Đường Thế Tông Lí Thế Dân được được xem như là một vị hoàng đế vĩ đại nhất trong các bậc đại đế của lịch sử Trung Quốc. Ông là một minh vương với tài cầm binh dụng tướng. Nhắc tới khu lăng mộ của ông, người ta không thể không nhớ tới một kho báu nghệ thuật đá quý khắc họa sáu con ngựa chiến mà nhà vua cưỡi trong các trận chinh chiến được gọi là Chiêu lăng lục tuấn đồ.
Chiêu lăng tọa lạc tại núi Cửu Tuấn tức chín ngọn núi hiểm trở. Phía dưới núi là mộ phần của Đường Thái Tông Lý Thế Dân. Theo phỏng đoán của các nhà nghiên cứu lịch sử thì trên núi đã từng tồn tại quần thể kiến trúc cung điện hoa lệ, to lớn và nguy nga.
Trải qua nhiều cuộc chinh chiến và sự bào mòn của thời gian, kiến trúc trên mặt đất đều bị xóa sạch. Các nhà khảo cổ đã đào được một kiến trúc ở trên nóc có tên là “đuôi cú mèo”, cao l,5m, dài 1m, nặng đến 150kg, điều đó cho thấy cung điện là một công trình cao lớn, đồ sộ tráng lệ.
Ngay cả những bức phù điêu về lục tuấn (6 chú ngựa) cũng bị thất lạc nay chỉ còn lại bốn trên 6 bức hiện đang nằm trong bảo tàng Thiểm Tây.
‘Chiêu lăng lục tuấn đồ’ là một tác phẩm phù điêu nghệ thuật xuất sắc
Trong cuộc đời chinh chiến của mình, hoàng đế Đường Thái Tông Lí Thế Dân rất coi trọng vai trò của những chú ngựa. Ông cho người đi khắp nơi để tìm kiếm và thu thập những chú ngựa tốt, được gọi là chiến mã.
Những con chiến mã này thể hiện sức mạnh và uy lực vũ bão mà đội quân dưới sự chỉ huy của hoàng đế Thái Tông đã từng có, và đã mang lại những chiến công hiển hách.
Để tưởng nhớ tới những chú chiến mã đã vào sinh ra tử cùng nhà vua, Ông đã ra lệnh cho 2 người thợ nổi tiếng về chạm khắc thời bấy giờ là anh em nhà Diêm Lập Đức và Diêm Lập Bổn dùng tài năng của mình để miêu tả về 6 chiến mã uy phong mạnh mẽ.
Lục tuấn được khắc chạm nổi trên sáu miếng đá xanh ở phía đông và phía tây của ngôi mộ Chiêu lăng. Mỗi hòn đá rộng khoảng 205 cm, cao 170 cm, dày 30 cm và nặng khoảng 2,5 tấn.
Chiêu lăng lục tuấn sở hữu những hình dáng đẹp thể hiện tư thế chiến đấu dũng mãnh. Đường nét điêu khắc mịn màng mềm mại. Đây được coi là một kho báu nghệ thuật đá quý, một kiệt tác nghệ thuật thể hiện trí tưởng tượng và tài năng tuyệt kĩ của anh em nhà họ Diêm.
Điêu khắc trên đá là một loại hình nghệ thuật được xem là khó. Để tạo được một tác phẩm điêu khắc có hồn, bộc lộ được ý tứ của tác phẩm, đòi hỏi người thợ có kiến thức sâu rộng. Họ không chỉ là một họa sĩ với trí tưởng tượng tuyệt vời mà còn qua đôi bàn tay chạm trổ từng đường nét để sao cho nó mang theo thần thái, dũng mãnh nhưng lại mềm mại trông như là một bức họa trên giấy hoặc lụa.
Bộ chạm khắc bằng đá lục mã đồ này không đơn giản là chỉ khắc họa được cốt cách của sáu con chiến mã. Mà nó phải thể hiện được tư thế hào hùng dũng mãnh của hoàng đế Thái Tông trong những trận đánh lớn để củng cố non sông.
Với đòi hỏi rất cao như vậy, anh em nhà họ Diêm đã không ngừng nỗ lực và phát huy tài năng, trí tuệ tuyệt đỉnh để tạo ra một tác phẩm để đời khiến hậu nhân mãi mãi cảm phục.
Lục tuấn và sự dũng mãnh phi thường
Sáu con chiến mã này được đặt tên lần lượt là: Thập Phạt Xích, Thanh Chuy, Đặc Lặc Phiêu, Quyền Mao Qua, Bạch Đề Ô và Táp Lộ Tử.
Một cảm giác khiến người xem như bị mê hoặc là 2 chú chiến mã có tên Thanh chuy và Thập phạt xích. Thanh chuy có màu xám xen lẫn trắng, còn Thập phạt xích có lông màu tía mật. Cả 2 chú chiến mã đều sở hữu tư thế tung vó lao như bay về phía trước. Một khí thế của sự dũng mãnh vô song. Sức mạnh như muốn đạp lên trên tất cả mà ở thế tiên phong. Đây được coi là giống ngựa Tây Vực mà trong thơ ca Đỗ Phủ đã có lần ca ngợi:
“Kiêu đằng hữu như thử,
Vạn lý khả hoành hành”.
Đại ý khen về tốc độ phi nước đại và sức mạnh của chúng có thể đi vạn dặm ngang dọc.
Thập phạt xích có sắc lông tía mật, là ngựa chiến mà Đường Thái Tông cưỡi khi tham gia chinh phạt Vương Thế Sung và Đỗ Kiến Đức những năm 620-621. Khi lâm trận Thập phạt xích trúng 4 mũi tên phía trước và một mũi tên phía sau. Được đánh giá là một chú ngựa kiên cường dũng mãnh tới hơi thở cuối cùng. Nên khi khắc họa lại chú, anh em nhà họ Diêm đã phải tìm cho nó một tư thế bộc lộ được cốt cách của nó.
Thanh Chuy: Lông xanh đen pha trắng, tham gia trận chiến đánh Đậu Kiến Đức. Được ví là kị binh thần tốc. Tốc độ phi nhanh như gió. Mặc dù bị trúng 5 mũi tên ở phía trước nhưng người ta có thể phỏng đoán được thần tốc mà nó phi trước khi gục ngã.
Đặc Lặc Phiếu: Lông vàng trắng lang trắng, mõm đen, cưỡi khi đánh Tống Kim Cang những năm 619-620. Được coi là chú ngựa chiến có sức mạnh bền bỉ, tham gia ở tiền tuyến, đánh cả chục trận ngày đêm không ngưng nghỉ. Mang lại những chiến công vang dội cho đội quân dũng mãnh của nhà vua Đường Thái Tông.Trong bức thạch điêu nó được mô tả có thân hình chắc khỏe và bụng dài, đó là chú ngựa rất nổi tiếng.
Quyền Mao Qua: Có sắc lông vàng, mõm đen, bờm lông quăn. Được hoàng đế Lí Thế Dân cưỡi khi đánh Lưu Hắc Thát năm 622. Trước trúng 6 mũi tên, phía sau trúng 2 mũi.
Bạch Đề Ô: Thân đen, móng trắng, cưỡi khi đánh Tiết Nhân Quý. Trên đá nó được chạm trổ với cái đầu hướng về phía trước, tung vó giống như đang cưỡi gió mà phi.
Táp Lộ Tử: Sắc hồng điều, cưỡi khi bình Đông Đô Lạc Dương, đánh Vương Thế Sung triều nhà Tùy những năm 581-618. Trong bức phù điêu thì Táp lộ tử là chú ngựa duy nhất được đứng cùng một người. Người đó chính là danh tướng Khâu Hành Cung, đang nhổ mũi tên cắm trúng ức chú chiến mã lừng danh này.
Có thể thấy rằng, trong Chiêu lăng lục tuấn đồ mỗi chú chiến mã đều có những cử chỉ khác nhau, những đường nét chạm trổ tuy đơn giản nhưng rõ ràng, dứt khoát. Mang theo cái hồn của sức mạnh bão táp mà chúng sở hữu. Lục tuấn không chỉ là bức phù điêu mô tả chân thực trọn vẹn 6 con chiến mã lừng danh mà còn thể hiện sự tài hoa của bậc thầy điêu khắc với những kĩ thuật chạm trổ tinh tế. Nó gắn liền với một câu chuyện lịch sử, góp phần làm nên những chiến công hiển hách trong trang vàng sử thi Trung Quốc. Lục tuấn được coi là thành tựu của nghệ thuật, những hiện vật quý giá.
Tịnh Tâm