Đại Kỷ Nguyên

Sự du nhập của gốm sứ Trung Quốc vào nước Pháp và châu Âu từ thế kỷ 17

Vào đầu thế kỷ 17, đồ sứ Trung Quốc tiến vào châu Âu, được ưa chuộng và được học làm theo, khởi nguồn của “chủ nghĩa tân cổ điển” trong thế kỷ 18. Sự du nhập của gốm sứ Trung Quốc vào nước Pháp đã mang lại kỷ nguyên phát triển mới cho gốm sứ châu Âu.

Các đồ gốm sứ duyên dáng xinh đẹp của Pháp thường được in họa tiết hình bà mẹ và hài đồng Trung Quốc, trong trang phục cổ xưa, bên cạnh những vị thần Hy Lạp, các hình ảnh sinh hoạt gia đình bình thường cũng đã được thêm vào, bên cạnh các mẫu gốm sứ có sẵn.

Vào thế kỷ 17, đồ sứ Trung Quốc đã bắt đầu tiến vào châu Âu; ban đầu được giới thượng lưu sử dụng để trang trí nhà cửa. Sau đó, thị trường xuất khẩu sứ châu Âu tại Trung Quốc được hình thành với rất nhiều chủng loại; ngoài bộ trà, bộ đồ ăn còn có ấm trà, hộp đựng hương liệu, chậu, nồi, đồ trang trí lò sưởi, v.v..

Giá cắm nến của Pháp cùng thời đại Khang Hy, Trung Quốc. (Ảnh: Juliet Zhu/epochtimes)

Sự phổ biến của đồ sứ Trung Quốc thế kỷ 17 ở Pháp

Năm 1698, Pháp thành lập “công ty China”, cho ra đời con tàu buôn đầu tiên của Pháp là “Amphrityite” đi thẳng đến Trung Quốc. Nó đã đậu ở Macau vào ngày 24/10 và đến Quảng Châu vào ngày 31/10 cùng năm; việc mua đồ sứ Trung Quốc về cho nước Pháp được bắt đầu từ đây.

Ngoài việc mua đồ có sẵn từ các thương gia, người Pháp cũng gửi đơn đặt hàng đến Cảnh Đức Trấn, nơi có những thợ gốm sứ và họa sĩ chuyên làm đồ sứ xuất khẩu. Họ cũng đã quen thuộc với việc xử lý các đơn đặt hàng như vậy, có thể bắt chước chính xác các yêu cầu dựa theo tranh hoặc đồ vật do khách cung cấp và hoàn thành chế tác đồ sứ trong thời gian rất nhanh.

Con tàu nói trên trở về nước Pháp năm 1700, quay lại Trung Quốc năm 1701 và một lần nữa trở về Pháp vào năm 1703. Tổng cộng là hai lần vận chuyển từ Trung Quốc với số lượng lớn các mặt hàng lụa, sứ và sơn mài. Sau đó là một thời kỳ nước Pháp thịnh hành mặc đồ lụa, trưng bày đồ sứ và sơn mài. Đồ sứ lúc đó chủ yếu là sứ trắng xanh, sứ Imari (giả sứ Imari Nhật Bản) và sứ tráng men. Năm 1705, công ty được đổi tên thành “Công ty China Hoàng gia”, điều này cho thấy Louis XIV rất coi trọng đồ sứ Trung Quốc.

Gốm sứ thời kỳ Khang Hy, nguyên nhân dẫn đến sự thịnh vượng của gốm sứ Pháp (Ảnh: Juliet Zhu/epochtimes)

Thời vua Louis XIV – thử nghiệm chế tạo gốm sứ

Vì các thương nhân Pháp phải dùng vàng và bạc để thanh toán cho việc nhập khẩu sứ từ phương Đông, nên kho dự trữ vàng bạc của Pháp nhanh chóng cạn kiệt; nếu có thể sản xuất sứ tại địa phương thì có thể giải quyết vấn đề này một cách cơ bản. Tình yêu với đồ sứ và lợi nhuận cao từ việc bán đồ sứ cũng khiến Pháp cố gắng bắt chước đồ làm sứ Trung Quốc từ rất sớm.

Theo Bảo tàng Getty, trong thế kỷ thứ 17 và 18, thời kỳ trị vì của hai vị vua Louis XIV và Louis XV, các nước Đức và Ý luôn noi theo nghệ thuật của nước Pháp, đặc biệt lấy cảm hứng từ nghệ thuật Paris. Hình thức nhẹ nhàng, màu sắc tươi sáng, bố cục mượt mà, phong cách tân cổ điển đã ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực, bao gồm sứ, đồ nội thất, dệt may và các nghề thủ công khác, cũng như hội họa, điêu khắc, kiến trúc, văn học, kịch và âm nhạc.

Kể từ thời vua Louis XIV, Pháp đã trở thành trung tâm thử nghiệm chế tạo đồ sứ. Nhà máy Sevres Pháp từ lâu đã sản xuất sứ mềm và có vị thế cao như nhà máy gốm sứ Meissen của Đức. Bắt đầu từ việc bắt chước gốm sứ của Trung Quốc, sau đó đã có những đổi mới.

Khoảng năm 1738, vua Louis XV trở thành người ủng hộ lớn nhất cho đồ sứ của Vincennes – một nhà máy gốm hoàng gia. Trang sức và hình ảnh trên mỗi đồ sứ phải chịu được nhiệt độ nung lớn, đòi hỏi nhiều nghệ sĩ và thợ thủ công phải làm việc cùng nhau. Hai trong số các nghệ sĩ nổi tiếng là Jean-Claude Duplessis (1695-1774), người chuyên thiết kế hình ảnh và giám sát việc chế tác, cùng với đó là nhà thiết kế và sản xuất Jean-Jacques Bachelier (1724-1806).

Nhà máy sản xuất đồ gốm hoàng gia Vincennes và lò nung Sevres thường đánh dấu sản phẩm bằng các dấu hiệu; A là kí hiệu cho năm 1753 và B là kí hiệu cho năm 1754; đây là một dấu hiệu phổ biến. Sau năm 1777, xuất hiện mẫu đôi ký tự, chẳng hạn như AA là kí hiệu cho năm 1778 và PP là kí hiệu cho năm 1793. Các nghệ nhân gốm đôi khi cũng khắc tên họ ẩn trong men sứ.

Kho báu đồ sứ từ Nhà máy sản xuất gốm sứ Hoàng gia Vincennes (Ảnh: Juliet Zhu/epochtimes)
Đồ sứ từ nhà máy gốm sứ Meissen, Đức (Ảnh: Juliet Zhu/epoctimes)
Chân dung vua Pháp Louis XV – nhà tài trợ lớn nhất của nhà máy gốm sứ hoàng gia Pháp Vincennes sau năm 1738. (Ảnh: Juliet Zhu/epochtimes)

Gốm sứ Đức và Áo 

Nhà máy gốm sứ Vienna của Áo cũng sản xuất đồ trang trí bằng sứ men đen và sứ cứng mạ vàng, trở thành nhà máy gốm sứ thứ hai ở châu Âu sản xuất sứ cứng. Từ năm 1718 đến 1744, đây là đối thủ cạnh tranh duy nhất của nhà máy Meissen của Đức.

Sứ cứng mạ vàng được sản xuất bởi Nhà máy gốm sứ ở Áo. (Ảnh: Juliet Zhu/epochtimes)

Từ bộ sưu tập gốm sứ Pháp và châu Âu được trưng bày tại Bảo tàng Getty, chúng ta có thể thấy trí tưởng tượng phong phú và sự sáng tạo nghệ thuật tuyệt vời của các nghệ nhân Pháp và châu Âu về màu sắc cũng như hình thức sản phẩm. Sứ Trung Quốc được đưa vào Pháp đã mang đến sự phát triển vượt bậc của nghệ thuật chế tạo gốm sứ tại nơi đây.

Theo epochtimes.com

Uyển Vân biên dịch

Exit mobile version