“Long, Lân, Quy, Phụng” là tứ linh trong văn hóa, tín ngưỡng của người Trung Quốc. Rồng là loài vật linh thiêng theo truyền thuyết từ xa xưa của người phương Đông, có thể hô mưa gọi gió, còn là loài thú tượng trưng cho mọi điều an lành…

Người Trung Quốc tự xưng mình là “Long đích truyền nhân” (ý nói dòng dõi Rồng), do đó, hình tượng rồng trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, hội họa v.v. đều để lại những dấu ấn rất đậm nét. Hơn nữa, rồng còn là biểu tượng của hoàng đế Trung Hoa, ý nói hoàng đế là thiên tử, là con của Trời phái xuống. Do đó, trong các kiến trúc cung đình, dấu ấn “Rồng” đã trở thành biểu tượng, tượng trưng cho Hoàng thất trong xã hội phong kiến xưa. 

Rồng được chạm khắc từ ngọc lưu ly (Ảnh: Blog.sina)

Nguồn gốc “rồng” trong văn hóa truyền thống Trung Hoa

Sự xuất hiện của những con rồng trong văn hóa có từ hàng nghìn năm trước vào thời kỳ đồ đá mới, với phát hiện ra một viên ngọc hình rồng có niên đại vào khoảng 5000 năm TCN từ văn hóa Ngưỡng Thiều tại Liêu Ninh vào năm 1987.

Năm 1977, các nhà khảo cổ khai quật được một viên ngọc rồng hình chữ C thuộc thời kỳ văn hóa Hồng Sơn (niên đại từ khoảng 15000 TCN đến 2900 TCN)

Long ngọc hình chữ C (Ảnh: Wikipedia)

Nét đặc trưng trong kiến trúc cổ điển

Trong văn hóa kiến trúc truyền thống của Trung Quốc, rồng là biểu tượng cho hoàng thất đến tận thời nhà Thanh, hoàng đế được gọi là “Chân long thiên tử”, chữ “long” được ghép với các danh từ khác như ‘long thể’, ‘long bào’, ‘long sàn” v.v. đều dành riêng cho vua. Đặc biệt, chỉ duy nhất loài rồng có 5 ngón là được Hoàng đế sử dụng, còn các Vương gia chỉ được sử dụng hình rồng 4 ngón trong khi các đại thần dùng hình rồng 3 ngón. Vì thế, chỉ riêng các kiến trúc thuộc về hoàng gia là có thể sửu dụng hình rồng để làm vật trang trí.

Long bào thêu hình rồng 5 ngón thời nhà Thanh (Ảnh: kenh14)

Điển hình nhất là công trình kiến trúc các cung điện trong Tử Cấm Thành. Ví dụ như điện Thái Hòa (Đó là nơi các triều đại nhà Minh và nhà Thanh sử dụng để tổ chức lễ đăng quang và lễ cưới hoàng gia. Ban đầu vào thời nhà Minh, điện có tên là Phụng Thiên, đến thời Thuận Trị nhà Thanh mới đổi thành Thái Hòa như hiện nay), người ta ước tính có đến 13000 các loại hình tượng rồng khác nhau được thiết kế ở đây.

Thời nhà Minh, điện Thái Hòa là nơi biểu trưng cho quyền lực của Hoàng đế, và là công trình bằng gỗ lớn nhất còn được bảo tồn ở Trung Quốc với chiều cao 35,05m, diện tích 2 377m2, gồm 55 gian khác nhau và 72 chiếc cột lớn.

Cao 30 mét so với những bậc đá hình vuông bao quanh. Chiều dài, chiều rộng của điện là các con số 9 và 5 (cửu ngũ) tượng trưng cho uy quyền của Hoàng đế.

Hoa văn trang trí ở điện Thái Hòa phần lớn là hoa văn hình rồng. Ở đây, từ trong ra ngoài, từ trên xuống dưới, người ta cộng lại tất cả có 12.654 hình con rồng uốn lượn nhiều hình dáng. (Ảnh: Blog.sina)

Sáu cột trụ gần ngai vàng của hoàng đế đều được phủ vàng và trang trí hình rồng. Ngai vàng có năm con rồng cuộn tròn xung quanh phần lưng và tay ngai. Bức bình phong phía sau cũng được chạm hình chín con rồng, một lần nữa lại thể hiện quan điểm cửu ngũ của người Trung Quốc.

Năm con rồng xung quanh ngai vàng (Ảnh: Blog.sina)
Các cửa ra vào và cửa sổ đều có những mảng hoa văn “Long” đặc trưng văn hóa Trung Hoa. (Ảnh: Blog.sina)

Trần điện

Trong kiến trúc truyền thống, rồng còn được trang trí trên cột trụ, bức tường phù điêu, trần điện, mái nhà v.v. Theo người Trung ngày xưa, đây vừa là một hình thức trang trí, cũng mang ý nghĩa tâm linh, khẩn cầu thân linh phù hộ.

(Ảnh: Weixin)

Trần được thiết kế tạo dáng hình vòm, có hình rồng cuộn, và từ miệng giếng tỏa ra một chùm những quả cầu bằng kim loại, được gọi là “Gương Hiên Viên”, với ngụ ý quay trở về với Hiên Viên Hoàng Đế, một vị vua huyền thoại và anh hùng văn hóa Trung Quốc, là thủy tổ của người Hán.

Trần đình trong Dưỡng Tâm điện (Ảnh: Weixin)

Cột long trụ

Trong quan niệm ngày xưa, để tượng trưng những con rồng chưa bay về trời, mà còn ở lại nhân gian bảo vệ cuộc sống bình an của người dân, các nghệ nhân đã chạm khắc chúng lên các cây cột trụ, bao quanh lấy các cung điện trong Tử Cấm Thành.

 

Cột Long trụ (Ảnh: Qunar)

Theo thời gian, các cột long trụ cũng có những sự thay đổi nhất định. Cột long trụ thời kì đầu có đường kính nhỏ, kỹ thuật điêu còn mộc mạc, đơn giản, càng về sau, văn hóa Trung Hoa có những sự kết hợp, kế thừa của các triều đại nên các thiết kế cũng ngày càng phức tạp. Ban đầu, người ta thường dùng “đá” làm vật kiệu chính để tạc ra các cột long trụ, sau này đã có sự biến đổi, có thể tạc từ “ngọc”, “đồng” hoặc là “gỗ” v.v.

8 cột long trụ trước đền Thánh Mẫu (Ảnh: bbs.zol)

Thềm trước điện Thánh Mẫu có 8 cột gỗ long trụ, thiết kế tinh xảo, móng vuốt duỗi có lực, thân mình uốn khúc tự nhiên. Theo nghiên cứu, thời Tùy Đường có xuất hiện nhiều long trụ trước các đền thờ tương tự.

Các cột long trụ ở trước đền Thánh mẫu (Ảnh: bbs.zol)
Các cột long trụ ở trước đền Thánh mẫu (Ảnh: bbs.zol)

Bức Long bích

Long bích (Bình phong chạm khắc rồng) cũng là một nét văn hóa đặc biệt trong kiến trúc truyền thống Trung Hoa. Có thể dùng như một vật trang trí tô điểm thêm cho không gian thêm trang nghiêm, xa hoa, được dựng trước cung điện, vương phủ, đền thờ v.v.

Đại Đồng được gọi là thành phố của những bức long bích. Hiện nay ở thành phố cổ này, vẫn còn lưu giữ: 4 bức Nhất Long (một con rồng), 1 bức Tam Long, 3 bức Ngũ Long và 1 bức Cửu Long.

Bức “Cửu Long” nổi tiếng ở Đại Đồng (Ảnh: Ctrip)

Các bức long bích được phủ lên rất nhiều màu sắc, trắng, đen, vàng, xanh dương, tím v.v. và được tráng men trông rất cổ kính, đặc biệt kỹ thuật chế tạo cho ra các thành phẩm lại rất khác nhau, tạo nên một nét đặc sắc không lẫn vào đâu được của Đại Đồng. 

Bức “Tam Long” tráng men 2 mặt duy nhất ở Đại Đồng, đây là một di tích còn lưu lại từ thời nhà Minh, dài 12m, cao 6m và dày 1,2m (Ảnh: Ctrip)

Hình tượng rồng khắp nền văn hoá Trung Quốc mấy ngàn năm không suy giảm, dễ dàng bắt gặp trong các công trình kiến trúc, điêu khắc, hội họa, âm nhạc, thi ca, văn chương, vũ đạo, tín ngưỡng dân gian, thần thoại, v.v… Dù thời phong kiến đã trở thành lịch sử, nhưng hình tượng rồng vẫn hằng tồn tại trong tâm tưởng và trong đời sống tâm linh của người dân Trung Quốc.

Theo Douban.com

Trâm Anh biên dịch

Clip ý nghĩa:

videoinfo__video3.dkn.tv||68a6bcfd4__