Trong một thời gian dài, bậc thầy hội họa người Pháp thế kỷ 17 Nicolas Poussin luôn được coi là một “họa sĩ triết học”. Những bức tranh của ông luôn chứa đựng những tư tưởng sâu sắc và thu hút những khán giả ngưỡng mộ trí tuệ thâm sâu.

Poussin cũng là một người tự nghiêm khắc với bản thân, với sức mạnh tinh thần mạnh mẽ đến từ đạo đức vững chắc của ông kết hợp với trí tưởng tượng tự do làm nâng tầm cho nghệ thuật của mình.

Trong suốt bốn thế kỷ qua, các nhà sử học nghệ thuật đều đồng ý rằng họa sĩ người Pháp này có một đời sống tâm linh mạnh mẽ, nhưng làm thế nào để hình dung các đặc tính tâm hồn của ông qua các tác phẩm thì thật sự đã có nhiều cách nhận xét khác nhau.

Họa sĩ cổ điển có tính cách đơn giản và trang trọng này cũng là một thi nhân Cơ đốc vĩ đại, một độc giả sùng đạo của Thánh Augustinô, lại là một nhà tư tưởng tự do có thể thoát khỏi giáo điều. Đối với những khán giả thông thường, Poussin là rất khó hiểu. Triển lãm “Poussin và Thần” vừa kết thúc tại Paris đã mở ra bức màn về nghệ thuật của Poussin cho khán giả, diễn giải sâu sắc các tác phẩm, đặc biệt là cho công chúng biết diện mạo động lòng người nhất của nghệ thuật Poussin, đó là sự linh thiêng của “Thần thánh” trong hội họa.

Triển lãm tập hợp các bức tranh và bức phác họa được chia thành 7 phân đoạn: Nhà thờ Công giáo La Mã, Thánh gia tộc, tình nghĩa giáo hữu Cơ Đốc, số mạng và thiên ý, hình tượng Chúa Kitô và Môsê, vấn đề trong bức họa phong cảnh thần thánh.

Poussin được sinh ra ở vùng đất nằm giữa Paris và Les Andelys vào năm 1594. Khi còn trẻ ông bị thu hút bởi những quan điểm nghệ thuật được Giáo hội Công giáo La Mã ủng hộ. Ông chuyển đến Rome năm 1624, học tập và làm việc tại đây, rồi đạt được thành quả vào cuối những năm 1620.

Năm 1640, Poussin đã nổi tiếng và được Tể tướng Pháp triệu hồi về Paris và trở thành người đứng đầu trong giới họa sĩ của vua Louis XIII. Tuy nhiên, địa vị vượt trội của ông đã gây ra những điều đố kỵ và sự thù địch từ các nghệ sĩ khác. Poussin vì quá mệt mỏi với những mâu thuẫn cùng những âm mưu bủa vây nên ông quyết định rời bỏ quyền lực, trở về Rome để sáng tác thơ và triết học cho riêng mình theo vần điệu và ý chí tự do của riêng mình. Các tác phẩm của ông chiếm hơn một nửa là đề tài tôn giáo. Ông qua đời ở Rome năm 1665 và được chôn cất tại nhà thờ St. Laurent.

Chân dung tự họa

Triển lãm này bắt đầu với một bức chân dung tự họa của ông.

Chân dung tự họa của Nicolas Poussin (Ảnh: wikipedia)

Vào ngày 29 tháng 5 năm 1650, Poussin đã cho ra đời một bức chân dung tự họa với sự chứng kiến của Paul Fréart de Chantelou, một người bạn của ông ở Paris. Ông ở trong tranh mặc áo choàng đen, trông nghiêm túc và nhìn xoáy thẳng vào người xem bằng con mắt kiên quyết, trên tay cầm một quyển phác thảo; điều này dường như nhắc nhở tầm quan trọng của công đoạn phác họa trong sáng tác nghệ thuật.

Trên ngón áp út tay phải của ông là chiếc nhẫn kim cương đen hình kim tự tháp, tượng trưng cho lòng trung thành và sự kiên định vĩnh cửu. Điều gây chú ý là hình vẽ một nhân vật nữ xuất hiện phía sau: không phải bởi chiếc vương miện nạm đá quý, mà là nét nhìn nghiêng khuôn mặt của bà – yếu tố bất thường này chỉ ra các thuộc tính hình ảnh của bức tranh, bao gồm việc so sánh đối lập giá trị của mọi thứ; Nữ thần này tượng trưng cho sự thần thánh của bức tranh, qua đó Poussin dường như tự định nghĩa mình là một họa sĩ kiêm triết gia có tư tưởng, sứ mệnh và ý chí.

Hội họa và các yếu tố linh thiêng

“Họa sĩ triết học” Poussin được bồi dưỡng sâu sắc về văn học và có ý thức sâu sắc về các nội dung mà ông miêu tả. Ông thường tìm kiếm các chủ đề từ Métamorphoses của Ovide và bị mê hoặc bởi những truyền thuyết và đạo đức cổ xưa. Tuy nhiên, Poussin không chỉ vẽ những nàng tiên trên núi đang ngủ hay sử thi vĩ đại cổ đại, ông còn vẽ các chủ đề tôn giáo cụ thể như “Bảy thánh lễ” (Les sept sacrements).

Trên thực tế, các tác phẩm tôn giáo chiếm phần đáng cảm động nhất trong nghệ thuật của Poussin, cũng phản ánh sự suy ngẫm và hiểu biết cá nhân của nghệ sĩ về “Thần thánh”. Poussin cũng là nghệ sĩ duy nhất có thể kết hợp “Thần thánh” truyền thống với “phàm tục” nơi trần thế. Ông kết hợp các biểu tượng và truyện ngụ ngôn cổ xưa với chủ đề Kinh thánh, chỉnh sửa và làm phong phú chủ đề thế tục với ý nghĩa của Kitô giáo, hình thành một thể loại nghệ thuật phức hợp.

Poussin và Công giáo La Mã

Phong trào cải cách chống tôn giáo phái sinh của Giáo hội Công giáo La Mã cũng đặt ra một bộ tiêu chuẩn và yêu cầu trong nghệ thuật, biến nghệ thuật thành công cụ để chống lại Đạo Tin lành và chiếm lấy cảm tình của người dân. Với những giáo lý mới về hội họa và điêu khắc nhằm “tôn thờ hình tượng”, Giáo hội Công giáo đã khuyến khích các nghệ sĩ tạo ra những hình ảnh thiêng liêng về sự ra đời của Thánh để gây ấn tượng với các tín đồ và khiến họ cảm nhận được sự tồn tại thực sự của Thiên Chúa, đặc biệt là sự xuất hiện các thần tích, phép lạ v.v..

Do đó, dưới ảnh hưởng của làn sóng cải cách này, Poussin đã sáng tạo ra “Thánh Mẫu thăng thiên” vào năm 1650 và “Sự xuất hiện của Saint-François ở Rome” vào năm 1657. Tuy nhiên, Poussin vẫn giữ khoảng cách với các nghệ thuật gia chính thức của chính quyền và đi theo con đường cá nhân của riêng mình, không chỉ trong việc lựa chọn đề tài, mà còn trong cách ông xử lý nó. Trong nghệ thuật của ông, sự xuất hiện của Thiên Chúa trở nên “trừu tượng” hơn, chủ yếu được trình bày theo những cách gợi mở.

Thánh mẫu thăng thiên” (L’assomption de la Vierge) – Nicolas Poussin (Ảnh: flickr)
Sự xuất hiện của Saint-François ở Rome” (L’apparition de Sainte Françoise Romaine) – Nicolas Poussin(Ảnh: wikipedia)

Bậc thầy về hội họa Tế Đàn

Mặc dù Poussin nổi tiếng với những bức tranh sơn dầu, ông cũng vẽ nhiều bức họa cho đàn thờ của những nơi quan trọng, như Nhà nguyện Saint Denis, Nhà thờ St. Germain l’Auxerrois ở Paris và Nhà thờ Roman St. Peter tráng lệ. Trong triển lãm này, có sáu bức tế đàn được vẽ từ 1620 đến 1641. Trong gần 250 tác phẩm của ông, những bức tế đàn chiếm không nhiều, nhưng chúng thường được đặt ở những nơi quan trọng nhất và có ý nghĩa nhất.

Thánh Le Miracle François Xavier” – Nicolas Poussin, năm 1641, 444 x 234 cm, bảo tàng Louvre. (Ảnh: wikimedia)
Le Matyre de Saint Erasme” – Nicolas Poussin, năm 1628, 322 x 189 cm, bộ sưu tập của Bảo tàng Nghệ thuật Vatican ở Rome. (Ảnh: wikimedia)

Bức “Le Matyre de Saint Erasme” được vẽ năm 1628, là bức tế đàn mà Poussin đã vẽ cho nhà nguyện Erasmus thuộc Nhà thờ St. Peter. Đây cũng là công trình công cộng đầu tiên của ông ở Rome. Bức tranh mô tả vị giám mục của Erasmus bị kết án tử hình vì không chịu thờ phụng các vị thần La Mã. Họa sĩ Poussin là người có xu hướng cổ điển, xử lý với những cảnh khốc liệt và tàn bạo bằng sự hướng nội. Ví dụ, trong bức tranh này vị thánh dù đang bị xử tử vẫn duy trì sự bình tĩnh và nhân phẩm trong nỗi đau; màu sắc tươi sáng của tranh cũng làm nhẹ bớt đi sự tàn khốc. Các thiên thần nhỏ bên trên chào đón ông bằng một vòng hoa vinh quang và chiếc lá cọ chiến thắng, có nghĩa là vương quốc thiên đàng đang đón chào một tín đồ kiên đinh đã bị đàn áp vì sự thật và công lý.

L’Instlation d’Eucharitie” – Nicolas Poussin, 1641, 325 x 250 cm, Louvre. (Ảnh: wikimedia)

Bức “L’Instlation d’Eucharitie” được Poussin vẽ vào năm 1641, tại nhà nguyện hoàng gia của lâu đài Saint-Germain-en-Anre: miêu tả Chúa Giêsu trong lần ăn tối cuối cùng với các môn đồ của mình; ông dự đoán rằng ông sắp phải chịu đau khổ; ông chia rượu và bánh mì, tượng trưng cho máu thịt của mình cho các môn đồ, lập giao ước với họ về sự hy sinh của chính mình, yêu cầu họ truyền bá phúc âm và cứu độ thêm nhiều người hơn nữa.

Thánh gia tộc

Chủ đề “Thánh gia tộc” hay “Thánh mẫu tử” cũng giống như sứ mệnh và sự cống hiến trong cuộc đời của Poussin. Đặc điểm chung của loạt tác phẩm này là: không phải hình ảnh tự truyện, kết hợp giữa trạng thái tĩnh và trang trọng của nhân vật, cho thấy vẻ đẹp vĩnh cửu vượt thời gian. Tác phẩm này giống như một biến thể của một loạt các nhân vật cùng với sự thay đổi của bối cảnh. Khi Poussin suy nghĩ về một bức tranh, ông thường sử dụng nhiều người sáp nhỏ đưa vào trong một chiếc hộp, chiếu sáng vào chiếc hộp đó, rồi thay đổi góc nhìn và tư thế mỗi khi ông di chuyển vị trí những người sáp và cẩn thận tìm hiểu thay đổi của ánh sáng tác động lên các nhân vật. Đây là phương pháp để trợ giúp ông nắm bắt được ý nghĩa tổng thể của bức tranh, cũng như sự hài hòa và tương phản của màu sắc.

Thánh gia tộc” (La Sainte Famille) – Nicolas Poussin, năm 1648, 69x98cm, Bộ sưu tập Quốc gia Washington. (Ảnh: wikimedia)

Bức tranh trên là một trong những bức người được người xem hoan nghênh nhất trong loạt tác phẩm này. Đức Thánh Mẫu đang ôm giữ Chúa Giêsu, còn John the Baptist bé nhỏ đang trao cho Chúa một quả táo tượng trưng cho tội lỗi nguyên thủy. Thánh Elizabeth bảo vệ John the Baptist ở phía bên trái; trong bóng tối của phía bên phải là San Jose, người đang ghi chép và đắm chìm trong sự suy ngẫm. Đây là một sự cân bằng hoàn hảo trong nghệ thuật theo chủ nghĩa cổ điển; thêm hoặc bớt một điểm có thể làm hỏng sự hài hòa và cân bằng tổng thể.

(Còn tiếp)

Theo epochtimes.com

Uyển Vân biên dịch

Clip hay:

videoinfo__video2.dkn.tv||3c042fbbc__