Đại Kỷ Nguyên

Những thông điệp sâu sắc Nguyễn Du gửi gắm qua Truyện Kiều (P.2): Điều gì giúp thế nhân thoát khỏi vô minh?

Người xưa coi văn chương là một hành vi sáng tạo rất thiêng liêng. Văn là để chuyên chở Đạo Đức. Nó như kim chỉ nam chỉ đạo những con chữ sinh thành dưới ngọn bút lông. Vì thế, văn chương là cái Chí, là quan niệm nghiêm túc về cuộc sống. Tài năng nhà thơ nhà văn có khả năng định hướng cho cả một cộng đồng đi vào cái Đẹp của Đạo đức cao cả. Chúng ta hãy chiêm nghiệm điều đó qua Truyện Kiều của Nguyễn Du. 

Tiếp theo phần 1: Những thông điệp sâu sắc Nguyễn Du gửi gắm qua Truyện Kiều (P.1): Tu là cõi phúc, tình là dây oan

Đôi mắt dự cảm tương lai không tốt đẹp của nàng Kiều

Có một mối quan hệ rất tự nhiên giữa triết lý Tam Giáo (mà nổi bật là Phật Giáo) với thế giới hình tượng của Truyện Kiều.

“Truyện Kiều” thường dùng rất nhiều điển tích, điển cố. Chẳng hạn câu: “Một hai nghiêng nước, nghiêng thành” được đặt trong ba câu thơ đặc tả đôi mắt Thúy Kiều:

“Làn thu thủy, nét xuân sơn

Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh

Một hai nghiêng nước, nghiêng thành”

Câu thơ cần đọc: “Một/hai//nghiêng nước//nghiêng thành”.

Nhan sắc nàng Kiều (ảnh minh họa)

Cái nhìn thứ nhất “làn thu thủy, nét xuân sơn” ấy làm cho “nghiêng thành“. Cái nhìn thứ hai của đôi mắt ấy làm cho “nghiêng nước“.

Đôi mắt của Kiều chứa đựng tai họa cho những ai bị nó nhìn, bị nó thôi miên. Đôi mắt gây nên cái “ghen”, cái “hờn”, ẩn chứa con đường đời thiếu sự bình an, nhiều nguy hiểm, thiếu thanh thản, thiếu sự vô tư, đầy chữ Tình…Cảm tưởng như không chỉ sóng gió sẽ đến với Kiều, mà còn khiến nhiều người cũng gặp chốn đoạn trường cùng Kiều..

Bốn tiếng “thu thủy, xuân sơn” cũng là ngôn ngữ ước lệ. Sự thiên tài của Tố Như chính là hai từ Thuần Việt “làn” và “nét”. Cái trừu tượng, vô hồn đã trở nên sống động kỳ lạ. Đôi mắt, cửa sổ tâm hồn của Kiều nhi sắc sảo lạ thường và ẩn chứa nhiều tai ương sóng gió hơn là phẳng lặng bình an!

Chữ Tình – nội hàm rất thâm sâu của tác phẩm, gắn với đời Kiều như là định mệnh

Ở bài “Chị em Thúy Kiều” nhà thơ muốn giới thiệu về nhân vật chính. Mô tả hình thức, Nguyễn Du đặc tả đôi mắt. Ngỡ rằng nó trong trẻo phẳng lặng. Nhưng thực ra dưới đôi mắt ấy là một đời sống tinh thần không đơn giản, sẽ có lúc nổi sóng ba đào. Nguyễn Du dành nhiều câu chữ hơn cho việc miêu tả phần Tài (mà thực ra là biểu lộ của cái Tình bên trong).

Ngay từ ấu thơ Kiều đã tự mình sáng tác bản nhạc, nghe cái tên đã chẳng lành cho một đời phụ nữ. Bản nhạc “Bạc Mệnh” ấy khi chính Kiều biểu diễn, càng nghe, càng “não nhân”. Đây chính là bản nhạc khiến cho chàng Kim phải bơi trong bể ái khi đầy khi vơi; khiến chàng bị chữ Tình khuấy động không yên:

         “Khi tựa gối, khi cúi đầu.
Khi vò chín khúc, khi chau đôi mày”.

Khiến chàng đọc được tính cách đẫm chữ Tình trong cái Tài của Kiều:

      “Rằng hay thì thật là hay.
Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào”.

Bản nhạc ấy cũng làm cho: “Sóng TÌNH dường đã xiêu xiêu/ Xem trong âu yếm có chiều lả lơi”

Chữ Tình đã gắn với đời Kiều như là định mệnh. Kiều tự nhận mình là “giống HỮU TÌNH” chứ không phải “người hữu tình”. Mà đã là “hữu tình” nghĩa là “hữu lậu”, là mang nhiều chấp truớc, là vướng mắc trăm bề trong chốn nhiều ma quỷ của xã hội suy vi: “Cho hay là giống hữu tình/ Đố ai gỡ mối tơ mành cho xong”. Cho nên người đồng hội đồng thuyền là Đạm Tiên: “Hữu tình ta lại gặp ta”.

Phật Gia giảng “Không”, Đạo Gia giảng “Vô”, Nho gia giảng” Lễ”. Cả tam gia đều giảng “Vô Vi”. Với người xưa, muốn “vô vi” thì phải nhạt cái chữ Tình tự tư mà tăng trưởng chữ “Từ Bi” vị tha. Chữ Tình thực sự đã làm cho Kiều đi vào cuộc trăm năm bể dâu đoạn trường thăm thẳm..

Dạy thế nhân biết “thề nguyền” 

Truớc hết chúng ta cần thấy rằng đây là một giá trị văn hóa xưa để duy trì chế ước sự phóng túng của cá nhân bản năng. Lời Thề với thần linh, với ông bà tổ tiên; lời thề trong quan hệ tình yêu lứa đôi là thứ văn bản bất thành văn. Nó là một thứ tín ngôn rất thiêng liêng. Giá trị văn hóa này cho mãi đến đầu thế kỷ 20 vẫn còn giá trị. Bài “Thề non nước” của Tản Đà chiếm được cảm tình độc giả đương thời có lẽ là vì thế.

Cuốn” Phong tục cổ truyền Việt Nam và các nước “(Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc, H. 2003), ở mục” Phong tục cổ truyền Việt Nam”khi đề cập tới hôn nhân, người Việt thường phải:xem tuổi đính hôn, thề nguyền, giạm hỏi, ăn hỏi, trao thư thách cưới, làm lễ tơ hồng, rước dâu, lại mặt. Như vậy “thề nguyền” là khởi đầu của  quá trình tình yêu gắn bó keo sơn trong cuộc sống lứa đôi.

Trong xã hội xưa, mối quan hệ giữa người và người chủ yếu được xây dựng trên cơ sở tự giác, “bất thành văn” về đạo đức thì lời thề có ý nghĩa lớn.

Nó có sự chứng giám của trời đất quỷ thần hai vai nên nghi thức rất trang trọng và có ý nghĩa. Như vậy, lời thề vừa ràng buộc về mặt đạo đức xã hội vừa thiêng liêng đối với đời sống tâm linh. Trong Truyện Kiều, ngoài lời thề của những người tri kỷ tri âm rất khả tín thì lũ người bạc ác tinh ma cũng dựa vào tập quán đạo đức này của xã hội để lừa người sa hầm sẩy hố. Những kẻ hại đời Kiều đã trả giá cho những lời thề độc của chúng: “Thề sao thì lại cứ sao gia hình”.

Phần đầu của “quãng vắng canh trường” nói về cuộc gặp gỡ. Phần sau là lời thề nguyền. Hành động “Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình” của Kiều trong “quãng vắng canh trường” để đến gặp Kim Trọng được các nhà Tây học một thời và chúng ta hôm nay ngợi ca hết lời. Lưu Trọng Lư cho rằng con người cần có tình yêu. Kiều như cánh buồm gặp gió. Cánh buồm ấy ắt phải no gió. Hoài Thanh cho rằng: gót sen thoăn thoắt của nàng Kiều tìm đến với luyến ái yêu thương tự do cho đến nay vẫn làm bao nhiêu thiếu nữ ngơ ngác.

“Nàng rằng: “Khoảng vắng đêm trường,

Vì hoa nên phải trổ đường tìm hoa.

Bây giờ rõ mặt đôi ta,

Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao”

Câu chuyện “nữ đáo nam phòng” của Kiều được chúng ta ngày nay thấy bình thường, thậm chí thấy thú vị. Thế nhưng, trong cái nhìn của Đạo Đức thời đại ấy thì đây lại là hành động tạo Nghiệp do chữ Tình sai khiến. Dù không có “điều tà dâm” ở đây nhưng Kiều đã “mắc điều tình ái” mất rồi.

Khen chê bình luận của chúng ta là một điều. Còn cái nhìn của thời đại, cái quan niệm của Nguyễn Du ẩn náu trong đó lại là điều khác! Hồi hộp âu lo với một tương lai cuộc tình là giấc chiêm bao nhưng Kiều vẫn cứ xăm xăm trong đêm trường quãng vắng … Ở một góc độ nào đó, nàng đã bị cái chữ Tình dẫn động! Câu: “Vì hoa nên phải đánh đường tìm hoa” trong cách hiểu của tôi, chữ “hoa” ở đây chưa là trái. Và có lẽ nàng Kiều của Nguyễn Du cũng như nàng Ơ-giê-ni của Ban-zăc là “bông hoa không bao giờ kết trái”. Hoa với trăng thành từ ghép “trăng hoa” không thể nói là nghiêm túc trong tình ái chân chính! Hai dòng:

“Tiếng sen sẽ động giấc hòe,

Bóng trăng đã xế hoa lê lại gần.”

Có thể liên tưởng tới: “Sen vàng lãng đãng như gần như xa” trong một  giấc mơ của Kiều gặp Đạm Tiên ngay sau hôm chị em đi chơi xuân, buổi chiều gặp nấm mộ người mệnh bạc.

Kim Trọng đang thiu thiu, chập chờn giấc mộng “đỉnh Giáp non Thần” thì Kiều bước vào như một nàng tiên. Nó cũng như Kiều vừa chợp mắt thì gặp Đạm Tiên. Ở đây, có dấu vết của tiên cảm, của dự cảm chẳng lành. Giống “hữu tình” đầy ắp chữ Tình sẽ xảy ra bao cơ sự “đau đớn lòng”.

Và rồi…Trăng xế đẩy bông hoa Lê (người ngọc thung thăng Thúy Kiều) lại gần chàng. Thực mà rất mộng đã trộn lẫn một giấc mộng tình vừa mới gặp nhau trước đó. Hai giấc mộng đồng pha. Chữ Tình lãng đãng mà say đắm: “Bâng khuâng đỉnh Giáp non thần/ Còn ngờ giấc mộng đêm xuân mơ màng.”

Gặp gỡ đầy mộng mơ. Chữ Tình đầy quyến rũ. Phần thề nguyền rất trân trọng. Không gian trong nhà cần phải nức hương, ngọn nến trong nhà không thể “trướng huỳnh hắt hiu”. Cho nên, Kim Trọng: “Vội vàng làm lễ rước vào/Đài sen nối sáp, lò đào thêm hương”

Cuộc thề nguyền có giấy ghi lời thề, có cắt tóc thề: “Tiên thề cùng thảo một chương/ Tóc mây một món, dao vàng chia đôi.”. Chứng kiến lễ nghi này có trăng, mà là vầng trăng sáng soi làm chứng: “Vừng trăng vằng vặc giữa trời/ Đinh ninh hai miệng một lời song song”

Tôi có cảm giác đây là một đêm rằm “nhân tạo” bởi nó được nhìn qua lăng kính chữ Tình vốn rất chủ quan và mong manh. Khi Kiều qua nhà Kim, đi trong bóng cây lá cành trăng chiếu thì: “Nhặt thưa gương giọi đầu cành”. Khi vào nhà Kim thì trăng xế, trăng lu. Và kỳ lạ thay, khi thề nguyền trăng như sáng lên lộng lẫy.

Lý Bạch có viết: “Độc ẩm cùng trăng sáng/ Mình với bóng là ba”

Buổi “Thề nguyền” có Kiều, Kim; có hai miệng, hai lời, hai mặt và có một mặt trăng nữa thành ba. Sao nó cô đơn đến tội nghiệp. Sao nó lẻ loi khiến trăng mất cả vòm sao! “Thề nguyền” vẫn là một bản nhạc mà âm giai của nó có nỗi buồn không cưỡng được, có cái “vui gượng kẻo mà” thật khó nói. Chữ Tình tội nghiệp chứ đâu phải chữ Duyên thiên định ràng rịt hai cuộc đời?

Tiêu chuẩn của tình yêu tuổi trẻ hôm nay nếu có được những lời thề nguyền bất thành văn như Kim Kiều đã là quá tuyệt vời. Vâng, lấy cái suy thoái của đạo đức hôn nhân nhiều hỗn loạn hôm nay để nhìn cuộc thề nguyền của Kim Kiều ai dám nói là không trong sáng không đường đường chính chính?

Tuy nhiên trong ước thúc của xã hội xưa, cuộc thề nguyền ấy vẫn là chưa hợp chuẩn, chưa hợp thiên ý. Chữ Tình khởi động, tài mệnh tương đố, “cõi người ta” lại tiếp một cơn mộng, một cõi Mê…

Để khép lại việc bàn về chữ Tình trong Truyện Kiều, như thông lệ của các Cụ xưa, tôi cũng tri âm đại thi hào Nguyễn Du với một áng thơ…

Chữ Tình ở cõi thế gian

Chữ Tình ơi ơi, ta giã biệt ngươi

Cái tình ấy làm đảo điên tất cả

Bao lời nói đầu môi bấy nhiêu lời dối trá

Thiện Nhẫn đâu không nhìn thấy mặt người

Yêu Thương, giận hờn rồi sẽ ghét ghen

Tâm đố kỵ ghen tuông

Khiến mình lỡ bước

Sa hầm sẩy hố

Ma quỷ gọi mời

Ta mê mù không phân biệt được khóc cười

Chữ TỪ BI và chữ Tình lở dở

Ta giành quyền cho nhớ

Ta giành quyền cho yêu

Tưởng hy sinh mà thực ra đòi nợ

Kiến bò tủy xương trong mỗi sớm, mỗi chiều

Chữ Tình bao la vây bủa con người

Vào tâm xoáy là ghen tuông tật đố

Xoay năng lượng cuộc đời cứ theo đó mà tiêu

Tưởng yêu thương

Hóa tột cùng ích kỷ

Đâu phải một người

Mà cuộc thế đảo điên

Ta vẫn niệm đêm ngày

Kiếp xưa thiếu đường tu

Kiếp này giữa đời thường,

Tâm phải thẳng ngay

Nhà Ghen Hoạn Thư xưa nay

Ta thấy Phật A Di Đà xua tay ngoảnh mặt

Đóng cửa Cực Lạc Thiên Đường những kẻ cố nài xin

Vâng, Chữ Tình đã khiến con,

tất cả mọi Tâm trở thành yếu nhược.

Chân Thiện Nhẫn ơi !

Con chẳng dám gọi tên.

Mọi quan ải bắt đầu phải vượt ấy chữ Tình

Thiện niệm Từ Bi

Cho ta thoát vô minh.

Ta mất hết những người thân yêu nhất

Những người thân trong vi lạp hôm nay

Họ là thế giới của ta

Trân quý còn hơn thân xác Mê này…

Chồng vợ cõi người

Phải chăng chỉ là Nghiệp trả vay…

Hân Văn – Hà Phương

Exit mobile version