Đại Kỷ Nguyên

Nơi hạnh phúc đích thực

Có nhiều người trong chúng ta biết về bài thơ HỒI HƯƠNG NGẪU THƯ của nhà thơ Đường theo trường phái Đạo Gia là Hạ Tri Chương.

Hạ Tri Chương (659-744) là người Vĩnh Hưng, Việt Châu (nay thuộc huyện Tiêu Sơn, tỉnh Chiết Giang). Ông đỗ tiến sĩ năm 695, sống và làm quan ở kinh đô Trường An trên 50 năm. Ông là bạn vong niên với Thi tiên Lý Bạch. Hạ Tri Chương tính tình phóng khoáng, thích uống rượu, làm thơ, tác phẩm còn để lại 20 bài, trong đó có bài Hồi hương ngẫu thư nổi tiếng.

Bài thơ Hồi hướng ngẫu thư được đưa vào chương trình sách giáo khoa dành cho các em học sinh phân tích và thưởng thức. Đó là bài thơ thất ngôn tứ tuyệt, với tứ thơ độc đáo, thể hiện tình yêu quê hương ngậm ngùi mà sâu sắc của nhà thơ. Nó hợp với những người SỐNG CHẬM, với ông đồ bất khuất vẫn ngồi đấy, dù cho thế sự hồng trần, ngoài kia mưa bụi bay. Nỗi nhớ quê hương thường thể hiện qua nỗi sầu của người xa xứ. Tình quê thể hiện ngay khi mới đặt chân về đến quê nhà. Nhưng có lẽ tình yêu quê ngậm ngùi sâu sắc của lớp người sống chậm này lại dị ứng với lối sống hiện đại. Đối với những người trẻ, lại là lớp trẻ thời đại @ văn minh vi tính tốc độ này làm sao có thể đặt mình vào tâm thế một ông già, một Đại Quan theo Lão Trang hồi hương, phản bổn quy chân?

Phần lớn ai cũng nghĩ đây là một bài tứ tuyệt 4 câu. Thực ra nó có 2 bài tứ tuyệt. Và bài nào cũng có cái duyên riêng, cái sâu sắc, độc đáo riêng.

回鄉偶書二首

Bài 1:

Thiếu tiểu ly gia, lão đại hồi (少小離家老大回)
Hương âm vô cải, mấn mao tồi (鄉音無改鬢毛衰)
Nhi đồng tương kiến, bất tương thức (兒童相見不相識)
Tiếu vấn: Khách tòng hà xứ lai? (笑問客從何處來)

Bài 2:

Ly biệt gia hương tuế nguyệt đa (離別家鄉歲月多)
Cận lai nhân sự bán tiêu ma (近來人事半消磨)
Duy hữu môn tiền Kính hồ thủy (惟有門前鏡湖水)
Xuân phong bất cải cựu thời ba (春風不改舊時波)

Dịch nghĩa:

1.

Rời nhà từ lúc còn trẻ, già mới quay về
Giọng quê không đổi, nhưng tóc mai đã rụng
Trẻ con gặp mặt, không quen biết,
Cười hỏi: Khách ở nơi nào đến?

2.

Ly biệt quê nhà bao tháng năm
Gần đây người, việc đã tiêu mòn mất một nửa,
Chỉ có nước Kính hồ trước cửa nhà
Gió xuân thổi không làm thay đổi lớp sóng ngày xưa.

Dịch thơ:

1.

Khi đi trẻ, lúc về già
Giọng quê không đổi, tóc đà khác bao
Trẻ con nhìn lạ không chào
Hỏi rằng: Khách ở chốn nào lại chơi?

(Phạm Sĩ Vĩ dịch)

2.

Ly biệt quê nhà bao tháng năm
Nửa đời mòn mỏi việc triều quan
Phẳng lặng kính trong hồ trước cửa
Sóng xưa lóng lánh dịu màu xuân.

(Thái Quang Vinh dịch)

Một số lời bình về hai bài thơ này:

“Đường thi đại từ điển” – Giang Tô Cổ tịch xuất bản xã, 1990, tr.712 mục “Hồi hương ngẫu thư”, viết: “Hai bài thơ này diệu ở chỗ văn chương khinh khoái, tả người xa quê lâu ngày về rất là chân thành, tha thiết, không cần vẽ vời, tình thú dào dạt. Nhân sự tiêu mòn, Kính hồ như cũ, cảm khái vô hạn, gởi cả vào thơ, tình sâu vị đượm, thực là tác phẩm thượng thừa trong thơ thất tuyệt đời Đường. Toàn bài 1 và 2 câu cuối bài 2 đều được xưa nay truyền tụng là “giai cú”.

“Đường đại danh gia thi tuyển” – Hải Nam xuất bản xã, 1994, tr.67, viết “lâu năm làm khách xa quê, cảm khái tuổi già về lại quê nhà, thấm thía cái bi hoan của nhân sinh, chân thành, tha thiết động lòng người”.

“Tân dịch Đường thi tam bách thủ”, Tam Dân thư điếm. Đài Bắc 2005, tr.468, viết: “Tùy hứng viết ra ý tứ thơ do việc tác giả xa quê lâu năm, già về quê, kẻ sinh sau không nhận ra mình, lại gọi mình là khách đến làng, cho nên trong thơ cảm khái tự thương tuổi già…, Chỗ hay của bài thơ là bình dị, sáng rõ, dễ cảm, trong lòng ẩn chứa nỗi đau, nghìn năm sau còn làm động lòng người”

“Trung Hoa thiên cổ danh thiên tân biên”, Thượng Hải, Phúc Đán đại học xuất bản xã, 2000, tr.37, viết:

“Bài thơ ngữ ngôn phác thực, tự thuật sinh động, phong phú ý vị nhân tình… Nói về kỹ xảo, tuy không luyện chữ khắc ý, cũng có sự sắp xếp: thiếu tiểu và lão đại, ly và hồi, hương âm không đổi và tóc mai đã rụng là 3 tổ hợp đối tỉ (…) khiến người ta có cái cảm sâu sắc về biển dâu (thương tang). Hai câu sau của bài lấy từ trong sinh hoạt, là một bức tranh tế vi, từ trong sự vật bình thường hóa thành tuyệt xướng”

“Cổ thi hải (tập thượng)”. Thượng Hải cổ tịch xuất bản xã, 1992, tr. 467–468, viết: Bài thơ “thực bao hàm cả ngàn câu vạn lời về cái cảm xúc biển dâu… Trẻ con cười hỏi” đã làm dậy lên trong lòng nhà thơ bao nhiêu ý vị về quê…” Thủ pháp ngụ bi vu tiếu, ngụ thực vu hư (gửi cái bi trong cái cười, gửi cái thực trong cái hư) sức mạnh nghệ thuật thâm trầm, trăm ngàn năm nay không thời nào không làm độc giả động lòng. Hai bài này ý cảnh như đạm mà nồng”.

Với tâm thái của một người cũng sắp về quê rồi “nhân sinh dị lão, thiên nan lão”, tôi cũng ước ao giá mình làm được một bài thơ như Hạ Tri Chương để đời.

Đó là một triết lý nhân sinh, triết lý vũ trụ của ông quan đại thần đã từng tiến cử Lý Bạch vào triều. Đây là nhà thơ phát ngôn phần lớn cho tư tưởng của Đạo Gia. Năm 86 tuổi, đủ trải nghiệm cuộc bể dâu

“Thế gian biến cải vũng nên đồi,
Mặn nhạt, chua cay, lẫn ngọt bùi”

nên lão họ Hạ hồi hương an bần lạc Đạo. Để biểu hiện cái nhất thể Đời và Đạo ấy trong thơ, cần có cả một nghệ thuật dường như không cần đến nghệ thuật nữa, cần có một dồn nén cảm xúc vào bên trong những quan sát chọn lọc thiên tài.

Và nhà thơ trường phái Đạo Gia này đã làm được điều đó. Chắc thiên tài đến mấy cũng khó mà đạt tới tầm cỡ thể hiện bằng ngôn ngữ giản dị, rất đạm về Tình nhưng mênh mông ý tứ. Không có thứ ngôn ngữ nào có thể bình luận. Chỉ có thể ở trong cảnh giới ấy mà Ngộ!

Cho hay, nhiều lúc lắm chữ nghĩa, thông làu kinh sử chưa hẳn đã làm nên thơ. Phải có một hệ thống tư tưởng uyên thâm thì sự kiện về quê bình dị, bình thường mới trở nên bất thường khiến ai cũng có thể cảm nhận tâm trạng mình trong đó. Cái quan trọng là ai cũng gặp được quê hương, ai cũng có một cố hương, cố quận, cố viên để trở về với bao nhiêu tâm sự… Được trở về, đó cũng chính là nơi hạnh phúc đích thực, là cái đích của sự sống.

Cuối cùng, xin giới thiệu bản dịch khuyết danh khác:

Ra đi thuở hãy còn thơ

Tuổi già mới được ngày mơ trở về

Thưa rằng chẳng mất giọng quê

Tóc sương điểm bạc lòng tê tái sầu

Người quen cảnh cũ còn đâu

Bạn xưa chẳng nhận ra nhau…nghẹn ngào

Trẻ con lạ lẫm lao xao

Hỏi cười “ Khách lạ phương nào đến đây ? “

Đời như gió thoảng mây bay

Xa quê nào biết tháng ngày trôi qua

Chơi vơi lá rụng sân nhà

Đìu hiu vườn cũ nhạt nhòa lệ rơi

Long đong góc bể chân trời

Bạn bè đếm được mấy người còn đây

Thoảng nghe con nước thở dài

Lung linh Hồ Kính nhà ai gợn sầu

Mặc đời lắm cảnh bể dâu

Gió Xuân chẳng đổi thay màu sóng xưa …

LaVinh

Tiểu mục Văn thơ là bức ký họa thơ ca, tản văn, âm nhạc mà chuyên mục Văn hóa Thời báo Đại Kỷ Nguyên muốn dành tặng cho độc giả, để tìm về với nơi thuần khiết sâu thẳm nhất của chính mình, như một nốt lặng trầm quý giá trong bản nhạc cuộc sống thường nhật ồn ào, sôi động.

Xem thêm:

Exit mobile version