Có những phận người như thế, lặng lẽ sống, lặng lẽ giấu kín lòng mình, chỉ giao tiếp với xã hội một cách lạnh lùng thông qua công việc hàng ngày. Họ luôn là những ẩn đố cho người xung quanh. Phải chăng họ đã hoàn toàn mất niềm tin nơi cuộc sống, mất niềm tin vào con người, nên đã tự đóng băng mình? Hay đơn giản là họ chọn cho mình một cách sống thờ ơ với tất cả mọi điều. Nhân vật chính là bà cụ chủ quán dường như đã để cho niềm lạc quan đi khỏi tâm hồn bà từ một thời điểm nào đó đã rất lâu, rất xa rồi trong quá khứ. 

Quán nằm trong một con hẻm phía sau trường học. Chủ quán là một bà lão ước chừng gần tám mươi nhưng vẫn rất minh mẫn. Bà lưng còng, tóc chưa bạc hết và cũng chưa một lần người ta thấy bà búi tóc gọn. Mặc dù tuổi đã cao nhưng bà chủ quán có một giọng nói vang và đôi mắt sắc. Nói chung bà chủ quán ở đây thoạt nhìn có thể khiến người ta phải giật mình phát sợ, dễ khiến cho người ta liên tưởng đến nhân vật Mẫu dạ xoa Tôn Nhị Nương ở quán rượu đồi Thập Tự trong tiểu thuyết của Thi Nại Am. Và chúng tôi gọi là bã lão “quỷ dị”.

Bà lão sống một mình, người ta chưa từng thấy bà có người thân hay con cháu. Và cũng chẳng ai dám hỏi, vì sợ động đến lòng tự ái. Nghe nói bà là người dưới xuôi lên đây mưu sinh. Hồi trẻ bà đã từng có người để yêu thương nhưng cuộc sống xoay vần, ngay chính vào cái lúc mà bà hy vọng nhất vào hạnh phúc thì hạnh phúc lại rời xa bà. Người đàn ông bà yêu thương đã vượt biên không trở lại. Còn lại bà với góc quán nhỏ, nơi nuôi sống bà qua ngày và cũng là sợi dây kết nối bà với thế giới loài người.

(Ảnh minh họa: WordPress.com)

Quán bán đồ ăn, đồ ăn đêm và chỉ được mở từ tám giờ tối hôm trước đến năm giờ sáng hôm sau. Ban ngày, người ta thấy ở vị trí đó mấy cánh liếp khép hờ, hai bếp lò nguội và tuyệt nhiên không thấy bóng dáng của bà chủ quán. Bà lão cũng như cái quán, đều sống về đêm, làm bạn với đêm. Khách của quán ăn này thuộc rất nhiều những thành phần của xã hội chỉ trừ giới thượng lưu vốn đã quen với những nơi sang trọng có phục vụ tốt. Khách quen của bà lão là những cô gái làng chơi, anh xe ôm, mấy cậu sinh viên chơi game muộn, thậm chí là người ăn xin vật vờ không có chỗ ở…. Nếu xét thang điểm phục vụ thì có lẽ bà chủ quán ở đây sẽ được chấm điểm top thấp. Khách đến sẽ được bà hỏi mấy câu “ăn gì?”, “mấy người” và tặng kèm một ánh mắt sắc. Nếu không phải là khách quen thì hầu hết ai cũng lạnh sống lưng. Tuy vậy đồ ăn của bà lại khá ngon và dễ hợp khẩu vị. Một bát cháo đêm của bà có thể làm ấm lòng một kiếp mưu sinh.

Người ta hiếm thấy bà lão cười, họ nhìn thấy bóng đêm sâu thẳm trong đôi mắt bà. Dân vùng này thấy bà là thấy đêm, thấy những lo toan cuộc sống, thấy vật vờ những kiếp mưu sinh, thấy mông lung những cảnh đời tẻ nhạt, và thấy một sức mạnh phi thường từ một bà lão đã ở buổi xế chiều của kiếp kí gửi trần gian. Bà ít khi chuyện trò với khách, thậm chí cả khách quen. Bà chỉ cần nói đủ, nếu ai hỏi nhiều thì ngay lập tức bà sẽ “tặng” cho người khách đó một ánh mắc sắc lẹm. Đó là lý do bao nhiêu năm, góc quán nhỏ này tồn tại được giữa một chốn nhiễu nhương. Chưa một tay anh chị giang hồ hoặc một cậu nhóc choai choai nào dám động đến bà.

(Ảnh minh họa: vietzo.net)

Đối với họ bà vừa đáng sợ lại vừa đáng nể. Nhưng có lẽ sợ nhiều hơn nể.

Cuộc sống của bà và quán đêm cứ thế trôi đi từ ngày này qua ngày khác. Mặt trời tắt nắng, họ dần thấy quán ăn mở cửa và bà lão dần xuất hiện. Khi bình mình sắp lên, bà lão hạ từng cánh liếp và chìm dần vào ngôi nhà xập xệ. Có lẽ người gặp bà xuất hiện vào ban ngày nhiều nhất là cô giao thực phẩm vốn đã được bà đặt sẵn từ chợ. Có lẽ cho đến tận nhiều ngày sau đi nữa, bà lão chủ quán ăn đêm vẫn sẽ là một ẩn số trong đêm cho những kẻ tò mò.

Clip ý nghĩa:

videoinfo__video3.dkn.tv||db57215da__