Chẳng đợi ngày gió may heo heo thổi, lòng tôi đã ngổn ngang nỗi niềm quê. Khắc khoải nhớ từng mái tranh nép sau lũy tre già xao xác, tôi thương những gương mặt người theo tôi đi dọc một đời người, thương cả con mèo mướp nhỏ bé khoanh tròn tìm giấc ngủ bạn bè ấm áp trong lòng tôi…
Vậy là trời bắt năm tới nhà tôi nghèo! Bố tôi tặc lưỡi: “Tôi tuổi Mão. Cũng chả bần cùng hơn được nữa!”. Còn u tôi thì vừa chít lại cái khăn mỏ quạ vừa bảo: “Một con một của! Biết đâu cái nhau mèo đẻ chả báo vận may”. Riêng chị Cam, chị vẫn thẫn thờ như bị ai hút mất hồn vía, đôi mắt ướt cứ hướng ra cửa, tay quên cả việc đẩy củi vào bếp luộc bánh chưng…
Thuở ấy, ngồi cạnh chị hóng chuyện bố u nói, tôi không hiểu việc con mèo mướp bỏ nhà đi hoang từ mùa thu, bây giờ, đúng vào đêm trừ tịch, nó lù lù dẫn xác về nhà, gào trên mái rạ ” ngoao, ngoao”, rồi chui vào cái chăn bông trên giường chị tôi đẻ ra một con mèo bé tí tẹo, ướt át có gì là lạ nào? Lạ chăng, là con mèo mẹ không ăn cái nhau của nó, như cố ý tỏ lòng thành bằng cách để cho bố u tôi thấy một cái bọc tím tái bên cạnh một con vật yếu ớt chổng bốn vó lên trời. Nghe phong thanh, khi mèo đẻ, nếu bị người ta trông thấy, mèo mẹ sợ mất con nên thường bí mật tha mèo con đem đi giấu ở một nơi kín đáo nào đó. Nhưng con mèo nhà tôi không làm thế. Nó chỉ mệt mỏi hướng đôi mắt xanh như hai hòn bi ve về phía bố u tôi và khẽ đưa cái lưỡi đỏ nhợt nhạt liếm liếm khắp từ đầu đến chân đứa con bé bỏng. Hình như nó đã phó mặc số phận cho con người quyết định?
Bố tôi thở dài, bỏ ra nhà ngoài hút thuốc lào vặt. U tôi sai chị Cam lấy một ít giẻ rách lót thêm vào cái ổ gà cũ, bỏ con vật sơ sinh vào trong, bưng xuống bếp. U lặng lẽ gói cái nhau mèo vào lá chuối khô, đem treo ngay trước cửa chuồng trâu. ” Mèo thuộc họ hàng nhà hổ, kị với trâu”, u tôi nghĩ thế: ” Vậy thì vía con trâu hẳn át được vía con mèo, chả còn gì phải lo lắng nữa”. Nghe u lập lý, bố tôi ngán ngẩm lắc đầu, lấy con dao phay mới được mài sắc lúc chiều ra bờ rào phạt một ngọn dứa đại đem về buộc lủng lẳng ở chái đông nhà. Lúc sang canh, bố xách hai cái lọ sành ra bến đá kín đầy nước đổ vào chum. Khác với mọi năm, bố ra sông một lần nữa để múc thêm một lọ nước trong, đem đặt trước cửa bếp, miệng lầm rầm cầu khấn một điều gì đó…
Sáng mồng một, thức dậy tôi đã thấy nắng xiên qua các lỗ hổng trên hồi nhà, lọt xéo tới đầu giường tôi nằm. Đang định vùng chăn nhỏm dậy, chân tôi bỗng chạm phải một vật mềm mềm, nong nóng. Kéo chăn, tôi suýt kêu lên vì kinh ngạc: Con mèo mẹ đang ôm lấy ôm mèo con cũng vừa bừng tỉnh, khẽ kêu một tiếng ” meo” ngỡ ngàng, ngọng ngịu. Sợ bố buồn, tôi gấp chăn, mặc cho mẹ con mèo nép vào một góc, chạy ra ngoài. Khói hương trầm từ bàn thờ tiên tổ cuộn vòng tròn len qua mành trúc, vương vấn toả ngát cả khoảng sân…
Mấy ngày tết hoan hỉ trôi đi. Đã tới ngày chợ Viềng năm có một phiên duy nhất vào mồng tám tháng giêng. Cũng như mọi năm, bố u tôi kì cọ lại cái mâm đồng gia bảo chờ ngày mai đi trưng chợ cho người đời trầm trồ nhìn ngắm và khảo giá chơi. Biết bố chẳng ưa gì con mèo xui xẻo, tôi xin: “Hay là con đem bán cái nghèo đi”. Bố tôi không đáp, quay mặt đi nơi khác.
Quả là bán cái nghèo không dễ như tôi tưởng, chợ đông như nêm cối mà ai đi qua cũng chỉ cười cười với tôi! Cuối buổi, tôi ôm mèo lẽo đẽo theo bố u tôi về nhà. Tới đầu làng, bỗng nghe một tiếng “ngoao”, tôi giật mình quay lại, đã thấy mèo mẹ đang chạy vọt lên. Thì ra nó đã đeo theo nhà tôi từ sáng sớm. Chả biết lúc tôi giữ mèo con ở chợ, mèo mẹ nằm ở chỗ nào dõi con nó? Tôi hỏi u, u lại trả lời bằng một câu chẳng đâu vào đâu: “Mẹ nào chẳng thương con!”.
Sau rằm tháng giêng, nhà tôi có chuyện vui. Chị Cam tôi năm ấy mười tám. Chị là con bác Quýnh. Bác gái tôi mất năm chị Cam mới sáu tuổi. Bác trai tục huyền, chị tôi rơi vào cảnh dì ghẻ con chồng. Lúc ấy, bố u lấy nhau đã mười năm mà chưa có con bế con bồng. Thương cháu, bố tôi bàn với u đưa chị về ở cùng, những mong nhờ vía chị mà u tôi sẽ hết hiếm hoi. Chả ai ngờ khi tôi ra đời, nhà thêm miệng ăn, vẫn chỉ có ba sào ruộng nên từ đó chẳng mấy vụ đủ lúa xay… Bố tôi bảo, trên đời ông chỉ ghét ba thứ, ấy là giặc ngoại bang, đói nghèo và dốt nát. Bởi thế, khi anh Củng, con trai ông Điền, một người bạn nghèo của bố, nhờ người đến dạm chị Cam, bố tôi đã rất buồn. Mà buồn ai? Chả lẽ lại buồn ông Điền, người bạn nối khố thuở chăn trâu cắt cỏ ngày xưa của mình? Chả lẽ lại buồn giận mình chưa phú quí đã dám khinh bần? Vậy là bố tôi ngửa mặt lên trời, trách Ông Xanh sao nỡ khéo ghẹo người đến vậy! Dĩ nhiên là bố tôi khất lần không nói rõ có hay không nhận lời mai mối xe duyên kia. Chị Cam tôi thì chỉ khóc thầm. Cả anh Củng nữa, anh cao to là thế, mà hôm ông Táo về trời trong năm, đứng cạnh chị tôi dưới tán duối già, tôi chỉ vô tình đi qua mà cũng nghe được rõ cả tiếng tim đập trong lồng ngực anh…
Sang tháng hai nghe đâu xã có đợt đi khai hoang trên Tây bắc. Bố con anh Củng đã sung sẵn một chân. Rồi đây núi sông cách trở, bao giờ mận đào mới tới được vườn hồng? Chao ôi, buồn như thế gì mà không khóc cho đành! Mà con mèo thì vô tâm quá, cứ một mực “nghèo, nghèo” toáng lên. Chị tôi sụt sùi hết cả nước mắt, nén lòng cười gượng bảo con vật: “Nghèo thì đi khai đất để rũ nghèo. Mày kêu cái nỗi gì?”. Hình như câu ấy chạm đến tai bố tôi. Người động lòng, gọi chị Cam lại, nói nhỏ vài câu. Thế là có đám cưới. Và, chị tôi hớn hở sang sang sông, cùng nhà chồng lên Hòa Bình lập xóm mới…
Mưa dầm rồi cũng tạnh. Nắng đầu tháng ba hoe hoe trên những tàu cau. Ngoài mảnh sân trước nhà, mèo mẹ bắt đầu dạy mèo con những bài học đầu tiên. Nằm cuộn tròn, áp tai xuống đất, nghe. Bất ngờ bật dậy, lao vút về phía góc sân, đưa tay vờn một con gián đang cố vỗ vỗ đôi cánh mỏng. Trở vào góc bếp, nằm phủ phục, đôi mắt mèo vẫn mở nhưng tròng mắt to tròn thu nhỏ lại chỉ còn bằng một đường chỉ mảnh. Bỗng, “xoạt”, nó co chân sau phóc vào đống rạ, móc ra một con chuột nhắt, đưa ra sân vờn chơi. Trò mèo đuổi chuột tinh nghịch của đám trẻ con chúng tôi cũng chỉ đến như thế là cùng. Con mèo vờ lơ đãng, nhưng kẻ xấu số chỉ hơi nhúc nhích một chút là nó đã đưa chân trước ra kéo lại ngay. Cho đến khi chán chơi trò ú tim, mèo mới vơ con chuột về phía mình, ngoặm chặt, tha vào chỗ khuất…
Cùng với những đợt mưa rào đầu tiên, sấm như nâng lúa dậy chật cả đất, đòng đòng thơm ngát cả đồng. Không biêt từ đâu, lũ chuột đồng ùn ùn kéo về. Ngay giữa thanh thiên bạnh nhật, chúng lội bì bõm trong các thửa ruộng nước, thả sức cắn lúa. Chén đẫy bụng, chúng ngoi lên bờ ruộng nhởn nhơ, ghẹo nhau chí chóe. Gặp người, chúng giương mắt nhìn, thách thức. Làng tôi mở chiến dịch diệt chuột. Đánh bả, đặt bẫy, đào hang, hun khói có làm cho họ hàng nhà chuột vơi đi một ít nhưng chúng vẫn còn dư sức để phá nát cả đồng lúa. Bố tôi vốn là người lắm mẹo. Người sai tôi nhốt hai con mèo lại, bắt nhịn đói một ngày rồi ôm chúng ra ruộng nhà, đặt mỗi con ở một đầu bờ. Mẹ con mèo đang lỏng bụng, ngửi thấy mùi thịt, vội lao ào xuống ruộng. Mỗi lần no nê là một lần mèo bị rét, tôi phải vơ cỏ khô hoặc tuốt rờm lúa đốt một đống lửa hong cho chúng. Những tiếng “meo, meo” gieo lơ lửng trên số phận bầy gặm nhấm, khiến chúng khiếp vía bỏ đi nơi khác. Thế là cả làng, trong đó có nhà tôi vẫn có được những niềm vui gặt một mùa chiêm nặng hạt…
Kể từ đấy, nhà tôi nhìn mèo bằng con mắt khác. Mỗi bữa ăn, u cho cơm vào một cái đĩa cũ, đặt ở góc nhà cho mẹ con mèo. Mèo mẹ rón rén đến gần đĩa cơm. Nó ngửi ngửi rồi né sang bên cạnh, nhường cho mèo con ăn trước. Mèo con thỏ thẻ ăn từng hạt cơm một, vừa ăn vừa khẽ kêu như ngạc nhiên. “Ăn như khách, đẹp mặt nhỉ?”, bố tôi đùa với mèo con. Con vật nhìn vào mắt người; như đoán được điều con người đang nghĩ, nó mạnh dạn hơn, chui tọt vào lòng bố, ngước mắt, cọ cọ đầu vào bụng người, nũng nịu. Thoắt cái, nó bỗng biến đi đâu mất…
Có một lần, tôi thấy hai mẹ con mèo thi nhau cào cào đất dưới góc khuất của giàn bí đao. Cả hai như đang giấu một vật gì….Hỏi, bố cười tủm tỉm: “Giấu của”. Sạch sẽ, vệ sinh, ý tứ y như người! ” Chả thế mà nó là bạn người?”, bố tôi vẫn nói vậy. Con người và con chó là chủ và tớ. Chủ sai bảo gì, tớ răm rắp làm theo, trung thành, tận tụy cho đến chết. Bởi vậy người ta dễ dàng dạy được chó coi nhà, đi săn, tìm kẻ gian; tuy có tốn công chút ít nhưng chẳng mấy khi uổng sức. Còn mèo, thử hỏi trên đời đã có mấy ai điều khiển được? Mèo thích thì làm, thậm chí dám làm điều chó không bao giờ mơ tới là chui vào chăn ngủ với người. Không cho ăn ư, nó tự bỏ đi chỗ khác, hoặc tự kiếm lấy mà ăn. Tài mò cá, rình chuột, bắt chim – nghĩa là khả năng kiếm ăn được ở dưới nước, trên mặt đất và cả ở trên cây – đủ nuôi nó sống nhàn hạ. Mèo chuộng đời sống cá nhân, ít khi sống thành bầy lũ như các loài cầm thú khác, đặc biệt khi nó biết mình đã già yếu. Ví như con mèo mẹ nhà tôi kia, vào đầu mùa hạ, khi thấy mèo con lông đã mượt, ria mép đã đủ cho gió rung rinh, mắt thi thoảng lại sáng loé lên, nó đã chủ động và cố ý lánh xa con. Mèo con vờn, mèo mẹ bỏ đi. Mèo con kiếm được mồi, chạy ngang qua mặt mẹ như khoe hoặc chia sẻ, mèo mẹ cũng lơ đễnh không hào hứng đuổi theo như ngày nào nữa… Nó lặng lẽ, tha thẩn, khi thì ngoài bụi tre, gốc chuối, lúc thì lại ở trên gác bếp, mái nhà. Và, ít lâu sau, bố tôi hỏi sao không thấy bóng nó đâu, u tôi bảo: ” Mèo già hoá cáo”. Tôi biết u đã lầm nhưng không tiện nói ra việc tôi bới ổ mối cạnh gốc chuối cuối vườn và thấy một khung trắng, dấu vết con mèo mẹ nằm ngủ nghiêng…
Những tối cuối mùa hạ, đầu mùa thu trăng thanh gió mát, cũng là khi công việc đồng áng đã vãn, trai gái làng tôi thường chia làm hai bên nam nữ, ngồi ở hai bên bờ sông Ngọc hát huê tình, còn gọi là hát giao duyên. Gió từ sông thổi xéo ngang mát rượi, câu hát bên này quấn quýt vào câu hát bên kia. Không rõ hát đối đã xe duyên cho bao nhiêu đôi lứa, nhưng thi thoảng bố tôi vẫn khoe rằng, nhờ tốt giọng hát mà người đã khiến u tôi động lòng. U tôi bảo chẳng phải thế, u thương bố chẳng qua vì người hiền lành, chăm chỉ, và vì nhiều thứ khác nữa. Ví như sự say mê…
Tôi nhớ có một đêm đám hát phải bỏ dở. Trai thanh gái lịch ai cũng sợ gặp phải chuyện trắc trở. Vì không rõ từ đâu vọng lại những tiếng mèo kêu khản đục và đau đớn quá. Nghe u tôi nói thì đó chính là tiếng con mèo cái nhà tôi. Nó đã tới tuổi trưởng thành, muốn làm mẹ. Khác với con người muốn kết bạn qua lời hát kín đáo, tế nhị dưới trăng thanh, con mèo không biết giấu lòng mình. Nó khát khao được yêu và hồn nhiên gọi bạn tình một cách công khai. Thế rồi, cũng dưới trăng, tôi nhìn thấy ba bốn con mèo đực lần tới. Chỉ có một con của nhà bác Quýnh, ba con kia không rõ tới từ đâu. Hẳn tai của chúng thính nhạy vô cùng, nghe được cả những âm thanh vừa trầm đục, vừa cao vút của mèo cái bay lẫn trong làn gió nhẹ. Sau đấy là một trận hỗn chiến của bốn con mèo đực. Con mèo nhà tôi ngừng kêu, giương đôi mắt xanh biếc trong đêm nhìn cuộc ẩu đả với vẻ thích thú đặc biệt. Những chú mèo si tình vận hết tài nghệ lao, húc, tát, cào, cắn, tung lên, lộn xuống để hạ bằng được tình địch. Thảo nào con mèo đực nhà bác tôi hay tự chuốt răng và vuốt vào thân tre cật. Và nó đã chiến thắng trong cuộc đua tài để lọt vào đôi mắt xanh chỉ thấy trong mơ kia. Chờ cho ba con kia bỏ chạy, con mèo đực vươn vai bước tới trước mặt con mèo cái, hai con vật khẽ kêu “ngoao, ngoao” hoan hỉ và âu yếm chạm má vào nhau, rồi sóng đôi cùng chạy biến ra cánh đồng, lẫn vào màn đêm mênh mông…
Những năm tháng chiến tranh, có lần tôi cùng đơn vị trú quân tại một bản Mèo, Nghĩa Lộ. Hình như thấy tôi quyến luyến con mèo mướp của gia đình là có ý gì đây, một hôm cô Vừ Seo Cải đột ngột hỏi: ” Bộ đội có muốn ở lại núi không? Ưng thì hết giặc, về đây mình chăm cho”. Tôi đỏ mặt, không biết trả lời ra sao. ” Thôi”, cô gái Mèo nói: ” Mình thích bộ đội thì mình cứ chờ. Mai này, lúc nào viết cái chữ về báo tin cũng được. Nhưng chỉ có ba năm thôi đấy. Không gửi cái chữ về, mình đi đường mình thôi”. Cô gái chất phác qúa. Nhưng tôi đã đi xa tới năm năm, chiến trường ác liệt, cái sống còn không dám nghĩ tới, nên đã không kịp gửi cái chữ về cho Seo Cải. Mặc dầu vậy, giờ tóc đã bạc sau hơn ba chục năm ròng, tôi vẫn còn nhớ như in nét mặt đỏ rừ vì lửa bếp và lửa lòng của cô gái vùng sơn cước. Tôi nhớ cô như nhớ một kỉ niệm của một thời hào hoa và hùng tráng của thế hệ mình, thời mà những nguời lính chúng tôi được nhân dân ở mọi vùng đất nước cưu mang, coi như con cái trong nhà, như cá trong nước. Tôi nhớ cô vì chính cha cô đã truyền cho tôi những miếng võ Mèo nhanh và hiểm của ông. Nhờ những miếng võ ấy, không ít lần tôi đã vượt qua được nhiều thử thách và hiểm nguy trong chiến tranh. Điều an ủi tôi là Seo Cải chỉ giữ lời nguyện ấy đúng ba năm. Nghe nói, bây giờ con trai cô cũng đã là một sĩ quan biên phòng, cô lại sắp lên chức bà nội…
Sau chiến tranh, tôi trở lại TP Hồ Chí Minh dạy học ở một quận nghèo ven đô. Nhà tôi gần kinh Tẻ nên rất nhiều chuột. Trong một lần về quê, tôi đã đem theo một cô mèo nhỏ, không rõ là hậu duệ đời thứ bao nhiêu của con mèo thời tôi còn thơ bé. Cô mèo này lại sinh ra nhiều cô cậu mèo con, mèo cháu nữa…
Đối với tôi, tuy chiến tranh đã lùi xa, nhưng dấu ấn của những năm tháng gian khổ lăn lộn trong rừng xanh vẫn còn hiện diện trong từng cơn sốt rét đến rủn người. Vào những lần như thế, trong nhà có bao nhiêu chăn tôi đều bảo vợ đem ra đắp hết lên người. Dĩ nhiên, cái rét từ trong máu huyết ùa ra rồi đọng lại, thấu buốt cả tim gan. Tôi co người, thót bụng lại để giữ hơi ấm. Bỗng lại thấy một con mèo nằm bên cạnh. Hình như, bằng kinh nghiệm của loài vật, nó hiểu rất rõ tôi đang cần được sưởi ấm như thế nào. Và, như một người bạn nhỏ, con mèo đã chọn đúng lúc để đến an ủi tôi chăng?
Mấy con mèo nhà tôi có tiếng là tình nghĩa. Bạn bè tôi ai mê giống mèo hay chuột đều được tôi ẵm đến tận nhà biếu một con. Người nào cũng lấy làm mãn nguyện vì nhà họ không còn bị loài chuột quấy nhiễu. Riêng con mèo mẹ, đến năm ngoái, ngay cả lúc thấy một con chuột cống cỡ bự tự do lục xoong nồi trong bếp, nó vẫn chỉ giương mắt nhìn như một nhà hiền triết. No đủ quá nên sinh biếng nhác chăng? May là không phải thế, chẳng qua là vì nó sắp sinh con mà thôi.
Một hôm, trong bữa ăn, không hiểu sao mèo mẹ cứ cọ cọ mãi vào chân tôi. Tưởng con vật đòi ăn, tôi gắp một miếng cá bỏ vào bát riêng của nó. Con mèo mẹ “ngoeo ngoeo” gọi ba con mèo con lại, cùng nhấm nháp miếng cá. Rồi ngay tối hôm đó, nó chui vào hầm của một cái xà lan cũ nát và không bao giờ trở ra nữa, vĩnh viễn nhường lại việc bắt chuột cho những đứa con đang độ lớn nhanh như thổi ấy…
Tôi biết mèo mẹ đã được thanh thản. Bởi, những bài học truyền đời mà nó đã kịp dạy cho bầy con hiện đang được thực hành rất cần mẫn và hiệu qủa. Còn tôi, thì tôi tin rằng, lũ chuột hại người, hại đời kia sẽ chẳng bao giờ còn dám bén mảng tới căn nhà ấm áp của tôi nữa, căn nhà có tới những ba con mèo sung sức…
Nhị Nguyễn
Xem thêm: