Đại Kỷ Nguyên

Tản văn: Nơi quê cha đất tổ

Sau ngày đất nước liền một dải, u tôi nhận được tin chú tôi còn sống, hiện cư ngụ ở Sài Gòn. Tôi, một Việt kiều Pháp, đã trở về Việt Nam tìm chú, và từ đó đến nay, tôi đã về nước bốn lần. Song cho mãi tới lần này, tôi mới có thể viết bằng tiếng Việt – tiếng của ngọn nguồn xứ sở cha ông…

Tôi lớn lên, biết có quê cha. Tiếng Việt thực ra đã thổn thức trong ngực tôi nhiều năm, nhưng không bật ra được tròn vành, rõ tiếng. Những lần về Việt Nam tôi thường ở nhà chú. Ở đấy, em họ tôi, chú Bắc, một thầy giáo dạy phổ thông trung học, thường dẫn tôi đi chơi.

Nhớ lần đầu, tôi đi đâu cũng chỉ nói tiếng Pháp. Hai người Việt dịch cho nhau nghe. Điều này làm tôi thẹn chín cả mặt khi ở chốn đông người. Năm đó là mùa xuân 1981. Tôi đã sẻ chia với gia đình chú tôi một cái Tết nghèo nhất trong đời mà tôi biết được. Tôi có mang một số tiền về biếu chú. Nài nỉ thế nào chú cũng không nhận. Vậy mà bây giờ chú tôi lại bảo: “Ngọc, em Bắc nó không dám phiền chị, nhờ chú xin giúp thứ này cho nó. Nếu cháu làm được thì cố gắng. Thôi thì…”. Chú tôi ngừng lời, nhìn tôi… Tôi mừng rỡ, đoán: “Chắc chú Bắc chưa có nhà, muốn nhờ cháu giúp đỡ…”. Chú tôi cười: “Không, không! Vợ chồng nó ở chung với chú thím được rồi. Ăn hết nhiều chứ ở hết mấy!”. “Thế Bắc muốn nhờ cháu gì ạ!”. Chú tôi bảo: “Bắc nó dạy học. Nó nói sách giáo khoa bên đó đã được biên soạn kĩ lưỡng nhiều lần nên khá chuẩn. Nó muốn có một bộ sách để làm tài liệu tham khảo…”.

Chao ôi! Ở Pa-ri, tôi nghe người ta nói: về Việt Nam, cứ cho người nhà nhiều tiền là tốt. Vậy mà Bắc chỉ xin sách! Ôi em tôi, sao mà nó giống chú tôi! U tôi kể, lúc đi học ngày xưa, hai anh em học chung một lớp, chỉ một mình chú tôi học, thầy tôi chỉ copy thôi. Kỷ niệm lần đầu tiên về đất nước là gia đình chú, là Bắc. Tôi đã kể lại chuyện này cả Pa-ri nghe. Người ta cho là tôi bịa chuyện.

Ảnh minh họa: Hình ảnh Việt Nam

Tết năm 1983, tôi về Việt Nam cùng cháu Việt, đứa con trai lớn nhất của tôi. Tôi mang cho Bắc khá nhiều sách. Ở sân bay, người ta giữ lại, kiểm tra rất ngặt rồi đưa vào kho. Hai hôm sau, lúc nhận lại, người ta chỉ trả ba cuốn. Hỏi Bắc, chú chỉ cười, bảo chắc là tôi chọn lộn sách. Thuở ấy, Việt học lớp bốn. Hai chú cháu quấn lấy nhau. Chú giảng cho cháu nhiều cái mà có nằm mơ nó cũng không bao giờ biết. Tối, chú chở cháu đi xem chèo. Nghe không hiểu, nhưng về nhà chú dịch cho, Việt thích lắm. Tôi không ngờ bây giờ Việt lại theo ngành Đông Phương, thạo tiếng Việt hơn cả tôi. Năm ngoái cháu có về Việt Nam, đến tận Đặng Xá xem chèo cổ, lên cầu Họ thắp hương trên mộ ông bà nội ngoại. Ở đấy, cháu có làm một bài thơ lục bát, rồi tự tay đốt trên mộ ông nội… Cháu kể lại: Khi lửa cháy, gió bấc thổi qua các rặng phi lao trồng ken kín bốn chung quanh nghĩa trang nghe ù ù và cháu như nghe thấy giọng ông bà đang thì thầm dưới đất, tàn giấy tự nhiên bay ngược lại, có mảnh dính đúng vào ngực cháu. Thằng bé tế nhị lấy một dúm đất đồng chiêm đem về Pháp…

Đến năm 1991 tôi và chồng đưa u tôi về Sài Gòn. U muốn cùng chú tôi đến nơi có ngôi chùa thầy tôi yên nghỉ ở Pắc Xế! Va-li vợ chồng chúng tôi căng đầy quần áo. Tôi nhớ món quà cho Bắc, sợ bị mất như lần trước, để mỗi nơi mỗi cuốn. Vì thế, xuống sân bay, chỉ trong năm phút, tôi đã gọi taxi, mang hết hành lý về nhà chú. U trông thấy chú tôi, cứ cầm lấy tay, nghẹn ngào. Trong lúc đó, chú tôi lại khóc tức tưởi. U phải bảo: “Chú y như ngày xưa. Con gái lắm…”, chú mới nín, lấy khăn lau nước mắt.

Rồi u tôi và chú tôi sang Lào. Hôm tôi và anh Đào bay ra Hải Phòng thăm một người nhà trở vào đã thấy hai cụ già ngồi rì rầm. Nhà có thêm bức ảnh thầy tôi phóng to đặt trên bàn thờ. Hai chị em đã mang tro cốt thầy tôi về chùa Vĩnh Nghiêm để chú tôi tiện đường hương khói. Rồi, ngày mồng một Tết, cả nhà lên chùa. Trong tiếng chuông lơ lửng khua vào sớm mai, u tôi lặng đi. Chú tôi bảo trông thấy thầy tôi trong làn khói hương đang cười… Lần này tôi mang u tôi về với thầy. Đó là nguyện vọng cuối cùng của một người xa xứ. U tôi dặn khi nào chú thím tôi theo thầy u tôi, nhớ dặn Bắc xin chùa đem cả bốn người về cầu Họ. Đồng chiêm vốn là nơi cả gia đình tôi dù đi xa, vẫn đêm ngày thắc thỏm nhớ…

Ảnh minh họa: Thủ Thuật Phần Mềm

Giữa tháng Chạp, theo nguyện vọng của chú thím, tôi và Bắc lo sắp xếp công việc, về Hà Nam thăm viếng quê hương… Hai chị em đều có chung một cảm tưởng: mới có mấy năm xa cách mà quê hương đổi thay nhiều quá… Chỉ có nấm mộ tổ là vẫn nguyên vẹn như xưa, Bắc nói thế. Chú bảo tôi đứng phía cuối, chú đứng phía đầu mộ. Tôi vái chín lần, chú ấy lạy bảy lần, rồi mới cắm hương xung quanh mộ. Cả hai đền lầm bầm cầu mong đất nước thái bình, toàn dân no ấm, cháu con được ông bà phù hộ chân cứng đá mềm nơi cùng trời cuối đất…

Gần Tết, Bắc dẫn tôi đi xem hoa mai, hoa đào và sách… Thấy tên em mình trên bìa những cuốn sách khiêm tốn, tôi muốn khóc lên được… Hai chị em rủ nhau đi ăn món bún ốc Bình Lục mà tôi ưa thích, rồi đi chợ Cũ, chọn mua lá gói bánh chưng. Chiều, tôi ngồi nhặt lá, xem em gói bánh. Khuya, chị em thức trắng đêm chờ vớt bánh. Mùi lá, mùi gạo, đỗ và thịt lợn quê nhà nghi ngút bốc lên.

Sáng hôm sau, áo tôi đầy mùi bánh chưng quê. Tôi bỗng nhớ lời Bắc khi hai chị em đi thắp hương ở mộ tổ ngoài cồn Rùa. Mộ tổ bằng mười hai cái chiếu cói, vuông vức, mặt phẳng lì, bốn chung quanh có xẻ rãnh để phân biệt ranh giới. Tôi nhớ có lần Bắc đã nói hình vuông là hình của đất và nước… Ép bánh xong, Bắc nhờ tôi kêu chú tôi xuống xếp bánh lên bàn thờ. Chú tôi quần áo tề chỉnh từ bao giờ không rõ, tay run run mở cuốn bài vị rồi lần lượt xếp bánh chưng thành hai chồng cao bên cạnh mâm ngũ quả. Tôi giật mình: Hai chồng bánh như hai cái tháp vuông tỏ ơn cha nghĩa mẹ, ông bà tiên tổ… Có phải vì vậy không mà bánh chưng vuông vức thế? Tấm bánh như cuốn sách, có thể đọc được lòng ai…

Clip ý nghĩa:

Exit mobile version