Sứ Thanh Hoa được bắt nguồn từ thời nhà Đường, nhưng thực sự có bước đột phá lớn là khi qua các lò nung ở thời nhà Nguyên. Giá trị nghệ thuật độc đáo của sứ Thanh Hoa ở thời Nguyên là không thể phủ nhận, hiện nay những cổ vật được lưu lại còn rất ít, với giá thi trường càng ngày càng tăng, vì thế mà khiến cho sứ Thanh Hoa trở thành loại đồ gốm cổ được những con mắt của vạn người ngắm nhìn.

Sứ Thanh Hoa trong thời nhà Nguyên với màu sắc chủ yếu là xanh và trắng, đây là ảnh hưởng từ văn hóa của Ba Tư. Bởi người Mông Cổ (sáng lập ra nhà Nguyên) cũng rất thích dùng màu trắng và xanh, màu xanh lại là màu chính của văn hóa Hồi giáo. Đầu thế kỉ 13, một nhóm lớn người Ả Rập, Ba Tư và Thổ Nhĩ Kỳ cùng nhau tiến vào vùng đất người Hán, trong đó có thợ mộc, nhà thiên văn học cùng y học gia, họ mang theo cả văn hóa phương Tây du nhập vào Hán địa. Sau khi nhà Nguyên được thành lập, một số lượng lớn trí thức Hồi giáo và thương nhân, thông qua con đường tơ lụa mà tiến nhập Hán địa. Từ đó những nghệ nhân nhà Nguyên bị ảnh hưởng và bắt đầu đem những họa tiết hoa văn của mình kết hợp với sứ màu xanh và trắng, để nung ra thành sứ Thanh Hoa nổi tiếng bao đời, khai sáng một nét thẩm mỹ mới tại vùng đất người Hán.

Khi khai quật chín ngôi mộ của triều đại nhà Minh, đã tìm được 10 đồ vật sứ Thanh Hoa của thời Nguyên như dưới đây; tất cả đều là những vật phẩm được chế tạo từ lò nung thị trấn Cảnh Đức, là những sản phẩm tiêu chuẩn cao mà chỗ khác khó có thể đạt tới.

1. Chiếc bát sứ Thanh Hoa có chân cao

Vị trí khai quật đầu tiên là phần đất bên ngoài lăng Uông Hưng Tổ vào năm thứ 4 của Minh Hồng Vũ (1371) nằm tại thành phố Nam Kinh, Giang Tô. Đồ sứ Thanh Hoa được khai quật là một chiếc bát có chân cao, bên ngoài có hoa văn rồng, bên trong có hoa văn hoa cúc. Thời gian khai quật vào năm 1970, hiện đang được cất giữ tại Bảo tàng thành phố Nam Kinh, Giang Tô.

Chân của chén cao 11, đường kính 12.9cm, chân kính 4 cm. (Ảnh: sohu.com)

2. Bình sứ Thanh Hoa họa tiết long vân

Vị trí thứ hai nằm ở huyện Trâu, tỉnh Sơn Đông. Vật khai quật được là một chiếc bình có hoa văn vân long (mây rồng) chôn cạnh mộ Qua phi của Minh Lỗ Hoang Vương Chu Đàn (Qua phi là chỉ thê thiếp họ Qua), thời gian chôn là vào năm thứ 22 vua Minh Hồng Vũ (1389). Chu Đàn là con trai thứ mười của Thái Tổ Chu Nguyên Chương, sau khi ra đời hai tháng đã được phong làm Lỗ Vương, kết hôn ở tuổi 15. Năm 1971, bình sứ Thanh Hoa này được khai quật, hiện đang cất giữ tại Bảo tàng tỉnh Sơn Đông.

Bình cao 33cm; Phần cổ của bình bị mẻ nhưng màu sắc của sứ Thanh Hoa còn tương đối đẹp và tươi sáng, hoa văn tiêu biểu là họa tiết rồng với bốn chân, hình tượng khỏe khoắn, đầu nhỏ, thân nhỏ, ngoài hoa văn mây vân, xung quanh còn điểm thêm những đóa hoa sen hết sức sinh động.

(Ảnh: sohu.com)

3. Bình sứ Thanh Hoa có hoa văn là tranh tả Tiêu Hà đuổi Hàn Tín dưới trăng

Vị trí thứ ba nằm tại núi Quan Âm, Nam Kinh, Giang Tô, khai quật tại phần đất cạnh mộ của Mộc Anh, ước lượng vào năm thứ 25 của Minh Hồng Vũ (1392). Đây là một bình đựng hoa mai với họa tiết Tiêu Hà đuổi Hàn Tín dưới ánh trăng. Năm 1950 được xuất thổ, hiện đang được cất giữ tại Bảo tàng thành phố Nam Kinh, Giang Tô.

Toàn thân chiếc bình có 5 tầng hoa văn, được vẽ vô cùng tinh mỹ: phần bả vai là họa tiết dây hoa sen; phần bụng vẽ Tiêu Hà đuổi Hàn Tín dưới ánh trăng; hình ảnh tô điểm thêm có cây trúc, cây chuối, cây tùng đua nhau vươn mình; phần phía dưới là các loại hoa văn cây lá uốn quyện… Bình sứ Thanh Hoa này được giữ nguyên vẹn không hề sứt mẻ, là một văn vật quốc bảo quan trọng.

(Ảnh: sohu.com)

4. Bình sứ Thanh Hoa có nắp với hoa văn hoa mẫu đơn

Vị trí thứ tư được khai quật nằm ở tỉnh An Huy, chôn cùng mộ Thang Hòa vào năm 28 Minh Hồng Vũ (1395), vật phẩm sứ Thanh Hoa này là một chiếc bình có nắp với hoa văn hoa mẫu đơn và các dây leo cuốn, xuất thổ năm 1973, được cất giữ tại Bảo tàng tỉnh An Huy. Thang Hòa sinh vào năm Nguyên Thái Định thứ 3 (1926), mất vào năm Minh Hồng Vũ. Xung quanh mộ của ông đã khai quật được rất nhiều đồ gốm sứ, vàng bạc, cùng với ngọc bội, trên dưới cũng đến hơn 100 món đồ quý giá.

(Ảnh: sohu.com)

5. Hai bình sứ Thanh Hoa có họa tiết khác nhau được tìm thấy trong cùng một ngôi mộ

Vị trí thứ năm nằm tại thành phố Chung Tường, tỉnh Hồ Bắc, khai quật cạnh mộ của Dĩnh Tịnh Vương, chôn vào năm Minh Vĩnh Nhạc thứ 12 (1414). Đến năm 2006 mới được tìm thấy và đưa về Bảo tàng tỉnh Hồ Bắc cất giữ. Tại đây khai quật được hai món bảo vật là hai bình sứ Thanh Hoa. Đây là phần mộ hợp táng, tức chôn cất hai vợ chồng Chu Đống (Chu Đống là con trai thứ 23 của Chu Nguyên Chương, hay còn gọi là Dĩnh Tịnh Vương).

(Ảnh: sohu.com)

Hai bình sứ Thanh Hoa này có hai kiểu hoa văn khác nhau, một là hoa văn long vân, màu sắc đậm đà diễm lệ, có một ít đốm, nhưng hội họa hơi thô, có 4 tầng hoa văn, chủ yếu là dây leo hoa mẫu đơn cùng với rồng bốn chân, hình tượng rồng uy mãnh, có gáy nhỏ. Món còn lại là bình mai với hoa văn là bức “Tứ ái đồ”, màu sắc so với bình long vân bên trên thì nhạt hơn.

 

(Ảnh: sohu.com)

6. Bình sứ Thanh Hoa tìm thấy trong một ngôi mộ bị trộm

Vị trí thứ sáu được khai quật lại là Nam Kinh, Giang Tô. Vật phẩm là bình sứ Thanh Hoa được chôn cùng mộ Vương thị vào năm Minh Vĩnh Nhạc thứ 14 (1416), được xuất thổ vào tháng 9 năm 1990 và được cất giữ trong Bảo tàng thành phố Nam Kinh. Vương thị là vợ của chỉ huy sứ Minh Hiểu Lăng, mộ của Vương thị đã bị trộm mất, trong mộ chỉ còn lưu lại vài mảnh vụn màu xanh, trắng mịn tuyệt đẹp của sứ Thanh Hoa. Chiếc bình được khai quật là thứ duy nhất còn nguyên vẹn, có hoa văn chim phượng và dây leo. 

(Ảnh: arton.net)

7. Bát sứ Thanh Hoa với hoa văn uyên ương trong ao sen

Vị trí thứ bảy nằm tại bên ngoài một căn nhà trên núi Lang Trạch, Nam Kinh, tại phần mộ của Diệp thị đào được một chiếc bát với hoa văn uyên ương trong ao sen, thời gian được xác định vào năm thứ 16 Minh Vĩnh Nhạc (1418). Năm 1960 chiếc bát này được khai quật và cất giữ tại Bảo tàng thành phố Nam Kinh. Diệp thị là hoàng thân quốc thích với Minh Vĩnh Nhạc, trong phần mộ của Diệp thị có chôn theo 169 đồ sứ Long Tuyền, ngoài ra còn có rất nhiều vàng bạc châu báu, đồ đồng, đồ sắt kèm theo. Trong đó có chiếc bát sứ Thanh Hoa với họa tiết uyên ương trong ao sen này.

(Ảnh: sohu.com)

8. Bình sứ Thanh Hoa với hoa văn hoa mẫu đơn

Vị trí thứ tám nằm tại Giang Ninh, Giang Tô, chôn cùng với Mộc Thịnh (con trai của Mộc Anh) vào năm Minh Chính Thống thứ 4 (1439). Vật khai quật được là một bình sứ Thanh Hoa hoa văn hoa mẫu đơn, được đào lên vào năm 1959 và cất giữ tại Bảo tàng thành phố Nam Kinh.

(Ảnh: sohu.com)

9. Bình sứ Thanh Hoa có nắp hoa văn hoa mẫu đơn

Vị trí thứ chín nằm tại quận Sở Châu, thành phố Hoàng An, Giang Tô, phát hiện chôn cạnh mộ hợp táng của vợ chồng Đào Thăng vào năm thứ 6 Minh Thành Hóa (1470). Đây là một bình sứ Thanh Hoa có nắp với hoa văn hoa mẫu đơn cùng dây leo, Được tìm thấy năm 1980, hiện đang được cất giữ tại Bảo tàng quận Sở Châu, thành phố Hoài An.

(Ảnh: sohu.com)

Có rất nhiều chủ đề được sáng tạo trên đồ sứ Thanh Hoa; ngoài những văn vật quen thuộc như chim muông, hoa lá, côn trùng, rồng phượng thường thấy, sứ Thanh Hoa thời Nguyên đã đem những câu chuyện, những tác phẩm văn học hay điển cố điển tích để vẽ lên những hoa văn trên đó. Sứ Thanh Hoa là một tác phẩm tiêu biểu của thời đại đó, có bản chất hoàn toàn khác biệt so với sứ Nhữ Diêu nhà Tống, khiến cho đồ gốm sứ Trung Hoa vươn lên một trình độ trang trí đồ gốm với nghệ thuật hội họa phong phú. Trọng yếu hơn nữa là tài nghệ thủ công của nghệ nhân đạt đến đỉnh điểm; Bất kể là màu sắc, hoa văn hay chất lượng đều là kiệt tác; Hình dáng hùng hồn mạnh mẽ, hoa văn co dãn, nhạt đậm thanh thoát, toàn thân sản phẩm tràn ngập sự kiêu sa, gây cảm giác rung động mãnh liệt với những ai yêu thích sứ Thanh Hoa.

Đó chính là lý do tại sao mà sứ Thanh Hoa cực kỳ hiếm có khó tìm, có số lượng hết sức nhỏ. Trên toàn thế giới hiện nay chỉ có khoảng 300 món bảo vật được tìm thấy, những bình sứ có mang tác phẩm điển cố trên đó còn khan hiếm hơn nữa. Toàn thế giới cũng chỉ có chưa đầy 10 món đồ, hầu hết đều nằm trong các viện bảo tàng.

Theo sohu.com

Uyển Vân biên dịch