Đại Kỷ Nguyên

Câu chuyện có thật trong “Nghệ sĩ dương cầm”: Tình người tỏa sáng trong chiến tranh như những vì sao lấp lánh trong đêm tối

Chiến tranh đã reo rắc bao đau thương cho nhân loại. Nhưng dường như trong chiến tranh chính nó cũng khiến những phẩm chất tốt đẹp nhất của con người được bộc lộ một cách chân thực nhất.

Đặc biệt trong các cuộc chiến chính tà, có mấy ai thực sự giữ được sự thiện lương chân chính, dám mạo hiểm sinh mệnh, không màng sống chết, để không dấn thân hay ủng hộ tội ác trong hoàn cảnh cái ác thống trị. Mà phải đợi khi nó qua đi, sự thật được phơi bày và cái ác bị đẩy lùi người ta mới nhận ra sự thật…Vậy mà đã có một câu chuyện thật như thế…

Những giải Oscar danh giá…

The Pianist” – tên phim tiếng Việt được dịch là “Nghệ sĩ dương cầm“, là bộ phim của đạo diễn gốc Ba Lan Roman Polanski, chuyển thể năm 2002 từ hồi ký cùng tên rất nổi tiếng của nghệ sĩ dương cầm người Do Thái Wladyslaw Szpilman. Bộ phim là một lời kể lại chân thực của chính người trong cuộc về thảm họa diệt chủng do phát xít Đức gây ra, đồng thời cũng là phim hay nhất trong sự nghiệp đồ sộ của đạo diễn Roman Polanski về âm nhạc và sức mạnh của nghệ thuật.

The Pianist – bộ phim đã giành được những giải Oscar danh giá nhất

Bộ phim đã trở thành một tác phẩm điện ảnh kinh điển và đã nhận được nhiều giải thưởng danh giá nhất trên thế giới: Ba giải Oscar quan trọng nhất: cho kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất, diễn viên chính xuất sắc nhất, đạo diễn xuất sắc nhất, và hàng loạt giải thưởng ở khác như Cannes, Cesar…

Nghệ sĩ dương cầm Wladyslaw Szpiman rất nổi tiếng trước chiến tranh với tiếng đàn êm dịu và có sức cuốn hút mãnh liệt. Tuy vậy, tiếng đàn yên bình của anh không được chiến tranh buông tha. Szpiman và gia đình cùng hàng triệu người Do Thái khác bị đưa vào trại tập trung và bị đối xử tàn tệ. Người nghệ sĩ này  phải lao động khổ sai, bị chà đạp quyền sống.

Một phân đoạn nổi tiếng và đắt giá nhất trong bộ phim chính là cảnh nghệ sĩ dương cầm Sziplman đang lẩn trốn trong ngôi biệt thự hoang phế, với tình trạng dở sống dở chết và trong khi mở hộp đậu cuối cùng thì ông bị bắt gặp bởi một viên sĩ quan phát xít Đức. Nhưng thay vì cho ông một viên đạn vào đầu như bao tên phát xít khác thì anh này lại yêu cầu ông chơi đàn khi biết ông là một nghệ sĩ dương cầm.

Người nghệ sĩ trong tột cùng đói khổ và kiệt quệ trên những phím đàn…và rồi điều kỳ diệu đến…

Với tất cả tình yêu âm nhạc, yêu quê hương đất nước và sự kìm nén trong đau khổ của một người nghệ sĩ chân chính, ông đã “hóa thánh” với một đoạn nhạc cung Đô thứ bản Dạ khúc của Chopin.

Ban đầu là lo lắng, sợ hãi, và cuối cùng là say mê và thanh thản bên phím đàn: sức mạnh kỳ diệu của âm nhạc đã xóa nhòa cái chết và khổ đau…

Szpilman ban đầu đã chơi đàn với tất cả những lo lắng, sợ hãi nhưng cuối cùng lại là sự say mê, thanh thản. Anh đã chọn chơi một bản của Chopin về tình yêu nước của những người dân Ba Lan, những ngón tay điêu luyện lướt trên phim đàn như được chơi lần cuối.

Sau khi nghe tiếng đàn, viên sĩ quan đã say đắm trước tài năng của Szpilman, thậm chí còn mang thức ăn, áo khoác giúp người nghệ sĩ vượt qua mùa đông buốt giá.

Không còn ranh giới về quốc gia, dân tộc, tư tưởng, nhiệm vụ hay bất cứ rào cản nào, trước âm nhạc và nghệ thuật, giữa hai con người xa lạ chỉ còn tình yêu. Chiến tranh không thể xóa bỏ những giá trị nhân văn của con người – có lẽ đây là thông điệp đẹp đẽ nhất mà bộ phim mang lại.

Mặc dù bộ phim chuyển thể một cách hết sức chân thực từ cuốn hồi ký của Sziplman, nhưng sự thật là cuốn hồi ký của ông chỉ được xuất bản một lần vào năm 1946 sau khi chiến tranh vừa kết thúc và nó được viết ngay trong thời điểm rất nóng bỏng, nhưng có lẽ chính vậy mà nó bị lãng quên vì có lẽ  nó chứa đựng những sự thật quá đau buồn nên thời điểm nó ra đời người ta không muốn đón nhận nó.

Nỗi đau chiến tranh – người nghệ sĩ dương cầm tuyệt vọng trong thành phố đổ nát hoang tàn…

Đời thực của các nhân vật chính

Và các nhận vật trong cuộc chiến cũng nhanh chóng đi vào quên lãng. Mãi cho tới năm 2002 – hơn 50 năm sau, đạo diễn tài ba Roman Polanski chuyển thể thành phim và sự thật lại triển hiện một cách vô cùng chân thực trên màn ảnh khiến người ta bàng hoàng xúc động bởi nghị lực sống, sức mạnh của ý chí, của tâm hồn nghệ sĩ chân chính, của tình người tỏa sáng một cách rõ nét trong chiến tranh như những vì sao trong đêm tối.

Sziplman đời thực (bên trái) và diễn viên đóng vai ông trong phim the Pianist: Adrien Brody…

Ngọn hải đăng trong mịt mùng đêm tối….

Nhờ sự thành công vang dội của bộ phim mà thế giới mới biết đến một người anh hùng thầm lặng, một người thiện lương chân chính đã bị quên lãng trong chiến tranh và ông đã trở thành một biểu tượng của lòng tốt và sự quả cảm. Đó chính là viên sĩ quan quân đội Đức quốc xã– Wilhelm Adalbert Hosenfeld, vị cứu tinh của Sziplman.

Hình ảnh thật của Wilm Hosenfeld vào tháng 2 năm 1940, bên một người Do Thái…

Khi biết được cuộc chiến diệt chủng ghê tởm mà Hitler đang thực hiện, Honsenfeld đã không màng tới tính mạng của và lời thề sai lầm trước đó để giúp những người Do Thái vô tội. Đó là lời thề do bị mê hoặc bởi các lý tưởng cao đẹp dối trá mà Hitler đã vẽ ra để dẫn dụ rất nhiều người Đức lúc đó gia nhập Đảng Quốc Xã và quân đội của ông ta.

Tác giả cuốn “I always see the human being before me”- nhà văn Hermann Vinke nhận xét về ông: “đạo đức và lòng nhân hậu của ông được giữ gìn trọn vẹn trong chiến tranh” và “ông giống như một ngọn hải đăng trong đêm tối”.

Một số những câu trích đoạn trong nhật ký của ông và trong các bức thư gửi cho người thân đã nói lên tư tưởng, sự ăn năn và lòng thương cảm của ông với những nạn nhân của Đức Quốc Xã trong chiến tranh thế giới II:

Khi lần đầu tiên chứng kiến những tù nhân Ba Lan trong tình trạng đói khát và bị ngược đãi, ông đã bị sốc và  viết trong một bức thư cho vợ: “Anh nghĩ mọi người nhìn nhận và thấy rằng anh đang chịu đựng cùng họ. Thật là đau xót khi thấy những con người khốn khổ này, nhưng bọn anh bất lực. Nhưng anh tìm kiếm và giúp đỡ những người anh có thể.”

Bức chân dung đi vào lịch sử của Honsenfeld

Ông nói với vợ rằng  ông “ đang mặc đồng phục của tội phạm” ” một người xấu hổ vì là người Đức”.

Năm 1943, sau khi chứng kiến những người Do Thái cuối cùng bị bắn chết hoặc bị bức hại chết ngạt tại các phòng khí gas trong cuộc đàn áp sự cuộc nổi dậy của người Do Thái ở khu tập trung Warsaw, ông đã viết trong nhật ký: “Những người bị đối xử như động vật này. Với cuộc giết chóc hàng loạt đáng ghê tởm những người Do Thái, chúng ta đã thua trong cuộc chiến này. Chúng ta đã tự khoác lên mình sự nguyền rủa vĩnh cửu và sẽ mãi mãi khoác lên mình sự sỉ nhục hổ thẹn. Chúng ta không có quyền đòi hỏi hỏi sự tha thứ hay thương xót. Tôi cảm thấy xấu hổ khi bước đi trong thành phố này ” – Nhật ký Hosenfeld. 

“Thật không thể tin vào những điều này, mặc dù chúng là sự thật. Ngày hôm qua tôi đã thấy hai trong số những con quái vật (lính S.S của Đức Quốc Xã) trên xe điện. Chúng cầm roi điện khi chúng ra khỏi khu tập trung. Tôi muốn ném những tên súc sinh này xuống dưới gầm xe. Chúng ta thật hèn nhát biết bao, mong muốn được tốt hơn và cho phép tất cả những điều này xảy ra. Vì điều này mà chúng ta và con cháu chúng ta sẽ bị trừng phạt, vì chúng ta cho phép những tội ác này xảy ra, chúng ta là những người hiệp đồng với tội ác”.

  “Những con quái vật này nghĩ rằng chúng ta sẽ dành chiến thắng theo cách này. Nhưng chúng ta đã thua cuộc với tội diệt chủng người Do Thái. Chúng ta đã tự mang sự xấu hổ không thể xóa bỏ; một lời nguyền không thể phá giải. Chúng ta không xứng đáng có được lòng thương xót; tất cả chúng ta đều phạm tội.”

Mặc dù cuộc đời xô đẩy Hosenfeld gia nhập đội quân của ma quỷ, nhưng sự lương thiện chân chính của ông đã giúp ông sớm nhận bản chất của tội ác và đã đứng lên để bảo vệ những người vô tội.

Ông đã được thế giới vinh danh, phong tặng danh hiệu cho lòng dũng cảm, sự nhân hậu và tư tưởng tiến bộ của mình. Bộ ngoại giao Israel trao tặng danh hiệu cao quý “Người Dân Ngoại Công Chính” năm 2007 – dành cho những người không phải người Do Thái đã mạo hiểm tính mạng của mình để bảo vệ người Do Thái, được thủ tướng Ba Lan truy phong huân chương Thập chỉ huy Polonia Restituta năm 2009…

Thông điệp mạnh mẽ mà bộ phim với cốt truyện có thật để lại trong lòng người xem, là thông điệp về tình người, về tình yêu và niềm tin vào con người. Âm nhạc và sức mạnh của nghệ thuật khiến nghị lực sống của người nghệ sĩ thêm mãnh liệt. Ngay cả trong những lúc cùng khổ nhất, chính âm nhạc là điều kỳ diệu giúp đẩy lùi chiến tranh, xóa bỏ hận thù, mang con người lại gần nhau.

Chiến tranh dẫu mịt mù tăm tối và tàn ác thế nào cũng không thể xóa bỏ những giá trị nhân văn sáng lấp lánh của con người – có lẽ đây là thông điệp đẹp đẽ nhất mà bộ phim mang lại.

Chúng ta cùng thưởng thức trailer phim, một phân đoạn ngắn được đánh giá là hay nhất, lãng mạn nhất trong bộ phim the Pianist và bản nhạc bất hủ trong phim: Nocture No 20 đô  thứ của nhạc sĩ thiên tài Chopin:

Trailer phim The pianist (2002):

Phân đoạn phim xuất sắc: Cảnh người nghệ sĩ kiệt quệ vì đói khổ thăng hoa trên phím đàn: 

Và trọn vẹn bản nhạc tuyệt diệu Nocture No 20 giọng đô thứ của Chopin:

Thiên Kim- Hà Phương Linh

Exit mobile version