Tản văn “Bài thơ một câu” của tác giả Nguyễn Quốc Văn đề cập đến cách giáo dục con cái của người xưa. “Yêu cho roi cho vọt”, tuy nhiên ngọn roi ấy rất “lành” bởi nó xuất phát từ yêu thương và đức hạnh.
Thuở tôi còn nhỏ, nhà tôi nghèo đến mức cứ trông thấy cơm là tôi thèm có thể khóc lên được vì thương thân, tủi phận…
Vào ngày họ làm đám giỗ cụ tằng tổ, tuy chỉ bé như cái kẹo, nhưng do được cụ trưởng họ bổ theo lệ một suất đinh, tôi cũng được gọi đến để trình diện trước bàn thờ tiền nhân.
Đến lượt, tôi phủ phục xuống trước ban thờ lớn đang nghi ngút hương trầm. Lúc ngẩng đầu lên, tôi thấy một mâm xôi gấc vàng óng ánh những mỡ gà; bên trên là một cái thủ lợn lớn. Vái xong, tôi đứng dậy, lầm rầm khấn…
Mâm xôi níu chân tôi lại. Thừa lúc cụ trưởng họ quay ra ngoài gọi một tay đinh khác vào trình tổ, tôi thò tay véo một nắm xôi nhỏ, giấu lẹm vào túi áo nâu. Lẻn ra ngoài ngõ, tôi ngồi tựa lưng vào một đụn rạ, lấy xôi ăn trộm được ra ăn.
Chính ngọ, mâm lễ được hạ xuống. Cụ đồ Bỉnh, trưởng họ nhìn chăm chắm vào chỗ xôi bị khuyết, giọng lạc đi:
– Các cụ thương con cháu nghèo nên chỉ nếm tí chút hương hoa…
Thấy tôi tái mặt đi, cụ trưởng họ hỏi:
– Có đúng như vậy không, cháu?
Tôi lí nhí:
– Không đúng! Cháu thèm quá nên đã véo một miếng…
– Trời ơi!
Bố tôi đứng bên cạnh kêu lên. Rồi ông nắm lấy tay tôi, lôi xềnh xệch về nhà.
Tôi ăn đến cái roi mây thứ mười thì cụ trưởng họ tới. Cụ nắm lấy cái roi trong tay bố tôi, can:
– Cháu nó trót dại. Nhưng nó đã không lừa ai. Con nên tha trước, rồi dạy dỗ sau…
Bố tôi buông roi, chắp hai tay, lạy:
– Con xin lĩnh lời thầy. Xin thầy xá tội bố chưa dạy bảo con đến nhẽ…
– Thôi được – Cụ trưởng họ nói – Ra ngoài rằm, con cho nó đến nhà ta học lấy ít chữ nghĩa thánh hiền…
Lớp học toàn trẻ con trong xóm. Dĩ nhiên cụ đồ chỉ dạy chữ nho. “Nhân chi sơ, tính bản thiện”, sáu chữ này thầy dạy viết và giải nghĩa mất vị chi là chín buổi. Rồi “Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín”, “Trung, hiếu, tiết, nghĩa”…Về sau, thầy bình cả thơ Đường luật. Hầu hết là thơ tứ tuyệt, do thầy trước tác…
Cụ đồ về với tổ tiên vào đúng ngày xã tôi khánh thành trường cấp một xây ở cạnh một ngôi chùa cổ. Năm ấy, tôi đến trường học chữ quốc ngữ. Càng lên các lớp trên, vốn chữ nho thầy đồ Bỉnh truyền cho chúng tôi cứ ngày một rơi rụng dần. Riêng tôi, học thầy hơn một ngàn chữ, lúc ấy không nhớ nổi lấy vài trăm… Bố tôi hay phàn nàn rằng, trước lúc mất, thầy dặn đã viết riêng cho tôi một bài thơ, nhưng không rõ cụ ghi vào tờ giấy nào. Mà có tìm thấy nó, không biết tôi có còn đủ chữ để đọc và hiểu rõ nghĩa không!
Mấy chục năm đã trôi qua, lòng tôi vẫn canh cánh bài thơ cuối cùng của thầy. Tiếc là cả dòng họ lục tìm mọi bút tích của cụ đồ, vẫn tịnh không thấy.
Hè vừa qua, tôi vượt gần hai ngàn cây số về thăm quê. Rồi bố tôi và tôi – một tóc đã trắng như mây, một mái đầu cũng đã điểm nhiều sợi bạc – lại dắt nhau đến nhà thờ họ. Bố tôi bảo bài trí trên bàn thờ họ thầy tôi đã xếp đặt lại ngay sau ngày tôi véo nắm xôi kia, đến hôm nay vẫn chưa hề thay đổi. Trước bài vị tổ tiên, vẫn hai chiếc độc bình lớn, một cắm thanh gươm, một cắm cây bút lông theo thế nghiêng vào nhau…
Tôi mở to mắt, ngạc nhiên, kêu lên thảng thốt:
– Bố ơi! Bài thơ thầy để lại kia kia kìa! Chỉ độc có một chữ…
Bố tôi bảo tôi đọc bài thơ. Nghe xong, ông ngồi sụp xuống, ôm lấy mặt. Một lát sau, ông nắm lấy tay tôi, khẽ khàng nói:
– Bố biết con học cao, đi nhiều, biết lắm. Song bố cũng cứ hỏi thật: con đã thấu chữ “nhân” thầy để lại chưa?
Nghe bố hỏi, mặt tôi đỏ rần lên vì xấu hổ…
Nguyễn Quốc Văn