Đại Kỷ Nguyên

Tản văn “Ân nhân”: Chuyện về những con hổ có tình có nghĩa

Tuyệt đại đa số chúng ta, khi nghe đến từ “hổ” là nghĩ ngay đến vị chúa tể rừng xanh dữ tợn, giết người chỉ bằng một cú tát, hoặc một phát cắn. Nhưng câu chuyện dưới đây sẽ cho ta một cái nhìn khác về loài vật hung dữ này.

Bố tôi bảo mèo, báo, hổ vốn là anh em ruột trong một nhà. Ban đầu, chúng là bạn tốt, sống thân thiện với người. Đi săn về, chúng thường chia thịt các con mồi kiếm được cho người dùng làm thức ăn. Mèo là em út nhưng tinh ranh, suốt ngày nằm cạnh bếp chờ hai anh. Hắn ít vận động nên thân thể cứ teo dần. Chỉ có tính nịnh người thì ngày càng lớn.

Chính cụ tằng tổ một trăm lẻ tám đời nhà tôi, vì tin lời mèo bé mà lần lượt đuổi hai con mèo lớn vào rừng. Trở về rừng xanh, sống cuộc đời của kẻ tự do đích thực, hai con mèo kia đã trở thành hổ và báo, chúa tể chốn sơn lâm.

Tuy nhiên, những con vật ấy không quên nổi những gì đã học được ở con người. Vì vậy, vợ chồng hổ báo cũng biết yêu thương nhau thắm thiết; hổ báo con cũng được sống trong sự chở che, nuôi dạy chu đáo, tận tình của cha mẹ chúng… Có lẽ vì thế chăng mà cả nhà tôi đã thoát chết?

Ảnh minh họa: Wallpaper Cave

Bố tôi kể, năm Canh Dần 1950, nhà tôi tản cư vào Thanh Hoá. Bố u tôi bỏ tôi và anh Trung vào hai cái thúng, quảy bộ tắt qua rừng Nho Quan. Lúc ngồi nghỉ, u tôi vạch vú cho tôi bú. Bố tôi ẵm anh Trung, dỗ anh ăn vài miếng cơm muối vừng cho đỡ đói.

Bỗng một mùi hôi đến lợm giọng theo gió thoảng tới. Mùi hôi mỗi lúc một nồng nặc cùng những tiếng sột soạt trong rừng cỏ gianh ở ngay phía trước. Bố tôi líu cả lưỡi vì bất chợt thấy một cặp hổ vằn ló đầu ra, liếm liếm những cái lưỡi đỏ ngòm. Nhưng lạ lùng làm sao, hai con hổ, sau khi chăm chắm nhìn u tôi cho con bú, đều khẽ lắc đầu, gầm gừ như nói với nhau một điều gì đấy, rồi quay đầu từ từ lẫn vào cỏ dại. Bố tôi bảo chúng không nỡ ăn thịt những người đang nuôi con thơ!

Rồi, trên đường đi, lúc lương đã cạn, bố u tôi đã mừng rỡ đến chảy cả nước mắt khi thấy trên một tảng đá ai đó đã bày sẵn cho một đùi thịt nai dang dở, còn tươi nguyên. Nhìn kỹ, bố giật mình, nhận ra những dấu chân hổ hút vào rừng rậm. Người bán tín bán nghi, nghĩ thầm, phải chăng chính những con hổ này là hậu duệ cuả những con mèo mà ông cụ tằng tổ nhà tôi đã từng nuôi vào một thời xa lắc?

Sau chiến tranh, phần vì đã quá sợ bom đạn, phần bị con người săn lùng ráo riết để kiếm lợi to, loài hổ báo sống trong các dải rừng ở miền Bắc nước ta có nguy cơ tuyệt chủng. Nghe nói, để thoát được hiểm hoạ, chúng buộc phải chạy vào những miền rừng hoang vu nhất, dọc theo biên giới giữa hai nước Việt – Lào. Bố tôi kể, trong một vài lần xuôi bè trên sông Đà, ở đoạn sông chảy qua địa phận tỉnh Hoà Bình, người còn thấy vài cặp vợ chồng hổ ra sông uống nước. Nhưng cứ thoáng thấy bóng người là chúng đã bỏ chạy…

Ảnh minh họa: thesprucepets.com

Lần ấy, cũng là lần cuối cùng bố đi bè. Nghe tiếng súng săn nổ, bố bảo chú Thả và cánh lái neo bè gỗ vào bờ, may ra thì mua được một ít thịt rừng cải thiện. Vì cả chục hôm rong ruổi qua bao thác ghềnh mà chỉ ăn độc một món rau bí, thèm chất tươi quá!

Vừa lúc đó, có ba người súng ống lăm lăm chạy qua, nói là bắn trọng thương một con hổ cái lớn lắm. Họ hỏi bố có thấy con thú bị thương vừa chạy qua đây không…

Chiều, bố tắt rừng, băng về phía những ngọn khói lam, hy vọng có thể mua hoặc đổi ở đấy một vài con gà. Đang lách người trong một lối đi hẹp, cỏ gianh cao quá đầu người, bố bỗng giật mình, đứng sững lại. Vừa kinh sợ, vừa ngạc nhiên! Trước mặt người là hai con hổ con đang ngậm vú của con hổ mẹ bị thương nặng, mắt đã nhắm nghiền lại. Nằm trên vũng máu của mẹ, hai con hổ nhỏ hầu như chưa ý thức được cái chết đang chờ mẹ con chúng.

Thấy cảnh ấy, chợt nhớ tới đùi thịt nai ngày tản cư năm nào, bố quên hết cả sợ hãi, vội ngồi xuống, lấy mấy cái lá dấu tẩm thuốc quý luôn đem theo bên mình để phòng thân, dịt vào vết thương trên bụng hổ mẹ. Máu từ vết thương dần dần ngừng chảy…

Song vừa ngẩng lên, bố run lên bần bật, kinh hãi nhận ra một con hổ đực đang nhìn từng cử chỉ cuả người. Nó đã kịp tha về một tảng thịt heo rừng cho vợ con. Bố chắp hai tay lại để lấy can đảm, đi giật lùi. Con hổ đực nheo nheo mắt, khẽ vẫy đuôi về bên trái, đầu hơi nghiêng về bên phải, tư thế báo hiệu nó sẽ không tấn công người…

Ảnh minh họa: Kênh 14

Quay trở lại bè, bố bảo mọi người chuẩn bị nhổ neo. Đúng khi ấy, có ba tên thợ săn xuất hiện, chĩa súng về phía bố, bắt phải lên bờ ngay. Không có cách nào khác, bố đành phải làm y theo lời chúng. Bọn thợ săn khăng khăng nói bố đã lấy được con hổ! Chúng bảo, lần theo vết máu, chúng cũng tới được chỗ con hổ mẹ bị thương. Chỉ lạ là con vật đã bị kẻ nào đó đem đi mất. Xem kỹ dấu chân người còn in trên máu khô, chúng thấy bàn chân rất nhỏ, ngón chân hơi chụm. Không phải dấu bàn chân người bản xứ! Bàn chân người đi rừng nhiều thường to và thô, ngón chân hơi choãi như rễ cây bám vào đá. Vậy thì, chỉ còn cánh lái bè! Không thể khác được!

Một tên thợ săn lăm lăm súng trên tay canh chừng mọi người. Hai tên kia nhào xuống bè, lục soát tất cả mọi thứ đồ đạc. Không thấy gì, chúng lên bờ, xúm vào đánh bố. Những quả đấm, những cú đá hiểm hóc tới tấp giáng xuống, khiến người rũ rượi như một tàu lá héo. Một trong hai tên thợ săn độc ác ôm lấy bố, dựng đứng lên cho tên kia đấm đá tiếp. Hự, hự…Bố tôi ngã vật xuống, kéo cả kẻ ôm mình ngã nhào theo.

Chính vào lúc không ai ngờ đó, bỗng một bóng xám vụt qua. Y như một tia chớp! Sau tiếng gầm man rợ như vọng về từ thời tiền sử, tên thợ săn ngã gục xuống, mặt bị cào nát thành nhiều mảnh. Rồi con hổ nhào lên, hai chân trước quắp chặt lấy tên đang đè lên người bố tôi. Miệng nó ngoạm lấy tay kẻ ác. Hai chân sau cuả nó co lại, đẩy bố tôi ra. Song có lẽ, do cú đẩy quá mạnh, trên ngực bố hằn rõ cả những vết vuốt sắc. Tên cầm súng hết hồn, leo tót lên cây, run rẩy nổ được một phát lên trời…

Sự việc diễn ra chỉ trong chớp mắt. Bởi thế, khi trả lời các nhà chức trách, bố tôi chỉ dám dè dặt cho rằng, con hổ đã hạ cùng một lúc hai người thợ săn kia, hình như là con hổ đực mà bố tôi đã từng gặp khi xuống tay cứu con hổ cái bị thương. Ông còn mô tả thêm, nó rất giống một con mèo…

Nhị Nguyễn

Clip hay:

Exit mobile version