Nhân dịp đầu xuân năm 2019, loạt tác phẩm của nghệ sĩ điêu khắc đá Trịnh Văn Dụ với chủ đề “Bảo vệ” đã được trưng bày trong 10 ngày tại Trung tâm văn hóa thành phố Cao Hùng, Đài Loan. Khách tham quan đã cảm nhận được sự ấm áp của các tác phẩm, đó là sự cộng hưởng của trái tim với những ý tưởng sáng tạo của tác giả.
Nghệ thuật chạm khắc đá Trung Hoa, với lịch sử lâu đời, được lưu truyền cẩn thận, có số lượng tác phẩm khó mà đếm xuể. Trịnh Văn Dụ tin rằng vật liệu đá tự nhiên chất phác phong phú, với nhiều hình dạng khác nhau, có thể được tạo hình tùy theo sở thích cá nhân, tạo ra một không gian rộng lớn và có thể bảo tồn trong một thời gian dài. Đây là một trong những lý do tại sao anh chọn sử dụng vật liệu đá để phát huy sự sáng tạo của mình.
“Tôi hy vọng rằng tác phẩm của tôi có thể an ủi lòng người và mang đến hy vọng!”
Trịnh Văn Dụ không xuất thân từ những lớp học điêu khắc bài bản, nhưng anh có một cảm xúc đặc biệt với những hòn đá từ thời thơ ấu. Một lần trong giờ học thủ công khi còn ngồi trên ghế nhà trường, anh đã tạo ra con dấu khắc gỗ đầu tiên trong đời, nhận được sự tán thưởng của giáo viên, càng khiến anh nảy sinh hứng thú với việc chạm khắc, nhưng anh chưa đi vào chuyên sâu. Cho đến khi anh kết hôn, chuyển sang ngành vận tải và được trả lương cao, anh mới có cơ hội nối lại mối tiền duyên của mình với những viên đá.
Từ lúc đầu học theo phương pháp chạm khắc đá thủ cộng tại địa phương, anh đã dần tự mình mày mò khám phá, rồi tham gia vào xưởng điêu khắc, học hỏi trong thực tế trong nhiều năm. Khi đã trưởng thành, vào năm 2007, anh theo học nghệ sĩ chạm khắc ngọc bích nổi tiếng quốc tế Trần Bồi Thạch và nghiên cứu gìn giữ di sản văn hóa. Trong quãng thời gian 7 năm trước và sau khi nhập môn, Trịnh Văn Dụ đã hướng tầm nhìn ra quốc tế và thành lập một xưởng khắc đá cá nhân vào năm 2012.
Trịnh Văn Dụ nói rằng, giáo sư Trần Bồi Thạch với kỹ thuật giảng dạy, kinh nghiệm, cách sử dụng các phương tiện tổng hợp, cách vượt qua nút thắt của sáng tạo, v.v.., đã cho anh nhiều cảm hứng để thoát khỏi các quy tắc giảng dạy đóng khung của quá khứ, để người học có thể tự do sử dụng trí tưởng tượng và sức sáng tạo của họ; từ đó màu sắc của lý tưởng cá nhân được hòa quyện vào tác phẩm, tạo nên một phong cách thẩm mỹ độc đáo.
Sáng tạo từ cảm xúc thực tế và trải nghiệm cuộc sống
Để thu thập tất cả các loại nhã thạch, Trịnh Văn Dụ đã đi khắp bờ biển phía đông và phía tây của Đài Loan; các tế bào nghệ thuật trong cơ thể anh dường như đều được kích hoạt. Từ việc quyết định bỏ công việc lương cao, được người nhà hoàn toàn ủng hộ, đưa anh đến một lĩnh vực sáng tác mới, trở thành một thợ khắc đá thủ công chuyên nghiệp.
Công việc của anh được lấy cảm hứng từ những cảm xúc thực tế và trải nghiệm cuộc sống. “Mỗi tác phẩm của tôi đều xuất phát từ những cảm xúc có thật trong cuộc sống.” Trịnh Văn Dụ nói về một kỷ niệm đáng nhớ: Trong trận động đất năm 1999, quê hương Chu Sơn của anh bị tàn phá nghiêm trọng, gia đình anh cũng bị ảnh hưởng. Dù vui mừng vì cả gia đình đều thoát nạn an toàn, nhưng trong thảm họa lớn, anh cảm thấy mọi người mong muốn tìm kiếm một sự an ủi về tâm linh.
Khung cảnh hiện trường nơi xảy ra thảm họa cùng với khoảnh khắc giữa sự sống và cái chết đã kích hoạt anh suy nghĩ sâu sắc về đất đai, môi trường, sinh thái, lịch sử và văn hóa, trở thành nguồn gốc của sự sáng tạo trong tương lai của anh.
Chuỗi bức tượng cú mèo bắt đầu xuất hiện từ linh cảm sau trận động đất nói trên. Sau khi trùng tu một ngôi đền hơn 100 năm tuổi tại địa phương, một ngày nọ, đột nhiên có hai con cú mèo tới, ban ngày ẩn núp, tới tối mới xuất hiện, cứ thế trong gần 10 năm, được người dân cho là linh điểu trấn an lòng người. Trong văn hóa cổ đại phương Tây, văn hóa dân gian Nhật Bản và vật tổ của thổ dân Đài Loan, cú mèo có ý nghĩa tượng trưng cho trí tuệ, học tập, điềm lành và cát tường. Trịnh Văn Dụ lấy nó làm chủ đề và lấy tên “Bảo vệ” để truyền đạt ý nghĩa mang tới điềm lành.
Ngoài ra, anh miêu tả hoa anh đào để ghi lại những nỗ lực của Đài Loan trong việc bảo vệ môi trường sinh thái. Việc chạm khắc các tòa nhà lịch sử như công viên Trung Sơn, pháo đài An Bình Cổ Bảo có ý nghĩa kêu gọi bảo tồn văn hóa của địa phương.
Trái tim sùng đạo giúp anh tạo ra những bức tượng của các vị thần, Phật hoặc những nhà thờ và ngôi đền nổi tiếng, làm nổi bật tinh thần tâm linh của con người, mang lại sự hỗ trợ tinh thần. Nhiều tác phẩm của Trịnh Văn Dụ có hình tượng mặt trời và tạo khung cảnh rạng rỡ một cách rất chi tiết, đem tới cho người xem sự suy ngẫm về ánh sáng và hy vọng.
“Tướng tại tâm sinh” – Mỗi tác phẩm của anh đều là độc nhất vô nhị
Trịnh Văn Dụ sử dụng đá làm cơ sở và sử dụng các vật liệu khác như sơn mài, đá quý, ốc sên, bột kim loại và thép không gỉ để tô điểm thêm màu sắc cho tác phẩm. Có nhiều sáng kiến kỹ xảo chuyên môn, nhưng kinh nghiệm của bản thân anh là “Kỹ thuật không khó. Chỉ khó khi muốn tạo ra cảm giác quyến rũ cho tác phẩm và đạt được cảnh giới nghệ thuật hiện thực.”
Trong một thời gian dài, anh giam mình trong môi trường cắt giảm tiếng ồn và bụi bặm, lấy khổ làm vui, cảm nhận sâu sắc rằng sáng tạo chính là một quá trình tu luyện.
“Từ trái tim, tâm lý sáng tạo sẽ được phóng chiếu lên thành vật thể. Khi trạng thái tâm hồn thanh thản, sẽ thường mang đến những ý tưởng mới và mang lại những thay đổi. Mỗi viên đá dường như hướng tôi vào một tình huống khác nhau và tôi luôn nhận được hiệu quả bất ngờ. Nếu tâm lý không ổn định, kết quả cho ra chắc chắn sẽ không toàn vẹn“. Trịnh Văn Dụ nói rằng sự thăng hoa tâm tính mới là thu hoạch lớn nhất của anh trong quá trình sáng tạo.
Do đó, sau nhiều năm suy ngẫm, Trịnh Văn Dụ cảm thấy rằng lợi ích lớn nhất không phải là sự đột phá của dao cắt kỹ thuật, mà là sự cải thiện của tâm hồn. Trịnh Văn Dụ cảm thấy tâm lý của mình ngày càng bình thản hơn, anh tin rằng mọi thứ đều nên phù hợp với tự nhiên. Đó là quy luật chung sống hòa bình của trời và đất. Vì vậy, bất kể là danh lợi được hay mất, để phấn đấu cho sự hoàn hảo của tác phẩm, anh đều tình nguyện thực hiện với sự bình đạm giản đơn.
Anh nói: “Mặc dù khó khăn, nhưng công việc sáng tạo kết hợp với cảm xúc cá nhân không thể được tính bằng việc sản xuất hàng loạt, những người khác khó có thể sao chép lại tác phẩm của tôi.” Trịnh Văn Dụ nói với một nụ cười: “Đây giống như DNA của tôi vậy, mỗi tác phẩm đều là duy nhất“.
Giữ vững cảm xúc ban đầu của trái tim, tập trung chú ý vào nghệ thuật chạm khắc đá
Cô Trương – một người đến tham dự triển lãm cùng với ba người trong gia đình, nói rằng, khi cô đối mặt với bức tượng Phật bằng đá, trái tim cô tự nhiên cảm thấy an tường và nghiêm trang. Cô còn mỉm cười và nói rằng cô đặc biệt thích chiếc khay khắc đá độc đáo của Trịnh Văn Dụ. Tác phẩm đặc biệt này đã được cất giữ nhiều năm, nay mới đem ra trưng bày
Một vị bác sĩ 95 tuổi đã nghỉ hưu, với một bài diễn văn ngắn gọn về “kế thừa văn hóa truyền thống Trung Hoa vì lợi ích của các thế hệ tương lai” như tiếp thêm sức mạnh cho Trịnh Văn Dụ. Ông bác sĩ già với lời lẽ chân thành đã mang đến cho anh một sự khích lệ lớn.
Trịnh Văn Dụ đã giành được nhiều giải thưởng trong các triển lãm nghệ thuật khác nhau. Trong năm 2014 và 2016, bộ các tác phẩm “Phóng thích” và “Quê hương của linh hồn” của anh đã giành vị trí thứ nhất và thứ nhì trong Triển lãm nghệ thuật quốc tế Đại Đôn, Đài Trung, truyền cảm hứng cho anh tiếp tục kiên trì. Anh nói với sự tự tin rằng tương lai của anh sẽ luôn luôn là cảm xúc của trái tim và sự tập trung vào nghệ thuật chạm khắc đá.
Theo epochtimes.com
Uyển Vân biên dịch