Quạt đã xuất hiện từ rất sớm tại Trung Hoa, tính đến nay đã có hơn 3000 năm lịch sử. Quạt ban đầu từ một dụng cụ chỉ có tác dụng che mặt, che nắng và để dùng cho mát, thuận theo sự thay đổi, phát triển của các triều đại, các danh họa còn phóng bút đề thơ, thư pháp và họa lên mặt quạt, biến nó trở thành một loại hình nghệ thuật cổ điển tao nhã, tinh xảo.

(Ảnh: 91ddcc)

Thời cổ đại, quạt còn được gọi là “Diêu phong” (mang nghĩa “gió đong đưa”) và “Lương hữu” (nghĩa “những người bạn mát lành”). Từ cái tên cũng đã thấy được tác dụng thuở ban đầu của quạt, đó đem lại cơn gió mát lành giúp làm mát cơ thể.

Từ triều đại Tây Hán (202 TCN-9 CN) đến thời Ngụy, Tấn (khoảng năm 220), quạt tròn là hình ảnh đại biểu cho sự đoàn tụ sum vầy, những cô nương tính tình dịu dàng, ôn nhu rất ưa thích lựa chọn sử dụng, vừa có thể làm mát, lại vừa là một món phục trang, mà còn bởi nó là biểu tượng cho tình yêu thuần khiết.

(Ảnh: kuaibao)

Đến thời Tam quốc diễn nghĩa, Gia Cát Lượng không rời tay chiếc quạt lông vũ, tương truyền, đó là kỷ vật được phu nhân của mình tặng. Ông luôn mang nó theo mình, vừa như để trân trọng tấm lòng của người vợ, vừa như để tự nhắc mình: đại trượng phu làm việc lớn phải biết tiết chế, làm chủ cảm xúc. Bởi vậy, người ngoài nhìn ông, chỉ luôn thấy thần thái thong dong, an tĩnh của ông. Do đó, người đời sau, coi quạt lông vũ làm biểu tượng của trí tuệ.

(Ảnh: vothuat)

Quạt là một món đồ rất thiết thực. Nó vừa nhẹ, mỏng lại to, không chỉ có thể quạt gió lấy mát, mà còn được đem vào biến thành một loại hình nghệ thuật. Trung Hoa cổ đại có truyền thống biến những thứ đồ dùng hằng ngày trở thành món đồ trang trí, do đó, cán quạt thì được chọn để điêu khắc, mặt quạt thì được làm thơ họa tranh, vừa thể hiện tính thẩm mỹ người dùng, vừa mang lại “cảnh đẹp ý vui”.

(Ảnh: China7)

Ban đầu, việc chạm khắc và vẽ tranh là do những người thợ thủ công bình thường hoàn thành. Dần dần, nhiều nghệ thuật gia khác cũng đến tham gia, biến quạt không còn chỉ đơn thuần là một cái quạt thông thường nữa, mà nó đã phát triển trở thành một tác phẩm nghệ thuật.

(Ảnh: Pinterest)

Tại Trung Quốc, quạt rất đa dạng về chủng loại, hình dáng. Các thợ mộc dụng tâm, dày công điêu, khắc v.v. còn các danh nhân thì múa bút đề thơ, vẽ tranh, biến cây quạt trở thành tác phẩm nghệ thuật có giá trị gấp lên hàng trăm lần. Trong số đó, nổi tiếng nhất phải kể đến quạt gỗ đàn hương (Giang Tô), quạt lửa (Quảng Đông), quạt lụa tre (Tứ Xuyên) và quạt lụa (Chiết Giang), được mệnh danh là “Tứ đại danh phiến” (“phiến” có nghĩa là “quạt”).

Chúng ta cùng đi tìm hiểu về một số loại quạt nổi tiếng.

(Ảnh: kuaibao)

Quạt lông vũ

Cán quạt lông thường được chọn tre và gỗ để dùng, còn xa hoa hơn thì có thể dùng xương động vật, ngọc bích hoặc ngà voi làm tay cầm. Ở đuôi quạt, có thể treo lên dải sợi tơ tằm, hoặc có thể là tấm ngọc bội có tác dụng làm đẹp, trang trí.

(Ảnh: szfan)

Người ta thường chọn lông chim công, lông ngỗng, lông chim trĩ v.v. để làm quạt, vừa là vật trang trí có tính thẩm mỹ cao, vừa góp phần mang thiên khí cho gia chủ, tăng sức mạnh luyện khí công và sự màu nhiệm trong cầu nguyện, đó còn là vật trưng bày trong những nghi lễ cung đình Trung Hoa xưa.

(Ảnh: Sina)

Trong quá trình chế tạo, bước đầu tiên chính là chuẩn bị lông. Phải trải qua nhiều quá trình như thu thập, tuyển chọn, chải chuốt, rửa lông, chải lông, cắt tỉa, xử lý, phải thực hiện đầy đủ tất cả các bước đó. Lông được chọn dùng để làm quạt, phải là loại lông thuần trắng ở phía thân trên, để nếu có cần thì có thể đem đi nhuộm màu.

Quạt đang được bảo tồn ở Bảo tàng Boston, Mỹ (Ảnh: Museum of Fine Arts, Boston)

Vào thế kỷ XVIII và XIX, Trung Quốc đã gửi sang phương Tây quạt lông vũ với các vật liệu quý hiếm và được chế tạo tinh xảo, bây giờ đang được bảo tồn trong Bảo tàng Boston, Mỹ.

Quạt gấp giấy

Quạt giấy gấp có thể coi là loại phổ biến nhất, thường được sử dụng nhất. Giấy được lựa chọn làm quạt càng phải tinh chế, nan quạt được tạo thành từ loại gỗ dài và mỏng, sau đó đem từng miếng ghép lên nhau, được chạm khắc rất tinh xảo, dụng tâm và đa dạng; kết hợp với khảm trai, thiếp vàng, thiếp bạc, sơn mài v.v.

(Ảnh: taobao)

Mặt quạt được trang trí vô cùng tinh tế, sử dụng loại giấy trắng có mùi hương, xa hoa hơn, càng tinh xảo hơn thì còn dùng cả lá vàng mỏng làm vật liệu. Nội dung càng phong phú hơn nữa, có đề thơ, có tranh thư pháp, có họa tranh, tranh sơn thủy, chim muông, vạn sự vạn vật đều in chiếu lên mặt quạt, mang đến hương vị tao nhã.

(Ảnh: Tinhhoa)

Dưới nhà Thanh, quạt giấy gấp phát triển mạnh mẽ, vượt trội nhất.

Quạt ngà

Ngà voi, cũng chính là răng cửa của voi, bề ngoài của nó không có men răng bao bọc, rất kị axit. Vì thế mà những người thợ chế tác thường ngâm ngà voi vào giấm chua trước khi gia công, khiến ngà voi trở nên mềm hơn, thuận tiện cho việc dùng dao hay các dụng cụ điêu khắc mà chạm khắc.

(Ảnh: kuaibao)

Đây là một vật liệu rất có giá trị để làm nên một chiếc quạt. Chạm trên ngà voi vào thời nhà Thanh phát triển vượt bậc, ngà voi không chỉ được chế tạo thành khung quạt mà còn được sử dụng để tạo thành một chiếc quạt hoàn chỉnh.

(Ảnh: kuaibao)
(Ảnh: kuaibao)

Quạt đàn hương

Quạt gỗ đàn hương được tạo ra từ vật liệu chính là gỗ đàn hương. Đó là loại gỗ nặng, mịn và là loại gỗ đắt thứ hai trên thế giới, sau gỗ đen châu Phi.

Loại quạt này, thông thường người thợ sẽ chọn loại gỗ bạch đàn nếu quạt yêu cầu màu trắng, sáng. Còn nếu là loại quạt màu tím thì sẽ chọn loại gỗ tử đàn để sử dụng. Nhưng thường thì gỗ bạch đàn hay được lựa chọn sử dụng hơn.

(Ảnh: kuaibao)

Và đặc biệt hơn, không giống như nhiều loại gỗ thơm khác, gỗ đàn hương có thể giữ được hương thơm của chúng trong thời gian rất rất dài, lên đến vài thập kỷ, do đó khi quạt lên sẽ mang theo một mùi hương dìu dịu, nhẹ mát, rất được ưa thích.

(Ảnh: Sohu)

Quạt lụa

Cho đến nay, quạt lụa đã có lịch sử hơn 400 năm. Đúng như cái tên gọi, vật liệu chính là từ tơ tằm hoặc tơ lụa, đã đem đến cho quạt màu sắc ưu nhã mà lắng dịu. 

Quạt tròn làm bằng lụa thì bắt đầu phổ biến từ thời nhà Tống, sau này có thêm các biến thể hình xoan, hình hoa hướng dương, hoa mận… Cán quạt làm từ xương, ngà động vật hoặc bằng tre. Dưới cán có thể có thêm miếng trang trí được khắc tinh xảo, làm bằng ngọc bích.

(Ảnh: sohu)

Điểm đặc biệt của chúng nằm ở chất liệu lụa cao cấp và những chi tiết trang trí được làm thủ công bằng tay rất cầu kỳ, tinh xảo. Để làm nên một chiếc quạt cơ bản, người thợ sẽ trải qua 3 công đoạn: vẽ họa tiết, dệt lụa, và cuối cùng là thêu (nếu cần thiết). Kỹ thuật dệt dành cho những chiếc quạt này được gọi là kỹ thuật dệt Kesi. Đây là kỹ thuật dành riêng cho những sản phẩm thượng hạng bởi sự nhẹ nhàng của chất liệu và sự tinh tế, phức tạp trong hoa văn. Kỹ thuật này đòi hỏi người thợ phải có tay nghề cao, sự tỉ mỉ, kiên nhẫn. Cứ mỗi một màu sắc khác nhau thì phải dùng cuộn chỉ khác nhau, phải thay đổi con thoi dệt. Tất cả các quá trình này đều phải làm bằng tay và mỗi ngày chỉ có thể dệt tối đa 2 – 3cm lụa, sẽ mất vài tháng trời để người ta có thể dệt xong 1 tấm lụa dùng phủ lên quạt tay.

(Ảnh: Sohu)
(Ảnh: Sohu)

Từ trong Trung Quốc, quạt được xuất sang các nước khác bên phương Tây theo Con đường tơ lụa. Vào đầu thế kỷ 16, các tàu từ Bồ Đào Nha xuất hiện ở hải vực của Trung Quốc, giao thương giữa Trung Quốc và châu Âu đã mở ra một viễn cảnh mới. Hàng hóa Trung Quốc tiếp tục vào châu Âu và dần dần tạo thành một “cơn sốt Trung Quốc” ở châu Âu, làm cho cả thế giới kinh ngạc với sự phát triển nghệ thuật vượt bậc ở Trung Hoa cổ.

Vì để thuận theo thẩm mỹ của người phương Tây, chiếc quạt cũng từ đó mà mang dáng dấp đặc điểm của văn hóa phương Tây. Hai nét đặc trưng Đông – Tây được hòa vào nhau, tạo nên một phong cách đặc sắc.

(Ảnh: Tinhhoa)

Theo kuaibao.qq.com

Clip hay:

videoinfo__video3.dkn.tv||942b6abab__