trung tâm quốc gia Autry, Los Angeles, CA, 88. 108.35
Charles Russell Bức: “Sự cố tại Square Butte”, 1897, màu dầu. Bản quyền: Bảo tàng Nghệ thuật Stark, Orange, Texas, 31.11.9
Frederic Remington Bức “Thợ săn Trâu đang nạp đạn vào súng” 1892, màu nước. Bản quyền: Bảo tàng Nghệ thuật Frederick Remington, Ogdensburg, NY
Frederic Remington Bức “Chút nước chát còn lại, 1905, màu dầu Bản quyền: Trung tâm quốc gia Autry, Los Angeles, CA, 88.108.21
Frederic Remington Bức “Chàng cao bồi”, 1890, sơn dầu Bản quyền: Bảo tàng của Desert Caballeros Western, Wickenburg, AZ
George Catlin Bức “Săn bò tót”, 1863 Bản quyền: Trung tâm quốc gia Autry, Los Angeles, CA, 88.108.7

Nguồn ảnh trong bài: owlcation.com và truewestmagazine.com

Hạo Nhiên

Exit mobile version