Hội họa là một trong những đỉnh cao của nghệ thuật trong thời kỳ Phục hưng nước Ý. Trong nền hội họa ưu việt đó, phương tiện sơn dầu đã chứng tỏ một sức mạnh vô song trong việc biểu hiện chủ đề một cách chân thực và lộng lẫy nhất.
Tranh sơn dầu trong thời Phục hưng Ý đã thay thế cả tranh màu keo và bích họa với vai trò là kỹ thuật vẽ tranh chính, do tính linh hoạt của nó như một phương tiện truyền tải. Nó tạo ra màu sắc mãnh liệt nhất, dải tông màu lớn nhất và thời gian khô phù hợp cho phép nghệ sĩ thể hiện chi tiết tự nhiên một cách tinh tế nhất.
Dưới đây lần lượt nhìn lại những đại diện xuất sắc của tranh sơn dầu trong lịch sử phát triển của nó.
Ảnh hưởng của bậc thầy người Flemish
Các nghệ sĩ thời kỳ Phục hưng đã nhận thức được những hạn chế của kỹ thuật vẽ tranh bích họa và màu keo. Hai vấn đề chính là các phương tiện hội họa đó khô nhanh, gây khó khăn cho việc trộn các tông màu, và các sắc tố rực rỡ được sử dụng để trộn thành nguyên liệu bị mất cường độ màu trong quá trình vẽ.
Giải pháp cho những vấn đề này đến từ nghệ thuật Bắc Âu và đặc biệt phải kể đến bậc thầy người Flemish vĩ đại, Jan van Eyck. Một số nghệ sĩ đã thử nghiệm một loại vecni gốc dầu để nâng cao tính sống động của màu sắc nhưng không đạt thành công lớn. Những bức tranh được hoàn thiện với vecni khô chậm này phải được để ngoài nắng để phơi khô, nên thường bị nứt hoặc phồng rộp. Trong một nỗ lực để chế ra một loại vecni có thể khô trong nhà, Van Eyck đã phát hiện ra, rằng dầu hạt lanh và dầu quả óc chó khô nhanh hơn bất kỳ loại nào khác mà ông đã thử nghiệm. Hơn nữa, khi thử trộn chúng với các sắc tố, ông thấy rằng màu sắc rực rỡ đến nỗi không còn cần phủ vecni nữa. Chúng cũng không thấm nước khi đã khô, với độ mịn ổn định, có khả năng pha trộn tốt hơn nhiều so với màu keo hoặc bích họa.
Van Eyck từ đó đã phát triển một kỹ thuật đặc biệt với sơn dầu để vẽ ra hình ảnh có tính chất tự nhiên tuyệt vời với các màu sắc rực rỡ. Chi tiết tuyệt đẹp, kết cấu giống như thật, sự pha trộn tinh tế và tương phản đầy kịch tính của tông màu đã mang lại cho ông một danh tiếng vô song trên khắp châu Âu. Bức chân dung ở trên được nhiều nguồn tin coi là bức chân dung tự họa của Van Eyck.
Tranh sơn dầu ở Venice
Antonello da Messina (1430-1479), một nghệ sĩ sinh ra ở Sicilia, được truyền cảm hứng từ những phẩm chất nổi bật của nghệ thuật Flemish. Có nhiều cách giải thích khác nhau về cách Antonello có được kiến thức về kỹ thuật vẽ tranh Flemish, nhưng ông có ảnh hưởng quan trọng như một chiếc cầu nối đến phong cách của một họa sĩ người Venice vĩ đại, Giovanni Bellini, người đã vẽ những bức tranh giới thiệu những đặc trưng đầy màu sắc và không khí gắn liền với nghệ thuật Phục hưng Venice.
Giovanni Bellini
Giovanni Bellini đã là họa sĩ lớn ở Venice vào thời điểm Antonello đến đó. Ông đã vô cùng ấn tượng bởi sự mượt mà trôi chảy của tranh sơn dầu Flemish và đã sử dụng kỹ thuật này cho tác phẩm của chính ông. Ưu điểm của sơn dầu so với các kỹ thuật khác là ngoài thời gian khô chậm như đã nói ở trên thì còn có độ trong mờ. Thời gian khô chậm cho phép các nghệ sĩ mở rộng các nét vẽ của họ và pha trộn để chuyển đổi của tông màu và màu sắc tới một độ mịn mượt mà trước đó không thể thực hiện được. Còn phẩm chất trong mờ của hỗn hợp cho phép họ tập trung vào việc vẽ lót tông màu, nhằm thiết lập một bố cục được mô hình hóa theo điều kiện ánh sáng, từ đó sẽ áp dụng các màu sắc trong suốt để tạo ra một hình ảnh kết quả có độ sáng như ngọc.
Tất cả những phẩm chất này có thể được thấy trong bức tranh ‘Lễ biến hình của Chúa Kitô‘ của Bellini, một trong những thử nghiệm đầu tiên của ông với chất liệu sơn dầu. Tác phẩm này mô tả một cảnh tượng phi thường, nơi con người gặp gỡ thiên thần: khi các tông đồ, Peter, James và John nhìn thấy Chúa Kitô, cùng với Moses và Elijah tắm trong ánh hào quang của thiên đàng. “Peter không biết phải nói gì vì quá kinh ngạc. Sau đó, một đám mây bay tới che khuất họ, và từ trong đó phát ra một tiếng nói: “Đây là con trai của ta, người được yêu kính; các người phải nghe lời ông ấy!“.
Phép ẩn dụ trực quan mà Bellini sử dụng để vẽ nên vầng hào quang huyền bí của sự kiện này là loại ánh sáng mặt trời kỳ lạ, khi không khí bị tích điện bừng lên trước một cơn giông. Những đám mây bão đang tiến đến phía trên Chúa Kitô tượng trưng cho khổ hình và cái chết đang đến gần dành cho Ngài trên thập tự giá. Bầu không khí tích điện với ánh sáng ấn tượng, màu sắc rực rỡ và kết cấu tự nhiên thực sự làm nổi bật cảnh tượng này.
Mặc dù tranh sơn dầu được hình thành ở Bắc Âu, nó đã trưởng thành như một phương tiện hội họa ở Venice. Chúng ta có thể thấy mức độ phát triển đó khi so sánh hai bức chân dung ‘Doges of Venice‘ của Bellini và người học trò của ông là Titian (Tiziano Vecellio), người đã thống trị lĩnh vực tranh sơn dầu ở Venice trong 60 năm sau cái chết của người thầy.
Trong bức chân dung của Bellini, mục đích là tạo ra sự giống hệt tự nhiên nhất có thể. Làn da mịn màng của vị tổng trấn và kết cấu sang trọng của chiếc áo khoác thổ cẩm bằng lụa của ông ta được thể hiện tuyệt đẹp đến từng chi tiết tỉ mỉ. Trong bức tranh chân dung này, họa sĩ đã phát triển tác phẩm qua ba giai đoạn cơ bản:
1. Trên một bản vẽ mỏng, Bellini phát triển độ sâu của màu da, các vùng vải không được trang trí và nền tranh với các lớp màu trong mờ.
2. Sau đó, ông làm nổi bật bản vẽ với những đường thêu trang trí và các chi tiết nhỏ khác với các màu sắc mờ đục hơn, bằng cách sử dụng loại cọ rất mịn.
3. Cuối cùng, ông xây dựng hình dạng tông màu của nhân vật với các vệt tối trong suốt và các điểm sáng mờ đục để thống nhất tất cả các yếu tố của hình ảnh.
Trong bức chân dung ‘Chân dung Tổng trấn Marcantonio Trevisani’ được vẽ bởi Titian, ta thấy một kỹ thuật vẽ rộng hơn, khai thác các phẩm chất tự nhiên của sơn dầu để tạo hiệu ứng biểu cảm. Trong khi Bellini ngụy trang những nét vẽ của mình để tạo ra ảo giác, thì Titian nắm bắt các phẩm chất xúc giác của phương tiện hội họa này và sử dụng chúng như một yếu tố phản ánh tính cách của ông như một nghệ sĩ. Đổi lại sự mất mát về chi tiết trong tranh của ông là sự thanh thoát. Cách vẽ của Titian có một sức sống và vẻ đẹp của riêng nó, cho dù chủ đề là gì. Trong bức tranh Tổng trấn Marcantonio Trevisani, ông thể hiện đầy đủ tiềm năng của chất liệu sơn dầu: một phương tiện chất lỏng dễ khiến có thể được vẽ cả mỏng và dày để tạo ra độ sâu của màu sắc và sự đa dạng của kết cấu. Kỹ thuật của Titian đã mở rộng tiềm năng sáng tạo của tranh sơn dầu và đặt nền móng cho một cách tiếp cận nghệ thuật biểu cảm hơn trong các thế kỷ sau.
Tranh sơn dầu ở Florence
Tranh sơn dầu ở Florence đi theo phong cách chính xác của Bellini, chủ trương phát huy chủ nghĩa tự nhiên mạnh hơn, với sự nhấn mạnh hơn nữa vào tính chính xác của bản vẽ. Bậc thầy nghệ thuật Leonardo da Vinci đã đưa cách tiếp cận này đến mức thượng thừa khi ông phát triển một kỹ thuật gọi là ‘sfumato‘.
Thuật ngữ “sfumato”, nghĩa đen là “mù khói”, dùng để làm mờ các đường viền cứng làm ngăn cách các vật thể hoặc màu sắc liền kề với nhau. Nó mang lại cho hình ảnh một biểu hiện tự nhiên hơn, nhờ gợi lên những chuyển động của năng lượng không dễ nhận ra mà tồn tại ở trong cơ thể sống. Kỹ thuật này chỉ trở nên khả thi nhờ đặc tính thời gian khô chậm của sơn dầu, vì họa sĩ phải mất thời gian đáng kể để pha trộn các màu viền mới đạt tới mức độ tinh tế như vậy.
Có thể thấy hiệu ứng ‘sfumato’ này trong bức tranh ‘Mona Lisa’ của Leonardo. Toàn bộ hình dạng, các đặc điểm trên khuôn mặt và bàn tay của nhân vật được bao bọc trong những đường viền mờ mềm mại, tựa trên một khung cảnh nền mờ ảo.
Bậc thầy nghệ thuật Raphael cũng ngưỡng mộ sự đồng nhất mà kỹ thuật ‘sfumato’ mang lại cho tác phẩm của Leonardo, nhưng ông cảm thấy rằng nó đã triệt tiêu bớt khả năng tạo tông màu. Ông còn nhận thức được rằng Michelangelo đã phát triển kỹ thuật ‘cangiantismo’ để đối phó với một vấn đề tương tự đã xảy ra với bích họa và màu keo. Do đó, ông đã điều chỉnh kỹ thuật ‘sfumato’ thành một phiên bản của riêng mình và gọi đó là ‘unione‘. Trong khi ‘sfumato’ làm mờ đường viền của một hình dạng chỉ với tông màu tối hoặc sáng, thì ‘unione’ cũng làm tương tự, nhưng sử dụng các sắc thái màu mạnh mẽ hơn, do đó giữ lại được các màu sắc rực rỡ mà chúng ta đã quen thuộc mỗi khi nghĩ đến những bức tranh sơn dầu trong thời kỳ Phục hưng nước Ý.
Theo Artyfactory
Bạn đang đọc bài viết: “Sức mạnh vô song của chất liệu sơn dầu trong nghệ thuật hội họa thời Phục hưng nước Ý” tại chuyên mục Nghệ thuật của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: [email protected]. Xin chân thành cảm ơn! |
Clip hay: