Má luôn nói với mấy chị em tôi: “Con đường đi đến hạnh phúc là do chính mình, con đường có thể bằng phẳng hoặc đôi khi lồi lõm, sóng gió và ta đến được cuối con đường nơi hạnh phúc đang chờ đợi hay không là do mỗi chúng ta, đã là vợ chồng sống với nhau thì phải có niềm tin, phải cùng sẻ chia và có trách nhiệm…”

Nhà có ba chị gái, từ ngày các chị còn chưa lấy chồng, má luôn căn dặn nhiều điều, má chỉ lo sau này các chị về làm dâu nhà người ta không biết cách ăn ở, đối đáp làm người ta phiền lòng.

Ngày chị Hai sắp lấy chồng, má khóc thầm nhiều đêm! Má nói: “Bao nhiêu người gần kề không lấy mà ưng người tận đất mũi Cà Mau”. Rồi má lau nước mắt: “Thôi thì theo duyên phận vậy, chỉ mong vợ chồng con thương nhau là má an tâm”. Một năm sau, chị Ba cũng lấy chồng, thêm lần nữa nước mắt má lại rưng rưng, chị Ba theo chồng về quê ở tận Vĩnh Thuận, Kiên Giang, nơi mà người ta thường gọi là vùng Miệt Thứ xa xôi, chỉ có ngày cưới chị Tư là má bớt âu lo phần nào, vì chị Tư lấy chồng cùng tỉnh.

Ảnh: Dân Trí

Có lần má nói với tôi: “Má ruột của con đã mất từ lâu và đối với má, má luôn coi con như con trai út của má, đừng phân vân con ruột hay con nuôi, má không suy nghĩ như vậy bao giờ, cho nên má cũng muốn sau này con lấy vợ, dù vợ con là người cùng thôn hay khác xứ, dù có địa vị hay thường dân thì con hãy hiểu và chia sẻ cuộc sống gia đình cùng họ…”. Tôi hiểu tấm lòng của má, hiểu những cảm xúc của má mỗi lúc tuổi về già, tôi biết niềm vui lớn nhất của má là thấy các con mình được hạnh phúc, khỏe mạnh. Hàng tuần, vợ chồng chị Tư dù có bận việc gì đi chăng nữa thì vẫn chạy xe gắn máy sáu mươi cây số để được về bên má, má vui lắm, má cười khi thấy cháu mình nói: “Ngoại ơi! Con chỉ thích về quê ngoại, được theo cậu Út ra bưng chơi”. Cũng có thể thằng bé con chị Tư nhà ở thành phố luôn tấp nập ồn ào, nên nó thích về quê ngoại để được đi bưng biền, đồng ruộng.

Có lần chị Tư giận anh Tư vì anh đi nhậu về khuya, rồi chị Tư lại dắt con theo về kể lể với má, má mới nói: “Cuộc sống vợ chồng có lúc này lúc kia, con cứ giận một cái là chạy về đây, má không chứa đâu, dù sao chồng con nó cũng biết lỗi rồi, nó đã gọi điện cho con mà con không nghe máy, không những thế, cháu ngoại của má cũng phải nghỉ học để về theo con…”. Nghe lời má, chị Tư lại cười tươi rồi phải quay về ngay: “Má à, dù sao con cũng được về bên má, và được ăn cơm của má nấu mà!”.

Ảnh: Karofi

Ba mất sớm, suốt những năm qua một mình má lo toan cho cả gia đình, má luôn là người phụ nữ nghị lực để cho những đứa con của mình được no ấm, trưởng thành. Đã hơn một năm, má chưa gặp vợ chồng chị Hai và chị Ba, mỗi buổi chiều má lại ra vườn nhặt những tàu dừa khô, gió dưới triền sông thổi lên làm cho những sợi tóc bạc trên mái đầu của má vướng vào khuôn mặt gầy gò và làn da nhăn nheo đã phai màu nâu trộn theo thời gian trong suốt cuộc đời của má! Mỗi khi có tiếng chuông điện thoại dưới miền Tây gọi lên, má vui mừng vì đó là vợ chồng chị Hai hoặc chị Ba gọi về, rồi má lại nói: “Đừng lo cho má, má vẫn khỏe”. Có lúc má khoe với các anh chị: “Thằng Út mới đạt giải thi nhiếp ảnh đó!”. Sau những cuộc trò chuyện, má lại ra ngồi ngoài hàng ba, đôi mắt nhìn xa xăm, có lúc má nói với tôi: “Không biết các chị con lấy chồng xa, vợ chồng chúng nó có hạnh phúc, êm ấm cửa nhà, làm có đủ sống hay không?”. Tháng trước nghe tin chị Ba bị rắn cắn, cả đêm má thức, má sốt ruột vì từ nhà chị Ba lên bệnh viện rất xa, mà phải đi bằng ghe xuồng, đến khi chị Ba qua được cơn nguy kịch thì vợ chồng chị Hai nuôi tôm bị bệnh mất trắng, má gọi điện xuống: “Má có chút tiền trong sổ tiết kiệm để má rút ra, má gửi xuống cho vợ chồng con lấy cái mà xoay sở”. Rồi anh Hai chồng chị Hai nói với má: “Vợ chồng chúng con không có lo cho má thì thôi, má cứ để đó lúc nào má cần làm gì thì làm, chúng con tự lo được, má hãy yên tâm”. Không những vợ chồng chị Hai, mà cả vợ chồng chị Ba, chị Tư cũng vậy, ai cũng lo cho má vì xa nhà má. Ba người con rể luôn coi má như má ruột và các anh luôn thương yêu vợ con, nên má thường nhắc là má thấy mình có phước của ông bà tổ tiên để lại.

Có những năm, vợ chồng chị Hai, chị Ba về ăn Tết với má, má chuẩn bị đủ thứ, chái bếp hiên sau thơm lừng mùi bánh má nấu, má làm những loại bánh mà mấy chị em tôi thích ăn, má trồng bông cúc trước cả mấy tháng, đợi khi xuân về, Tết đến! Các con, các cháu quây quần là lúc cúc vàng cũng trổ bông từ đầu ngõ vô sân. Má luôn nói với mấy chị em tôi: “Con đường đi đến hạnh phúc là do chính mình, con đường có thể bằng phẳng hoặc đôi khi lồi lõm, sóng gió và ta đến được cuối con đường nơi hạnh phúc đang chờ đợi hay không là do mỗi chúng ta, đã là vợ chồng sống với nhau thì phải có niềm tin, phải cùng sẻ chia và có trách nhiệm…”. Chính vì thế mà mấy chị em tôi luôn ghi nhớ những lời căn dặn của má, những lời nói của má là món quà vô giá, là hành trang cho hành trình hạnh phúc của chúng tôi.

Clip hay:

videoinfo__video3.dkn.tv||823fdda98__

Từ Khóa: