Đại Kỷ Nguyên

Rời phố về quê với hương đồng gió nội, đàn gà luống rau: Người họa sĩ đã tìm được hạnh phúc thực sự ra sao?

Trong khi nhiều người ở nông thôn muốn lên thành phố hiện đại và tiện nghi thì bà Tasha lại thích cuộc sống nhẹ nhàng trong ngôi nhà nhỏ theo phong cách đồng quê, giản đơn mà ấm cúng. Mặc sự đổi thay của cuộc sống, bà vẫn an nhiên đi qua năm tháng yên bình, nên thơ như vậy.

Ngôi nhà đầy hoa cỏ và cách sống hoài cổ hiếm có của cụ bà 92 tuổi.

Tasha là một nghệ sĩ được biết đến nhờ những tác phẩm minh họa trong sự nghiệp của mình. Bà đã viết và vẽ minh họa khoảng hơn 20 tác phẩm được xuất bản, chủ yếu là dành cho thiếu nhi.

Tuy nhiên, danh tính của bà lại được biết đến nhiều hơn trong những năm cuối đời, nhờ ngôi nhà tràn ngập hoa cỏ và cách sống hoài cổ hiếm có mà bà đã mất nhiều công sức để học hỏi, gây dựng.

Cụ bà 92 tuổi tên đầy đủ là Tasha Tudor, sinh năm 1915 tại Boston, Mỹ. Đến năm 9 tuổi, bố mẹ bà ly hôn. Tasha bắt đầu một cuộc sống khác biệt nhưng đầy thú vị với người quen của gia đình ở Redding – một thị trấn nhỏ phía Tây Nam Connecticut.

Niềm đam mê với văn chương và nghệ thuật biểu diễn của bà được ươm mầm trong thời gian này cũng như khi bà tới thăm mẹ – người đã chuyển tới New York để tìm kiếm cơ hội phát triển sự nghiệp. Lúc đó, Tasha theo học trường Spring Hill ở Litchfield một thời gian ngắn.

Năm 1930, mẹ bà là Rosamond mua một trang trại ở Redding và không lâu sau, Tasha chuyển tới sống cùng mẹ. Bà Rosamond tiếp tục sự nghiệp vẽ tranh chân dung, đồng thời mở một cửa hàng đồ cổ và một phòng trà.

Giúp mẹ làm việc tại những nơi này, Tasha lại càng thấy thích học nhiều hơn về nghệ thuật và đồ cổ, đặc biệt là những chiếc áo choàng cũ và đồ gia dụng.

Thời điểm này, mong muốn của bà là được học về cách làm trang trại và các kỹ năng chăm sóc nhà cửa. Bác của Tasha từng đưa cho bà một con bò sữa. Từ đó, bà bắt đầu chăm sóc rất nhiều gia cầm như gà, ngỗng.

Bà được thừa hưởng một căn bếp đầy những đồ dùng cũ và vật dụng gia truyền từ người bà cô.

Những năm tháng trưởng thành, bên cạnh công việc vẽ tranh minh họa cho các cuốn sách thiếu nhi, bà liên tục học hỏi và ngày một nâng cao những kỹ năng làm các công việc thủ công như dệt vải, đan giỏ, viết chữ. Thậm chí Tasha còn đan một chiếc áo bằng tay kỳ công đến mức tự tay trồng lanh, kéo sợi, dệt vải.

Năm 1971, bà chuyển đến Vermont – nơi bà từng ao ước được sống. Con cái bà lúc này đã trưởng thành và có cuộc sống riêng của mình.

Bà luôn mong muốn được học hỏi những kỹ năng nghệ thuật mới để làm tốt những công việc bà thích như làm vườn, đồng thời trải nghiệm những giây phút hạnh phúc bên bạn bè, con cháu.

Lúc này, bà có nhiều thời gian hơn để theo đuổi đam mê như tổ chức những buổi tiệc trà và khiêu vũ đáng nhớ, hoàn thành những dự án may vá phức tạp, thậm chí là nướng bánh mì từ chính lúa mì mà bà trồng ra.

Tasha thích nghi với môi trường mới bằng cách nuôi dê thay vì nuôi bò, chọn nhiều loài hoa và rau thích hợp hơn để trồng trong khu vườn có mặt bằng cao của mình.

Bà trở nên nổi tiếng hơn vào những năm 1990 sau khi các cuốn sách về cuộc sống riêng của bà được xuất bản. Trong suốt 20 năm cuối đời, bà gặp gỡ và giao lưu với lượng người hâm mộ còn nhiều hơn cả số người đã gặp gỡ suốt 40 năm trước đó.

Bà Tasha từng nói một câu khiến nhiều người phải suy ngẫm về cuộc đời: “Dù bạn bao nhiêu tuổi, đã vượt qua bao nhiêu khó khăn, chỉ cần biết bạn đã chọn con đường có đúng hay không, đó mới là ý nghĩa của cuộc sống”.

Tuy bà Tasha đã ra đi từ năm 2007 nhưng lối sống giản dị, ngọt ngào, cách sống chậm rãi, yên bình đi qua năm tháng cuộc đời lại khiến nhiều người suy nghĩ về con đường mà mình đã chọn. Bà đã chọn cách sống bình yên nhất có thể, yêu cây và hoa, những bữa ăn ngon lành, ấm cúng, và yêu những gì nhẹ nhàng thư thái như bài ca lãng mạn.

Cuộc sống là vậy. Hạnh phúc có con đường riêng của mình. Một cuộc sống không theo công thức, không theo con đường mà người khác vẽ cho mình hay mình đua với người khác, đó là cách mà họ lựa chọn. Sống chậm hay sống nhanh, sống kỹ hay sống vội… Không ai có thể nói rằng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc “lên thành phố”…

Di Hân – Hà Phương

Exit mobile version